Theo Việt sử giai thoại, thời nhà Trần, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (vợ Thái sư Trần Thủ Độ) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại không cho đi. Bà về mách với Thái sư Trần Thủ Độ rằng "bị bọn quân hiệu khinh nhờn". Thái sư liền sai người đi bắt.
Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Trần Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người này cứ theo sự thực trả lời. Thái sư nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa" rồi lấy vàng lụa thưởng rồi cho về.
Lần khác, Linh Từ quốc mẫu xin riêng cho một người cháu được làm chức Câu đương (chức quan nhỏ ở xã), Trần Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên ấy ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến.
Thái sư Trần Thủ Độ bảo: "Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!". Người đó van xin mãi mới được tha. Từ đấy không ai dám đến nhà Thái sư Trần Thủ Độ thăm riêng hòng lo lót, xin vợ ông giúp đỡ nữa.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những câu chuyện về sự chính trực, liêm khiết, công tư phân minh của Thái sư Trần Thủ Độ được sách sử chép lại hoặc dân gian lưu truyền. Dù những câu chuyện này đã diễn ra từ cách nay gần cả ngàn năm, nhưng hậu thế vẫn luôn ghi nhớ và lấy đó làm tấm gương về sự liêm chính, ngay thẳng.
Lịch sử hàng ngàn năm nước ta còn ghi nhận rất nhiều những vị quan thanh liêm, lưu danh sử sách, có những người được suy tôn, thờ phụng, nổi tiếng như: Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Thái phó Tô Hiến Thành, Thượng Thư Đàm Văn Lễ, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, Nguyễn Đăng Huân… và rất nhiều những vị quan thanh liêm khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, ở thời kỳ phong kiến, nhân dân rất trọng những bậc quan thanh liêm, trong sạch, không lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng, vơ vét của cải về bản thân. Đó chính là truyền thống văn hóa của dân tộc ta trải qua nhiều đời nay.
Chung nhận định, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, văn hóa liêm chính đã có từ rất lâu trong lịch sử dân tộc. Có thể khẳng định, ở thời kỳ nào trong lịch sử nước ta cũng đều có những vị quan thanh liêm, liêm khiết, những vị quan đó luôn được người dân yêu mến, kính phục, có những người được thờ phụng muôn đời.
Thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyệt đại đa số cán bộ các cấp đều giữ được thanh liêm, liêm chính cho mình. Cán bộ, công chức nói chung và những người cộng sản nói riêng thời bấy giờ thường có khẩu hiệu là "khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", "đảng viên đi trước, làng nước đi sau".
Theo ông Nguyễn Túc, liêm chính của người cộng sản, những người yêu nước lúc bấy giờ không chỉ thể hiện ở những việc lớn mà được thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể. Cái gì khó khăn, vất vả thì những người cán bộ, đảng viên phải thực hiện cho được, từ đấy để có sự tín nhiệm của người dân, để người dân tin và đi theo, góp phần vào sự thành công của cách mạng.
Trong đó, có những người rất đặc biệt có thể kể đến như ông Phan Kế Toại, từng là Khâm sai đại thần Bắc Bộ nhưng sau này ông đã đi theo cách mạng, đóng góp rất lớn cho cách mạng, trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ. Sở dĩ có được như vậy chính là vì ông là một con người liêm chính, làm quan thời nào, ở đâu cũng được người dân tin yêu, ủng hộ.
Sau này đến các vị lãnh đạo như đồng chí Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt… hay các đồng chí lãnh đạo ở Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ đều là những minh chứng rất rõ rệt cho sự liêm chính.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, liêm chính là truyền thống của dân tộc và trong thời kỳ Đảng ta lãnh đạo thì vấn đề này lại được đề cao, phát triển rất mạnh mẽ. Bác Hồ là người đề cao tính "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".
Tác phẩm "Đường cách mệnh" năm 1927 của Bác Hồ đã nhấn mạnh 23 điểm tư cách của người cách mệnh, trong đó vấn đề liêm chính cũng đã được đề cập rất rõ. Trong đó, Bác đã nhấn mạnh cụm từ người cách mệnh phải ít lòng tham muốn về vật chất. Có nghĩa là phải giữ trong sạch, thanh liêm như các bậc tiền nhân.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" năm 1947, tư cách, phong cách đạo đức của người cách mệnh, thậm chí là tư cách của Đảng cách mệnh cũng đã được Bác Hồ đề cập ở cụm từ "Cần kiệm, liêm chính". Sau này, trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Bác và Đảng ta cũng luôn luôn rèn luyện cán bộ theo chuẩn mực liêm chính được khai thác từ hai khía cạnh đó là đạo đức, văn hóa.
Và ở trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phúc Trọng đã rất nhiều lần nhắc đến từ liêm chính. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" vừa ra mắt. Bởi có giữ liêm chính mới tránh được sai phạm khác.
Từ thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa liêm chính đã được đề cao nhưng theo ông Nguyễn Túc, khi chúng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần, cơ chế thị trường thì có thể nói đồng tiền đã "làm cho nhiều người tối mắt", càng ngày sự liêm chính càng bị đồng tiền làm cho phai mờ và biểu hiện rõ nhất chính là nạn tham nhũng, tiêu cực từ thời kỳ đổi mới đến nay có chiều hướng ra tăng hơn.
Đại hội Đảng lần thứ VII đã nêu trong báo cáo chính trị rằng "một số đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất", đến Đại hội VIII đã không còn "một số" nữa mà đã trở thành "một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất" và đến Đại hội IX đã không còn "một bộ phận nữa" mà đã trở thành "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên" thoái hoá, biến chất, và quan điểm này vẫn được giữ ở Đại hội sau đó.
Nhắc đến những vụ đại án bị phanh phui trong những năm qua, dư luận không khỏi bàng hoàng và bất bình trước số tiền quá lớn mà những vị quan chức tư lợi cho bản thân, hay khối tài sản khổng lồ mà các quan chức này tạo dựng được.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ hơn 21 tỷ đồng của doanh nghiệp trong vụ "chuyến bay giải cứu" vừa bị phát hiện. Biệt thự xa hoa nhiều chục tỷ đồng của 2 cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, những người có sai phạm trong vụ Việt Á khiến nhiều người không khỏi thắc mắc "nguồn gốc những tài sản này ở đâu?".
Hay trước đó, dư luận cũng ngỡ ngàng trước khối tài sản đồ sộ gồm biệt thự trăm tỷ và nhiều siêu xe hạng sang của một cán bộ lãnh đạo chỉ ở cấp huyện, là cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) Phạm Hồng Hà. Xa hơn nữa, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khi bị xét xử trong vụ án AVG từng khai trước Tòa đã nhận hối lộ đến 3 triệu USD (thời điểm đó tương đương khoảng 64 tỷ đồng), con số gây "sốc" dư luận và đến chính bản thân vị cựu Bộ trưởng cũng phải cúi đầu xấu hổ trước Tòa vì số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn, chưa có tiền lệ.
Nhắc về liêm sỉ của người cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Sỉ là biết xấu hổ, tức là biết hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình thì tuyệt đối chẳng làm. Sẽ là mang tiếng xấu hổ vì không làm tròn phận sự mình, vì những điều xằng bậy mình đã trót nhúng chàm. Càng là xấu hổ vì đã không theo đến cùng lý tưởng đã vạch ra.
Xấu hổ là lúc trong lòng thì gian ác, xấu xa mà bên ngoài mặt thì dùng lời nói hay, bộ tịch khéo léo, lịch sự để che đậy. Xấu hổ là khi bề trong thì oán ghét người, mà bên ngoài lại giả tảng thân thiết. Xấu hổ là khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn thiếu, mà mình giàu có bất thường, dư dật kệch cỡm. Xấu hổ là lúc nào cũng bo bo nghĩ đến lợi lộc, áo cơm vị kỷ, còn gia phong, vận nước thì mặc cho "gió cuốn nổi trôi".
Người xưa nói, xấu hổ khi tài đức không xứng với chức vị, khi không có tài đức mà dám cầm trọng trách, để cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ. Khi mình đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ. Những người chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố là vô hình chung đã vứt bỏ mất danh dự, liêm sỉ, tấc lòng hổ thẹn của mình".
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, lịch sử 5.000 năm nhân loại không bao giờ vinh danh những quan chức giàu có, người ta chỉ nhắc đến những vị vua, vị quan liêm khiết, thanh liêm, chính trực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", đây là vấn đề mang tính triết lý sâu sa nhất, đúc rút lịch sử Việt Nam và thế giới, có ý nghĩa răn dạy tất cả những người đang nắm quyền lực ở Việt Nam, từ cấp xã đến cấp cao ở Trung ương phải biết trọng danh dự, trọng liêm sỉ.
"Đã là quan chức thì danh dự là số một, liêm sỉ là số một, chứ không phải tiền. Không ai hỏi một ông quan có bao nhiêu tiền, mà người ta chỉ quan tâm ông quan ấy phải để lại cái gì cho người dân. Đó chính là liêm sỉ, là cái để đời", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Theo Báo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch điện tử
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?