Thứ Năm, 21/11/2024

Những người lưu giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa Cố đô  

Thứ Sáu, 22/03/2024 Đã xem: 47

 

Xã Trường Yên gắn liền với kinh thành Hoa Lư xưa. Thời gian qua, bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, cấp ủy, chính quyền và cộng đồng người dân địa phương luôn coi trọng và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô.

Những người lưu giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa Cố đô

Đội tế nữ quan cửu khúc thôn Đông Thành tập luyện nghi thức tế lễ.

Ông Hoàng Văn Chính, 76 tuổi, thôn Trường Sơn, xã Trường Yên (Hoa Lư) được biết đến là một trong những người đam mê nhạc cụ dân tộc truyền thống tại xã Trường Yên. Mặc dù tuổi đã cao, song tình yêu và nhiệt huyết với văn hóa truyền thống luôn được ông duy trì. 

Ông Chính có thể chơi nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo, nhị. Mỗi loại nhạc cụ dân tộc có nét đẹp và độc đáo riêng. Trong đó, đàn bầu với tính năng độc đáo, âm thanh tuyệt vời của nó tạo nên sức hút đặc biệt. Là một trong những nhạc cụ có tính thuần Việt, âm thanh của tiếng đàn bầu trầm, bổng như gợi niềm tâm sự, quyến rũ người nghe. Tiếng đàn bầu mang hồn dân tộc. 

Dù là người không được đào tạo một cách bài bản về sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, song với tình yêu văn hóa truyền thống, ông Chính đã tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi. Ông Chính như một nhạc công thực thụ, có thể chơi được nhiều bản nhạc, các bài hát bằng đàn bầu, sáo, nhị, ca ngợi quê hương, đất nước. Ông thường xuyên biểu diễn phục vụ người dân và du khách tại Lễ hội Hoa Lư, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng dân cư; đồng thời tham gia nhiều hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh. 

Những người lưu giữ quảng bá nét đẹp văn hóa đất Cố đô

Ông Hoàng Văn Chính, 76 tuổi, thôn Trường Sơn,  xã Trường Yên biểu diễn đàn bầu.

 

Ông Chính cho biết: Tôi tự hào là người con sinh ra tại đất Cố đô. Với một chút năng khiếu âm nhạc, từ nhỏ tôi đã mê tiếng đàn bầu, tiếng sáo... Tôi từng có 4 năm trong quân ngũ. Đây là khoảng thời gian giúp tôi trang bị thêm kiến thức về nhạc lý, luyện kỹ thuật chơi đàn, thổi sáo. Qua các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư, quảng bá nét văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư đến với Nhân dân và du khách...

Không chỉ là người có khiếu chơi nhạc cụ dân tộc, ông Chính còn là nghệ nhân tài hoa, khéo léo về gỗ lũa. Ông Chính được công nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh của tỉnh. Những tác phẩm gỗ lũa qua bàn tay chạm khắc của ông rất đa dạng về mẫu mã, với những hoa văn cầu kỳ, tinh xảo như nghệ thuật chạm nổi, chạm chìm, chạm thủng, chạm kênh bong, ghép lớn để phân tầng nông sâu... Phong cách chạm mang nghệ thuật cung đình với đề tài rồng, phượng, mặt trăng, mặt trời, các anh hùng, vĩ nhân. 

Những người lưu giữ quảng bá nét đẹp văn hóa đất Cố đô

Ngoài chơi khá tốt các nhạc cụ dân tộc, ông Chính còn đam mê nghệ thuật chạm khắc gỗ lũa.

 

Tác phẩm của nghệ nhân Hoàng Văn Chính không chỉ lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật chạm khắc gỗ lũa của đất Cố đô mà còn phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bằng sự đam mê, tâm huyết, ông Chính đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa nghề truyền thống của địa phương.

Đối với người yêu văn thơ của xã Trường Yên, hầu như ai cũng biết đến ông Trần Lục Vấn (bút danh Thanh Tùng), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Là người con của vùng đất Cố đô, ông Trần Lục Vấn đã có nhiều tác phẩm thơ ca ngợi ca quê hương, đất nước, giá trị văn hóa của miền đất cổ, nơi ghi dấu đậm đặc các giá trị lịch sử-văn hóa. 

Sống trong không gian văn hóa đặc sắc của Cố đô Hoa Lư, qua các bài thơ, nhà thơ Trần Lục Vấn đã khắc họa nét đẹp truyền thống văn hóa-lịch sử của quê hương, đất nước, phản ánh nhiều góc nhìn về cuộc sống và khát vọng vươn lên của con người vùng đất Cố đô. Ông Vấn cảm thấy tự hào và tích cực quảng bá truyền thống, giá trị văn hóa lịch sử của quê hương đến độc giả cả nước qua các bài thơ được in trên nhiều tờ báo, tạp chí.

Nhà thơ Trần Lục Vấn chia sẻ: Tôi rất tự hào về quê hương Hoa Lư-mảnh đất giàu truyền thống, phong cảnh tuyệt vời. Con người Trường Yên từ trẻ đến già đều yêu mến quê hương, luôn có ý thức bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. 

Những người lưu giữ quảng bá nét đẹp văn hóa đất Cố đô

Nhà thơ Trần Lục Vấn.

 

Trong những năm qua, Đội tế nữ quan cửu khúc thôn Đông Thành đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ông cha. Bà Nguyễn Thị Tương, Trưởng thôn Đông Thành cho biết: Đội tế thôn Đông Thành duy trì trên 30 người, trong đó Đội đang lưu giữ nghi thức lễ tế Vua đúng theo truyền thống tế lễ cung đình, từ bước đi, tư thế đứng, quỳ... trang trọng, thành kính trong lễ tế. Tế cửu khúc gồm 9 khúc ca, tấu ca ngợi công đức của Vua Đinh Tiên Hoàng, cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Đây là phần tế lễ rất quan trọng tại Lễ hội Hoa Lư hàng năm.

Những người lưu giữ quảng bá nét đẹp văn hóa đất Cố đô

Các thành viên CLB văn hóa-văn nghệ thôn Đông Thành, xã Trường  Yên tích cực tập luyện.

 

Trên địa bàn xã Trường Yên hiện có 16/16 thôn xóm có CLB văn hóa-văn nghệ, Hội thơ Cờ Lau, CLB sinh vật cảnh, hội tế lễ cổ truyền hoạt động rất hiệu quả. Đồng chí Bùi Thị Thanh Nhàn, công chức Văn hóa-Xã hội xã Trường Yên, huyện Hoa Lư cho biết: Hướng tới kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, xã Trường Yên đang phát huy hiệu quả hoạt động của các CLB văn hóa-văn nghệ; quy tụ nhân tố văn nghệ trong xã để có nguồn sáng tác, biểu diễn; tạo môi trường cho các CLB văn hóa-văn nghệ hoạt động như các buổi tọa đàm, gặp mặt đầu xuân, các hoạt động dã ngoại để có nguồn cảm hứng sáng tác… Đây là những hạt nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư .

Bài, ảnh: Phương Anh

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?