Hiện nay, gia đình tôi đang tập trung cho việc dặm tỉa chỗ bị khuyết, làm cỏ, bón phân và theo dõi phòng trừ sâu bệnh... Trên cánh đồng phía Đông, bà Vũ Thị Dĩ, HTX Trung Bãi Trữ (xã Ninh Giang) đang bón phân cho biết: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 6 sào lúa bằng giống Đài Thơm và đều thực hiện bằng biện pháp gieo sạ.
Ruộng đã được máy làm nhuyễn, san phẳng trước Tết; nên trong ngày mùng 4 Tết Kỷ Hợi, gia đình đã gieo sạ xong. Công việc hiện nay là tập trung vào việc dặm tỉa những khóm, dảnh bị khuyết; trừ cỏ, bón phân (bón thúc) cho lúa sinh trưởng, phát triển, phát hiện sớm sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo ông Nguyễn Năng Nhiệm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện: Vụ lúa đông xuân 2018-2019, huyện Hoa Lư dự kiến gieo cấy 2992,8 ha lúa, năng suất phấn đấu 68 tạ/ha.
Để đạt được mục tiêu này, huyện xác định xây dựng từ 5-8 mô hình cánh đồng mẫu lớn (có diện tích từ 30 ha trở lên), cấy đồng giống, đồng trà với tổng diện tích gần 700 ha và cấy bằng các giống lúa chất lượng cao với tổng diện tích lúa chất lượng cao trong toàn huyện chiếm trên 70% tổng diện tích lúa gieo cấy được.
Bố trí hợp lý cơ cấu giống lúa theo từng vùng miền với khoảng 30% diện tích cấy giống lúa lai, 70% giống lúa thuần và 100% ở trà xuân muộn. Một trong những giải pháp quan trọng là phải đảm bảo được vấn đề thời vụ, cụ thể là khâu gieo cấy lúa phải ở trong khung thời vụ tốt nhất.
Huyện đã chỉ đạo sát sao các địa phương tích cực bơm tát nước vào đồng ruộng, chủ động tích trữ nước trong kênh, ngòi, ao đầm…và huy động tối đa lực lượng, phương tiện vào làm đất và thực hiện theo phương châm “ruộng chờ mạ”.
Sau 3 ngày Tết Nguyên đán, thời tiết, khí hậu thuận lợi... nên nông dân ở nhiều địa phương đã đồng loạt ra đồng gieo cấy lúa xuân. Chỉ sau một tuần, về cơ bản toàn huyện đã hoàn tất gieo cấy gần 3.000 ha lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Như vậy, Hoa Lư đã cơ bản gieo cấy xong lúa xuân vào ngày 14/2/2019 (tức ngày mùng 10 Tết Kỷ Hợi). Hiện tại, các địa phương trong huyện đang tập trung cho khâu chăm sóc và bảo vệ lúa xuân như: Dặm tỉa; điều tiết nước cho lúa sinh trưởng và phát triển; nắm chắc tình hình, diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng và có biện pháp xử lý kịp thời.
Với diện tích lúa chưa được bón lót cần nhanh chóng bón lót kịp thời bằng NPK với lượng 20-25 kg NPK/sào hoặc sử dụng 15-20kg lân, 2 kg đạm urê/sào; khi lúa được 2-2,5 lá đưa nước láng mặt ruộng và sử dụng 2kg đạm urê/sào để bón nhử kết hợp với tỉa dặm đảm bảo mật độ; khi lúa được 5 - 6 lá tiến hành bón thúc lần hai, sử dụng 4-5kg đạm urê/sào, 2 - 3kg kali/sào, giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh thuận lợi.
Trong những năm gần đây, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, khó lường, không tuân theo quy luật..., do vậy huyện xác định không chủ quan, nhất là vấn đề về hạn hán, nước tưới cho cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung.
Vụ đông xuân năm nay được nhận định là vụ đông xuân ấm, nên các cơ quan chuyên môn tiên lượng sâu bệnh hại sẽ diễn biến phức tạp: Sâu cuốn lá nhỏ, đục thân, rầy các loại có cơ hội để phát sinh, phát triển thành dịch; ngoài ra, chuột hại cũng sẽ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn, sức tàn phá lớn hơn...
Do đó, người dân và các địa phương phải tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời cần thường xuyên thăm đồng để điều chỉnh lượng nước, phân bón và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, phù hợp.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?