.jpg)
Hoa Lư là vùng đất tươi đẹp, địa linh, nhân kiệt; thành phố đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu di sản kép - “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”. Nơi đây, hơn 1.000 năm về trước, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Nước Đại Cồ Việt - có nghĩa là nước Việt to lớn, ra đời năm 968 do Đinh Tiên Hoàng Đế và triều Đinh xác lập. Điểm nổi bật nhất của Nhà nước Đại Cồ Việt là thực hiện quản lý Nhà nước từ hình thức “Vương quyền”, chuyển sang hình thức “Đế quyền”, với 3 cấp quản lý: Triều đình - Đạo - Xã. Triều đình là cấp Trung ương, Đạo là cấp trung gian, Xã là cấp cơ sở. Nhà nước Đại Cồ Việt có quân đội đông và mạnh, thực hiện chức năng phòng giữ đất nước là chủ yếu. Tổ chức quân sự phòng giữ đất nước thời ấy gọi là tổ chức “Thập đạo quân”, trong đó, Thập đạo tướng quân là người đứng đầu quân đội. Đặc biệt, đây là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thực hiện việc đúc tiền đồng. Tên của đồng tiền là “Thái Bình hưng bảo”. Những đồng tiền đầu tiên được nhà Đinh cho đúc và phát hành năm 970, đằng sau đồng tiền có chữ Đinh. Đồng “Thái Bình hưng bảo” ra đời chấm dứt suốt một ngàn năm Bắc thuộc người Việt không có đồng tiền riêng để lưu hành; khẳng định mạnh mẽ nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam về lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và văn hóa mà Đinh Tiên Hoàng Đế chủ ý xác lập. Đồng tiền riêng của Nhà nước Đại Cồ việt ra đời tạo điều kiện thuận lợi để triều Đinh phát triển KT-XH, tự do, thông thương, trao đổi hàng hóa trong nước và nước ngoài. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 976, ghi chép. Thời ấy có nhiều thuyền buôn nước ngoài cập bến Đại Cồ Việt. Hoa Lư đương thời là một thương cảng lớn; sông Hoàng Long cũng là một tuyến giao thông quan trọng đối với việc thông thương giao dịch.
Về Kinh đô: Nước Đại Cồ Việt đặt Kinh đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Nước Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư thời ấy được ví như những quốc gia, đô thị lớn nhất của Trung Quốc trong lịnh sử. Hai bên cột giữa đền thờ Vua Đinh còn 2 câu đối:
Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo
Hoa Lư đô thị hán Tràng An.
Nghĩa là nước Cồ việt ngang hàng với nhà Tống thời khai bảo; kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An của nhà Hán.
Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, bước tiến vượt bậc của lịch sử dân tộc, đáp ứng yêu cầu khách quan và cấp bách sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phục hưng dân tộc. Đúng như khẳng định của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại Hội thảo quốc gia "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam" ngày 12/4/2018 tại Ninh Bình: “Hơn 1.000 năm dưới ách cai trị hà khắc với chính sách đồng hóa ráo riết của phong kiến phương Bắc là một thử thách hiểm nghèo của nhân dân Âu Lạc. Sau chừng ấy thời gian mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng và giành lại độc lập là hiện tượng hy hữu tới mức có thể coi là duy nhất trong lịch sử thế giới. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời thực sự là một dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất thông suốt, xác định cương thổ, phát hành tiền tệ… Đại Cồ Việt là quốc gia độc lập với đầy đủ tiêu chí sánh ngang với các quốc gia khác. Sự nghiệp “tái lập quốc” của dân tộc ta đến đây mới chính thức hoàn thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn”.
Cuộc đời, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần vô giá, di sản to lớn của của quốc gia, dân tộc. Cố đô Hoa Lư nằm trong vùng lõi Di sản, chứa đựng giá trị cảnh quan đặc sắc, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá và tín ngưỡng của người Việt nói chung, người dân Hoa Lư, Ninh Bình nói riêng. Các hoạt động phát triển KT-XH, du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản đã tạo nên giá trị kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân, từ đó thiết lập mối liên hệ hữu cơ giữa cộng đồng cư dân với di sản, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người dân địa phương. Hoa Lư - “Kinh đô đá” với núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện, Cố đô trầm mặc và cổ kính, lan tỏa và huyền bí, lưu giữ kí ức vàng son vang bóng một thời hào hùng của dân tộc. Hào khí Cố đô, hồn thiêng sông núi, như nhắc nhở mỗi chúng ta hành động quyết liệt hơn, trách nhiệm cao hơn để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát huy truyền thống Cố đô Hoa Lư lịch sử, anh hùng, trong thời đại Hồ Chí Minh, có Đảng, Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, Hoa Lư đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc, trở thành địa phương 5 nhất:
- Là 1 trong 3 chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.
- Là địa phương được Đảng, Nhà nước phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang sớm nhất
- Có nhiều anh hùng lực lượng vũ trang nhất.
- Được công nhận là huyện NTM sớm nhất của tỉnh.
- Thành phố Hoa lư được công nhận là đô thị loại I và trở thành thành phố đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu di sản kép – “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”.
Trong thời gian tới dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; với hướng đi đã được khẳng định; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hoa Lư biểu thị sự quyết tâm cao nhất, đoàn kết một lòng; phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng của vùng đất ngàn năm văn hiến, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện khát vọng phát triển, hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ; khẳng định mạnh mẽ vai trò động lực đưa tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thhuộc Trung ương vào năm 2035.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?