Thứ Năm, 21/11/2024

Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Thứ Tư, 28/06/2023 Đã xem: 113

Cùng với pháp luật, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội của nhân dân nhằm gìn giữ và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Mỗi thời kỳ, hương ước, quy ước có những đặc điểm riêng, song nhìn chung hương ước, quy ước luôn đóng vai trò quan trọng trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội ở cộng đồng dân cư. Vậy, để triển khai hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước quy ước hiệu quả cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

 Thứ nhất, hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước

Về nghĩa rộng, chủ trương là ý định, quyết định về phương hướng hành động (thường là về công việc chung). Theo nghĩa hẹp, chủ trương là ý định, quyết định của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền về phương hướng, chương trình, kế hoạch hành động của cả nước hay của từng ngành, từng địa phương hoặc trên từng lĩnh vực hoạt động như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… nhằm thúc đẩy việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Về mục đích, chủ trương của Đảng được xây dựng nhằm chỉ đạo tổ chức, cá nhân trong xã hội và các cơ quan Nhà nước thực hiện đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Về hình thức, chủ trương nhất thiết phải được thể hiện bằng văn bản dưới các hình thức như: nghị quyết, quyết định, chỉ thị và kết luận. Về nội dung, chủ trương đưa ra phương hướng, chương trình, kế hoạch hành động của cả nước hay của từng ngành, từng địa phương hoặc trên từng lĩnh vực hoạt động như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…

Chính sách, pháp luật của nhà nước là những quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, do Nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước. Pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ xã hội chủ yếu, cơ bản mang tính ổn định và được lặp đi lặp lại. Chính sách là những cách thức tác động của Nhà nước vào các lĩnh vực của đời sống xã hội để đạt được mục tiêu định hướng. Chính sách pháp luật là thể chế hóa đường lối của Đảng. Chính sách pháp luật bị chế ước bởi đường lối của Đảng, nhưng đồng thời tác động trở lại, góp phần điều chỉnh hợp lý đường lối của Đảng trong từng giai đoạn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư

Một là, phong tục tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có phong tục tập quán đó thừa nhận và làm theo như một quy ước chung của cộng đồng. Đây là sản phẩm của quá trình hình thành và phát triển lâu dài trong một cộng đồng dân cư, một lĩnh vực nhất định, được truyền từ đời này sang đời khác nên nó mang tính ổn định và trong chừng mực nhất định nó có tính lạc hậu hơn so với các quan hệ xã hội hiện tại. Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc cơ bản trong áp dụng phong tục tập quán là không áp dụng các tập quán lạc hậu, chỉ áp dụng những tập quán tiến bộ, phù hợp với các điều kiện văn hóa, kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước.

Hai là, Điều 123 Bộ luật Dân sự quy định, đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Khái niệm đạo đức xã hội mang tính khái quát chứ không cụ thể chi tiết, do đó trong một số trường hợp chúng ta dễ xác định, ví dụ con cháu phải hiếu thảo, phụng dưỡng đối với ông bà, cha mẹ, cha mẹ phải yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ con cái... là những chuẩn mực ứng xử chung được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác thì lại rất khó xác định, do vậy khi rà soát, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cần hết sức thận trọng nội dung này.

Thứ ba, xây dựng hương ước, quy ước phải đảm bảo tính tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư

Nguyên tắc này được thể hiện ở các nội dung cơ bản sau đây:

- Chủ trương xây dựng hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư tự quyết định, không bắt buộc, căn cứ trên nhu cầu tự quản của cộng đồng đối với những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định còn chung chung hoặc để ghi nhận các phong tục tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Tính tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận nằm ở chính bản chất của hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng hương ước, quy ước chỉ được tiến hành khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành chủ trương xây dựng.

- Việc xây dựng hương ước, quy ước là một trong những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã. Trong quá trình xây dựng, hương ước, quy ước được lấy ý kiến tham gia của hộ gia đình, cá nhân thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Sao gửi dự thảo hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân; mở hòm thư tiếp nhận ý kiến góp ý; lồng ghép, lấy ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp, hội nghị của thôn, tổ dân phố… Tổ soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo hương ước, quy ước trên cơ sở ý kiến của hộ gia đình, cá nhân.

- Việc thông qua hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư quyết định thông qua các hình thức như: Tổ chức họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. Hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành. Cơ quan Nhà nước chỉ “công nhận”, mà không “ban hành” vì hương ước, quy ước không phải của Nhà nước mà là của cộng đồng dân cư.

- Hương ước, quy ước sau khi được công nhận phải được thông tin, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân biết, thực hiện bằng các hình thức cụ thể như: Hội nghị của thôn, tổ dân phố; niêm yết công khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; thông tin trên mạng lưới thông tin cơ sở; sao gửi hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân…

Đây là nguyên tắc hết sức cơ bản, được thể hiện trong suốt quá trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Chính vì vậy, khi kiểm tra, rà soát việc xây dựng thực hiện hương ước, quy ước nếu phát hiện vi phạm ở bất kỳ khâu nào trong các nội dung trên thì phải tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải nhằm mục đích bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư

Hương ước, quy ước phải bảo đảm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. Nội dung hương ước, quy ước cần ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan.

Đồng thời, chính việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cũng là phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo đó từ năm 1986, trước yêu cầu bảo vệ, duy trì, phát triển các phong tục tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn nảy sinh, nhất là trong việc cưới, việc tang, chủ trương xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được Đảng ta khẳng định và tổ chức triển khai trong cả nước.

Tập quán xã hội thường được ghi nhận trong hương ước, quy ước. Theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tập quán xã hội là một trong nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được bảo vệ và phát huy giá trị với các chính sách hết sức cụ thể.

Như vậy, điểm quan trọng của nguyên tắc này khi kiểm tra, rà soát hương ước, quy ước chính là xác định được nội hàm các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán thể hiện trong hương ước, quy ước. Trường hợp phát hiện có phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan thì cần tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ  năm, xây dựng và thực hiện hương ước quy ước phải đảm bảo nguyên tắc không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới

Một là, hương ước, quy ước không được vi phạm quyền con người, quyền công dân.

Theo Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận hết sức rõ ràng, đầy đủ. Cụ thể như: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16); Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật (Điều 19); Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.v.v..

Hai là, Hương ước, quy ước phải bảo đảm bình đẳng giới

Theo quy định tại Điều 26 Hiến pháp 2013 thì: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Theo Luật bình đẳng giới năm 2006 thì bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Luật nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử về giới, nghĩa là nghiêm cấm việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Thứ sáu, không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công. Ví dụ: Phí kiểm dịch, phí sử dụng đường bộ, phí thăm quan, phí chứng thực, án phí…

Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước. Ví dụ: Lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài, lệ phí cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân…

Phạt tiền, phạt vật chất là việc đưa ra các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền hoặc loại vật chất nhất định (trâu, bò, lợn, gà, thóc, gạo…) khi một cá nhân vi phạm các quy định đã được ghi nhận trong hương ước, quy ước. Trường hợp hương ước, quy ước đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất nêu trên thì bị coi là vi phạm nguyên tắc chung và phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Xây dựng và thực hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư là một chủ trương lớn, được đảng và nhà nước quan tâm. Trong những năm qua, hương ước đã góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, là cánh tay nối dài để thực hiện các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Do vậy, để đảm bảo hương ước, quy ước phát huy được trong đời sống văn hóa cơ sở trong thời gian tới, việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải bám sát các nguyên tắc cơ bản nêu trên./.

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?