Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Kinh đô Hoa Lư trải qua hơn 1.000 năm, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, là niềm tự hào, in sâu vào tiềm thức của người dân Ninh Bình; cùng với sự chung sức vun bồi của bao thế hệ người dân Ninh Bình, đã chuyển thành khát vọng và quyết tâm xây dựng Cố đô Hoa Lư trở thành đô thị Hoa Lư, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, là một trong những Trung tâm du lịch cấp quốc gia, mang tầm quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, những năm qua Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnhNinh Bình đã kiên trì thực hiện định hướng phát triển “Xanh, bền vững và hài hòa”, lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá - lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố Đô và giá trị đặc sắc, nổi trội riêng có của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An làm nguồn lực và động lực phát triển.
Hội thảo là cơ hội để tỉnh tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư về “Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị - Những vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Bình hiện nay”, xác định tầm nhìn, thu hút nguồn lực để giữ được bản sắc, không xung đột với những giá trị của di sản cố đô trong quá trình hiện đại hóa; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có. Những vấn đề được đề cập và phân tích qua các tham luận, thảo luận tại Hội thảo chắc chắn sẽ đem lại kết quả rất quan trọng và hữu ích cho định hướng quản lý và xây dựng đô thị Hoa Lư, cũng là thể hiện khát vọng tiếp nối truyền thống nghìn năm của nhân dân trên mảnh đất Cố đô, là động lực để Hoa Lư vững bước tiến vào kỷ nguyên mới bằng tâm thế của đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và vươn tầm quốc tế. Khí thiêng của sông núi, nền tảng giá trị lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư được phát huy bằng tinh thần kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ tạo thế và lực cho đô thị Hoa Lư phát triển mạnh mẽ, bứt phá.
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo
Phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: Theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững Đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đô thi hoá là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại. Do đó, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi trọng tâm, nêu bật được vấn đề quản lý phát triển không gian kiến trúc cảnh quan, sự phân chia không gian và sự kết nối không gian để tạo nên đô thị đặc sắc, khác biệt của vùng Đồng bằng sông Hồng trong không gian phát triển chung của đất nước, cụ thể:
Một là, Những vấn đề chung về xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.
Hai là, Quản lý và phát triển vùng đất Cố đô Hoa Lư - đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế, đô thị công nghiệp văn hóa; xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Ba là, Xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư trở thành một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo, định hướng tại Hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh: Ninh Bình phấn đấu đến năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, trong đó, đô thị sẽ đóng vai trò chủ đạo, hạt nhân trong hiện thực tầm nhìn chiến lược này; hướng đến xây dựng dựa trên những giá trí nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, vị thế riêng có của Hoa Lư, Ninh Bình. Vấn đề nội hàm cần đặt ra ở đây là xây dựng đô thị Di sản thiên niên kỷ Ninh Bình phải ứng phó với các thách thức thiên niên kỷ, xử lý mối quan hệ giữa đô thị di sản và đô thị công nghiệp, giữa đô thị cảnh quan và đô thị bê tông, đô thị nén. Xây dựng đô thị cảnh quan văn hóa, tích hợp các di sản nông thôn, di sản kinh tế nông nghiệp trong đô thị cảnh quan. Xử lý thách thức giữa đô thị và nông thôn. Đồng thời tích hợp được những giá trị của đô thị di sản, di sản nông thôn, di sản nông nghiệp vào quá trình xây dựng đô thị mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc cố đô Hoa Lư nghìn năm tuổi
giàu bản sắc Việt.
Hội thảo cũng tiến hành phiên tham luận chuyên đề và phiên Tọa đàm với sự tham gia của 12 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, trao đổi trực tiếp với chủ đề của Hội thảo “Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị - Những vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Bình hiện nay”.
TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tham luận tại Hội thảo
Tham luận tại Hội thảo, TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam làm rõ hơn Bản sắc địa phương và vị thế mới vùng đất Cố đô Hoa Lư- Trái tim trong quản lý và phát triển đô thị Hoa Lư - Đô thị Di sản thiên niên kỷ. Trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, trong đó dấu tích của Cố đô Hoa Lư và hệ thống hang động vùng núi đã vôi huyện Hoa Lư và phụ cận có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hoá, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (năm 2014). Thời gian qua, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản luôn được tôn trọng, gìn giữ; các khu, điểm du lịch trong Khu Di sản thực sự trở thành hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy giao lưu văn hóa, thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững. Những giá trị nổi bật của Kinh đô Hoa Lư - Kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử - văn hóa làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình hướng tới Đô thị di sản văn minh, hiện đại, đại diện cho cực tăng trưởng phía Nam châu thổ sông Hồng. Đây là bản sắc địa phương đặc trưng cốt lõi, là cơ sở quan trọng, giá trị hàng đầu để nghiên cứu định dạng thương hiệu Đô thị di sản Hoa Lư trong định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình.
Tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học
Trao đổi tại Hội thảo, TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp KH phát triển du lịch bền vững (STDe) cho rằng: Cố đô Hoa Lư, nơi từng là kinh đô đầu tiên của Việt Nam dưới triều đại Đinh, Lê, mang trong mình giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc. Với một nền tảng di sản quý báu và thiên nhiên phong phú, Hoa Lư hội tụ đủ điều kiện để trở thành một "Đô thị Di sản Thiên niên kỷ", đồng thời vươn mình trong thời đại hội nhập và phát triển. Với đặc trưng Đô thị Di sản Thiên niên kỷ, Hoa Lư cần được quy hoạch và phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, như: Bảo tồn di sản: Các công trình kiến trúc cổ, địa điểm lịch sử như cố đô Hoa Lư, chùa chiền, lăng tẩm... cần được bảo tồn nguyên trạng. Phát triển bền vững : Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và hiện đại hóa, tránh ảnh hưởng đến cảnh quan di sản. Thúc đẩy công nghệ và sáng kiến xanh, ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý đô thị và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Giáo dục và quảng bá : Đẩy mạnh giáo dục và truyền bá giá trị văn hóa tới thế hệ trẻ và du khách quốc tế thông qua bảo tàng, sự kiện văn hóa.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, cần tập trung toàn lực để thúc đẩy 04 lĩnh vực chính liên quan đến công nghiệp văn hóa (còn gọi là công nghiệp sáng tạo), bao gồm : Thúc đẩy du lịch sáng tạo: Mạnh dạn đầu tư các dự án du lịch theo tư duy đột phá để nâng tầm trải nghiệm du lịch tại cố đô Hoa Lư, biến nơi này thành điểm đến không chỉ mang tính lịch sử mà còn giàu sức hút sáng tạo. Thúc đẩy nghệ thuật sáng tạo: Qui hoạch phát triển lồng ghép các không gian biểu diễn văn hóa- du lịch- điện ảnh- ca múa nhạc- triển lãm,... để tích hợp chuỗi giá trị quá khứ- hiện tại- tương lai của di sản, tích hợp liên kết giá trị đa ngành, kích thích sự sáng tạo đa dạng trong cộng đồng. Thúc đẩy làng nghề sáng tạo: Hỗ trợ các ngành nghề thủ công truyền thống kết hợp với thiết kế hiện đại để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Thúc đẩy cộng đồng sáng tạo: Người dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc đô thị. Cần có cơ chế mở để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Sức sáng tạo mạnh mẽ của họ trong các hoạt động bảo tồn và sáng tạo sẽ là động lực lớn giúp thành phố Hoa Lư tiến xa hơn.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu Bế mạc Hội thảo
Phát biểu Bế mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Chủ đề khoa học “Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trong quản lý và phát triển đô thị - Những vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Bình hiện nay” là một chủ đề khoa học mới, có tính chất chuyên sâu, các chuyên gia, nhà khoa học đã giành tình cảm, tâm huyết, tập trung nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về Bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư, về quản lý và phát triển đô thị; từ đó định hướng phát triển xây dựng đô thị Hoa Lư trở thành một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở khoa học, tổng kết nghiên cứu từ thực tiễn với ý nghĩa hết sức quan trọng để tỉnh Ninh Bình, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Tạp chí Cộng sản tổng hợp làm căn cứ triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Mặc dù còn nhiều tư liệu chưa được trình bày và thảo luận trực tiếp, một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu; Theo đánh giá của các chuyên gian, nhà khoa học, nhà quản lý, Hội thảo đã hoàn thành những mục tiêu đề ra. Điểm nổi bật của Hội thảo là các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã thống nhất đưa ra một số nội dung cơ bản, đó là: Phân tích làm rõ những vấn đề chung về xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế. Nhận diện lại giá trị bản sắc của vùng đất Hoa Lư: Từ cội nguồn đến bản sắc đô thị mang tính hiện đại. Đưa ra định hướng trong Quản lý và phát triển vùng đất Cố đô Hoa Lư - đô thị di sản thiên niên kỷ, đô thị du lịch quốc tế, đô thị công nghiệp văn hóa; xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Đề ra các chiến lược, các giải pháp xây dựng vùng đất Cố đô Hoa Lư trở thành một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.
Với kết quả đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Tạp chí Cộng sản cùng với tỉnh Ninh Bình tổng hợp những nội dung, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để xây dựng Báo cáo tổng hợp Hội thảo để tiếp tục áp dụng nghiên cứu và triển khai trong thực tiễn. đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng trong xây dựng chính sách, cơ chế thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển vùng đất Cố đô trở thành hiện thực, đó là: Xây dựng một đô thị “Xanh, bền vững và hài hòa”, phát triển công nghiệp văn hoá, đô thị sáng tạo. Lấy di sản làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, lấy đô thị di sản làm cơ sở tạo sự kết nối cộng đồng, kết nối vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế. Từ đó phát triển ngành du lịch công nghiệp văn hóa và tạo ra giá trị cho sự phát triển đột phá, toàn diện bền vững của địa phương trong thời gian tới. Đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học trong thời gian tới tiếp tục giành thời gian, sự yêu mến, trí tuệ nghiên cứu để giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn, giữa đô thị xanh, đô thị di sản thiên niên kỷ, tích hợp đô thị di sản nông thôn vào đô thị di sản thiên niên kỷ, khắc phục tình trạng phát triển đô thị kiểu "bê tông hóa", đô thị "nén" đang trở thành thách thức hiện nay; đồng thời tránh di sản hoá đô thị, bảo tàng hoá đô thị một cách máy móc, hay loại bỏ nhầm không bảo vệ những công trình văn hoá có giá trị; đưa cácgiá trị, bản sắc Việt vào xây dựng đô thị Hoa Lư mang đầy đủ tính hiện đại của đô thị mà vẫn giàu bản sắc vùng đất Cố đô. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung nghiên cứu, phổ biến, quán triệt các nội dung, kết quả của hội thảo, từ đó ứng dụng, vận dụng trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan, nhằm mục tiêu xây dựng thành công Hoa Lư đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trong thời gian tới./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo