Vừa qua, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức "Tọa đàm khoa học đầu bờ" về Khai quật khảo cổ tại địa điểm chùa Bà Ngô, thôn Trường Xuân, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Các nhà khảo cổ thuyết trình về giá trị hiện vật thu được trong quá trình khai quật khu vực chùa Bà Ngô.
Dự tọa đàm có lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; các chuyên gia và sinh viên của Đại học Trent (Canada); các phòng chuyên môn thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện địa phương...
Đợt khai quật khảo cổ tại khu vực chùa Bà Ngô được tiến hành từ ngày 3/5 đến 3/6/2024. Hoạt động khảo cổ được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học, Đại học Trent và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình.
Hố khai quật khảo cổ được thực hiện trên diện tích rộng 8m2, sâu 30cm-70cm. Mục đích của hoạt động khai quật nhằm tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử sinh thái - xã hội bao gồm mô hình dân cư, các hoạt động nông nghiệp và quản lý nguồn nước tại Cố đô Hoa Lư vào thế kỷ X. Chương trình tiến hành các nghiên cứu về khảo cổ học cư trú trong khu vực ngoại thành và khu vực vành đai bên ngoài trung tâm kinh thành Hoa Lư. Quá trình khai quật các nhà khoa học đã thu được khoảng 1.400 mảnh hiện vật, bao gồm các mảnh gạch ngói, mảnh sành, gốm men, đất cháy, mảnh vụn nguyên liệu sắt, quặng sắt, xỉ, xương động vật, vỏ nhuyễn thể…
Qua nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước bước đầu cho thấy giá trị của các hiện vật thể hiện bức tranh sinh hoạt của cư dân cổ Hoa Lư giai đoạn thế kỷ X, bao gồm khu lò luyện sắt và khu vực sinh hoạt cũng như kỹ thuật gia cố nền đất trong điều kiện đất trũng của cư dân Hoa Lư.
Các thông tin và giá trị hiện vật khai quật khảo cổ sẽ là những cứ liệu quan trọng cung cấp thêm thông tin quý giá cho các nhà nghiên cứu, giới sử học để làm sâu sắc hơn các giá trị về khoa học, lịch sử, văn hóa, xã hội... của di sản Cố đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc.
Theo Báo Ninh Bình
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?