Thứ Năm, 21/11/2024

Những hoạt động thiết thực giúp dân xóa đói, giảm nghèo và các vấn đề cần quan tâm hiện nay

Thứ Hai, 13/11/2023 Đã xem: 50

 Giúp dân xóa đói, giảm nghèo, là một trong những chính sách lớn, có vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, giúp nhau vượt qua khó khăn là thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; đồng thời thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Một số kết quả hoạt động giúp dân xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam

Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta; được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”1. Bác chỉ rõ: Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”2, “Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”3. Bước sang thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ: “Mục đích của Chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách giản đơn, dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”4. Người yêu cầu Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để “phát triển kinh tế và văn hoá”, “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”5.

Giai đoạn nào cũng vậy, Đảng ta xác định, con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”6. Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên phải phục vụ lợi ích của nhân dân”7. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế mới, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội trên địa bàn cả nước, “giúp dân xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào ở những vùng đất còn hoang hoá, các xã đặc biệt khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”8. Trọng tâm là phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các huyện nghèo, hộ nghèo và người nghèo.

Kết quả xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích của người dân. Nổi bật là về nhà ở, đi lại, đến năm 2020, cả nước đã xây dựng, củng cố được hàng vạn ngôi nhà, căn hộ cho người nghèo, xóa bỏ hầu hết nhà tạm ở các thôn, bản; 99% địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biên giới có đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã. Về chăm sóc sức khỏe, trên 90% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế và được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Với hệ thống bệnh viện, trạm y tế và dịch vụ y tế thông suốt từ trung ương đến cơ sở, Việt Nam đã khống chế, đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 64 tuổi trong thập kỷ 90 (thế kỷ XX) lên 73-75 tuổi năm 2020.

Những kết quả này được nhân dân ta ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều nước và tổ chức quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng văn hóa, thành công trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Từ thực tiễn đã tổng kết, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, có giá trị; đặc biệt là bài học để xóa đói, giảm nghèo có kết quả phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị cùng với các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, vùng nghèo.

 Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, Đảng ta đã chỉ rõ: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chính sách xóa đói, giảm nghèo phù hợp với từng giai đoạn; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo và các vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, có chính sách và giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo. “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người”9 và đề ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, bình quân mỗi năm giảm từ 1,5% - 1,7% tỷ lệ hộ nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3,5% trở lên. Đến năm 2025 giảm 40% - 50% các xã thuộc diện khó khăn và giảm trên 50% thôn, bản đặc biệt khó khăn; đồng thời khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giầu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”10.

Một số giải pháp chủ yếu xóa đói giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội

Một là, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trước hết, phải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, mà nội dung là sự tiếp tục và mở rộng các chương trình xóa đói, giảm nghèo, kể cả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện, xã, thôn bản nghèo. Cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp, các ngành phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình, coi đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình một cách tích cực, khoa học, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đồng thời ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu của chương trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị, địa phương, phát hiện những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai phạm trong thực hiện chương trình...

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm tích lũy được, tiếp tục tham gia tích cực, có kết quả, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo vào việc thực hiện chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, nhất là tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10 - 18/11), để các hoạt động vì người nghèo thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân: cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, ở cả thành phố và nông thôn, ở mọi vùng, miền của đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Kịp thời biểu dương, tôn vinh những tấm lòng nhân ái, hảo tâm, thiện nguyện giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia vì người nghèo, để xóa bỏ một cách căn bản những nguyên nhân sinh ra nghèo đói, xóa nghèo một cách bền vững, các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở tất cả các cấp từ trung ương đến cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, để đến năm 2045 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Trong tái cơ cấu nền kinh tế, cần thu hút đầu tư và chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để sử dụng, tạo việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động đông đảo, phần đông là còn nghèo trong vùng và phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. Trong thực hiện đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần hết sức quan tâm đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông điện, nước, thông tin liên lạc và phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, tăng cường dạy nghề cho vùng nông thôn, đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để đồng bào vươn lên phát triển sản xuất, vượt qua nghèo đói, tiến tới làm giàu cho mình, cho đất nước. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là đối với người nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn hoặc rủi ro trong cuộc sống. Đồng thời, “Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”11.

Nhà nước tăng cường đầu tư và có cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, các phương tiện liên lạc, cứu hộ, cứu nạn ở vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra; đồng thời huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các vùng, miền, các tỉnh, thành phố, địa phương, các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo là một nhiệm vụ rất quan trọng, nhân văn và cao cả, phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc; thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội Việt Nam. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng các tổ chức xã hội hãy chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giúp dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Cù Huy Điển

Thạc sĩ, Viện trưởng Viện Phát triển văn hóa dân tộc

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?