Thứ Sáu, 19/04/2024

Năm 2020, ngành Nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng trên 2,7%

Thứ Tư, 05/08/2020 Đã xem: 11

Mặc dù phải đối mặt với thách thức lịch sử do dịch bệnh COVID-19 và những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh nhưng 6 tháng đầu năm 2020, nông nghiệp Ninh Bình vẫn giữ được tăng trưởng 2,3%.

Năm 2020, ngành Nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng trên 2,7%

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trình diễn thử nghiệm máy cấy tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư. Ảnh: Anh Tuấn

Dấu ấn thắng lợi của vụ đông xuân

Năm 2020 khởi đầu với nhiều diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu. Tưởng như sự bất thường này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bám sát đồng ruộng, vượt qua những thách thức về thời tiết, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân Ninh Bình vẫn tập trung hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất vụ đông xuân. Tổng diện tích gieo trồng đạt 57,4 nghìn ha. Hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất, sản lượng cao và được giá hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể: Cây ngô năng suất ước đạt 37,4 tạ/ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ; cây rau đậu, sản lượng tăng gần 26 nghìn tấn; một số cây ăn quả như dứa, vải, chuối… cũng được mùa. Riêng cây lúa đạt thắng lợi "kép" khi vừa được mùa, vừa được giá. Toàn tỉnh gieo cấy được 40,2 nghìn ha, năng suất lúa bình quân ước đạt 66,8 tạ/ha, sản lượng 269 nghìn tấn. 

Đặc biệt, việc đưa vào cơ cấu gần 23,2 nghìn ha (tương đương với gần 58% tổng diện tích gieo cấy) nhóm lúa chất lượng cao, lúa nếp đã giúp bà con tiêu thụ sản phẩm tốt hơn với giá bán cao hơn từ 10-30%. Có thể khẳng định thắng lợi của vụ sản xuất đông xuân đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm.

Về lĩnh vực chăn nuôi, mặc dù đàn lợn chậm được khôi phục do khan hiếm lợn giống nhưng bù lại, đàn gia cầm lại đang phát triển khá với mức tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng trứng đạt 69,3 triệu quả (tăng 4 triệu quả), đàn dê 22,15 nghìn con, tăng 2,6%. Riêng lĩnh vực thủy sản, tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi. Sản lượng thủy sản ước đạt gần 28,1 nghìn tấn, tăng 8,6%. 

Trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 24,7 nghìn tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 3,3 nghìn tấn. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 796,2 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, lâm nghiệp cũng giữ được tốc độ tăng trưởng 4%, giá trị sản xuất ước đạt 65,5 tỷ đồng.

Tựu chung lại, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, thời tiết diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản phát sinh gây hại nhưng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm của Ninh Bình vẫn đạt 5.037,1 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả, nỗ lực cao nhất của Ngành trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay.

Điều chỉnh linh hoạt sản xuất

Nông nghiệp Ninh Bình đặt mục tiêu tăng trưởng trên 2,7%, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác là 135 triệu đồng/ha trong năm 2020, đồng thời phải sản xuất các sản phẩm lương thực, thực phẩm tăng cao hơn so với kế hoạch để đủ sức bình ổn thị trường trước tác động lịch sử của đại dịch COVID-19. 

Trong khi đó, dự báo 6 tháng cuối năm, thiên tai sẽ rất phức tạp, diễn biến thị trường cũng rất khó lường. Giải bài toán khó này, Ngành đã xây dựng kịch bản tăng trưởng với nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt với từng điều kiện cụ thể. 

Trước tiên, tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất thắng lợi vụ mùa; đảm bảo đúng thời vụ, kỹ thuật, cơ cấu giống; dự báo, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại, chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen Phương Nam hại lúa. Đối với những diện tích bị hạn hán, kịp thời chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác nếu việc gieo cấy gặp khó khăn, đồng thời kiểm tra năng lực cung cấp nước của các hệ thống thủy lợi để sử dụng phù hợp theo các thứ tự ưu tiên. 

Cùng với vụ mùa, các địa phương được khuyến cáo chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông. Đây là năm có thể chớp thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, bởi còn nhiều dư địa tăng trưởng, tuy nhiên cần chuẩn bị kịch bản rõ ràng, có phương án liên kết sản xuất, đầu ra cho sản phẩm, lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp nhằm tránh dư thừa, ách tắc trong tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp cũng xác định, từ nay đến cuối năm, chăn nuôi và thủy sản sẽ là hai ngành sẽ "cứu cánh" cho mục tiêu tăng trưởng. Do đó, hai khu vực này trong những tháng còn lại của năm phải tập trung phát triển nhanh hơn. Chăn nuôi phải tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm; đây là một giải pháp quan trọng để giảm thiệt hại, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. 

Đi đôi với đó phải thực hiện tốt Nghị quyết số 14 ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tái đàn lợn nhằm khôi phục, thúc đẩy sản xuất. Đối với thủy sản, tiếp tục phát triển nuôi các đối tượng chủ lực như: cá nước ngọt truyền thống, tôm nước lợ, cua xanh, nhuyễn thể (thực hiện khung lịch mùa vụ, các giải pháp kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào...). 

Thực hiện tốt việc thu và phân tích mẫu nước phục vụ công tác cảnh báo môi trường nuôi. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên thủy sản. Tiến hành công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, ghi nhật ký khai thác theo Luật Thủy sản năm 2017.

Bước vào mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp lưu ý, các địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng rà soát lại hệ thống đê điều, các điểm thẩm lậu, sạt lở, các hồ chứa có nguy cơ cao để kịp thời sửa chữa, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" sẵn sàng để ứng phó với thiên tai, bảo vệ vững chắc thành quả của sản xuất.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?