* Lịch sử và tên gọi:
Trường Yên là vùng đất có di tích được hình thành từ khá sớm, gắn liền với không gian của vùng đồng bằng do sông Hoàng Long bồi đắp, ven sơn hệ đá vôi Hoa Lư, nơi có những dấu tích của người tiền sử.
Từ xưa tới nay vùng đất đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau:
Xưa vùng đất này thuộc đất Nam Giao, Thời Tần (246 - 207 TCN) thuộc Tượng Quận, thời Hán (206 TCN - 265) thuộc quận Giao Chỉ; từ thời Ngô, Tấn về sau thuộc Giao Châu; cuối thời Lương (907-960) thuộc huyện Trường Sơn, Châu Trường.
Thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê (968 - 1009) thuộc Châu Trường; theo lý giải của các nhà nghiên cứu, Trường Yên hay Trường An đều chỉ cách gọi khác đi của danh từ Tràng An (muôn đời bình yên) - kinh đô nhà Hán. Tên Trường Yên dưới thời Đinh Tiên Hoàng bắt đầu được gọi Tràng An trong cụm từ "Hoa Lư Đô thị Hán Tràng An" khi ông dựng kinh đô Đại Cồ Việt tại Hoa Lư với hàm ý khẳng định kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An của nhà Hán.
Thời Lý (1010 - 1225) đổi là phủ Trường Yên, sau gọi là châu Đại Hoàng. Dưới nhiều thời đại vùng đất khu vực Ninh Bình ngày nay vẫn mang tên gọi là phủ Trường Yên hay phủ Tràng An.
Thời Trần (1226 - 1400) thuộc lộ Trường Yên; thời thuộc Minh (1407 - 1427) là huyện Lê Bình châu Trường Yên, phủ Kiến Bình; thời Lê (1427 - 1789), buổi đầu theo thời Trần gọi là lộ, trấn Trường Yên, đời Thiệu Bình (Lê Thái Tôn 1434 - 1439) thuộc đất huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên thuộc vào Thanh Hoa; thời Hồng Đức (Lê Thánh Tôn 1470 - 1497) thuộc đất Gia Viễn, phủ Trường Yên thuộc Sơn Nam thừa tuyên; thời nhà Mạc (1527-1595) là đất phủ Trường Yên. Sau khi nhà Lê diệt nhà Mạc, lại đem lệ vào Thanh Hoa Ngoại Trấn.
Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), năm Gia Long thứ 5 (1806) thuộc đạo Thanh Bình, trấn Thanh Hoa; năm Minh Mệnh thứ 2 (Thánh Tổ Nguyễn Phúc Đản 1821) là đất tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, phủ Yên Khánh, đạo Ninh Bình, năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình.
Năm 1906, nhà Nguyễn lấy 4 tổng phía Nam của huyện Gia Viễn và 4 tổng phía Bắc của huyện Yên Khánh thành lập huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư).
Trước cách mạng tháng Tám (1945), tổng Trường Yên (là xã Trường Yên ngày nay) thuộc huyện Gia Viễn; năm 1946, các xã thuộc tổng Trường Yên hợp nhất thành xã Tràng An; tháng 6 năm 1949, xã Tràng An đổi tên thành xã Gia Trường.
Năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc, cải cách ruộng đất, tổng Trường Yên chia thành 2 xã: Gia Trường và Gia Thành, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Xã Gia Thành( bao gồm : Yên Thượng, Yên Thành và Chi Phong).
Xã Gia Trường ( bao gồm : Yên Trạch, Yên Trung và Yên Hạ ).
Năm 1962 hai xã trên tái lập thành tên gọi mới là xã Trường Yên, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Tháng 12 năm 1975, quốc hội khóa V quyết định hợp nhất 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà thành 1 tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 27/4/1977, Hội đồng chính phủ ra quyết định số 125/CP hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình, lấy tên là huyện Hoa Lư.
Hiện nay là xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
* Vị trí địa lý
Trụ sở xã cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7 km. Xã Trường Yên hiện có quốc lộ 38B nối từ thị trấn Thiên Tôn đến ngã ba Anh Trỗi (Nho Quan) và đại lộ Tràng An đi qua.
Xã Trường Yên nằm ở phía tây huyện Hoa Lư, giáp với huyện Gia Viễn qua sông Hoàng Long ở phía bắc và xã Gia Sinh ở phía tây. Phía đông giáp với các xã Ninh Giang, Ninh Hòa, phía nam giáp với Ninh Xuân, Ninh Hải đều thuộc huyện Hoa Lư. Trường Yên là xã thuộc vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi. Vùng núi đá vôi tập trung nhiều ở phía tây và phía nam của xã.
Tổng diện tích đất tự nhiện là 2140,01 ha gồm:
- Đất nông nghiệp 1.352,69 ha gồm: đất sản xuất nông nghiệp 432,29 ha; đất nuôi trồng thủy sản 35,40 ha; đất lâm nghiệp: 885 ha;
- Đất phi nông nghiệp 676,24 ha, trong đó đất ở 54,21 ha; đất chuyên dùng 467,06 ha;
- Đất chưa sử dụng: 111,08 ha; bao gồm: Đất bằng 81,68ha; Đất núi đá 29,05 ha.
Xã Trường Yên có 3 con sông chảy qua là: Sông Hoàng Long, sông Sào Khê và sông Chanh là những tuyến đường thủy quan trọng và nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn xã. Xã có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua: Quốc lộ 38B; đường du lịch nối liền Thành phố Ninh Bình- Tràng An- Bái Đính - Cúc phương; đường Trường an kết nối Đinh Lê, Bái đính; đường du lịch Bái Đính - Kim Sơn
Xã Trường Yên gồm 16 thôn: thôn Đông, thôn Tây, thôn Nam, thôn Bắc, thôn Trung, thôn Tam Kỳ, thôn Trường An, thôn Chi Phong, thôn Tụ An, thôn Trường Sơn, thôn Trường Thịnh, thôn Trường Xuân, thôn Tân Hoa, thôn Vàng Ngọc, thôn Yên Trạch, thôn Đông Thành.
* Kinh tế
Cư dân xã Trường Yên có các nghề xây dựng, chế tạo đá mỹ nghệ, trồng lúa, chăn thả dê núi, đánh cá và kinh doanh du lịch.
Trường Yên có khu du lịch Tràng An và cố đô Hoa Lư là những điểm du lịch lớn thuộc quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Xã cũng nằm trên tuyến đường dẫn vào chùa Bái Đính, nhờ đó mà nghề kinh doanh du lịch phát triển. Dọc đường Tràng An và quốc lộ 38B là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, nhà ở du lịch gia đình phát triển mạnh. Nhiều người dân Trường Yên còn tham gia chèo đò tại các khu du lịch.
* Văn hóa xã hội
Trường Yên là một trong ba cơ sở có chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Trường Yên cùng các xã xung quanh đứng dậy dành chính quyền, lập chính quyền mới. Trường Yên có địa hình hiểm yếu, nằm trên quần thể đá vôi, núi non trùng điệp. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Trường Yên không những cùng cả nước đánh giặc mà còn là nơi ở sơ tán của cơ quan đầu não của tỉnh Ninh bình. Người Trường Yên bất khuất, kiên trung, dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ công binh xưởng an toàn, đập tan trận tập kích 1/1948 của thực dân Pháp và bọn tay sai ở đất Trường Yên. Năm 2005 xã Trường Yên vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vụ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp”; năm 2014 được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 trong thời kỳ xây dựng đất nước và nhiều bằng khen giấy khen của tỉnh, huyện. Nhân dân xã Trường Yên có truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, luôn tin tưởng, ủng hộ, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
* Một số Di tích nổi bật:
Trường Yên là xã chính trong phạm vi ranh giới Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là những di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới.
Trên địa bàn xã có có 22 di tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa (trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 11 di tích cấp quốc gia; 9 di tích cấp tỉnh) và 2 bảo vật được công nhận Bảo vật Quốc Quốc gia.
Các di tích thuộc khu di tích Cố đô Hoa Lư như:
· Khu vực núi đá Trường Yên: kinh đô Hoa Lư được xây dựng từ cách nối các ngọn núi đá tự nhiên bằng tường thành nhân tạo. Hệ thống núi đá vôi ở Trường Yên gồm nhiều tên gọi: núi Cột Cờ, núi Cắm Gươm, núi Thanh Lâu, núi Cổ Giải, núi Chợ...
· Đền Vua Đinh Tiên Hoàng: nằm ở trên nền cung điện Hoa Lư xưa.
· Đền Vua Lê Đại Hành: nằm gần đền thờ Đinh Tiên Hoàng.
· Hang Muối: tương truyền là nơi cất giữ muối, lương thực.
· Hang Quàn: Hiện được dùng làm kho dự trữ quốc phòng
· Núi Chùa Am (còn gọi là chùa Cổ Am hay chùa Đìa) nằm gần chợ Cầu Đông.
· Chùa Nhất Trụ: được vua Lê Đại Hành xây dựng làm nơi ở của các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận.
· Động Am Tiên: là nơi nhốt hổ báo để xử lý người có tội.
· Đình Yên Trạch: Thờ vua Đinh Tiên Hoàng
· Chùa Kim Ngân (hay chùa Ngần Xuyên): là nơi để kho vàng bạc dưới thời Lê Đại Hành.
· Phủ Đông Vương: thờ Đông Thành Vương con thứ 2 vua Lê.
· Phủ Kình Thiên: Thờ Kình Thiên Vươn con cả vua Lê, còn có tên là phủ Vườn Thiên.
· Phủ Bà Chúa ở làng Yên Trạch, thờ công chúa Đinh Phù Dung và phò mã Trương Quán Sơn.
· Đền thờ Công chúa Phất Kim: Thờ công chúa Phất Kim con vua Đinh
· Bia Cửa Đông: Bia tạc vào núi ghi lại sự tích cửa đông.
· Lăng vua Đinh và lăng vua Lê: được xây dựng tại núi Mã Yên.
* Nét văn hóa độc đáo (đô thị cổ Hoa Lư với làng cổ Yên Thành, Yên Thượng và làng cổ Chi Phong).
Hoa Lư là đô thị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Năm 970, đồng tiền Việt Nam đầu tiên đã được Vua Đinh Tiên Hoàng cho phát hành, đánh dấu sự ra đời của nền kinh tế, tài chính của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đại Việt Sử ký toàn thư cho biết năm Thái Bình thứ 7 (976) tại đây thuyền buôn nước ngoài tới dâng sản vật, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt. Khu di tích Hoa Lư hiện tại có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Hoa Lư cũng như Thăng Long sau này là phố chợ, núi chợ, tường Dền, thành Dền, cầu Dền, cầu Đông, tường Đông, cửa Đông và phủ Chợ.
Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Hoa Lư vẫn mang dáng dấp của một đô thị cổ kính được quan tâm, tìm hiểu. Những ngôi nhà cổ ở đây mang nét đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ, được hình thành từ những tục quán sinh hoạt văn hóa lâu đời. Các nhà nghiên cứu còn so sánh Hoa Lư với đô thị Tràng An, đô thị cổ nhất của Trung Hoa qua vế đối "Hoa Lư đô thị Hán Tràng An". Với núi cao, hào sâu, Đô thị Hoa Lư vừa là quân thành lợi hại, hiểm hóc vừa hùng tráng, hữu tình của một thắng cảnh.
Dấu ấn đô thị cổ Hoa Lư còn lại ở nhiều di tích và tập tục văn hóa của các làng cổ Yên Thành, Yên Thượng và Chi Phong.
Làng cổ Yên Thành được giới hạn bởi 3 cổng chốt: cửa bắc vào trung tâm di tích Hoa Lư, cửa bắc vào kinh đô Hoa Lư xưa tại vị trí cầu Dền và cầu Đông nối với làng Yên Thượng. Đây là một làng cổ có vai trò trung tâm kết nối không gian giao thông và văn hóa với các làng lân cận của Hoa Lư tứ trấn.
Làng nằm khá biệt lập, ba mặt giáp sông Sào Khê ngăn cách với làng Yên Thượng, phía nam giáp với các di tích trung tâm cố đô Hoa Lư, phía tây giáp với núi Đìa, núi Chợ.
Làng Yên Thành được chia thành 4 thôn: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Đây là làng duy nhất ở Trường Yên chia thôn theo các hướng cổ truyền Việt Nam. Trung tâm xã Trường Yên thuộc làng này.
Về vị trí so với kinh đô Hoa Lư xưa thì làng cổ Yên Thành nằm ở phía bắc của thành Đông. Trong sơ đồ kinh đô Hoa Lư thì thành Đông là nơi đặt cung điện trung tâm, thành Tây là khu hậu cung, thành Nam là khu vực phòng thủ quân sự.
Nhờ ở vào vị trí đặc biệt mà làng Yên Thành có rất nhiều di tích của cố đô Hoa Lư và lưu giữ nhiều phong tục tập quán cổ truyền. Đình Yên Thành là nơi sinh hoạt của làng. Các di tích khác do làng quản lý gồm: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Cổ Am và phủ Chợ.
Làng cổ Chi Phong nằm trọn trong thành Tây kinh đô Hoa Lư xưa. Làng đồng thời là một trong 16 thôn của xã Trường Yên. Là quê hương của ông tổ nghề xây dựng Ninh Hữu Hưng. Hiện nay trên địa bàn làng có nhiều di tích văn hóa như đền Bin thờ vị quan trấn giữ thành Tây, đền Vực Vông thờ Bùi Văn Khuê và Nguyễn Thị Niên, chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cầu duyên thời Đinh Lê và chùa Kim Ngân là nơi cất giữ vàng bạc, ngân khố quốc gia thời Đinh Lê.
Di sản thế giới Tràng An: Quần thể di sản thế giới Tràng An có 4 vùng lõi thì 2 vùng chính ở xã Trường Yên gồm: cố đô Hoa Lư và rừng đặc dụng Hoa Lư.
Vùng núi đá Tràng An còn được gọi là thành Nam của cố đô Hoa Lư (hai vòng thành kia là thành Đông và thành Tây). Tràng An nằm trên nhiều xã trong đó có các thôn Tràng An, Chi Phong của xã Trường Yên. Hiện nơi đây đã được đầu tư phát triển du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh.
Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Khu vực Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Những khe nứt sinh ra do sự vận động đó dần dần hình thành các dòng chảy trong hang động đá vôi. Khu sinh thái hang động Tràng An như một "bảo tàng địa chất ngoài trời".
Danh nhân của xã Trường Yên: Trường Yên không chỉ là nơi hội tụ các nhân vật lịch sử thế kỷ X lập nghiệp tại kinh đô Hoa Lư mà hiện còn là xã có nhiều danh nhân nổi tiếng, tiêu biểu như:
· Ninh Hữu Hưng (936 - 1020) là ông tổ làng nghề mộc, tổ nghề chạm khắc gử, khảm trai. Ông cũng được biết đến với tư cách là ông tổ nghề xây dựng Việt Nam đầu tiên trong lịch sử.
· Bùi Văn Khuê (?-1600) là tướng nhà Mạc và nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông tham gia cuộc chiến tranh Lê-Mạc. Quận công Bùi Văn Khuê là người có nhiều công lớn trong việc xây dựng quần thể di tích cố đô Hoa Lư để nó có được đặc điểm kiến trúc giống ngày hôm nay.
· Thượng tướng Nguyễn Hữu An (1926 - 1995) nguyên là một tướng lĩnh quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là người trực tiếp chỉ huy trận đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
· Thượng tướng Đặng Văn Hiếu (1953-) Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Ông Đặng Văn Hiếu tốt nghiệp Học viên An ninh Nhân dân khóa D2 năm 1970.
· Thượng tướng Nguyễn Văn Thành (1957 -) nguyên là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, hiện là thứ trưởng Bộ Công an.
· Nguyễn Việt Tiến (1950-) nguyên là Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam
· Nguyễn Văn Trường (1964-) hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Hoa Lư, Tổng Giám đốc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Ông là người có công lớn trong việc đầu tư, xây dựng các danh thắng Ninh Bình và đề cử cố đô Hoa Lư là di sản thế giới.
Với những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xã phát triển ngành nghề dịch vụ du lịch, tạo ra công ăn việc làm cho nhân dân, phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã./.
Thực hiện: Ban biên tập.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?