Dự Hội thảo có đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo huyện Gia Viễn.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo đã nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của vua Đinh Tiên Hoàng đối với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng và khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường. Cuộc đời, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã để lại hệ thống di sản to lớn cho Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình mà còn rất đặc sắc về giá trị.
Nhận thức rõ những giá trị truyền thống là nguồn lực và động lực cho phát triển bền vững, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, với những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp, quyết tâm kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển "Xanh và Bền vững", kinh tế tỉnh Ninh Bình đã vươn lên, phát triển hài hòa trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ. Ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các tiêu chí, năm 2035 tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết: Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Ninh Bình đã và đang nghiên cứu, ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án nghiên cứu, nhận diện bổ sung, làm rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa được coi là “biểu tượng văn hóa đặc trưng” các giai đoạn phát triển của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử; Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực nội sinh quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người và phát triển kinh tế, xã hội, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, bởi vậy việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị cần phải tiếp tục triển khai với cường độ và quy mô lớn hơn, bài bản hơn, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các tổ chức chính trị xã hội cùng cộng đồng dân cư… để di sản của cha ông thực sự trở thành nguồn lực và động lực trong phát triển quê hương, đất nước.
Hội thảo khoa học “Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc” hôm nay có sự tham gia đồng hành của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương. Đây cũng chính là cơ hội để tỉnh Ninh Bình được lắng nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học - lịch sử, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng và nhà Đinh nói chung đối với lịch sử dân tộc; những đề xuất phương hướng, giải pháp trong quản lý, phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo
Trình bày Báo cáo đề dẫn, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo nhấn mạnh: Với vị trí địa lý, yếu tố “địa linh” Ninh Bình trở thành vùng đất xuất hiện các nhân vật lịch sử có thể gọi là “nhân kiệt”. Đã có thời kỳ Ninh Bình trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước, là kinh đô của hai triều đại phong kiến độc lập là các triều Đinh và Tiền Lê và là nơi khởi phát của triều Lý trước khi kinh đô được chuyển về Đại La, Thăng Long vào năm 1010. Ngay từ thời xa xưa, đã có nhiều công trình đề cập đến vùng đất Ninh Bình địa linh, nhân kiệt và những năm gần đây để xây dựng cơ sở khoa học nhằm định ra các quyết sách phát triển Ninh Bình và giáo dục truyền thống văn hiến, yêu nước cho các tầng lớp Nhân dân Ninh Bình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một số Viện nghiên cứu và trường Đại học tổ chức biên soạn bộ Địa chí Ninh Bình, cùng nhiều hội thảo cấp quốc gia có liên quan, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của giới học thuật ở Ninh Bình, Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước, các tầng lớp Nhân dân tỉnh Ninh Bình.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết, các công trình nghiên cứu trước đây đã khẳng định Đinh Tiên Hoàng có công lao to lớn trong việc xóa bỏ tình trạng phân tán, cát cứ trước đó để thống nhất đất nước, đồng thời xây dựng một quốc gia Đại Cồ Việt vững mạnh, thực sự độc lập, một nhà nước quân chủ tập quyền trong lịch sử Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc phục hưng dân tộc, phục hưng văn hóa của người Việt, tạo nên nhiều kỳ tích về xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ sau đó... Trong cuộc Hội thảo lần này, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hy vọng các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu và thảo luận nhằm tiếp tục bổ sung tài liệu và diễn giải làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và di sản Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản ấy theo chiều hướng thúc đẩy khát vọng dân tộc, khơi dậy hào khí Hoa Lư nhằm phục vụ xây dựng tại Ninh Bình một thành phố di sản, lấy các di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế cùng triều Đinh, Tiền Lê làm trung tâm; xây dựng Ninh Bình thành một địa phương văn minh và hiện đại, xứng tầm là một thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng, có sức thu hút khách tham quan trong và ngoài nước...
** Tại các phiên chuyên đề, dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn và Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ Tầm vóc Lịch sử và Khát vọng dân tộc của vua Đinh Tiên Hoàng.
Các đồng chí Chủ tọa Hội thảo
Với chuyên đề: “Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng” các tham luận, phát biểu, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đã đưa ra các tư liệu, bằng chứng lịch sử, nghiên cứu làm rõ nội dung sâu sắc của chuyên đề, đặc biệt là các phát biểu tham luận trực tiếp tại Hội thảo như: Biên niên sử đất nung; Minh văn “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và sự khởi đầu của Quốc hiệu “Đại Việt”; Thư tịch Hán Nôm liên quan đến Đinh Tiên Hoàng Đế và triều Đinh; Quê hương, thân thế tác động đến sự nghiệp chính trị của Vua Đinh Tiên Hoàng; Non sông thu về một mối - Tầm vóc chính trị, khát vọng thống nhất đất nước của Vua Đinh Tiên Hoàng đế… đã khẳng định đặc điểm về vị trí chiến lược, điều kiện địa lý, tự nhiên, lịch sử, văn hóa của quê hương Ninh Bình, chính là nền tảng hun đúc, phát triển sự nghiệp chính trị và khát vọng độc lập dân tộc của Đinh Tiên Hoàng Đế. Đồng thời, đã cho thấy kinh thành Hoa Lư - một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ, là tiền đề của nền văn minh rạng rỡ và huy hoàng bậc nhất trong toàn bộ các nền văn minh tiền hiện đại của Việt Nam.
Các chuyên gia, nhà khoa học đều nhận định chung về tầm vóc, vị thế, vai trò to lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phục hưng dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc; khát vọng thống nhất đất nước và xây dựng một nhà nước, một dân tộc độc lập, tự tôn, tự cường của Đinh Tiên Hoàng đế.
Hội thảo cũng tập trung trao đổi, gợi mở, làm rõ nội dung chuyên đề về “Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thi di sản thiên niên kỷ”, trong đó đưa ra các giải pháp để phát huy giá trị di sản của nhà Đinh phục vụ phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch, công nghiệp và văn hóa, kinh tế di sản ngang tầm khu vực và quốc tế; phát huy di sản kiến trúc nhà Đinh trong phục dựng, bảo tồn Kinh thành Hoa Lư phục vụ giáo dục lịch sử và phát triển công nghiệp văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại phiên chuyên đề
Phát biểu tại phiên chuyên đề, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khẳng định các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã làm rõ hơn về tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng; đồng thời gợi mở một số vấn đề để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu sâu hơn mối liên hệ giữa triều Đinh và vai trò của Đinh Tiên Hoàng với các triều đại trong lịch sử, nhất là trong sự nghiệp phục hưng dân tộc. Tức là một chuỗi về câu chuyện xưng đế của Đinh Bộ Lĩnh, câu chuyện về Quốc hiệu, thể hiện cả những vấn đề tầm chuyên môn, những vấn đề lớn, thể hiện cả vị thế 2 triều đại phải nghiên cứu trong một kết cấu, vì vậy hội thảo năm sau rất mong sẽ góp phần định dạng rõ hơn. Đồng chí cũng khẳng định sau khi quy hoạch xong sẽ đưa ra các phương án tiếp tục khảo cổ học, nhưng trước đó mở hội nghị thông tin liên quan ngành khoa học phục vụ cho phục dựng, phỏng dựng Hoàng thành Hoa Lư trên những căn cứ khoa học, nhất là khảo cổ học trên cơ sở tiếp cận thực tế… Qua đó để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu sâu, định dạng làm rõ mối liên hệ giữa triều Đinh và vai trò của Đinh Tiên Hoàng với các triều đại trong lịch sử, nhất là khát vọng, sự nghiệp phục hưng dân tộc; làm rõ vai trò, giá trị di sản của tuyên ngôn, quốc hiệu...
Tiếp thu ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục phát huy tích cực, có hiệu quả hơn nữa các giá trị di sản nhà Đinh, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Danh thắng Tràng An, nhất là đối với các mục tiêu về phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản đến năm 2035: “Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...
** Sau thời gian làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, Hội thảo khoa học “Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc” đã thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, sự cần thiết và đề xuất các biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh trong xây dựng, phát triển đất nước nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu bế mạc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và sự hợp tác, hỗ trợ đồng tổ chức Hội thảo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; cùng các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử ở Trung ương và địa phương đã góp phần vào thành công chung của Hội thảo. Đồng chí khẳng định: với 57 bài báo cáo tham luận, trong đó có 45 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trung ương, 12 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở địa phương, đặc biệt là 14 ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận trực tiếp tại hội trường đã cho thấy khối lượng tham luận đồ sộ, sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý với nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung đề ra.
Sau Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Tổ chức tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu thành Kỷ yếu Hội thảo làm tài liệu khoa học để nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh, trong đó cần tiếp tục thực hiện việc khai quật khảo cổ học, làm các bằng chứng khoa học. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, phát huy hào khí Hoa Lư, tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Cần có phương án ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạch định các chính sách, thực hiện hiệu quả công tác quản lý, quản trị địa phương, góp phần thúc đẩy khát vọng dân tộc, hào khí Hoa Lư trong bối cảnh đương đại, đóng góp vào công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.
Theo Đài THNB
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?