Hướng dẫn phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết DENGUE
1. Tình hình dịch bệnh
Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tính đến ngày 20/7, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch sốt xuất huyết ở xã Văn Phương và Gia Lâm (huyện Nho Quan). Như vậy, toàn tỉnh hiện có 6 ổ dịch, trong đó có 3 ổ dịch đã qua 14 ngày không ghi nhận ca bệnh mới, tổng số ca bệnh là 32, với 7 bệnh nhân nội tỉnh.
Trong đó, các ca bệnh đều được ghi nhận và điều trị tại cơ sở y tế: Bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh 1 ca; Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan 6 ca; Bệnh viện Đa khoa thành phố Tam Điệp 1 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình 20 ca; Bệnh viện Sản Nhi tỉnh 4 ca. Trên địa bàn xã Trường Yên có 02 ca mắc đã khỏi bệnh và đã được cơ quan chuyên môn công bố hết dịch
Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế đang triển khai các hoạt động như: Tổ chức giám sát hỗ trợ, giám sát véc tơ, giám sát trọng điểm ca bệnh tại cộng đồng, ưu tiên khu vực có nguy cơ cao như các ổ dịch cũ, ổ dịch đang hoạt động… Phối hợp với các đơn vị truyền thông tăng cường tuyên truyền phòng, chống Sốt xuất huyết. Thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình ghi nhận bệnh nhân tại các cơ sở điều trị, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố xử lý ổ dịch.
Cung cấp tài liệu truyền thông, hóa chất diệt muỗi, hóa chất diệt bọ gậy cho các huyện, thành phố chủ động triển khai phòng, chống dịch. Chuẩn bị nhân lực, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố xử lý dịch khi có yêu cầu…
II. Bệnh sốt xuất huyết là gì ?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đến nay, chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết Dengue. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Đối với những trường hợp nặng nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
III. Triệu chứng lâm sàng bệnh sốt xuất huyết
- Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
+ Giai đoạn sốt: sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; nghiệm pháp dây thắt dương tính. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
+ Giai đoạn nguy hiểm: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan; vật vã, lừ đừ, li bì; vôn ói; Xuất huyết
+ Giai đoạn hồi phục: người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều; có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.
IV. Những triệu chứng nguy hiểm cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám ngay:
+ Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
+ Không ăn, uống được.
+ Nôn ói nhiều.
+ Đau bụng nhiều.
+ Tay chân lạnh, ẩm.
+ Mệt lả, bứt rứt.
+ Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
+ Không tiểu trên 6 giờ.
+ Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì
V. Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Đối với các thể bệnh nhẹ điều trị tại nhà được mà không cần nhập viện. Khi bị sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu, người bệnh sẽ có phản ứng sốt cao như sốt virus thông thường khác và thường chưa có biến chứng nên có thể điều trị tại nhà bằng cách:
- Theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần;
- Nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát, có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng;
- Uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1;
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp...;
- Khi sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên, vì vậy phải tìm mọi cách để làm cho cơ thể tỏa nhiệt ra bằng cách uống thuốc paracetamol hạ sốt kết hợp với chườm nước mát ở vị trí nách, bẹn và các nếp gấp, lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt.
- Để giúp nhiệt độ cơ thể tỏa ra nhanh hơn, bệnh nhân nên mặc quần áo thoáng bởi khi người bệnh sốt cao, cơ thể thường có cảm giác ớn lạnh, nhiều người không biết lại đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo cho người bệnh, việc làm này càng làm hạn chế việc tỏa nhiệt của cơ thể khiến bệnh sốt xuất huyết điều trị lâu hơn và dẫn đến biến chứng nặng;
- Đối với trẻ nhỏ, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn thường ngày, dễ tiêu. Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn thì cần cho ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian. Cần dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.
Lưu ý: Người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần, có nghĩa là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần và người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách 4-6h uống 1 lần kết hợp với hạ sốt bằng phương pháp vật lý như kể trên.
Trong ngày thứ 4 - 7, người nhà đặc biệt chú ý, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh... cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị.
Một số người thường có suy nghĩ cần phải truyền dung dịch muối, dung dịch sinh tố hay truyền đạm sau khi bệnh nhân ra viện để bồi bổ sức khỏe là không nên vì giai đoạn này cơ thể tái hấp thu dịch, nguy cơ thừa dịch là rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc truyền dịch tại gia đình hoặc cơ sở y tế tư nhân khi chưa có kiến thức sâu về bệnh sốt xuất huyết, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
VI. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
- Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?