Thứ Bảy, 20/04/2024

Lễ hội Hoa Lư - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Bảy, 24/04/2021 Đã xem: 215
Từ ngàn đời nay, câu ca dao vẫn lưu truyền trong dân gian thay cho lời nhắn nhủ “Dù ai buôn đâu, bán đâu,/ Nhớ ngày mở hội rủ nhau mà về./ Dù ai bận rộn trăm nghề,/ Tháng ba mở hội thì về Trường Yên”. Cứ đến hẹn, ngày mồng 10/3 âm lịch hàng năm, nhân dân Ninh Bình lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Trường Yên (nay là Lễ hội Hoa Lư) tại Khu di tích lịch sử- văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, với tâm thức thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, tưởng nhớ và tri ân công đức của Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,  khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong giao lưu, tiếp biến văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

           Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời phản ánh đậm nét sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại ở thế kỷ thứ X. Lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn, bảo tồn, lưu giữ được những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, tạo tiền đề cho những bước phát triển rực rỡ của đất nước hôm nay.

 Với những giá trị tiêu biểu và trường tồn, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cố đô Hoa Lư là một điểm sáng trong quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng quân sự địa phương được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế liên tục phát triển; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ninh Bình. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang được bảo tồn, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và đưa du lịch Ninh Bình trở thành nền kinh tế mũi nhọn, để Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, xứng danh với bề dày lịch sử vùng đất kinh kỳ. Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội Hoa Lư là giữ gìn hồn cốt linh thiêng của đất Cố đô ngàn năm, làm cho giá trị của Nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình với niềm tự hào về lịch sử dân tộc, lòng thành kính, biết ơn vô hạn công lao các bậc tiền nhân luôn tạo mọi điều kiện để Lễ hội Hoa Lư diễn ra trang trọng thực sự trở thành sinh hoạt tinh thần, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi chốn đi về của đông đảo nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế.

Ở vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khai mạc lễ hội năm nay được tổ chức vào 20h ngày 20/4 (tức ngày 9 tháng 3 Âm lịch). Phần lễ gồm rất nhiều các hoạt động như: Lễ mở cửa đền; Lễ rước nước; Lễ dâng hương; Nghi thức Thượng Long; Lễ mộc dục; Lễ tiến phẩm; Lễ rước kiệu; Lế lễ cổ truyền của các đoàn nam quan, nữ quan, đồng quan; Tế cửu khúc; Lễ tạ. Riêng lễ cầu quốc thái dân an và lễ hội Hoa đăng sẽ được tổ chức vào ngày 17/4 (tức ngày 6 tháng 3 Âm lịch).

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao được diễn ra như: Biểu diễn múa trống, cồng chiêng; biểu diễn chèo; chiếu phim; chương trình giao lưu nghệ thuật quần chúng; giao lưu bóng chuyền, vật dân tộc... Thêm vào đó là các trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại như: Múa rối nước, tổ tôm điếm, cờ người, chọi gà, bắn cung, bắn nỏ... Bên cạnh đó, BTC cũng tổ chức các hoạt động thi trưng bày, triển lãm, quảng bá du lịch Ninh Bình như: Thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến Vua; thi kéo chữ “Thái Bình” giữa các xã của huyện Hoa Lư; thi diễn tích “Cờ lau tập trận”; thi Thư pháp; thi chèo thuyền; trưng bày hình ảnh, hiện vật Hoa Lư; trưng bày các hiện vật, tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di chỉ khảo cổ tại khu vực Cố đô Hoa Lư trong dịp Lễ hội; triển lãm ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của tỉnh;…

 Lễ hội Hoa Lư 2021 sẽ để lại giá trị nhân văn sâu sắc, nhiều hoạt động của lễ hội mang nội dung phong phú, đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc tạo nên không khí linh thiêng cho không gian di tích cố đô ngàn năm, tinh thần tôn kính và vui tươi cho người dân và du khách, góp thêm một minh chứng về mảnh đất Trường Yên cổ tự chính là nơi hội tụ, kết tinh bản sắc văn hóa truyền thống của Ninh Bình, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Cố đô Hoa Lư. Đồng thời lễ hội góp phần không nhỏ cho chiến lược quảng bá du lịch của Ninh Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?