Thứ Năm, 03/04/2025

Hội thảo Khoa học “Hành cung Vũ Lâm thời Trần-Vai trò lịch sử và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị”

Thứ Sáu, 28/02/2025 Đã xem: 63

 

 

 

Quang cảnh khai mạc Hội thảo. 

Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; UBND các huyện, thành phố; đại diện Sở Du lịch một số tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức trong nước.

Các đại biểu dự khai mạc Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng đã thông tin khái quát về giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó nhấn mạnh: Hành cung Vũ Lâm không chỉ là minh chứng cho sự tài tình trong chiến lược quân sự của nhà Trần, mà còn thể hiện tầm nhìn sâu rộng của triều Trần trong việc gắn kết giữa chính trị, quân sự, văn hóa và tôn giáo. Ngày nay, không gian văn hoá Hành cung Vũ Lâm nằm trong Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình tìm hiểu lịch sử dân tộc. Việc kết hợp, nghiên cứu, nhận diện làm rõ thêm các giá trị lịch sử của Hành cung Vũ Lâm kết hợp với bảo tồn, trùng tu các di tích của Hành cung Vũ Lâm gắn với phát triển hạ tầng du lịch xanh, thân thiện với môi trường sẽ góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương. 

Đồng chí Trần Song Tùng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Với ý nghĩa đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm: Bên cạnh các giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của Hành cung Vũ Lâm đã được biết tới, đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các đặc trưng giá trị lịch sử văn hóa riêng biệt, khẳng định vị trí, vai trò của Hành cung Vũ Lâm trong di sản văn hóa thời Trần làm rõ chuỗi lịch sử Đinh - Lê - Lý - Trần - dấu ấn quan trọng trong quần thể Danh thắng Tràng An; Thu thập và hệ thống tư liệu về lịch sử Hành cung Vũ Lâm thời Trần nói riêng và hệ thống sử liệu, khảo cổ học, mỹ thuật, kiến trúc… về các di tích thời Trần nói chung. Trên cơ sở đó có hình thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhằm phục vụ phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh vùng đất Ninh Bình đến du khách trong nước và quốc tế. 

Tái dựng tiến trình khai mở, phát triển và bảo lưu của dòng Phật giáo Trúc Lâm thời Trần nhằm phục vụ du lịch văn hoá. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức xã hội chung tay đầu tư, phát triển công nghiệp văn hoá theo hướng bền vững, gắn kết với cộng đồng địa phương.

Nghiên cứu trao đổi, thảo luận các mô hình quản lý, khai thác di sản hiệu quả, xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên biệt, đặc sắc gắn với Hành cung Vũ Lâm và Quần thể danh thắng Tràng An.

Phát triển các hoạt động văn hóa, phục dựng lễ hội, phỏng dựng/tái hiện không gian sinh hoạt thời Trần, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm tại Hành cung Vũ Lâm, cũng như dấu ấn của trung tâm Phật giáo thời Trần ở Ninh Bình; Phối hợp với các địa phương có liên quan tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trưng bày hiện vật, trải nghiệm thực tế để mang đến cho du khách cái nhìn sinh động về thời kỳ hưng thịnh của nhà Trần.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động nguồn lực, ứng dụng công nghệ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hướng tới phát triển du lịch bền vững, theo đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn: Những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ góp phần định hướng chính sách, chiến lược phù hợp, giúp Ninh Bình trở thành một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng trao đổi, thảo luận chuyên sâu về giá trị và đề ra các định hướng bảo tồn Hành cung Vũ Lâm. 

Về vị trí đặc biệt của Hành cung Vũ Lâm, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh nhấn mạnh: Nằm trong khu vực đặc biệt thuộc vùng núi Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Hành cung Vũ Lâm dưới triều Trần, nơi đây từng là một trung tâm quân sự và chính trị quan trọng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử lớn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Đồng thời còn là nơi vua Trần Nhân Tông xuất gia và sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nền móng cho Phật giáo Việt Nam thời Trần.

Từ năm 2024, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và Viện Trần Nhân Tông đã phối hợp thực hiện chương trình nghiên cứu về Hành cung Vũ Lâm, với 1 đợt khảo sát thực địa tập trung và nhiều khảo sát độc lập. Hội thảo này nhằm công bố, thảo luận chuyên sâu về các kết quả nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: thông qua Hội thảo, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng sẽ đem lại những nhận thức mới về Hành cung Vũ Lâm, về Phật giáo Trúc Lâm, từ đó đặt tiền đề cho những nghiên cứu tiếp sau, là cơ sở cho các đề xuất về quy hoạch, phát triển, khai thác giá trị của Hành cung Vũ Lâm nói riêng và cả vùng Hoa Lư Tràng An hiện nay. Góp phần vào định hướng phát triển của thành phố Hoa Lư với tư cách là đô thị di sản của quốc gia và quốc tế. 

Các đồng chí điều hành phiên thảo luận. Tiếp đó, Hội thảo tiến hành phiên thảo luận chuyên đề với nội dung “Hành cung Vũ Lâm thời Trần – Quá trình hình thành, diện mạo và vai trò, dòng chảy lịch sử Việt Nam”. 

Trên cơ sở chắt lọc tư liệu trong thư tịch cổ cũng như các kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học; các đại biểu giới thiệu khái quát về địa hình, địa thế, dấu tích vị trí Hành cung Vũ Lâm. Trong đó xác định, trung tâm Hành cung Vũ Lâm xưa chính là khu vực đền Thái Vi ngày nay, mở rộng ra tới các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Trường Yên, và các vùng lân cận của thành phố Hoa Lư; Ban đầu được xây dựng với mục đích làm nơi nghỉ dưỡng để Thượng hoàng Trần Thái Tông chuẩn bị cho sự nghiệp tu hành.

GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia phát biểu tại phiên thảo luận. 

Làm rõ hơn về vị trí quan trọng của Hành cung Vũ Lâm gắn với sự kiện tu hành và chiến tranh chống Nguyên - Mông, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng: Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, khu vực này được các vua Trần lựa chọn làm nơi tu hành, thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên là một quyết định mang tính trí tuệ sâu sắc. Tuy nhiên, Hành cung Vũ Lâm còn đóng vai trò quan trọng về mặt quân sự. Dưới góc độ chiến lược, vị trí của Hành cung Vũ Lâm giúp nhà Trần thiết lập một hành dinh vững chắc, có thể hỗ trợ các hoạt động phòng thủ và tổ chức kháng chiến khi cần thiết. Điều này cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc của các vua Trần về vị trí chiến lược của vùng đất này.

Các đại biểu cũng thống nhất đánh giá, Hành cung Vũ Lâm vừa là một căn cứ địa kháng chiến của Nhà Trần trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, đồng thời là trung tâm Phật giáo lớn thứ ba, bên cạnh hai trung tâm Thăng Long, Yên Tử; đặt nền tảng khai mở tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm. Nơi đây lại có giá trị đặc trưng riêng biệt về địa chính trị - lịch sử - tôn giáo - văn hóa không nơi nào có được.

Trong phiên thảo luận chuyên đề với nội dung: “Hành cung Vũ Lâm thời Trần: Bảo tồn và phát huy giá trị theo định hướng phát triển bền vững”; Các phát biểu cũng đã tập trung nhận diện giá trị kho tàng di sản văn hóa của Hành cung Vũ Lâm với các di sản vật thể, phi vật thể và di sản Hán Nôm vô cùng quý giá. Đồng thời cũng đặt ra phương hướng bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị, lợi ích tiềm năng của khu vực Hành cung Vũ Lâm trong khai thác, phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch của địa phương.

Nhiều đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, di sản của Hành cung Vũ Lâm và khu vực lân cận để đảm bảo phát triển bền vững; Xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên biệt gắn với Hành cung Vũ Lâm để thu hút du khách trong và ngoài nước.

 GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông phát biểu bế mạc hội thảo

Phát biểu bế mạc hội thảo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông nhấn mạnh: sau 1 ngày làm việc hiệu quả, nghiêm túc, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị khoa học và thực tiễn cao; nhiều ý kiến có những cách tiếp cận mới, liên ngành, khoa học... góp phần nâng cao hơn về vị trí, giá trị, tầm quan trọng của Hành cung Vũ Lâm.

GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: Những kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm gìn giữ và khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa - lịch sử Hành cung Vũ Lâm. Đưa ra nhiều đề xuất thiết thực về phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị của Hành cung Vũ Lâm.

Để cụ thể hoá các nội dung của Hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang đề nghị Sở Du lịch Ninh Bình và các cơ quan chuyên môn của tỉnh, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: như Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử về Hành cung Vũ Lâm; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Viện Trần Nhân Tông và các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp trí tuệ, tâm huyết để cùng tỉnh Ninh Bình thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra.

Hội thảo là sự kiện quan trọng kỷ niệm 1057 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2025), 800 năm thành lập Vương triều Trần (1226-2026).

Theo Đài PTTH Ninh Bình

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?