Thứ Sáu, 29/03/2024

Trường hợp hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Thứ Ba, 14/02/2023 Đã xem: 17

Câu hỏi: Trường hợp hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Gia đình tôi có một mảnh đất rộng hơn 200m2 đứng tên mẹ tôi. Tôi được biết mảnh đất đó có từ sau khi mẹ tôi và bố dượng sống chung với nhau nhưng do bố dượng và mẹ tôi không đăng ký kết hôn mà chỉ làm đám cưới rồi về chung sống với nhau từ những năm 75, 80, mảnh đất đó lại chỉ đứng tên mẹ tôi và bố dượng  cũng không có chứng cứ gì chứng minh đó là tài sản chung của hai vợ chồng. Bố dượng và mẹ tôi không có con chung gì cả. Nay mẹ tôi đã mất, bà để lại di chúc cho em trai tôi toàn bộ mảnh đất đó. Em trai tôi đã sang tên mảnh đất đó cho nó và dọn về đấy sống, chỉ chừa lại gác bếp cho bố dượng ở gọi là có chỗ ra chỗ vào. Xin hỏi, trường hợp của bố dượng tôi có quy định nào bảo vệ quyền lợi của ông ấy hay không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về hộp thư tư vấn của Phamlaw. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Do bố dượng và mẹ của bạn mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng đã xác lập quan hệ vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 nên theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì hôn nhân của bố dượng và mẹ của bạn vẫn được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 4 Điều 98 Luật đất đai năm 2013, thì quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của hai vợ chồng trừ trường hợp vợ, chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Do đó, nếu mẹ của bạn hoặc em trai của bạn không chứng minh được mảnh đất đó là tài sản riêng của mẹ bạn do được tặng cho riêng, thừa kế riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng thì mặc dù chỉ có mẹ bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do mảnh đất đó có từ sau khi bố dượng và mẹ của bạn kết hôn nên đó vẫn được coi là tài sản chung của bố dượng và mẹ của bạn.

Vậy nên, việc mẹ của bạn để lại di chúc cho em trai của bạn thừa kế toàn bộ mảnh đất là không đúng bởi mảnh đất là tài sản chung của cả bố dượng và mẹ của bạn nên mẹ của bạn chỉ có quyền định đoạt đối với một nửa diện tích mảnh đất đó và một nửa diện tích còn lại thuộc về bố dượng của bạn.

Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 thì bố dượng của bạn thuộc trường hợp người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Cụ thể, khoản 1 Điều 644 quy định như sau:

“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

  1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
  2. a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  3. b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Theo đó, bố dượng của bạn sẽ được hưởng thêm 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.

Do em trai của bạn đã sang tên mảnh đất đó sang tên mình và dọn về đó sống nên trong trường hợp này, bố dượng của bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về thừa kế và tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.

Tin khác
Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?