Sáng 10/7, dưới sự chủ tọa của các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV tiếp tục làm việc, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Dự phiên họp có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố.
Các đại biểu dự khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Nội dung chất vấn được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tập trung chất vấn hai nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm, đó là: Nhóm vấn đề về việc "Duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh" và nhóm vấn đề "Sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế".
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất cho biết: về cách thức chất vấn, đại biểu nêu câu hỏi chất vấn theo nhóm từ 2-3 đại biểu. Người được chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp trả lời đầy đủ, ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, thời gian khắc phục những hạn chế. Trường hợp đại biểu HĐND tỉnh không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại hoặc tranh luận với người trả lời chất vấn. Những đại biểu khác được mời dự phiên họp tham gia trả lời của đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm của cơ quan, địa phương, đơn vị mình. Sau khi lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn, HĐND tỉnh mời đại diện lãnh đạo UBND tỉnh trả lời chất vấn thuộc thẩm quyền, hoặc làm rõ các nội dung theo đề nghị của đại biểu HĐND tỉnh.
Để phiên chất vấn đạt kết quả tốt, đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành trong quá trình chất vấn, trả lời chất vấn cần thẳng thắn, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về các nhóm vấn đề nêu trong phiên chất vấn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân trong tỉnh.
Tháo gỡ khó khăn trong phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Đồng chí Vũ Nam Tiến, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời chất vấn.
Sau phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất: "Duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh". Đồng chí Vũ Nam Tiến, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đăng đàn trả lời chất vấn.
Về nhóm vấn đề duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đồng chí Vũ Nam Tiến, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã trả lời các câu hỏi của đại biểu về: việc duy trì và phát triển sản phẩm OCOP 4 sao trở lên; việc hoàn thiện tiêu chí câu chuyện sản phẩm đối với sản phẩm OCOP...
Trong đó, trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề xây dựng mạng lưới sản xuất-tiêu thụ sản phẩm; việc xây dựng quy hoạch điểm sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu và các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đồng chí Vũ Nam Tiến cho biết: Thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc hữu đã được tích hợp vào quá trình lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Về mạng lưới tiêu thụ sản phẩm OCOP, hiện nay việc tiêu thụ chủ yếu qua các kênh: cửa hàng trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh; ký kết đơn hàng thông qua các hình thức kinh doanh truyền thống, hội chợ, điểm bán hàng tại các khu du lịch, quà tặng trong các sự kiện của tỉnh... Tại các huyện, thành phố có hàng trăm điểm bán sản phẩm OCOP qua hệ thống cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh, Sở Công Thương, các trạm dừng nghỉ, nhất là các gian hàng tại Phố cổ Hoa Lư...
Căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, sở liên ngành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết, đảm bảo hình thành vùng nguyên liệu tập trung đối với sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc hữu của địa phương. Chỉ đạo các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất xây dựng hoặc tích hợp khu trưng bày sản phẩm OCOP, không gian triển lãm và phát triển sản phẩm OCOP cấp huyện gắn với các khu du lịch phù hợp với thực tế của từng địa phương. Duy trì các điểm bán và trưng bày sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, không gian sản phẩm OCOP gắn với di tích Cố đô Hoa Lư, tích hợp Trung tâm sản phẩm OCOP gắn với trung tâm văn hóa, du lịch cấp tỉnh.
Cùng tham gia trả lời chất vấn nhóm vấn đề duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã trả lời làm rõ giải pháp để các sản phẩm OCOP mang dấu ấn đậm nét văn hóa của địa phương, từ đó tham gia thị trường quà tặng, góp phần phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, lãnh đạo các sở đã đề xuất cần có các cơ chế hỗ trợ kịp thời cho các chủ thể; tuyên truyền, xây dựng các câu chuyện về văn hóa gắn với các sản phẩm OCOP...
Các đồng chí Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường đã trả lời câu hỏi của đại biểu về việc đăng ký nhãn hiệu; hoạt động xúc tiến thương mại; đảm bảo tiêu chí môi trường đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình, làm rõ hơn về vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình, làm rõ hơn về vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Sau phần chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, HĐND tỉnh đã chất vấn nhóm vấn đề thứ hai: "Sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Y tế". Trách nhiệm trả lời chính thuộc về đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế.
Đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn của đại biểu về lĩnh vực Y tế.
Theo đó, đồng chí Giám đốc Sở Y tế đã trả lời chất vấn của đại biểu về: Công tác tham mưu phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch bệnh bạch hầu có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn tỉnh; về công tác tuyển dụng nhân lực ngành y; giải pháp đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các Phòng khám đa khoa khu vực; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện, cũng là để nâng cao năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ngành y tế; giải pháp giữ chân bác sỹ, nhất là bác sỹ có trình độ chuyên môn sâu, trình độ cao làm việc trong khu vực công; giải pháp để tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở và giảm quá tải tại bệnh viện tuyến tỉnh; giải pháp duy trì và nâng cao năng lực tự chủ tài chính; việc "giữ chân" đội ngũ bác sỹ có trình độ tại các đơn vị y tế cấp huyện; giải pháp tăng cường năng lực khám, chữa bệnh của hệ thống y tế cấp cơ sở...
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp nâng cao "điểm chất lượng Bệnh viện", đồng chí Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Để thực hiện cơ chế tự chủ, vấn đề tiên quyết, đó là phải nâng cao niềm tin của người dân đối với cơ sở y tế. Muốn vậy cần phát triển kỹ thuật mới và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để người dân hưởng chất lượng dịch vụ ở nơi gần nhất nhưng chất lượng tốt nhất và tương đương với những nơi mà họ mong muốn. Như vậy, nâng cao "điểm chất lượng Bệnh viện" là yếu tố then chốt để thực hiện cơ chế tự chủ.
Hàng năm, Sở Y tế đều đánh giá, kiểm tra chất lượng bệnh viện ở tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, trên cơ sở đó có cái nhìn tổng quát hơn về năng lực quản trị của các cơ sở y tế. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, những năm gần đây, điểm trung bình chất lượng các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, so với kỳ vọng vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải tiến chất lượng Bệnh viện. Trong đó cần sự quyết tâm của toàn ngành, mà bắt đầu phải từ thủ trưởng ở các đơn vị cơ sở y tế.
Đồng chí Giám đốc Sở Y tế cũng đề xuất tỉnh cho phép ngành được xây dựng Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y với những giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
Cùng tham gia trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Công Toản đã trả lời làm rõ vấn đề thiếu biên chế ngành Y tế; đồng chí Giám đốc Sở Tài chính Đặng Thái Sơn đã tham gia giải trình làm rõ về việc quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế có nội dung chủ đạo, đặc thù…
Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Công Toản đã trả lời làm rõ vấn đề thiếu biên chế ngành Y tế.
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trả lời làm rõ các vấn đề về mà đại biểu HĐND tỉnh chất vấn.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trả lời làm rõ các vấn đề về mà đại biểu HĐND tỉnh chất vấn.
Khẩn trương thực hiện các cam kết, tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực chất vấn
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Sau một buổi làm việc với tinh thần nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 22 của HĐND tỉnh khóa XV đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu đề ra. Tại phiên chất vấn, có 13 đại biểu nêu 17 câu hỏi, chất vấn.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các vị đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh; nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, xác đáng, bám sát vào các nhóm vấn đề chất vấn. Nội dung chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của HĐND tỉnh vừa thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước để tìm ra các giải pháp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nguyện vọng, sự mong đợi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Thủ trưởng các sở, ngành đã trả lời cơ bản đúng trọng tâm, đi thẳng vào các vấn đề được chất vấn, không có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, vòng vo trong trả lời chất vấn; nghiêm túc nhận trách nhiệm, đưa ra những giải pháp trước mắt, lâu dài, cam kết khắc phục những mặt còn hạn chế.
Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc phiên chất vấn.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định việc lựa chọn đúng và trúng hai nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh; đồng thời thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh trên các lĩnh vực thuộc hai nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp.
Để thực hiện hiệu quả cam kết sau chất vấn, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát nội dung trả lời chất vấn; xây dựng kế hoạch, lộ trình, tập trung thực hiện có hiệu quả các cam kết tại phiên chất vấn hôm nay; nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Trong đó, đối với nhóm vấn đề về duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đồng chí đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân và cộng đồng về Chương trình OCOP. Để trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều hơn sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch chi tiết của tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh, cần quan tâm chỉ đạo xây dựng quy hoạch chi tiết về đất đai, quy hoạch đầu tư phát triển mỗi xã hoặc liên xã có một sản phẩm đặc trưng truyền thống, có thương hiệu mạnh, công nghệ phù hợp…
Đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nghiên cứu, có giải pháp để chủ thể tham gia chương trình OCOP có điều kiện hoàn thiện một số tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; phối hợp với các cơ quan hữu quan tập trung nghiên cứu các sản phẩm OCOP làm quà tặng phục vụ phát triển du lịch…
Đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được công nhận. Có cơ chế hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện tiêu chí về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm khi tham gia chấm điểm.
Sở Công Thương tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch đất đai, dành quỹ đất để đưa các chủ thể tham gia chương trình OCOP có sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh phát triển thành thương hiệu đặc sản của địa phương được đầu tư sản xuất tập trung, đảm bảo yếu tố môi trường để phát triển thương hiệu…
Đối với nhóm vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Y tế, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành y tế tỉnh Ninh Bình đảm bảo gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định và các kế hoạch của tỉnh đã ban hành. Xem xét tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Xây dựng chính sách trong thu hút, đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực ngành Y tế đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Trao đổi, làm rõ những đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Y tế nêu tại phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong giải quyết công việc; sắp xếp, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ viên chức hiện có; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh. Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tốt quy định pháp luật trong thực hiện tự chủ…
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý, trước mắt, Sở Y tế tiếp tục làm tốt công tác y tế dự phòng, theo dõi sát tình hình, có giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, và bệnh Bạch hầu nói riêng, có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn.
Liên quan đến công tác nhân sự, đồng chí đề nghị Sở Nội vụ chủ động làm tốt công tác tham mưu thực hiện giao biên chế hằng năm và thực hiện lộ trình tinh giản biên chế trong ngành Y, bảo đảm hợp lý, trong đó phải tính đến yếu tố đặc thù của ngành.
Đối với phương án thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y, đồng chí đề nghị Sở Tài chính tích cực tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế…
*Chiều nay, Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường; xem xét, biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết và bế mạc Kỳ họp.
Báo Ninh Bình điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Theo Báo Ninh Bình
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?