Thứ Sáu, 19/04/2024

Nho Quan chú trọng thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM

Thứ Hai, 01/11/2021 Đã xem: 41

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Nho Quan đã có nhiều giải pháp triển khai đến các các địa phương để đẩy mạnh thực hiện tiêu chí về văn hóa, hỗ trợ các xã, thôn, bản, xây dựng nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Nho Quan chú trọng thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM

Khuôn viên rộng hơn 2.000m2, có đầy đủ thiết chế thể thao, xanh - sạch - đẹp của thôn Trung Đông, xã Văn Phong.

Nhà văn hóa tại thôn 1 Hữu Thường, xã Thượng Hòa không chỉ là nơi hội họp của người dân mà còn là nơi tập luyện của thành viên các câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh, thi đấu thể thao của thôn. Bà Đinh Thị Tán, thôn 1 Hữu Thường phấn khởi chia sẻ: "Trước kia, thôn chỉ có nhà hội họp, quy mô rất nhỏ, không có khuôn viên để tập luyện thể dục, thể thao. Từ khi có nhà văn hóa mới khang trang, các hoạt động của thôn đều diễn ra ở đây. Bà con ai cũng phấn khởi."

Theo ông Đinh Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hòa: Toàn xã có 15 nhà văn hóa thôn đang xây mới và sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 12 nhà văn hóa xây mới, dự kiến đến hết 2021 hoàn thành đưa vào sử dụng. Mỗi nhà văn hóa, có diện tích thấp nhất 500 m2, cao nhất là 1.500 m2, hội trường nhà văn hóa có 120 chỗ ngồi trở lên, có sân đảm bảo từ 25m2 trở lên, có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của cộng đồng dân cư.. 

Để giúp bà con hiểu ý nghĩa của việc xây dựng nhà văn hóa trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Xã giao cho cán bộ văn hóa viết bài tuyên truyền thu âm và phát thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của xã, tổ chức họp lấy ý kiến từng thôn, chỉ đạo các thôn phát huy tính dân chủ, mọi kinh phí xây dựng phải được công khai, minh bạch, có sự bàn bạc và giám sát của nhân dân. Nhờ vậy, việc xây dựng nhà văn hóa của các thôn đều được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Theo ông Hà, trung bình mỗi nhà văn hóa thôn xây dựng mới phải mất khoảng trên 800 triệu, nâng cấp, sửa chữa khoảng 300 triệu nên ngoài sự hỗ trợ của ngân sách địa phương còn có sự đồng thuận, đóng góp ngày công, kinh phí của bà con nhân dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, mỗi thôn, xóm đều có những cách làm sáng tạo khác nhau.

Nho Quan chú trọng thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM

Nhà văn hóa thôn 4 Vân Trung, xã Thượng Hòa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho bà con.

Ở thôn 4 Vân Trung có 160 hộ với 525 nhân khẩu, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng thôn cho biết: Ngay từ khi xã có chủ trương xây dựng NTM, Ban xây dựng NTM của thôn đã tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Qua các buổi họp thôn, người dân đã thảo luận, thống nhất, quyết định mức đóng góp kinh phí cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà văn hóa; sân thể thao thôn theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra".

Tổng số tiền xây dựng nhà văn hóa thôn trên 700 triệu đồng, trong đó xã đầu tư 250 triệu đồng; tỉnh, huyện 90 triệu đồng; còn lại nhân dân đóng góp. Mỗi nhân khẩu trong thôn đóng 320.000 đồng chia làm 2 lần, còn lại do các mạnh thường quân ủng hộ. Ngoài ra, đảng viên trong chi bộ thôn đóng góp thêm 200.000 đồng/người; thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã ủng hộ 500.000 đồng/người. Đến nay, khu nhà văn hóa thôn với diện tích hơn 1.000m2 đã cơ bản hoàn thành.

Tại xã Văn Phong, đến nay, 6/6 nhà văn hóa thôn đều đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đảm bảo khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ông Hoàng Mạnh Công, Trưởng thôn Trung Đông, xã Văn Phong cho biết: "Khi làm nhà văn hóa thôn; nhà có tiền thì góp tiền; nhà không có tiền thì góp công xây dựng, nhiều nhà ủng hộ thêm vật liệu cát, đá, xi măng; Nhiều gia đình có con em làm ăn hoặc xây dựng gia đình nơi khác cũng gửi tiền về ủng hộ. Nhờ vậy, việc xây dựng nhà văn hóa diễn ra rất thuận lợi. Nhà văn hóa thôn với khuôn viên trên 2.100 m2, có đầy đủ phòng hội họp, sân khấu, sân chơi để tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ. Giờ có được nhà văn hóa rộng rãi như thế này, ai cũng phấn khởi và tự hào".

Ngoài Thượng Hòa và Văn Phong, hiện nay, các địa phương khác của huyện Nho Quan đã và đang tập trung tuyên truyền, huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa thôn, xóm. Theo phòng Văn hóa - Thông tin huyện, đến nay, toàn huyện có 26/26 xã có Nhà Văn hóa xã khang trang; phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của xã; có 274/286 thôn, bản có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt hội họp và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Toàn huyện có 23/26 xã đạt chuẩn tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; phấn đấu hết năm 2021 có 26/26 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.  

Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các xã của huyện tiếp tục đề ra nhiều giải pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các thôn, bản thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM; tăng cường huy động nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện hơn các thiết chế văn hóa và duy trì các hoạt động sinh hoạt cộng đồng; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở; từ đó giữ vững các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?