Thứ Năm, 21/11/2024

Để phát huy giá trị của nhà cổ trong vùng lõi Di sản Tràng An

Thứ Tư, 28/02/2024 Đã xem: 81

Theo thống kê sơ bộ, trong vùng lõi Di sản Tràng An còn gần 100 nếp nhà cổ, có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn 2 xã Trường Yên và Ninh Xuân (Hoa Lư), hiện được bảo tồn tương đối tốt. Có một số nếp nhà, khi được trao truyền qua vài thế hệ, trở thành không gian thờ tự và đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Việc bảo tồn những nếp nhà truyền thống là tiền đề cho mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững có tính đương đại mà vẫn giữ được bản sắc của vùng đất Cố đô.

Để phát huy giá trị của nhà cổ trong vùng lõi Di sản Tràng An

Nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Huy Tuấn, thôn Trường Sơn, xã Trường Yên (Hoa Lư).

Khởi nguồn từ "nếp nhà" 

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Giang Tất Đệ, thôn Trường Xuân, xã Trường Yên (Hoa Lư), được xây theo lối kiến trúc truyền thống, không xác định được cụ thể tuổi của ngôi nhà, nhưng đến ông Giang Tất Đệ là đời thứ tư sống dưới mái nhà này. Ngôi nhà có kết cấu "năm gian hai dĩ"; được dựng theo kiểu quá giang vượt tường; hệ thống vì kèo theo kiểu "trụ non, con cung, chồng giường, đấu dế". Nhà chính phân biệt với hiên bằng ngưỡng cửa gỗ; ba gian giữa để "thông tuông"; gian chính giữa bố trí bàn thờ gia tiên rất tôn nghiêm, trang trọng... Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nổi bật với mái ngói vảy đặc trưng; hàng cột đá và nền nhà cao, vững chãi nhờ có những phiến đá tảng được đục đẽo công phu làm nền; hệ cửa bằng gỗ lim theo kiểu "bức bàn", là loại cửa rộng suốt cả gian, có nhiều cánh, chân quay then cài. 

Hay như ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Huy Tuấn, thôn Trường Sơn, xã Trường Yên (Hoa Lư), cũng có vẻ đẹp cổ kính, tinh tế của kiến trúc nhà gỗ cổ đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhà có năm gian (ba gian chính, hai gian phụ), bên trong nhà có sáu hàng cột vuông, hàng cột hiên cũng bằng gỗ vuông kê trên tảng đá. Tại các vị trí ở đốc nhà, các vì kèo, hoành, ngưỡng cửa, đầu bẩy, hoa văn lá lật, kỳ lân được chạm nổi trực tiếp trên gỗ, bậc đá kiên cố. 

Theo PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), những ngôi nhà cổ nêu trên có giá trị rất to lớn; lại ở trong những làng truyền thống tại vùng lõi Tràng An nên càng "đặc biệt" hơn ở chỗ được tô điểm bởi cảnh quan núi đá vôi độc đáo và hấp dẫn. Cũng là những nếp nhà 3 gian, 5 gian nhưng người dân lại biết cách khai thác hiệu quả vật liệu địa phương là đá để làm bậc tam cấp, bó thềm, thậm chí cả cột hiên, từ đó tạo ra sắc thái riêng cho ngôi nhà và tạo nên sắc thái riêng được đặc trưng bởi mối quan hệ với cảnh quan thiên nhiên và việc khai thác điều kiện tự nhiên vào đời sống của cư dân nơi đây. Những ngôi nhà cổ này là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, những ngôi nhà cổ được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị. 

Hướng tới sự phát triển bền vững 

Theo đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nhà cổ là những di sản không chỉ đẹp về đường nét kiến trúc mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Để bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Tỉnh ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trong đó có Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030, quy định chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (gồm hỗ trợ tu bổ, sửa chữa nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống có tuổi đời từ 50 năm trở lên trong vùng lõi Di sản; hỗ trợ xây dựng mới nhà ở trong vùng lõi Di sản)… Đối với chính quyền địa phương có nhà cổ, đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, thôn xóm tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của các công trình xây dựng này nhằm lưu lại những "tinh túy" cha ông để lại. 

Tuy nhiên, đối với việc phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Tràng An thành sản phẩm du lịch, theo PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chính người dân, phong tục, tập quán và nếp sống của họ tạo nên phần hồn của các di sản kiến trúc (nhà cổ). Khi người dân tự hào về di sản và được hưởng lợi từ di sản thì phát triển du lịch mới có thể bền vững. Vì vậy, cần thúc đẩy các chiến lược quản lý có sự tham gia của các cộng đồng liên quan; khuyến khích thực hiện các kế hoạch phát triển với sự tham gia của người dân và các bên liên quan khác trong việc bảo tồn và quản lý nhà cổ; đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm, tạo nên những công việc có ý nghĩa, mang lại lợi ích thực tiễn về kinh tế xã hội cho người dân; tăng cường sự tham gia của người dân trong bảo tồn, phát huy di sản, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, lòng tự hào của cộng đồng; tạo dựng, củng cố sự đồng thuận khi phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên nền tảng hiện có. Khởi nguồn từ "nếp nhà", từ làng quê truyền thống làm tiền đề cho mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững có tính đương đại mà vẫn giữ bản sắc của vùng đất Cố đô. 

Vì vậy, để bảo tồn những ngôi nhà cổ, nhà truyền thống trong vùng di sản, theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam, thời gian tới, Ninh Bình cần tập trung khôi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân bản địa hiện đang sinh sống trong các ngôi nhà cổ, tạo tiền đề thúc đẩy doanh thu thực tế từ phát triển du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng cần có chính sách tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ di sản bền vững, đặc biệt với vùng lõi di sản. 

Xây dựng cơ chế trong quản lý giữ gìn cấu trúc làng xóm hiện có, giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị và hạ tầng kinh tế của làng xã, phục hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống. Các sở, ngành, địa phương liên quan cũng cần phối hợp đề xuất nghiên cứu các mẫu nhà mô phỏng hình thức truyền thống, tuyên truyền cho người dân nhân rộng mô hình homestay, hài hòa với không gian làng xóm. Từ đó tạo cơ chế, quyền lợi trong hợp tác công-tư, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn nhà cổ nói riêng và đề cao tham vấn cộng đồng trong bảo tồn di sản.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?