Phụ lục I
HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ ATTP
DỊP TẾT TRUNG THU NĂM 2024
I. ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN TRUYỀN THÔNG
1. Chính quyền các cấp, các nhà quản lý
2. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
3. Người tiêu dùng thực phẩm
II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
1. Đối với Chính quyền các cấp, các nhà quản lý
- Phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP dịp tết Trung thu năm 2024.
- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý ATTP tại địa phương, cơ sở.
- Đưa tin, tuyên truyền về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn cả nước.
- Tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật mới như:
+ Nghị định số 15/2018/ND-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP;
+ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
+ Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/3/2017 về ghi nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/3/2017 về ghi nhãn hàng hóa;
+ Các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác quản lý ATTP của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương.
2. Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất; quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; việc sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
- Tuyên truyền chỉ sử dụng nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng; sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn.
- Tuyên truyền quy định về điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm. Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu cần kinh doanh và bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ. Tuyệt đối không được bánh trung thu, bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác rõ ràng, quá hạn sử dụng, bánh bị mốc, hỏng.
- Tuyên truyền đảm bảo các điều kiện ATTP trong bảo quản, kinh doanh bánh, mứt kẹo, trái cây, đặc biệt là các loại bánh trung thu.
- Tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
- Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP theo quy định nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
3. Đối với người tiêu dùng thực phẩm
- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Phổ biến kiến thức, thực hành việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua sử dụng thực phẩm phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng liều lượng theo quy định.
Trong dịp tết Trung thu, người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP; kiểm tra kỹ nhãn mác, các thông tin trên nhãn mác phải rõ ràng về các nội dung như tên cơ sở sản xuất, địa chỉ sản xuất, tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thời hạn sử dụng...; không sử dụng bánh có dấu hiệu mốc, hỏng.
III. CÁC KÊNH TRUYỀN THÔNG
- Kênh truyền thông đại chúng: Huy động Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, báo chí dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng tuyên truyền về ATTP. Đặc biệt phát huy hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để tập trung chuyển tải Thông điệp bảo đảm ATTP tết Trung thu năm 2024. Viết bài phổ biến kiến thức về ATTP, phổ biến các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để nâng cao hiệu quả thực thi các nội dung của Luật.
- Kênh truyền thông trực tiếp: tăng cường truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, nông nghiệp phát triển nông thôn, các ban ngành, đoàn thể (như Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang, cộng tác viên y tế thôn, bản...) với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về ATTP...
- Các kênh truyền thông khác: Tùy từng địa phương, phong tục, tập quán, địa bàn dân cư triển khai các hình thức truyền thông phù hợp như băng - rôn, khẩu hiệu, hướng dẫn cụ thể bằng cách “cầm tay chỉ việc”.
Đặc biệt, cần huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đảm bảo ATTP dịp tết Trung thu.
IV. KHẨU HIỆU BẢO ĐẢM ATTP TẾT TRUNG THU NĂM 2024
Vào dịp tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, nước giải khát tăng đột biến. Nếu không quản lý tốt, nguy cơ xuất hiện các loại sản phẩm không đảm bảo ATTP, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, trà trộn, lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng:
1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ dịp tết Trung thu 2024; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP.
2. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về kiểm soát nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
4. Tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
5. Người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn, mác, điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm.
6. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, bánh kẹo đã ôi thiu, mốc hỏng, hết hạn sử dụng.
7. Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn an toàn.
8. Để đảm bảo an toàn thực phẩm hãy ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
9. Phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi người.
10. Vì tết Trung thu vui, khỏe - Hãy bảo đảm ATTP.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?