Thứ Năm, 18/04/2024

Yên Mô: Nâng cao giá trị nông sản vụ đông qua chuỗi liên kết

Thứ Ba, 06/10/2020 Đã xem: 14

Những năm gần đây, Yên Mô đã tăng cường xây dựng các mối liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp ở vụ đông nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản và nâng cao giá trị cây trồng. Nhờ đó, vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm và mang lại hiệu quả kinh kế cao cho bà con nông dân địa phương.

Bà con nông dân Yên Mô đẩy mạnh liên kết sản xuất trong vụ Đông

Xã Yên Thái được đánh giá là một trong những điểm sáng trong trong đẩy mạnh phát triển vụ đông có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Năm 2019, Yên Thái đã gieo trồng hơn 120 ha cây đông các loại, trong đó trên 50% được  liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. 

Chủ tịch UBND xã Yên Thái, Vũ Văn Đạo cho biết: Nhiều cây trồng có liên kết sản xuất đã cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Trong đó phải kể đến cây lạc được các HTX liên kết với Trung  tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ với diện tích lên tới hơn 40 ha có năng  suất bình quân đạt 24,5 tạ/ha; bình quân giá trị sản xuất 1 ha canh tác lạc đông đạt 46,1 triệu đồng. Ngoài cây lạc, các cây trồng khác như ngô ngọt,  khoai tây, cây dược liệu cũng được liên kết và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã. 

Theo báo cáo của UBND huyện Yên Mô, vụ đông năm 2019, trên địa bàn có 10 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Công ty TNHH phát triển thương mại giống cây trồng Đức Minh, Công ty Cổ phần giống cây trồng nông sản xuất khẩu Kiên Giang, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu  Đồng Giao, Công ty TNHH Thanh An, Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ, Công ty TNHH ớt Việt Nam…

Toàn huyện đã có hơn 200 ha diện tích cây đông được liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm, chủ yếu là ngô ngọt, lạc, đậu tương rau xuất khẩu, khoai tây, ớt, hành, hẹ, ngải cứu.... Hầu hết các doanh nghiệp tham gia liên kết đã hỗ trợ bà con nông dân về mặt kỹ thuật, cho tạm ứng giống để sản xuất. Các cây trồng trong mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều cho năng suất, giá trị cao. 

Nhờ liên sản kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, những người nông dân không còn lo tình trạng "được mùa mất giá", giá trị thu nhập trên những diện tích này cũng tăng, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất vụ đông năm 2019 của huyện Yên Mô ước đạt trên 133 tỷ đồng (tăng gần 39 tỷ đồng); bình quân giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 82,7 triệu đồng, tăng 21,6 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2018

Ở vụ đông năm 2020, huyện Yên Mô tiếp tục có kế hoạch và đề ra mục tiêu mở rộng hơn nữa diện tích trồng cây đông hàng hóa có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, đây là mục tiêu khả quan vì qua khảo sát cho thấy Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ có nhu cầu mở rộng vùng liên kết sản xuất lạc, công ty TNHH phát triển thương mại giống cây trồng Đức Minh có nhu cầu mở rộng diện tích liên kết sản xuất khoai tây xuất khẩu, công ty Cổ phần giống cây trồng và nông sản xuất khẩu Kiên Giang có nhu cầu mở rộng diện tích liên kết sản xuất 50 ha khoai tây, 20 ha bí đỏ hồ lô, từ 5-10 ha hành vụ đông. Có thể thấy đây sẽ là cơ hội rất lớn để các HTX nông nghiệp nắm bắt và đẩy mạnh sản xuất vụ đông hàng hóa có giá trị cao. 

Để đạt mục tiêu trên, huyện đã chỉ đạo các địa phương, các HTX nông nghiệp chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để mở rộng diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu một số sản phẩm như: lạc, ngô ngọt, đậu  tương rau xuất khẩu, ớt, khoai tây, ngải cứu... đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất. 

Đối với các doanh nghiệp, đơn vị  thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, huyện yêu cầu tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp, bà con nông dân về tập huấn kỹ thuật, ứng trước vật tư nông nghiệp và thực hiện thanh toán tiền theo đúng hợp đồng đã ký kết. 

Các địa phương phải trách nhiệm và giữ uy tín đối với các doanh nghiệp, có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ vùng nguyên liệu, đảm bảo không thất thoát, cung ứng đủ sản lượng và chất lượng như đã ký kết. 

Bên cạnh đó, các địa phương, các HTX nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về hiệu quả và trách nhiệm khi tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng bán sản phẩm ra ngoài thị trường, phá vỡ hợp đồng cuối vụ sản xuất.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?