Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 1.121 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ, trong đó 693 hộ có nhu cầu xây mới, 428 hộ có nhu cầu sửa chữa. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thực hiện các chiến lược, chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết "Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025". Với những quy định cụ thể về đối tượng, chính sách và nguyên tắc hỗ trợ, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp hộ nghèo có khó khăn về nhà ở sớm được "an cư, lạc nghiệp", góp phần thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội.
Bà Phạm Thị Dung được cán bộ xã Yên Thắng tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết số 43.
Nghị quyết số 43 được kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XV thông qua ngày 10/3/2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2023. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở là hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều và phải bảo đảm các điều kiện: Chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở hư hỏng, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng mà hộ gia đình không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa; Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp thửa đất ở được tặng cho, thừa kế, giao, chuyển nhượng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà thửa đất đó ổn định, không có tranh chấp thì phải có giấy tờ tặng cho, thừa kế, giao, chuyển nhượng hợp pháp và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Hộ gia đình được hỗ trợ cam kết sẽ sinh sống trong căn nhà được xây dựng, sửa chữa.
Đặc biệt, mức hỗ trợ xây, sửa nhà đã được tăng lên gấp đôi so với trước kia. Cụ thể: đối với trường hợp xây dựng mới sẽ được hỗ trợ là 100 triệu đồng/căn, đối với hộ sửa chữa, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn. Nghị quyết cũng quy định tiêu chuẩn, chất lượng nhà ở sau khi xây dựng, sửa chữa phải có diện tích tối thiểu bằng 30m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m) với kết cấu móng bê tông hoặc xây gạch, đá; khung - tường xây gạch hoặc kết hợp khung bê tông, tường gạch; mái bê tông hoặc lợp tôn xốp, nền lát gạch men và có công trình phụ hợp vệ sinh; căn nhà sau khi xây mới hoặc sửa chữa có tuổi thọ từ 20 năm trở lên, nhà ở phải đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc.
Dự kiến, trong giai đoạn 2023- 2025, tỉnh sẽ trích khoảng 84,5 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách để thực hiện Nghị quyết và phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa. Thực hiện Nghị quyết 43, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Xây dựng đã ban hành hướng dẫn hướng dẫn, trình tự, thủ tục … để các địa phương triển khai.
Nhiều ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 43 nhằm bảo đảm các đối tượng theo quy định sớm được tiếp cận với chính sách này.
Đồng chí Đỗ Đình Úy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thắng (Yên Mô) cho biết: Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết, xã Yên Thắng đã chỉ đạo các thôn, xóm rà soát các hộ có khó khăn về nhà ở, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trên cơ sở đó tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Theo thống kê, hiện toàn xã còn 50 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,74%), số hộ cận nghèo là 65 hộ (chiếm tỷ lệ 2,27%). Trong đó có 3 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở có nhu cầu xây mới. Xã cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ này chuẩn bị về vật chất cũng như tinh thần để khi được phê duyệt xã sẽ bắt tay triển khai ngay các bước hỗ trợ theo quy định, tạo điều kiện để họ sớm ổn định cuộc sống.
"Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, tiền công xây dựng tăng cao, việc tăng chính sách hỗ trợ cho hộ xây mới, sửa chữa theo tinh thần Nghị quyết 43 là rất phù hợp, tạo tiền đề kích cầu các hộ có khó khăn về nhà ở quyết tâm xây mới, sửa chữa nhà ở"- đồng chí Đỗ Đình Úy khẳng định.
Với những chính sách hỗ trợ và quy định cụ thể, Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh được ban hành thực sự là tin vui cho những hộ khó khăn về nhà ở.
Bà Phạm Thị Dung ở xóm 1, xã Yên Thắng (Yên Mô) chia sẻ: Nhiều năm nay ngôi nhà cấp 4 của gia đình đã xuống cấp, nhưng vì kinh tế eo hẹp, tuổi lại cao (hơn 70 tuổi) và thường xuyên đau yếu nên việc dành dụm để xây lại nhà là hết sức khó khăn. Những ngày qua, bà đã được cán bộ xã Yên Thắng đến khảo sát thực tế, thăm hỏi, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết 43, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của gia đình để lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
"Nếu được các cấp, ngành chức năng xem xét hỗ trợ, tôi và gia đình cũng sẽ huy động thêm sự trợ giúp của anh em, dòng họ, bà con lối xóm để có thêm nguồn lực xây nhà mới"- bà Dung bày tỏ quyết tâm.
Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết số 43 là cần thiết, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, nhất là hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Điều này cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm của HĐND tỉnh trong việc kịp thời điều chỉnh, bổ sung những chính sách không còn phù hợp với thực tiễn.
Tin rằng, với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng, các địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, các hộ nghèo sẽ sớm được hưởng lợi từ chính sách, góp phần cải thiện cuộc sống.
Bài, ảnh: Mai Lan
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?