Thứ Tư, 05/02/2025

TỔ CHỨC QUỐC HỘI

Thứ Tư, 19/07/2023 Đã xem: 127

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA QUỐC HỘI

Điều 35.8.LQ.1. Vị trí, chức năng của Quốc hội

(Điều 1 Luật số 57/2014/QH13 Tổ chức Quốc hội ngày 20/11/2014 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.12.1. Việc thành lập, vị trí, chức năng của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh)

Điều 35.8.LQ.2. Nhiệm kỳ Quốc hội

(Điều 2 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong.

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.

 

Điều 35.8.LQ.3. Nguyên tắc và hiệu quả hoạt động của Quốc hội

(Điều 3 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

2. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác.

 

Điều 35.8.LQ.4. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp

(Điều 4 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp.

Quốc hội quyết định làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.

4. Hiến pháp được Quốc hội thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.19. Trưng cầu ý dânĐiều 44.15.LQ.6. Các vấn đề trưng cầu ý dân)

Điều 35.8.LQ.5. Làm luật và sửa đổi luật

(Điều 5 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Các dự án luật trước khi trình Quốc hội phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

3. Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội căn cứ vào nội dung của dự án luật.

 

Điều 35.8.LQ.6. Giám sát tối cao của Quốc hội

(Điều 6 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.

2. Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.10. Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân)

Điều 35.8.LQ.7. Quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội

(Điều 7 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

2. Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

3. Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4. Lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPPĐiều 12. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPPĐiều 13. Trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPPĐiều 16. Hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP của Luật 64/2020/QH14 đầu tư theo phương thức đối tác công tư ban hành ngày 18/06/2020Điều 26.3.LQ.19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hộiĐiều 28.2.LQ.10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hộiĐiều 34.7.LQ.19. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc giaĐiều 34.7.LQ.20. Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc giaĐiều 34.7.LQ.21. Thủ tục và nội dung thẩm tra chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc giaĐiều 34.7.LQ.60. Trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nướcĐiều 34.7.LQ.61. Trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nướcĐiều 34.7.LQ.78. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội)

Điều 35.8.LQ.8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước

(Điều 8 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước.

2. Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

3. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

5. Quốc hội bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.

6. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

7. Ngoài những người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người ứng cử để bầu vào chức danh quy định tại Điều này trong trường hợp đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử.

8. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.9. Phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nướcĐiều 35.8.LQ.10. Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩnĐiều 35.8.LQ.11. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩnĐiều 35.8.LQ.13. Bỏ phiếu tín nhiệmĐiều 35.8.LQ.31. Quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầuMục 1 HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA)

Điều 35.8.LQ.9. Phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước

(Điều 9 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.

2. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.

4. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nướcĐiều 35.8.LQ.13. Bỏ phiếu tín nhiệmMục 1 HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA)

Điều 35.8.LQ.10. Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

(Điều 10 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.

2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước)

Điều 35.8.LQ.11. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

(Điều 11 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước)

Điều 35.8.LQ.12. Lấy phiếu tín nhiệm

(Điều 12 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.13. Bỏ phiếu tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.3. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.4. Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.5. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.7. Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.8. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hộiĐiều 35.3.NQ.1.11. Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.13. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩnĐiều 35.3.NQ.1.15. Hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệmĐiều 35.3.NQ.1.17. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm)

Điều 35.8.LQ.13. Bỏ phiếu tín nhiệm

(Điều 13 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị;

b) Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội;

c) Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

d) Người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 12 của Luật này mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nướcĐiều 35.8.LQ.9. Phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nướcĐiều 35.8.LQ.12. Lấy phiếu tín nhiệm)

Điều 35.8.LQ.14. Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính

(Điều 14 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đề nghị của Chính phủ.

2. Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật.

 

Điều 35.8.LQ.15. Bãi bỏ văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội

(Điều 15 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác do Quốc hội thành lập trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Quốc hội bãi bỏ văn bản của Ủy ban thường vụ Quốc hội trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 44.1.LQ.164. Giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật)

Điều 35.8.LQ.16. Quyết định đại xá

(Điều 16 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Quốc hội quyết định đại xá theo đề nghị của Chủ tịch nước.

 

Điều 35.8.LQ.17. Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình

(Điều 17 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh hoặc bãi bỏ tình trạng chiến tranh theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh.

2. Trường hợp có chiến tranh, Quốc hội quyết định giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt.

3. Quốc hội quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.

 

Điều 35.8.LQ.18. Phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế

(Điều 18 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 23.4.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh)

Điều 35.8.LQ.19. Trưng cầu ý dân

(Điều 19 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

2. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.4. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến phápĐiều 44.15.LQ.6. Các vấn đề trưng cầu ý dânĐiều 44.15.LQ.14. Đề nghị trưng cầu ý dân)

Điều 35.8.LQ.20. Xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và việc giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước

(Điều 20 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước do Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trình.

2. Quốc hội xem xét báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình.

3. Khi cần thiết, Quốc hội ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

4. Các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả giải quyết.

 

Điều 35.8.NQ.5.1. Phạm vi áp dụng

(Điều 1 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 Về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày 20/09/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Chế độ chi tiêu quy định tại Nghị quyết này được áp dụng đối với hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Chế độ chi tiêu cho kỳ họp Quốc hội, hội nghị do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

 

Điều 35.8.NL.1.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN Về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội ngày 27/09/2012 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Nghị quyết này quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

 

Điều 35.8.NQ.11.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 Quy định bổ sung chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 17/04/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017)

 

Nghị quyết này quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.11.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017)

 

Nghị quyết này áp dụng đối với:

1. Đại biểu Quốc hội;

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.

 

Chương II

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Điều 35.8.LQ.21. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội

(Điều 21 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

3. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.1.LQ.1. Nguyên tắc bầu cử)

Điều 35.8.LQ.22. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội

(Điều 22 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.1.LQ.3. Tiêu chuẩn của người ứng cửĐiều 35.1.NQ.1.4. Thủ tục tổ chức hội nghị cử tri)

Điều 35.8.LQ.23. Số lượng đại biểu Quốc hội

(Điều 23 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách.

2. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.24. Thời gian hoạt động của đại biểu Quốc hội

(Điều 24 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.

2. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc có trách nhiệm sắp xếp thời gian, công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.42. Điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội)

Điều 35.8.LQ.25. Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội

(Điều 25 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung bắt đầu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

 

Điều 35.8.LQ.26. Trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội

(Điều 26 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng, Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban mà mình là thành viên.

3. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.

 

Điều 35.8.LQ.27. Trách nhiệm với cử tri

(Điều 27 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung bị bãi bỏ bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

2. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội; cử tri hoặc đại diện cử tri có thể góp ý kiến với đại biểu Quốc hội tại hội nghị cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.1.LQ.1. Nguyên tắc bầu cử)

Điều 35.8.NL.1.2. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

(Điều 2 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước và nơi bầu ra mình, phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan; chịu sự giám sát của cử tri và chịu trách nhiệm trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.

2. Tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội; chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

3. Xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri 6 tháng, hàng năm, xác định rõ thời gian, địa bàn, nội dung và hình thức tiếp xúc gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội để xây dựng chương trình, kế hoạch chung của Đoàn; thực hiện sự phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội về việc tiếp xúc cử tri.

4. Mỗi năm ít nhất một lần, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động của mình đã hứa trước cử tri.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.3.LQ.6. Trách nhiệm của các chủ thể giám sátĐiều 35.3.LQ.47. Các hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hộiĐiều 35.8.NL.1.22. Tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội)

Điều 35.8.NL.1.3. Quyền và trách nhiệm của cử tri

(Điều 3 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Cử tri ở thôn, buôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri có quyền dự các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri để nêu ý kiến, kiến nghị về các vấn đề mà cử tri quan tâm; có thể trực tiếp hoặc thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương yêu cầu đại biểu Quốc hội báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động mà đại biểu đã hứa trước cử tri và góp ý kiến với đại biểu Quốc hội.

Cử tri có trách nhiệm thực hiện các quy định về tiếp xúc cử tri; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cuộc tiếp xúc cử tri.

 

Điều 35.8.NL.1.4. Nguyên tắc tiếp xúc cử tri

(Điều 4 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, công khai; phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, của cử tri và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan.

 

Điều 35.8.NL.1.5. Hoạt động tiếp xúc cử tri, hình thức tiếp xúc cử tri

(Điều 5 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Hoạt động tiếp xúc cử tri:

a) Tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội;

b) Tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc của đại biểu;

c) Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm.

2. Hình thức tiếp xúc cử tri:

a) Hội nghị tiếp xúc cử tri;

b) Gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri.

 

Điều 35.8.NL.1.6. Thành phần tham dự cuộc tiếp xúc cử tri

(Điều 6 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Đại biểu Quốc hội.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân, trong trường hợp đại biểu Quốc hội phối hợp với đại biểu Hội đồng nhân dân cùng tiếp xúc cử tri.

3. Cử tri làm việc, học tập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cử tri ở thôn, buôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố.

4. Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương có trách nhiệm tham dự để tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

5. Đại diện Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri và các cơ quan, tổ chức, đơn vị phục vụ cuộc tiếp xúc cử tri.

 

Điều 35.8.NL.1.7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri

(Điều 7 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp tổ chức, phục vụ cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.NL.1.8. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri

(Điều 8 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác ở trung ương và địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.9. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân)

Điều 35.8.NL.1.9. Trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

(Điều 9 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tham gia hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.3.LQ.4. Thẩm quyền giám sát của Quốc hộiĐiều 35.3.LQ.9. Tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân)

Điều 35.8.NL.1.10. Trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội

(Điều 10 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch hoạt động của Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tình hình thực tế ở địa phương và kế hoạch tiếp xúc cử tri của từng đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn, gửi đến cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan nơi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri để phối hợp thực hiện; đồng thời gửi kế hoạch đó đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Chủ trì, phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp.

3. Phân công các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử ở địa phương, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong việc tiếp xúc cử tri.

4. Chậm nhất là 07 ngày, trước ngày tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội gửi kế hoạch tiếp xúc cử tri đến các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương để thông báo rộng rãi, kịp thời về thời gian, địa điểm, nội dung cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội.

5. Chủ trì phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chuyển đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương theo quy định tại Điều 29 của Nghị quyết này.

6. Sau đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan để trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khó khăn, bức xúc của địa phương; trao đổi về việc trả lời, giải trình của các bộ, ngành đối với kiến nghị của cử tri địa phương tại kỳ họp trước; thông báo nhanh những ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

7. Mỗi năm ít nhất một lần, kết hợp với việc tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức để cử tri góp ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động mà đại biểu đã hứa trước cử tri; tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức hội nghị để cử tri hoặc đại diện cử tri ở đơn vị bầu cử góp ý kiến với đại biểu Quốc hội.

8. Chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cử cán bộ phục vụ và bảo đảm các điều kiện về kinh phí, phương tiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.29. Tập hợp, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri)

Điều 35.8.NL.1.11. Trách nhiệm của Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương

(Điều 11 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

b) Tổ chức, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh; tuyên truyền, vận động cử tri tham dự cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội;

c) Hướng dẫn Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

d) Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương;

đ) Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để cử tri góp ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động mà đại biểu Quốc hội đã hứa trước cử tri.

2. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện;

b) Tổ chức, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện; tuyên truyền, vận động cử tri tham dự cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội;

c) Hướng dẫn Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở địa bàn cấp xã.

3. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở cấp xã; thông báo rộng rãi, kịp thời kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

b) Tổ chức, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở cấp xã; tuyên truyền, vận động cử tri tham dự cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội;

c) Tổ chức, chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở nơi cư trú, tiếp xúc cử tri theo địa bàn khi đại biểu Quốc hội yêu cầu.

 

Điều 35.8.NL.1.12. Trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp

(Điều 12 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri và cử đại diện tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình.

2. Hướng dẫn Thường trực Hội đồng nhân dân cấp dưới phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở địa phương.

 

Điều 35.8.NL.1.13. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp

(Điều 13 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

b) Cử đại diện tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở địa phương để tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình;

c) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyên truyền về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cử đại diện tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn cấp huyện;

d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

b) Cử đại diện tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trên địa bàn huyện để tiếp thu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình;

c) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, cử đại diện tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

d) Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

b) Bố trí địa điểm thuận lợi để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại địa phương mình; tuyên truyền, vận động cử tri ở địa bàn xã tham dự tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;

c) Cử đại diện tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trên địa bàn xã để tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình;

d) Chỉ đạo cơ quan chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.NL.1.14. Trách nhiệm của Thủ trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri

(Điều 14 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Theo đề nghị của đại biểu Quốc hội, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Công đoàn tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng; tổ chức việc ghi biên bản hội nghị tiếp xúc cử tri; bố trí thời gian, địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi để cử tri thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị mình tham dự cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.NL.1.15. Trách nhiệm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân

(Điều 15 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Giúp Đoàn đại biểu Quốc hội xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri và kế hoạch giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

2. Tổ chức phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; cử cán bộ ghi biên bản các cuộc tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoặc theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội; giúp đại biểu Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

3. Giúp Đoàn đại biểu Quốc hội xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương theo thẩm quyền giải quyết; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời cử tri; phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

4. Cử cán bộ phục vụ và bảo đảm kinh phí, phương tiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

 

Điều 35.8.NL.1.16. Trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội

(Điều 16 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Lập dự toán, phân bổ kinh phí phục vụ các hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

2. Cử cán bộ liên hệ và bố trí kinh phí phục vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngoài địa phương nơi đại biểu ứng cử, khi đại biểu yêu cầu.

 

Điều 35.8.NL.1.17. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng

(Điều 17 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Thông tin rộng rãi, kịp thời về kế hoạch và hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.NL.1.18. Hội nghị tiếp xúc cử tri

(Điều 18 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Hội nghị tiếp xúc cử tri là hình thức tiếp xúc cử tri theo chương trình, kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, được áp dụng đối với hoạt động tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội.

2. Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc, nơi cư trú, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng hoặc theo địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm, thì căn cứ vào mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có thể áp dụng hoặc không áp dụng hình thức hội nghị tiếp xúc cử tri.

 

Điều 35.8.NL.1.19. Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri

(Điều 19 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để từng đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

2. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cùng tiếp xúc cử tri.

3. Đại biểu Quốc hội có thể phối hợp với đại biểu Hội đồng nhân dân cùng tiếp xúc cử tri.

 

Điều 35.8.NL.1.20. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri

(Điều 20 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Đối với tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, tiếp xúc cử tri nơi cư trú hoặc theo địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm:

a) Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức tiếp xúc cử tri, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tham dự tiếp xúc cử tri và chương trình, nội dung hội nghị tiếp xúc cử tri;

b) Đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về mục đích, yêu cầu và nội dung hội nghị tiếp xúc cử tri;

c) Cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan;

d) Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

đ) Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ghi nhận, giải trình, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương;

e) Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên bố kết thúc hội nghị.

2. Tiếp xúc cử tri nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng ở cơ quan, tổ chức, đơn vị:

a) Thủ trưởng hoặc Chủ tịch Công đoàn nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tham dự tiếp xúc cử tri và chương trình, nội dung hội nghị tiếp xúc cử tri;

b) Đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về mục đích, yêu cầu và nội dung hội nghị tiếp xúc cử tri;

c) Cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan;

d) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

đ) Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ghi nhận, giải trình, tiếp thu ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương;

e) Thủ trưởng hoặc Chủ tịch Công đoàn nơi tổ chức tiếp xúc cử tri tuyên bố kết thúc hội nghị.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.22. Tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hộiĐiều 35.8.NL.1.23. Tiếp xúc cử tri nơi cư trúĐiều 35.8.NL.1.24. Tiếp xúc cử tri nơi làm việcĐiều 35.8.NL.1.25. Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vựcĐiều 35.8.NL.1.26. Tiếp xúc cử tri theo đối tượngĐiều 35.8.NL.1.27. Tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố, nơi đại biểu Quốc hội ứng cử)

Điều 35.8.NL.1.21. Nội dung tiếp xúc cử tri

(Điều 21 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Căn cứ vào mục đích, yêu cầu của cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội lựa chọn các nội dung sau đây để báo cáo, trao đổi với cử tri:

1. Dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội.

2. Nội dung những vấn đề Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định tại kỳ họp.

3. Kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri.

4. Kết quả kỳ họp Quốc hội; nội dung các luật, nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp.

5. Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

6. Nội dung chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm để thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri.

7. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và việc thực hiện chương trình hành động mà đại biểu đã hứa trước cử tri khi vận động bầu cử.

8. Những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm hoặc những vấn đề cử tri yêu cầu được thông tin, trao đổi.

 

Điều 35.8.NL.1.22. Tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội

(Điều 22 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội:

a) Chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc cử tri ở địa phương mình ứng cử để báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội và những vấn đề có liên quan đến kỳ họp; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri;

b) Đại biểu Quốc hội có thể lựa chọn những nội dung Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp để báo cáo, trao đổi với cử tri, gợi mở những vấn đề quan tâm để cử tri tham gia ý kiến.

2. Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội:

a) Chậm nhất là 20 ngày, sau ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc cử tri ở địa phương mình ứng cử để báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; phổ biến các luật, nghị quyết và những quyết định khác mà Quốc hội đã thông qua; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời động viên nhân dân thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chính sách, pháp luật của nhà nước;

b) Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc báo cáo với cử tri thông qua phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

3. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình và việc thực hiện chương trình hành động đã hứa trước cử tri khi vận động bầu cử theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết này.

4. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.2. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hộiĐiều 35.8.NL.1.20. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri)

Điều 35.8.NL.1.23. Tiếp xúc cử tri nơi cư trú

(Điều 23 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Khi đại biểu Quốc hội có yêu cầu tiếp xúc cử tri nơi cư trú, thì tùy theo nơi làm việc của đại biểu Quốc hội tại địa phương hoặc ở trung ương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoặc cơ quan, nơi đại biểu Quốc hội làm việc có trách nhiệm cử cán bộ liên hệ với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, nơi đại biểu Quốc hội cư trú để tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri.

2. Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, nơi đại biểu Quốc hội cư trú phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc tiếp xúc cho cử tri được biết; đồng thời, tuyên truyền, vận động cử tri tham dự cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội.

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đại biểu Quốc hội cư trú bố trí địa điểm, tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho cuộc tiếp xúc cử tri.

4. Cán bộ được cơ quan cử phục vụ đại biểu Quốc hội có trách nhiệm ghi biên bản cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

5. Trong trường hợp tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức hội nghị thì chương trình hội nghị được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.20. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri)

Điều 35.8.NL.1.24. Tiếp xúc cử tri nơi làm việc

(Điều 24 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Khi đại biểu Quốc hội có yêu cầu tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc, thì Thủ trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, nơi đại biểu làm việc chủ trì phối hợp với Chủ tịch Công đoàn tổ chức, thông báo, tạo điều kiện để cử tri trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đến dự cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.

3. Trong trường hợp tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức hội nghị thì chương trình hội nghị được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.20. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri)

Điều 35.8.NL.1.25. Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực

(Điều 25 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Căn cứ vào chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội, các dự án luật, nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

2. Cử tri tham gia cuộc tiếp xúc là chuyên gia, nhà nghiên cứu, người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn về chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu cần trao đổi, lấy ý kiến, kiến nghị.

3. Theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, tài liệu và những vấn đề cần lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri; liên hệ với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến yêu cầu của đại biểu Quốc hội để tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri.

4. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo, tạo điều kiện để cử tri tham dự, góp ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội.

5. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có thể lựa chọn nội dung để báo cáo, trao đổi với cử tri, gợi mở những vấn đề mình quan tâm tìm hiểu để cử tri tham gia ý kiến.

6. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm cử cán bộ ghi biên bản cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

7. Trong trường hợp tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức hội nghị thì chương trình hội nghị được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.20. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri)

Điều 35.8.NL.1.26. Tiếp xúc cử tri theo đối tượng

(Điều 26 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Căn cứ vào nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri có liên quan trực tiếp đến đối tượng điều chỉnh của các dự án luật, các dự án khác mà Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

2. Theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm liên hệ với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc đúng đối tượng cử tri theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

3. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo, tạo điều kiện để cử tri thuộc đối tượng đại biểu quan tâm tham dự cuộc tiếp xúc cử tri.

4. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội chủ động nêu những vấn đề mà mình quan tâm tìm hiểu để trao đổi, lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri.

5. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm cử cán bộ ghi biên bản cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

6. Trong trường hợp tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức hội nghị thì chương trình hội nghị được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.20. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri)

Điều 35.8.NL.1.27. Tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố, nơi đại biểu Quốc hội ứng cử

(Điều 27 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp của mình vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi mình ứng cử.

2. Chậm nhất là 20 ngày, trước ngày dự kiến tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thông báo bằng văn bản chương trình, kế hoạch, nội dung tiếp xúc cử tri nơi đại biểu Quốc hội đến tiếp xúc cho Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương để sắp xếp, bố trí thời gian, địa điểm và chuẩn bị các điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

3. Tùy theo nơi làm việc của đại biểu Quốc hội tại địa phương hoặc ở trung ương, mà Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoặc cơ quan, nơi đại biểu Quốc hội làm việc có trách nhiệm cử cán bộ liên hệ với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương nơi đại biểu dự định tiếp xúc cử tri để tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri.

4. Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, nơi đại biểu Quốc hội đến tiếp xúc cử tri có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa bàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc để tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri; thông báo, tuyên truyền, vận động cử tri đến dự cuộc tiếp xúc.

5. Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, nơi đại biểu Quốc hội ứng cử có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, nơi đại biểu Quốc hội làm việc bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; cử cán bộ phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, ghi biên bản cuộc tiếp xúc cử tri, khi đại biểu yêu cầu.

6. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội chủ động nêu những vấn đề mà mình quan tâm tìm hiểu để trao đổi, lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri.

7. Trong trường hợp tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức hội nghị thì chương trình hội nghị được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.20. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri)

Điều 35.8.NL.1.28. Đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri

(Điều 28 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của mình, đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri.

2. Căn cứ vào nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội trực tiếp hoặc yêu cầu cán bộ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoặc cơ quan, nơi đại biểu Quốc hội làm việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, nơi mình ứng cử; gửi ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đến Đoàn đại biểu Quốc hội, nơi cử tri có ý kiến, kiến nghị.

 

Điều 35.8.NL.1.29. Tập hợp, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri

(Điều 29 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ở địa phương những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

2. Chậm nhất là 05 ngày, sau khi kết thúc đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội hoặc sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội gửi đến, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương; chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ở địa phương, yêu cầu giải quyết, trả lời cử tri những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

3. Ban Dân nguyện có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp; phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết, trả lời cử tri.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NL.1.10. Trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội)

Điều 35.8.NL.1.30. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước

(Điều 30 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội.

2. Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các thành viên của Mặt trận; chủ trì phối hợp với Ban Dân nguyện giúp Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

3. Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp, gửi đến Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chậm nhất là 05 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

 

Điều 35.8.NL.1.31. Trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan của Quốc hội

(Điều 31 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội thuộc lĩnh vực do mình phụ trách.

2. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến chương trình kỳ họp Quốc hội, nội dung, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ cuả Văn phòng Quốc hội.

3. Ban Công tác đại biểu có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri về hoạt động của đại biểu Quốc hội, về chất vấn và trả lời chất vấn và các vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu.

4. Ban Dân nguyện có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến công tác dân nguyện và các vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.

 

Điều 35.8.NL.1.32. Trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ

(Điều 32 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri về hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ và các kiến nghị nêu trong Báo cáo tổng hợp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc phân công, theo dõi, đôn đốc cơ quan chủ trì giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình.

 

Điều 35.8.NL.1.33. Trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

(Điều 33 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động truy tố, xét xử, thi hành án và các kiến nghị khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.9. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân)

Điều 35.8.NL.1.34. Trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương

(Điều 34 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

 

Điều 35.8.NL.1.35. Trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương

(Điều 35 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

 

Điều 35.8.NL.1.36. Thời hạn giải quyết, trả lời cử tri, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri

(Điều 36 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của cử tri, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri; gửi văn bản trả lời cử tri đến Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi cử tri kiến nghị và cơ quan, đại biểu Quốc hội đã chuyển kiến nghị của cử tri.

2. Chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri có trách nhiệm báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri phải thể hiện rõ các kiến nghị đã giải quyết xong; các kiến nghị đang giải quyết; các kiến nghị sẽ giải quyết, thời hạn giải quyết; các kiến nghị giải trình, thông tin lại với cử tri.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị quyết này và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Ban Dân nguyện có trách nhiệm tập hợp văn bản trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội trong thời gian Quốc hội họp.

4. Ngay sau khi nhận được văn bản trả lời cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết, trả lời cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đến cử tri; thông tin công khai văn bản trả lời cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

 

Điều 35.8.NL.1.37. Trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

(Điều 37 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ở trung ương; xem xét kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội về việc giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương; báo cáo Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát, báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuẩn bị báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước.

Căn cứ vào ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Ban Dân nguyện giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị nhiều lần nhưng việc giải quyết chưa được cử tri đồng tình, tiếp tục kiến nghị để tiến hành giám sát.

2. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào kiến nghị và trả lời kiến nghị của cử tri, lựa chọn, tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội.

3. Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

4. Đại biểu Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri và tham gia các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

5. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giúp Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

6. Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

 

Điều 35.8.NL.1.38. Các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

(Điều 38 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri.

2. Xem xét, đánh giá văn bản trả lời kiến nghị của cử tri; xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

3. Cử người đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri để xem xét, xác minh về vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm.

4. Tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.

5. Đại biểu Quốc hội chất vấn việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

6. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

7. Trình tự, thủ tục hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được thực hiện theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

(Điều 28 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

2. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Chương I HOẠT ĐỘNG TIẾP CÔNG DÂN CỦA CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP của Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 Quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ban hành ngày 15/05/2014Điều 18.4.LQ.4. Trách nhiệm tiếp công dânĐiều 18.4.LQ.5. Quản lý công tác tiếp công dânĐiều 18.4.LQ.12. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnhĐiều 18.4.LQ.20. Tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hộiĐiều 18.4.LQ.21. Tiếp công dân của đại biểu Quốc hộiĐiều 18.4.LQ.23. Quy định chi tiết việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp)

Điều 35.8.NQ.1.1. Đại biểu Quốc hội tiếp công dân

(Điều 1 Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 Về việc Đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân ngày 27/10/1999 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/1999)

 

1. Đại biểu Quốc hội tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của công dân; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và nhận đơn, thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Đại biểu Quốc hội tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí và theo sự phân công của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp công dân. Danh sách, kế hoạch thời gian tiếp công dân của đại biểu Quốc hội được niêm yết tại nơi tiếp công dân, đồng thời thông báo cho đại biểu Quốc hội trước 7 ngày. Nếu có lý do không tiếp được, đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng đoàn trước 3 ngày để cử người khác thay thế.

3. Khi công dân có yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thì đại biểu Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi để tiếp công dân; nếu chưa thể tiếp công dân được thì đại biểu Quốc hội nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.

Trong thời gian Quốc hội họp, khi cần thiết, theo đề nghị của Văn phòng Quốc hội và được Chủ tịch Quốc hội đồng ý, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp hoặc phân công đại biểu Quốc hội trong đoàn tiếp công dân của địa phương mình đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

4. Khi tiếp công dân, đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến nguyện vọng của công dân, giải thích, tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật và hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu công dân cung cấp các tài liệu có liên quan đến những nội dung đã trình bày.

Trường hợp có nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về cùng một nội dung thì đại biểu Quốc hội yêu cầu cử người đại diện để trình bày.

5. Đại biểu Quốc hội không tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị khi công dân vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Chương V TIẾP CÔNG DÂN CỦA CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP)

Điều 35.8.NQ.1.2. Đại biểu Quốc hội tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của công dân

(Điều 2 Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/1999)

 

1. Khi nhận được ý kiến, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội xem xét, phản ánh hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cụ thể như sau:

a. Những ý kiến, kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền xem xét và giải quyết của cơ quan, tổ chức ở địa phương thì phản ánh hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức địa phương;

b. Những ý kiến, kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền xem xét và giải quyết của Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nào thì phản ánh hoặc chuyển đến Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức đó;

c. Những ý kiến, kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phản ảnh hoặc chuyển đến Chính phủ xem xét;

d. Những ý kiến, kiến nghị của công dân liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng luật, pháp lệnh thì phản ảnh hoặc chuyển đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét.

2. Đại biểu Quốc hội phản ánh những ý kiến, kiến nghị của công dân nêu ở điểm 1 phần này với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để tổng hợp báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.1.3. Đại biểu Quốc hội tiếp nhận, chuyển khiếu  nại, tố cáo và đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

(Điều 3 Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/1999)

 

1. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chuyển khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết, cụ thể như sau:

a. Những khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước được chuyển theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo;

b. Những khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc giải quyết các vụ án và thi hành án được chuyển cho các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật;

c. Những khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được chuyển đến tổ chức đó.

2. Trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo của công dân có ghi gửi đến tất cả đại biểu Quốc hội thì Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nơi công dân cư trú chuyển khiếu nại, tố cáo đó đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo của công dân có ghi gửi đến nhiều đại biểu Quốc hội làm việc trong các cơ quan của Quốc hội thì khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban hoặc Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện thì đại biểu Quốc hội là thường trực của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban hoặc Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

3. Đại biểu Quốc hội không chuyển khiếu nại, tố cáo trong những trường hợp sau:

a. Khiếu nại, tố cáo đã được đại biểu Quốc hội khác chuyển theo quy định tại điểm 2 phần III của Nghị quyết này;

b. Khiếu nại, tố cáo có nội dung không rõ ràng;

c. Khiếu nại không rõ tên, địa chỉ của người gửi;

d. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà đại biểu Quốc hội xét thấy việc giải quyết đó là đúng pháp luật;

e. Khiếu nại, tố cáo có nội dung trùng lặp, đã được đại biểu Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết nhưng chưa hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Sau khi chuyển khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết theo trình tự sau đây:

a. Khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội chuyển tới đã quá thời hạn quy định mà chưa được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thì đại biểu Quốc hội yêu cầu Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết và kiến nghị biện pháp xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đó.

Khi nhận được báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nếu xét thấy việc giải quyết đó chưa thoả đáng thì đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

b. Trong quá trình theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của cơ quan, tổ chức thì đại biểu Quốc hội kiến nghị với người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.

Trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm không thực hiện kiến nghị của đại biểu Quốc hội thì đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cơ quan đó giải quyết.

c. Khi đại biểu Quốc hội đã thực hiện các quy định trên đây nhưng xét thấy việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa đúng pháp luật thì đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét hoặc chất vấn những người có trách nhiệm theo quy định tại Điều 42 của Luật Tổ chức Quốc hội.

5. Đại biểu Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bằng các hình thức:

a. Gửi thư yêu cầu thủ trưởng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền báo cáo kết quả giải quyết;

b. Trực tiếp đến cơ quan, tổ chức nắm tình hình và đôn đốc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết;

c. Giao Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội tìm hiểu tình hình để báo cáo với đại biểu Quốc hội;

d. Kiến nghị Hội đồng nhân dân nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo có biện pháp giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

e. Đề nghị Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.42. Điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội)

Điều 35.8.NQ.1.4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan

(Điều 4 Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/1999)

 

1. Các cơ quan, tổ chức khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, thông báo cho đại biểu Quốc hội biết kết quả và trả lời cho công dân biết.

2. Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một lần.

Định kỳ ba tháng một lần Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân nghe Uỷ ban nhân dân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của địa phương báo cáo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương và các tài liệu liên quan cho đại biểu Quốc hội khi đại biểu yêu cầu.

4. Cơ quan, tổ chức nơi đại biểu Quốc hội công tác có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

5. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm cung cấp cho đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thông tin, tư liệu, văn bản pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân trong các kỳ họp Quốc hội; phục vụ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thường trực Hội đồng dân tộc và thường trực các Uỷ ban của Quốc hội tiếp công dân; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

6. Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức và phục vụ các đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; giúp Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân, ký chuyển khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương.

Định kỳ 6 tháng một lần,Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp tình hình tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc theo dõi và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.1.5. Điều kiện bảo đảm để đại biểu quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

(Điều 5 Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/1999)

 

1. Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm điều kiện, phương tiện kỹ thuật và những tài liệu cần thiết khác để đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được thuận lợi và có hiệu quả.

2. Kinh phí phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được sử dụng trong kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 26 ngày 27 tháng 10 năm 1999.

 

Điều 35.8.LQ.29. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh

(Điều 29 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.

2. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật.

 

Điều 35.8.LQ.30. Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

(Điều 30 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Căn cứ vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác, đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở đăng ký của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội lập danh sách thành viên Hội đồng, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

2. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đăng ký tham dự phiên họp do Hội đồng, Ủy ban tổ chức để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.

 

Điều 35.8.LQ.31. Quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu

(Điều 31 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội có quyền ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu quy định tại Điều 8 của Luật này.

2. Người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách những người ứng cử.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước)

Điều 35.8.LQ.32. Quyền chất vấn

(Điều 32 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

3. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.10. Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân)

Điều 35.8.LQ.33. Quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội

(Điều 33 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết.

2. Kiến nghị của đại biểu Quốc hội được gửi bằng văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ lý do, nội dung kiến nghị.

Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền và báo cáo Quốc hội trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trong các trường hợp khác mà Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy cần thiết.

3. Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, quyết định họp bất thường, họp kín hoặc có từ hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Số lượng kiến nghị cần thiết quy định tại khoản 3 Điều này là tổng số kiến nghị mà Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận được trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo hoặc đến trước ngày tiến hành phiên họp của Quốc hội về nội dung có liên quan trong trường hợp đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội tổ chức phiên họp kín.

5. Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.54. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hộiĐiều 35.3.LQ.17. Xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thờiĐiều 35.3.LQ.19. Bỏ phiếu tín nhiệmĐiều 44.15.LQ.14. Đề nghị trưng cầu ý dânĐiều 44.15.LQ.17. Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân)

Điều 35.8.LQ.34. Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật

(Điều 34 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu Quốc hội biết. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu của cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.

 

Điều 35.8.LQ.35. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin

(Điều 35 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu theo quy định của pháp luật.

 

Điều 35.8.LQ.36. Quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân

(Điều 36 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung bị bãi bỏ bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, có quyền tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của Nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.

2. Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp thông báo cho đại biểu Quốc hội tại địa phương biết thời gian, nội dung, chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp mình, mời đại biểu Quốc hội đến dự và cung cấp tài liệu cần thiết.

 

Điều 35.8.LQ.37. Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội

(Điều 37 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.

 

Điều 35.8.LQ.38. Việc chuyển công tác, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

(Điều 38 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác.

2. Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định; trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

3. Đại biểu Quốc hội thôi làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

 

Điều 35.8.LQ.39. Việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội

(Điều 39 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.

Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

2. Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

 

Điều 35.8.LQ.40. Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội

(Điều 40 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

 

Điều 35.8.LQ.41. Phụ cấp và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội

(Điều 41 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Phụ cấp và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội chuyên trách, phụ cấp của đại biểu Quốc hội không hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

2. Đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng, kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.11.3. Nguyên tắc chung

(Điều 3 Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017)

 

Việc quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội phải phù hợp với quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tính đến các yếu tố đặc thù trong hoạt động của Quốc hội; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.11.4. Chế độ đối với đại biểu Quốc hội

(Điều 4 Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017)

 

1. Hoạt động phí:

Đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương cơ sở.

2. Chế độ tiền lương, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội:

a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc bảo đảm trả lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;

c) Đại biểu Quốc hội không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng thù lao tham gia hoạt động Quốc hội bằng hệ số 0,2 mức lương cơ sở/ngày, tính cho 120 ngày làm việc/năm. Khoản thù lao này do Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu Quốc hội đang sinh hoạt chi trả.

3. Chế độ thuê khoán thư ký giúp việc:

a) Đại biểu Quốc hội có quyền thuê người thực hiện một hoặc một số việc của công tác thư ký. Người được thuê thực hiện công tác thư ký cho đại biểu Quốc hội phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc;

b) Nội dung công tác thư ký giúp việc gồm: xây dựng kế hoạch công tác; tiếp nhận, chuẩn bị tài liệu, công văn, liên lạc với cử tri nơi ứng cử; truyền đạt, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội và một số công việc hành chính khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc;

c) Đại biểu Quốc hội được cấp kinh phí khoán hằng tháng để có thể tự thuê người thực hiện công việc thư ký. Mức khoán đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bằng 100% của 2,34 mức lương cơ sở; đối với đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách bằng 40% của 2,34 mức lương cơ sở. Đại biểu Quốc hội trực tiếp thanh toán cho người được thuê thực hiện công tác thư ký theo mức thỏa thuận đối với từng công việc.

Trường hợp đại biểu Quốc hội tự giải quyết công việc hành chính để thực hiện nhiệm vụ đại biểu thì đại biểu Quốc hội được nhận khoản kinh phí này. Đại biểu Quốc hội có chế độ thư ký giúp việc theo quy định của Đảng và Nhà nước nhưng chưa bố trí được thư ký thì được áp dụng chế độ quy định tại khoản này cho đến khi bố trí được thư ký chính thức.

4. Đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đại biểu Quốc hội được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, cập nhật kiến thức theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

b) Khi có nhu cầu tham gia các khóa học nâng cao trình độ phù hợp với điều kiện và lĩnh vực chuyên môn được đảm nhiệm, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách làm đơn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, trong hồ sơ phải có ý kiến của lãnh đạo cơ quan nơi mình công tác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương; ý kiến của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương.

Kinh phí tham gia các khóa học của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm; của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm.

 

Điều 35.8.LQ.42. Điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội

(Điều 42 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thời gian đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tính vào thời gian công tác liên tục. Khi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thôi làm nhiệm vụ đại biểu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí công tác cho đại biểu Quốc hội.

Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc.

2. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc, trang bị các phương tiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho hoạt động của đại biểu.

3. Đại biểu Quốc hội được ưu tiên trong việc mua vé tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, máy bay; được ưu tiên khi qua cầu, phà. Trong trường hợp ốm đau, đại biểu Quốc hội không thuộc diện cán bộ trung cấp, cao cấp thì được khám và chữa bệnh theo tiêu chuẩn quy định đối với cán bộ trung cấp. Đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội không phải là cán bộ, công chức, viên chức khi qua đời được hưởng chế độ về tổ chức lễ tang như đối với cán bộ, công chức.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.24. Thời gian hoạt động của đại biểu Quốc hộiĐiều 35.8.NQ.1.3. Đại biểu Quốc hội tiếp nhận, chuyển khiếu  nại, tố cáo và đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân)

Điều 35.8.NQ.11.5. Các điều kiện bảo đảm

(Điều 5 Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017)

 

1. Về quản lý cán bộ:

a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý. Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương là Ban Công tác đại biểu;

b) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm lương, phụ cấp và các chế độ khác trong thời gian làm nhiệm vụ đại biểu. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình về việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ; trước khi điều động, luân chuyển, bố trí công việc khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Chế độ bảo hiểm y tế:

Đại biểu Quốc hội không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Kinh phí tham gia bảo hiểm y tế do Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu Quốc hội đang sinh hoạt chi trả.

3. Các điều kiện bảo đảm khác:

a) Trong mỗi khoá Quốc hội, đại biểu Quốc hội được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cấp huy hiệu và thẻ đại biểu Quốc hội. Khi làm nhiệm vụ, đại biểu Quốc hội đeo huy hiệu; xuất trình thẻ đại biểu Quốc hội khi cần thiết;

b) Đại biểu Quốc hội được sử dụng hộ chiếu ngoại giao khi thực hiện nhiệm vụ theo chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

c) Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cung cấp các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân và các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương cho đại biểu Quốc hội sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội trên cùng địa bàn.

 

Điều 35.8.LQ.43. Đoàn đại biểu Quốc hội

(Điều 43 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp công dân; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức, bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri với các hình thức phù hợp;

b) Tổ chức để các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

c) Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm;

d) Báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

đ) Chỉ đạo hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

3. Đoàn đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội của Đoàn và được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức và điều hành các hoạt động của Đoàn.

Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn.

3a. Số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn.

Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương mình theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.10. Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân)

Điều 35.8.NQ.12.1. Việc thành lập, vị trí, chức năng của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

(Điều 1 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 Về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ngày 18/09/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.

Đối với địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

3. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tương đương Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.1. Vị trí, chức năng của Quốc hộiĐiều 35.7.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh)

Điều 35.8.NQ.12.2. Nhiệm vụ, quyền hạncủa Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

(Điều 2 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu, giúp Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, 06 tháng và cả năm của Đoàn đại biểu Quốc hội, triệu tập các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội, giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội trong Đoàn;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; giúp Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;

c) Phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;

d) Tham mưu, tổ chức phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, thảo luận, góp ý kiến về các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

đ) Tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; thực hiện chỉ đạo của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương;

e) Tham mưu, giúp Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội 06 tháng, cả năm hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

g) Phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội; giúp đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

h) Tham mưu, giúp Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

2. Trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu, giúp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, 06 tháng và cả năm;

b) Tham mưu, giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình, tổ chức phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp của Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp của Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tham mưu, phục vụ Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo; hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

c) Tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động giám sát, khảo sát; tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân; theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghị quyết về giám sát, chất vấn;

d) Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp xúc cử tri; giúp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;

đ) Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;

e) Tham mưu, phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình để chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ sau; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện; giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; giữ mối liên hệ với các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

g) Tham mưu, phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức các cuộc họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; xây dựng báo cáo công tác trình cấp có thẩm quyền;

h) Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều hành công việc chung của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; bảo đảm việc thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động đối ngoại.

3. Trong công tác hành chính, tổ chức, quản trị, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan nhà nước ở trung ương và ở các tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương, với Thường trực Tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương;

b) Lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đã xin ý kiến của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện, quản lý kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

c) Bảo đảm điều kiện hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tham mưu việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

d) Quản lý cơ sở vật chất, tài sản công, công tác hành chính, bảo vệ và lễ tân của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

đ) Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện việc quản lý công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật;

e) Tổ chức nghiên cứu khoa học; xây dựng, khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào các công tác của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Điều 35.8.NQ.12.3. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

(Điều 3 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có Chánh Văn phòng và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng.

Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; xem xét, đánh giá công chức đối với Chánh Văn phòng.

2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được tổ chức thành các phòng gồm:

a) Phòng Công tác Quốc hội;

b) Phòng Công tác Hội đồng nhân dân;

c) Phòng Hành chính, Tổ chức, Quản trị;

d) Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có thể quyết định thành lập thêm 01 phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

3. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của phòng thuộc Văn phòng sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

4. Phòng có thể có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng. Số lượng Phó Trưởng phòng được quy định như sau:

a) Phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có ít hơn 10 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh loại I có ít hơn 09 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh loại II và loại III có ít hơn 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng;

b) Phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng;

c) Phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng.

5. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

6. Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Biên chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội và biên chế đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách không thuộc biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà thuộc biên chế khối lãnh đạo các cơ quan dân cử ở địa phương trong tổng số lượng biên chế cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

 

Điều 35.8.NQ.12.4. Chế độ làm việc

(Điều 4 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.

2. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người đứng đầu, điều hành công việc chung của Văn phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng. Các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Chánh Văn phòng.

3. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện quy chế làm việc do Chánh Văn phòng ban hành.

 

Điều 35.8.NQ.12.5. Trụ sở làm việc và kinh phí hoạt động

(Điều 5 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng do Chánh Văn phòng làm chủ tài khoản.

2. Chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, quyết định việc bố trí trụ sở làm việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm sử dụng cơ sở vật chất phù hợp và hiệu quả.

3. Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm; kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do ngân sách địa phương bảo đảm. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Văn phòng Quốc hội thực hiện việc phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, duyệt quyết toán ngân sách hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, hướng dẫn cụ thể việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, kiểm tra việc thực hiện chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về kế toán, thống kê.

 

Điều 35.8.NQ.12.6. Mối quan hệ công tác

(Điều 6 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác ở địa phương để phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Quốc hội; phối hợp với các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội trong việc tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương.

 

Chương III

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Điều 35.8.LQ.44. Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 44 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ. Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.

3. Nhiệm kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội bắt đầu từ khi được Quốc hội bầu ra và kết thúc khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

5. Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình báo cáo công tác nhiệm kỳ để Quốc hội xem xét, thảo luận.

 

Điều 35.8.LQ.45. Trách nhiệm của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 45 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công; tham gia các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Trong trường hợp được sự ủy nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác và báo cáo kết quả làm việc với Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.7.1.

(Điều 1 Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13 Ban hành quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/12/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Quy che lam viec cua UBTVQH_ban hanh kem theo NQ so 1075_2015_UBTVQH13.doc

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.3.LQ.50. Chất vấn của đại biểu Quốc hội)

Điều 35.8.LQ.46. Phối hợp công tác giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân

(Điều 46 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; yêu cầu đại diện các cơ quan, tổ chức khác và công dân tham gia khi cần thiết.

2. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.47. Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị, triệu tập, chủ trì kỳ họp Quốc hội và các hội nghị khác

(Điều 47 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Dự kiến chương trình kỳ họp; quyết định triệu tập kỳ họp Quốc hội.

2. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp; xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác trình Quốc hội; xem xét báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

3. Tổ chức và bảo đảm việc thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị Quốc hội điều chỉnh chương trình khi cần thiết.

4. Tổ chức để Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và những nội dung khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

5. Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước; đề xuất các vấn đề trình Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

6. Quyết định các vấn đề khác liên quan đến kỳ họp Quốc hội.

7. Căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.4.LQ.15. Phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân)

Điều 35.8.LQ.48. Xây dựng luật, pháp lệnh

(Điều 48 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội lập dự án về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội quyết định; chỉ đạo việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; thành lập Ban soạn thảo, phân công cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật; cho ý kiến về các dự án luật trước khi trình Quốc hội; chỉ đạo việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao.

Dự án pháp lệnh phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định gửi dự án pháp lệnh lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi thông qua.

 

Điều 35.8.LQ.49. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh

(Điều 49 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc kiến nghị của đại biểu Quốc hội quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

2. Tùy theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xây dựng dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh với tinh thần và nội dung quy định được giải thích của Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

 

Điều 35.8.LQ.50. Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 50 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, điều chỉnh chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.10. Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dânĐiều 35.3.NQ.2.1.)

Điều 35.8.LQ.51. Đình chỉ, bãi bỏ văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương

(Điều 51 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ hoặc theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác do Quốc hội thành lập trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ hoặc theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan khác do Quốc hội thành lập trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.52. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội

(Điều 52 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Phân công Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và các báo cáo, dự án khác, trừ trường hợp do Quốc hội quyết định; phân công Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội và những nội dung khác theo yêu cầu của Quốc hội; giao Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giám sát một số vấn đề trong chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Yêu cầu Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội định kỳ báo cáo về chương trình, kế hoạch hoạt động và việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của Hội đồng, Ủy ban.

3. Điều phối các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội diễn ra tại cùng một địa bàn hoặc đối với cùng một cơ quan, tổ chức.

4. Xem xét và trả lời kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

5. Khi cần thiết, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.53. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước

(Điều 53 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội.

2. Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng dân tộc, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc.

Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Ủy ban, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

3. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

5. Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Điều 35.8.LQ.54. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội

(Điều 54 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Quy định việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

2. Tiếp nhận chất vấn của đại biểu Quốc hội để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn, hình thức trả lời chất vấn; tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội xem xét kiến nghị của đại biểu Quốc hội quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này; xem xét, trả lời kiến nghị khác của đại biểu Quốc hội; khi cần thiết, cử đoàn giám sát, đoàn công tác về địa phương xem xét các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị.

3. Hướng dẫn hoạt động, xem xét báo cáo về tình hình hoạt động và quyết định phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Xem xét đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, người trúng cử đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp; quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can; báo cáo với Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội mất quyền đại biểu.

5. Xem xét, quyết định việc chuyển đại biểu Quốc hội đến sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội khác trong trường hợp đại biểu chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương. Xem xét đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội công tác về việc bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải đại biểu Quốc hội.

6. Quyết định việc đưa ra để Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định việc chấp nhận đại biểu Quốc hội thôi làm nhiệm vụ đại biểu trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.33. Quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội)

Điều 35.8.LQ.55. Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân

(Điều 55 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân.

2. Quyết định bãi bỏ hoặc theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

3. Quyết định giải tán hoặc theo đề nghị của Chính phủ quyết định giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân.

 

Điều 35.8.LQ.56. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

(Điều 56 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đề nghị của Chính phủ.

2. Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Điều 35.8.LQ.57. Quyết định tình trạng chiến tranh, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp

(Điều 57 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ theo đề nghị của Hội đồng quốc phòng và an ninh hoặc của Thủ tướng Chính phủ.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Khi không còn tình trạng khẩn cấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

 

Điều 35.8.LQ.58. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội

(Điều 58 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Báo cáo Quốc hội những vấn đề thuộc chính sách đối ngoại của Nhà nước liên quan đến quan hệ với Quốc hội các nước, với các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, với các tổ chức quốc tế khác. Trong thời gian Quốc hội không họp, xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại; cho ý kiến về những vấn đề thuộc chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước trước khi trình Quốc hội.

2. Quyết định đăng cai tổ chức hội nghị của các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực tại Việt Nam.

3. Quyết định việc thành lập, quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam.

4. Thông qua chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

5. Xem xét, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Quốc hội; xem xét báo cáo kết quả chuyến thăm, làm việc của đoàn Quốc hội tại nước ngoài và đoàn Quốc hội nước ngoài, tổ chức quốc tế đến thăm, làm việc với Quốc hội Việt Nam; xem xét báo cáo kết quả các hội nghị quốc tế do Quốc hội đăng cai tổ chức.

 

Điều 35.8.NQ.10.1.

(Điều 1 Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13 Ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày 17/03/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/03/2016)

 

Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

 

Quy che hoat dong doi ngoai cua Quoc hoi_ban hanh kem theo NQ so 1170_2016_NQ-UBTVQH13.doc

Điều 35.8.LQ.59. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân

(Điều 59 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 44.15.LQ.18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội)

Điều 35.8.LQ.60. Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 60 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham dự.

2. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.

3. Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp, trường hợp không thể tham dự phiên họp thì phải báo cáo lý do để Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về những nội dung thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

5. Đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội khi bàn về những nội dung có liên quan.

 

Điều 35.8.LQ.61. Thời gian tiến hành phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 61 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên.

2. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.62. Dự kiến chương trình và quyết định triệu tập phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 62 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự kiến chương trình, quyết định thời gian họp và các biện pháp bảo đảm. Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị những nội dung được Chủ tịch Quốc hội phân công.

2. Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, căn cứ vào chương trình công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tình hình, tiến độ chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chuẩn bị dự kiến chương trình phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp. Dự kiến chương trình phiên họp phải được gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội gửi dự kiến chương trình phiên họp đã được Chủ tịch Quốc hội quyết định đến cơ quan, tổ chức có nội dung trình Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp; gửi dự kiến chương trình phiên họp cùng với quyết định triệu tập phiên họp đến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 07 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp.

4. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm chuẩn bị, thẩm tra các dự án, báo cáo thuộc nội dung chương trình phiên họp theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

 

Điều 35.8.LQ.63. Tài liệu phục vụ phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 63 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ xem xét những vấn đề trong chương trình phiên họp khi có đầy đủ các văn bản cần thiết.

2. Các tài liệu phục vụ phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được gửi đến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 05 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp. Trong trường hợp phiên họp được triệu tập theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Luật này thì tài liệu phải được gửi đến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 02 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp.

 

Điều 35.8.LQ.64. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội

(Điều 64 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

2. Lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức.

4. Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi cần thiết.

5. Giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

6. Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.

7. Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.

 

Điều 35.8.LQ.65. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Chủ tịch Quốc hội

(Điều 65 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.

 

Chương IV

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

Điều 35.8.LQ.66. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

(Điều 66 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Các Ủy ban của Quốc hội gồm:

a) Ủy ban pháp luật;

b) Ủy ban tư pháp;

c) Ủy ban kinh tế;

d) Ủy ban tài chính, ngân sách;

đ) Ủy ban quốc phòng và an ninh;

e) Ủy ban văn hóa, giáo dục;

g) Ủy ban xã hội;

h) Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường;

i) Ủy ban đối ngoại.

3. Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.

 

Điều 35.8.LQ.67. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

(Điều 67 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác. Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác.

2. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

3. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp.

Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.

4. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban, các thành viên khác có thể không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban hoặc không phải là đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.68. Nguyên tắc làm việc, nhiệm kỳ và trách nhiệm báo cáo của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

(Điều 68 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

2. Nhiệm kỳ của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo nhiệm kỳ Quốc hội.

3. Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của mình đến đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.13.1.

(Điều 1 Nghị quyết số 283/2021/UBTVQH15 Ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội ngày 27/08/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/08/2021 )

 

Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

 

Quy che lam viec mau cua Hoi dong dan toc va cac Uy ban cua Quoc hoi.doc

Điều 35.8.LQ.69. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc

(Điều 69 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về chính sách dân tộc; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc; giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan đến công tác dân tộc.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Hội đồng dân tộc phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề về chính sách dân tộc của Nhà nước, các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về những vấn đề khác có liên quan đến công tác dân tộc.

 

Điều 35.8.LQ.70. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban pháp luật

(Điều 70 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thẩm tra đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

2. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua; thẩm tra kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc của đại biểu Quốc hội về văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp.

3. Chủ trì thẩm tra đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác do Quốc hội thành lập; thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

4. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các biện pháp cần thiết nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

Điều 35.8.LQ.71. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tư pháp

(Điều 71 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

3. Thẩm tra đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị của Chủ tịch nước về việc đại xá.

4. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

5. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh)

Điều 35.8.LQ.72. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kinh tế

(Điều 72 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; thẩm tra chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.

 

Điều 35.8.LQ.73. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tài chính, ngân sách

(Điều 73 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Thẩm tra chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; chủ trì thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách nhà nước.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 26.3.LQ.1. Phạm vi điều chỉnhĐiều 28.2.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh)

Điều 35.8.LQ.74. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quốc phòng và an ninh

(Điều 74 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Điều 35.8.LQ.75. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hóa, giáo dục

(Điều 75 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tôn giáo, du lịch, thể thao trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giám sát việc thực hiện chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về phát triển văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

 

Điều 35.8.LQ.76. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban xã hội

(Điều 76 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

6. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các chính sách, biện pháp để giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội.

 

Điều 35.8.LQ.77. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường

(Điều 77 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về phát triển khoa học, công nghệ, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

 

Điều 35.8.LQ.78. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban đối ngoại

(Điều 78 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực đối ngoại của Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại; thẩm tra đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước; giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; giám sát hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại của các ngành và địa phương; giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.

6. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đối ngoại của Nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, các tổ chức quốc tế khác, về việc ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 23.4.LQ.1. Phạm vi điều chỉnhĐiều 23.4.LQ.33. Thẩm quyền thẩm tra điều ước quốc tếĐiều 23.6.LQ.13. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nướcĐiều 23.6.LQ.31. Ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp caoĐiều 23.6.LQ.37. Trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hộiĐiều 23.6.LQ.45. Trách nhiệm của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội)

Điều 35.8.LQ.79. Trách nhiệm tham gia thẩm tra và phối hợp giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

(Điều 79 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

1a. Tham gia thẩm tra nội dung liên quan đến lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra;

1. Tham gia với Ủy ban kinh tế thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội;

2. Tham gia với Ủy ban tài chính, ngân sách thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách nhà nước;

3. Tham gia với Ủy ban pháp luật thẩm tra đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác do Quốc hội thành lập; báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

4. Tham gia với Ủy ban tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng;

5. Phối hợp với Ủy ban đối ngoại thực hiện quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng, Ủy ban mình; tham gia với Ủy ban đối ngoại thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội; tham gia với Ủy ban đối ngoại triển khai công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội;

6. Giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

 

Điều 35.8.LQ.80. Trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc bảo vệ Hiến pháp

(Điều 80 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1a. Trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.

1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phát hiện văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp và kiến nghị cơ quan đã ban hành văn bản thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản đó; trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản không thực hiện kiến nghị thì Hội đồng, Ủy ban có quyền kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

2. Ủy ban pháp luật có trách nhiệm thẩm tra kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc của đại biểu Quốc hội về văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

 

Điều 35.8.LQ.81. Yêu cầu báo cáo, cung cấp tài liệu, cử thành viên đến xem xét, xác minh

(Điều 81 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, cung cấp tài liệu về vấn đề cần thiết thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

2. Khi cần thiết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cử thành viên của mình đến cơ quan, tổ chức hữu quan để xem xét, xác minh về vấn đề mà Hội đồng, Ủy ban quan tâm. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để thành viên của Hội đồng, Ủy ban thực hiện nhiệm vụ.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.10. Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân)

Điều 35.8.LQ.82. Giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

(Điều 82 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách.

2. Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm báo cáo, giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

3. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải kết luận về vấn đề được giải trình. Kết luận của Hội đồng, Ủy ban được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.10. Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân)

Điều 35.8.LQ.83. Phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức ở địa phương

(Điều 83 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giữ liên hệ với Hội đồng nhân dân và các ban tương ứng của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Khi tiến hành các hoạt động tại địa phương, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết để phối hợp hoạt động.

3. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương khi được yêu cầu.

 

Điều 35.8.LQ.84. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế

(Điều 84 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện quan hệ đối ngoại với cơ quan hữu quan của Quốc hội các nước, cơ quan hữu quan khác của nước ngoài, tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế theo chính sách đối ngoại của Nhà nước.

2. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đề xuất, dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Hội đồng, Ủy ban. Ủy ban Đối ngoại thẩm tra dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Hội đồng, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hằng năm, Ủy ban đối ngoại phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.85. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội

(Điều 85 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

b) Điều hành công việc của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

c) Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban mà mình làm Chủ tịch, Chủ nhiệm;

d) Giữ liên hệ thường xuyên với các thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

đ) Được tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp Chính phủ bàn việc thực hiện chính sách dân tộc;

e) Thay mặt Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giữ liên hệ với các cơ quan, tổ chức hữu quan;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc giúp Chủ tịch Hội đồng dân tộc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng. Khi Chủ tịch Hội đồng dân tộc vắng mặt thì một Phó Chủ tịch được Chủ tịch Hội đồng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội giúp Chủ nhiệm Ủy ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ nhiệm Ủy ban. Khi Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ nhiệm được Chủ nhiệm Ủy ban ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm.

 

Điều 35.8.LQ.86. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội

(Điều 86 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Dự kiến chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trình Hội đồng, Ủy ban xem xét, quyết định.

2. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động và quyết định, kết luận của Hội đồng, Ủy ban.

3. Chuẩn bị nội dung và tài liệu phục vụ hoạt động của Hội đồng, Ủy ban; cung cấp thông tin, tư liệu cần thiết cho các thành viên của Hội đồng, Ủy ban; căn cứ vào kết quả phiên họp của Hội đồng, Ủy ban, chuẩn bị báo cáo thẩm tra, các báo cáo khác của Hội đồng, Ủy ban trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Thẩm tra sơ bộ dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo, dự án khác để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội.

5. Chuẩn bị ý kiến về những nội dung trong chương trình phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội khi được mời tham dự; tham gia các hoạt động của Hội đồng, Ủy ban khác và của các cơ quan, tổ chức hữu quan; tổ chức các đoàn giám sát, đoàn công tác của Hội đồng, Ủy ban; tiếp công dân, nghiên cứu và xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được gửi đến Hội đồng, Ủy ban.

6. Tổ chức thực hiện sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng, Ủy ban; định kỳ báo cáo với Hội đồng, Ủy ban về hoạt động của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban.

7. Phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban.

8. Phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức thuộc đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban.

9. Chỉ đạo công tác chuyên môn của đơn vị chuyên môn trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban; quyết định việc sử dụng kinh phí mà Hội đồng, Ủy ban được phân bổ.

10. Trước khi hết nhiệm kỳ, dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng thành viên Hội đồng, Ủy ban nhiệm kỳ sau và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

11. Giải quyết các công việc khác của Hội đồng, Ủy ban và báo cáo Hội đồng, Ủy ban tại phiên họp gần nhất.

 

Điều 35.8.LQ.87. Phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

(Điều 87 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban.

Phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban tham dự.

Báo cáo, nghị quyết, kiến nghị, các nội dung khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành.

2. Thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng, Ủy ban theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề xem xét tại phiên họp; trường hợp không tham dự phiên họp thì phải có lý do chính đáng, phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.

3. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội có quyền tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp của Hội đồng, Ủy ban.

4. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể mời đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban mình, đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan và chuyên gia tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho người được mời tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.

5. Khi Hội đồng dân tộc họp bàn về chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc mời đại diện của các dân tộc chưa có người đại diện trong Quốc hội là đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự.

 

Điều 35.8.LQ.88. Thành lập Ủy ban lâm thời

(Điều 88 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban lâm thời được Quốc hội thành lập trong các trường hợp sau đây:

a) Thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hoặc có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc và nhiều Ủy ban của Quốc hội;

b) Điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Ủy ban lâm thời theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.89. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban lâm thời

(Điều 89 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban lâm thời gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Thành viên của Ủy ban lâm thời là đại biểu Quốc hội. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban lâm thời do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Ủy ban lâm thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Quốc hội giao. Báo cáo kết quả điều tra của Ủy ban lâm thời phải được Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Quốc hội xem xét và ra nghị quyết về kết quả điều tra của Ủy ban lâm thời.

3. Ủy ban lâm thời chấm dứt hoạt động sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

 

Chương V

KỲ HỌP QUỐC HỘI

Điều 35.8.LQ.90. Kỳ họp Quốc hội

(Điều 90 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội họp công khai.

Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.

2. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.

Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

3. Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp Quốc hội theo thủ tục quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Điều 35.8.NQ.6.1.

(Điều 1 Nghị quyết số 102/2015/QH13 Ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội ngày 24/11/2015 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2015)

 

Ban hành kèm theo Nghị quyết này Nội quy kỳ họp Quốc hội.

 

Noi quy kỳ họp Quốc hội_ban hành kèm theo NQ số 102_2015_QH13.doc

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.1.LQ.4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cửĐiều 35.1.LQ.12. Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc giaĐiều 35.3.LQ.4. Thẩm quyền giám sát của Quốc hộiĐiều 35.3.LQ.15. Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hộiĐiều 35.3.LQ.18. Lấy phiếu tín nhiệmĐiều 35.3.LQ.26. Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hộiĐiều 35.3.LQ.50. Chất vấn của đại biểu Quốc hội)

Điều 35.8.LQ.91. Chương trình kỳ họp Quốc hội

(Điều 91 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới.

2. Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 04 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường.

3. Quốc hội quyết định chương trình kỳ họp Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp.

 

Điều 35.8.LQ.92. Triệu tập kỳ họp Quốc hội

(Điều 92 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ của Quốc hội chậm nhất là 30 ngày và kỳ họp bất thường chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

2. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới do Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội.

3. Quyết định triệu tập kỳ họp cùng với dự kiến chương trình kỳ họp được gửi đến đại biểu Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.93. Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội; dự thính tại phiên họp Quốc hội

(Điều 93 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là đại biểu Quốc hội được mời dự các kỳ họp Quốc hội; có trách nhiệm tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý hoặc có trách nhiệm phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.

2. Đại diện cơ quan nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.

3. Công dân có thể được vào dự thính tại các phiên họp công khai của Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.94. Các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội

(Điều 94 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

2. Các phiên họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.

3. Các phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung trong chương trình kỳ họp thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

4. Các phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.

5. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội mời Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khác có liên quan trao đổi về những vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định.

6. Ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể, phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội có giá trị như nhau và được tập hợp, tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.95. Trách nhiệm chủ tọa các phiên họp Quốc hội

(Điều 95 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thực hiện nội dung chương trình kỳ họp và những quy định về kỳ họp Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.

2. Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc và chủ tọa các phiên họp của Quốc hội cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới.

 

Điều 35.8.LQ.96. Biểu quyết tại phiên họp toàn thể

(Điều 96 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Quốc hội quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng biểu quyết. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.

2. Quốc hội quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

a) Biểu quyết công khai;

b) Bỏ phiếu kín.

3. Luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2, khoản 4 Điều 4 và khoản 2 Điều 40 của Luật này.

 

Điều 35.8.LQ.97. Tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội

(Điều 97 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Chủ tịch Quốc hội quyết định những tài liệu chính thức được sử dụng tại kỳ họp theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

2. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; các tài liệu khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

3. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện những quy định về việc sử dụng, bảo quản tài liệu trong kỳ họp.

4. Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định những tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.

 

Chương VI

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Điều 35.8.LQ.98. Tổng thư ký Quốc hội

(Điều 98 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao;

c) Là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

d) Tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội có Ban thư ký. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

 

Điều 35.8.NQ.8.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thư ký

(Điều 1 Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13 Về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban thư ký. ngày 21/12/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội trong việc xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

3. Tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong việc tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

4. Tham mưu cho Tổng thư ký Quốc hội và trực tiếp tổ chức thực hiện các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Tổng thư ký Quốc hội giao.

 

Điều 35.8.NQ.8.2. Cơ cấu tổ chức của Ban thư ký

(Điều 2 Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ban thư ký có hai Phó Tổng thư ký Quốc hội và các Ủy viên Ban thư ký.

2. Một Phó Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một Phó Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội.

3. Các Ủy viên Ban thư ký hoạt động kiêm nhiệm, là người đứng đầu một số vụ, đơn vị sau đây của Văn phòng Quốc hội:

a) Vụ trưởng Vụ dân tộc;

b) Vụ trưởng Vụ pháp luật;

c) Vụ trưởng Vụ tư pháp;

d) Vụ trưởng Vụ kinh tế;

đ) Vụ trưởng Vụ tài chính, ngân sách;

e) Vụ trưởng Vụ quốc phòng và an ninh;

g) Vụ trưởng Vụ văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;

h) Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội;

i) Vụ trưởng Vụ khoa học, công nghệ và môi trường;

k) Vụ trưởng Vụ đối ngoại;

l) Vụ trưởng Vụ tổng hợp;

m) Vụ trưởng Vụ phục vụ hoạt động giám sát;

n) Vụ trưởng Vụ thông tin;

o) Giám đốc Thư viện Quốc hội;

p) Giám đốc Trung tâm tin học.

4. Danh sách cụ thể Ủy viên Ban thư ký do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.8.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Tổng thư ký Quốc hội

(Điều 3 Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Giúp Tổng thư ký Quốc hội phụ trách các mảng công việc của Ban thư ký theo phân công của Tổng thư ký Quốc hội.

2. Khi Tổng thư ký Quốc hội vắng mặt thì một Phó Tổng thư ký Quốc hội được Tổng thư ký Quốc hội ủy nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Tổng thư ký Quốc hội.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.8.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban thư ký)

Điều 35.8.NQ.8.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban thư ký

(Điều 4 Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Tham dự các cuộc họp của Ban thư ký.

2. Trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thư ký theo sự phân công của Tổng thư ký Quốc hội.

3. Giúp Tổng thư ký Quốc hội giữ mối liên hệ công tác với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

4. Được sử dụng bộ máy, công chức của vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội mà mình trực tiếp phụ trách để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Ban thư ký.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.8.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Tổng thư ký Quốc hội)

Điều 35.8.NQ.8.5. Công tác chỉ đạo điều hành

(Điều 5 Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Tổng thư ký Quốc hội trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ban thư ký và chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của Ban thư ký.

2. Ban thư ký, thành viên Ban thư ký chịu trách nhiệm trước Tổng thư ký Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

 

Điều 35.8.NQ.8.6. Kinh phí và điều kiện bảo đảm khác

(Điều 6 Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Kinh phí hoạt động và các điều kiện bảo đảm khác của Ban thư ký do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

 

Điều 35.8.LQ.99. Văn phòng Quốc hội

(Điều 99 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;

b) Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;

c) Quản lý kinh phí hoạt động của Quốc hội;

d) Chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.

2. Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Văn phòng Quốc hội; quyết định biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và quy định chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.2.1. Chức năng của Văn phòng Quốc hội

(Điều 1 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội ngày 01/10/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003)

 

Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội, có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; các hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.2.2. Nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội

(Điều 2 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013)

 

1. Phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật; phối hợp phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

2. Phục vụ Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản và ban hành những nghị quyết, Quyết định số về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công trình quan trọng quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về tổ chức và nhân sự nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

3. Phục vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

4. Phối hợp phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

5. Phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội; công bố việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

6. Phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

7. Phối hợp thực hiện việc tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng của công dân; phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.

8.  Nghiên cứu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; giúp Chủ tịch Quốc hội giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh.

9. Phục vụ hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc điều hành công việc chung của Quốc hội, bảo đảm việc thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

10. Đề xuất cải tiến chế độ làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và của đại biểu Quốc hội chuyên trách theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

11. Phối hợp phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và quy định chính sách, chế độ đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Văn phòng Quốc hội.

12. Xây dựng dự kiến chương trình và tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc làm việc khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cuộc làm việc của đại biểu Quốc hội chuyên trách; dự kiến và giúp tổ chức thực hiện chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

13. Chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội giao; chuẩn bị các báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

14. Đôn đốc việc chuẩn bị và bảo đảm thủ tục trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các dự án, đề án, báo cáo, tờ trình của các cơ quan và tổ chức hữu quan.

15. Tổ chức và quản lý công tác thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

16. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giữ mối quan hệ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

17. Phục vụ Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội. Tổ chức và quản lý công tác đảm bảo cơ sở vật chất - kỹ thuật của Quốc hội, quản lý tài sản của Quốc hội; tổ chức công tác hành chính, văn thư, in ấn, lưu trữ, bảo vệ và lễ tân của cơ quan.

18. Ban hành văn bản thuộc thẩm quyền; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển các quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

19. Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Văn phòng Quốc hội; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế.

20. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao.

 

Điều 35.8.NQ.2.3. Thành lập, bãi bỏ các vụ, đơn vị

(Điều 3 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013)

 

1. Văn phòng Quốc hội được tổ chức thành các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ, Báo Đại biểu nhân dân và các đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Những vụ, đơn vị tương đương cấp vụ có nhiều mảng công tác hoặc nhiều khối công việc được thành lập phòng.

2. Thẩm quyền quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể vụ, đơn vị, phòng được quy định như sau:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể vụ, đơn vị tương đương cấp vụ và đơn vị sự nghiệp công lập tương đương đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ;

b) Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị cấp phòng thuộc các vụ, đơn vị phục vụ chung và các đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội hoặc lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể phòng thuộc vụ, đơn vị trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ra quyết định.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.2.4. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội)

Điều 35.8.NQ.2.4. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội

(Điều 4 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013)

 

1. Các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bao gồm:

a) Vụ dân tộc;

b) Vụ pháp luật;

c) Vụ tư pháp;

d) Vụ kinh tế;

đ) Vụ tài chính, ngân sách;

e) Vụ quốc phòng và an ninh;

g) Vụ Văn hóa, giáo dục;

h) Vụ Xã hội;

i) Vụ khoa học, công nghệ và môi trường;

k) Vụ đối ngoại.

2. Các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ trực tiếp giúp việc các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội bao gồm:

a) Vụ dân nguyện;

b) Vụ công tác đại biểu;

c) Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử.

3. Các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ phục vụ chung bao gồm:

a) Vụ tổng hợp;

b) Vụ phục vụ hoạt động giám sát;

c) Vụ hành chính;

d) Vụ tổ chức - cán bộ;

đ) Vụ kế hoạch - tài chính;

e) Vụ thông tin;

g) Thư viện Quốc hội;

h) Trung tâm tin học;

i) Vụ lễ tân;

k) Cục quản trị;

l) Vụ công tác phía Nam;

m) Vụ công tác miền Trung và Tây Nguyên.

4. Các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

a) Báo Đại biểu nhân dân;

b) Nhà khách Quốc hội tại thành phố Hà Nội;

c) Nhà khách Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh;

d) Các đơn vị sự nghiệp công lập khác được thành lập theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.2.3. Thành lập, bãi bỏ các vụ, đơn vị)

Điều 35.8.NQ.2.5. Công tác chỉ đạo điều hành

(Điều 5 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003)

 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác của Văn phòng Quốc hội. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác của Văn phòng Quốc hội đối với những vấn đề có liên quan. Các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giúp Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Vụ trưởng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp vụ điều hành công việc của vụ hoặc của đơn vị mình. Giúp vụ trưởng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp vụ có thể có một hoặc nhiều phó vụ trưởng hoặc phó thủ trưởng đơn vị tương đương cấp vụ.

Trưởng phòng điều hành công việc của phòng, giúp trưởng phòng có thể có một hoặc hai phó trưởng phòng.

 

Điều 35.8.NQ.2.6. Biên chế

(Điều 6 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003)

 

Biên chế của Văn phòng Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Hàng năm Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến biên chế vụ trực tiếp giúp việc của mình; Văn phòng Quốc hội tổng hợp dự kiến biên chế chung trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Điều 35.8.NQ.2.7. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác của các vụ, đơn vị

(Điều 7 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003)

 

1. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ của các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các Ban.

Đối với các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội trực tiếp chỉ đạo các mặt công tác.

2. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo mọi mặt công tác của các vụ, đơn vị phục vụ chung.

 

Điều 35.8.NQ.2.8. Công tác tổ chức, cán bộ

(Điều 8 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013)

 

1. Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Việc tuyển chọn cán bộ, công chức, bổ nhiệm, cách chức vụ trưởng, phó vụ trưởng và các chức vụ tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương đối với các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban và Trưởng các ban phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ra quyết định. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban và Trưởng các Ban phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong công tác quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các Ban.

3. Việc tuyển chọn, quản lý, thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm vụ trưởng, phó vụ trưởng và các chức vụ tương đương, trưởng phòng, phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương thuộc các vụ, đơn vị phục vụ chung do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập khác do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

 

Điều 35.8.NQ.2.9. Quản lý việc thực hiện kinh phí

(Điều 9 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003)

 

1. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.

2. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc sử dụng kinh phí được phân bổ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các Ban.

3. Văn phòng Quốc hội thực hiện nghiệp vụ theo quy định về chế độ quản lý tài chính của Nhà nước và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.2.11.

(Điều 2 Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2013)

 

1. Chuyển Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Quốc hội thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

2. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

 

Điều 35.8.LQ.100. Các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 100 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực công việc cụ thể.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác làm việc tại các cơ quan này phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.3.1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu

(Điều 1 Nghị quyết số 575/UBTVQH12 Về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/01/2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2008)

 

Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội; có trách nhiệm giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.3.2. Nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu

(Điều 2 Nghị quyết số 575/UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2008)

 

1. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Ban công tác đại biểu phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử, ấn định, công bố ngày bầu cử, số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử; phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử; dự kiến và điều chỉnh về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương; phân bổ người do các cơ quan trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương; kiểm tra, giám sát việc bầu cử; xem xét khiếu nại, tố cáo về bầu cử; quyết định việc bầu cử bổ sung.

2. Đối với đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội: Ban công tác đại biểu phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và phân bổ kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, quyết định việc chuyển sinh hoạt của đại biểu Quốc hội; tiếp nhận chất vấn của đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội để chuyển đến cơ quan hoặc người bị chất vấn và quyết định thời hạn, hình thức trả lời chất vấn; phối hợp với Đoàn Thư ký kỳ họp chuẩn bị dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; theo dõi, tổng hợp và đôn đốc việc thực hiện lời hứa đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội của người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong khi trả lời chất vấn; tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét các vấn đề liên quan đến việc bắt giam, khám xét, truy tố, cách chức, buộc thôi việc, tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với đại biểu Quốc hội; xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu Quốc hội; giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trình Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

3. Về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Ban công tác đại biểu phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các văn bản về lương và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội chuyên trách trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành; giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Đối với công tác nhân sự: Ban công tác đại biểu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm đầu mối phối hợp với Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Uỷ ban, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội về kế hoạch quy hoạch nguồn nhân sự cho các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyên trách theo phân cấp quản lý cán bộ; giúp Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội của những người trúng cử; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trong việc bổ nhiệm, điều động, cách chức cán bộ thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức quản lý hồ sơ và các tài liệu liên quan đến đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo phân cấp quản lý cán bộ.

5. Đối với công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao: Ban công tác đại biểu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; trình tự, thủ tục bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiếp nhận kiến nghị của đại biểu Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trong việc thành lập, giải thể các cơ quan thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

6. Đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân: Ban công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc ấn định, công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó, quyết định việc bầu cử bổ sung và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; phê chuẩn kết quả bầu các chức danh Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân, phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, quy định chế độ, sinh hoạt phí của đại biểu Hội đồng nhân dân; gửi những tài liệu cần thiết cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giữ mối liên hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tổ chức Hội nghị về hoạt động Hội đồng nhân dân.

7. Đối với hoạt động giám sát: Ban công tác đại biểu kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội, chương trình giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; đề nghị thành lập đoàn giám sát, đoàn công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về địa phương xem xét các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị.

8. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao.

 

Điều 35.8.NQ.3.3. Tổ chức bộ máy và chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu

(Điều 3 Nghị quyết số 575/UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2008)

 

1. Về tổ chức bộ máy.

Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Bộ máy giúp việc Ban Công tác đại biểu gồm Vụ Công tác đại biểu và Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử. Biên chế của bộ máy giúp việc Ban Công tác đại biểu do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Việc tuyển chọn cán bộ, công chức, bổ nhiệm, cách chức lãnh đạo thuộc bộ máy giúp việc của Ban Công tác đại biểu do Trưởng ban Công tác đại biểu phối hợp và thống nhất với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ra quyết định. Trưởng ban Công tác đại biểu phối hợp và thống nhất với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong công tác quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc bộ máy giúp việc của Ban Công tác đại biểu.

2. Về chế độ làm việc:

Ban Công tác đại biểu làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trưởng ban Công tác đại biểu chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội. Các Phó Trưởng ban giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban. Khi Trưởng ban vắng mặt, một Phó Trưởng ban được Trưởng ban uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy, Ban Công tác đại biểu xây dựng Quy chế làm việc, quy trình công tác bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

 

Điều 35.8.NQ.3.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban Công tác đại biểu

(Điều 4 Nghị quyết số 575/UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2008)

 

1. Tổ chức và điều hành hoạt động của Ban theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; giữ mối liên hệ với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban.

3. Quyết định việc sử dụng kinh phí đã được phân bổ của Ban.

4. Thùc hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao.

 

Điều 35.8.NQ.3.5. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Ban Công tác đại biểu

(Điều 5 Nghị quyết số 575/UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2008)

 

Ban Công tác đại biểu có con dấu riêng theo quy định của Nhà nước.

Kinh phí hoạt động của Ban Công tác đại biểu là một khoản trong kinh phí hoạt động của Quốc hội. Cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động của Ban Công tác đại biểu do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

 

Điều 35.8.NQ.4.1.

(Điều 1 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 Về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội ngày 15/10/2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Nghị quyết này quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban dân nguyện, Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo lĩnh vực phụ trách.

 

Điều 35.8.NQ.4.2.

(Điều 2 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

1. Đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban dân nguyện do Ban dân nguyện tiếp nhận, phân loại và chuyển đến Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban công tác đại biểu theo lĩnh vực phụ trách.

2. Đơn, thư của công dân gửi đến Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được xử lý như sau:

a. Đơn, thư thuộc lĩnh vực phụ trách thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xử lý theo thẩm quyền;

b. Đơn, thư không thuộc lĩnh vực phụ trách thì chuyển đến Hội đồng dân tộc, Ủy ban khác của Quốc hội, Ban công tác đại biểu hoặc Ban dân nguyện để xử lý theo thẩm quyền.

 

Điều 35.8.NQ.4.3.

(Điều 3 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Hội đồng dân tộc xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc phụ trách;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.4.

(Điều 4 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban pháp luật xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về tài sản liên quan đến việc thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa; công trái, công phiếu, vay mượn dân trong các thời kỳ kháng chiến; tranh chấp địa giới hành chính; về xử lý vi phạm hành chính và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.5.

(Điều 5 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban tư pháp xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; về việc thi hành án, bổ trợ tư pháp; bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực tư pháp; về việc bắt, khám xét, thu giữ tài sản, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp; về việc xin giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, xin ân giảm án tử hình; về việc áp dụng các biện pháp tư pháp và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

2. Tố giác và tin báo tội phạm;

3. Tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định tại Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng;

4. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.LQ.2. Các hành vi tham nhũngĐiều 35.8.NQ.4.8. )

Điều 35.8.NQ.4.6.

(Điều 6 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban kinh tế xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng; về hoạt động sản xuất, kinh doanh; về nhà, đất và tài sản trên đất thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước; về giá bồi thường khi thu hồi đất và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.7.

(Điều 7 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban tài chính, ngân sách xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về tài chính, ngân sách, thuế, hải quan, chứng khoán, kiểm toán và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.8.

(Điều 8 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban quốc phòng và an ninh xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về việc thực hiện chế độ, chính sách trong Quân đội và Công an; về nhà, đất do Bộ quốc phòng và Bộ công an quản lý và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Quân đội, Công an vi phạm pháp luật, trừ đơn, thư quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.4.5. )

Điều 35.8.NQ.4.9.

(Điều 9 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về văn hóa, thông tin, giáo dục, đào tạo, thể thao, báo chí, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, thực hiện chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.10.

(Điều 10 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban về các vấn đề xã hội xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về lao động, việc làm, tiền lương; về việc thực hiện chính sách đối với người có công và chính sách ưu đãi; về khám bệnh, chữa bệnh, viện phí, bảo hiểm y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình; về bảo hiểm xã hội; về việc thực hiện chính sách xã hội, chính sách tôn giáo và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.11.

(Điều 11 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại về khoa học, công nghệ và tài nguyên môi trường; chính sách phát triển khoa học, công nghệ và tài nguyên môi trường; về các công trình quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.12.

(Điều 12 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ủy ban đối ngoại xử lý các đơn, thư có nội dung sau:

1. Kiến nghị, khiếu nại của tổ chức, cá nhân nước ngoài và các kiến nghị, khiếu nại khác thuộc lĩnh vực đối ngoại hoặc có liên quan đến đối ngoại;

2. Tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Điều 35.8.NQ.4.13.

(Điều 13 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ban công tác đại biểu giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về bầu cử đại biểu Quốc hội; đơn, thư tố cáo đại biểu Quốc hội, cán bộ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý và cán bộ công tác tại Quốc hội thuộc diện Trung ương quản lý.

 

Điều 35.8.NQ.4.14.

(Điều 14 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Ban dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xử lý đơn, thư của công dân có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đơn, thư không thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và Ban công tác đại biểu.

 

Điều 35.8.NQ.4.15.

(Điều 15 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

1. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Ban dân nguyện, Ban công tác đại biểu định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và kết quả hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Ban dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân và kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.9.1. Vị trí, chức năng của Ban dân nguyện

(Điều 1 Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban dân nguyện. ngày 17/03/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016)

 

Ban dân nguyện là cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

 

Điều 35.8.NQ.9.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban dân nguyện

(Điều 2 Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016)

 

1. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.

2. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu; khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân. Tổng hợp, phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

3. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội.

4. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để trình Quốc hội.

5. Tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để trình Quốc hội.

6. Tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

7. Tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân về công tác dân nguyện.

8. Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật.

9. Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.9.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban dân nguyện)

Điều 35.8.NQ.9.3. Tổ chức của Ban dân nguyện

(Điều 3 Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016)

 

Ban dân nguyện có Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban và vụ giúp việc là Vụ dân nguyện.

Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban dân nguyện do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức

Tổ chức và nhiệm vụ của Vụ dân nguyện do Trưởng Ban dân nguyện phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định.

 

Điều 35.8.NQ.9.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban dân nguyện

(Điều 4 Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016)

 

1. Trưởng Ban dân nguyện là người chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Ban dân nguyện. Trưởng Ban dân nguyện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của Ban dân nguyện theo nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 2 Nghị quyết này;

b) Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; giữ mối quan hệ với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban dân nguyện;

c) Phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức công chức của Vụ dân nguyện;

d) Tổ chức thực hiện công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Ban dân nguyện;

đ) Quyết định việc sử dụng kinh phí đã được phân bổ của Ban dân nguyện.

2. Phó Trưởng Ban dân nguyện giúp Trưởng Ban dân nguyện thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban dân nguyện. Khi Trưởng Ban dân nguyện vắng mặt thì một Phó Trưởng Ban dân nguyện được Trưởng Ban dân nguyện ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban dân nguyện.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.9.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban dân nguyện)

Điều 35.8.NQ.9.5. Kinh phí và điều kiện bảo đảm

(Điều 5 Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016)

 

1. Ban dân nguyện có con dấu theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí hoạt động của Ban dân nguyện là một khoản trong kinh phí hoạt động của Quốc hội. Cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động của Ban dân nguyện do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

 

Điều 35.8.NQ.14.1. Vị trí, chức năng của Viện Nghiên cứu lập pháp

(Điều 1 Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp. ngày 29/09/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/09/2021)

 

Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.14.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp

(Điều 2 Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/09/2021)

 

1. Nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu để tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Chủ động hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn những vấn đề liên quan đến việc Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

3. Tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh; đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; hỗ trợ trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do đại biểu Quốc hội trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quy trình lập pháp.

4. Chủ động hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội tổ chức cung cấp thông tin khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học lập pháp để phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

5. Xuất bản Tạp chí Nghiên cứu lập pháp và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử để đăng tải, cung cấp, trao đổi thông tin khoa học lập pháp và tuyên truyền, phổ biến thông tin khoa học lập pháp, thực tiễn lập pháp và văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; biên soạn các ấn phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, tài liệu nghiên cứu.

6. Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

7. Thực hiện hoạt động hợp tác triển khai nghiên cứu, thông tin khoa học lập pháp với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, thông tin ở trong nước và nước ngoài; tiếp nhận, quản lý, khai thác, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học lập pháp, tài liệu, sản phẩm chứa đựng thông tin khoa học lập pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để cung cấp phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

8. Thu hút chuyên gia và cộng tác viên tham gia hoạt động nghiên cứu và tổ chức cung cấp thông tin khoa học lập pháp.

9. Tổ chức các hội nghị, hội thảo phục vụ các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội giao.

 

Điều 35.8.NQ.14.3. Cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp

(Điều 3 Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/09/2021)

 

1. Viện Nghiên cứu lập pháp có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và công chức, viên chức, người lao động.

2. Biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ngoài số biên chế theo quy định, Viện Nghiên cứu lập pháp được sử dụng chế độ chuyên gia và cộng tác viên.

3. Viện Nghiên cứu lập pháp có các đơn vị trực thuộc sau đây:

a) Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước;

b) Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội;

c) Ban Quản lý khoa học;

d) Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp;

đ) Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo Luật báo chí và quy định của pháp luật có liên quancó tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 32.1.LQ.1. Phạm vi Điều chỉnh)

Điều 35.8.NQ.14.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

(Điều 4 Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/09/2021)

 

1. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp.

2. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp;

b) Chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội; giữ quan hệ với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

c) Thay mặt Viện Nghiên cứu lập pháp trong hoạt động hợp tác quốc tế thuộc phạm vi thẩm quyền của Viện Nghiên cứu lập pháp;

d) Quyết định việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

đ) Quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của các đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp; cơ chế phối hợp, quan hệ công tác trong nội bộ Viện Nghiên cứu lập pháp và với các cơ quan, tổ chức có liên quan;

e) Quyết định thành lập Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp;

g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội giao.

3. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp giúp Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng. Khi Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp vắng mặt thì một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng.

 

Điều 35.8.NQ.14.5. Kinh phí và điều kiện bảo đảm

(Điều 5 Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/09/2021)

 

1. Viện Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước hoạt động theo cơ chế hành chính, có con dấu, tài khoản riêng.

2. Kinh phí hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, nhiệm vụ đột xuất thì giao thêm kinh phí. Cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội thực hiện vai trò cơ quan quản lý tài chính cấp trên đối với Viện Nghiên cứu lập pháp.

4. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp được hưởng chế độ, chính sách như cán bộ, công chức và người lao động của Văn phòng Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này được hưởng lương, chế độ và chính sách tương đương Vụ trưởng, cấp phó của người đứng đầu được hưởng lương, chế độ và chính sách tương đương Phó Vụ trưởng của Bộ, ngành Trung ương.

 

Điều 35.8.LQ.101. Kinh phí hoạt động của Quốc hội

(Điều 101 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 65/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định, bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội.

2. Việc dự toán, quản lý, cấp và sử dụng kinh phí hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 26.3.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh)

Điều 35.8.NQ.5.2. Nguyên tắc chung

(Điều 2 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Việc chi tiêu phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải có trong dự toán, bảo đảm đúng chế độ, định mức, đối tượng theo quy định tại Nghị quyết này và quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động được phân bổ, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

3. Căn cứ quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước, chế độ chi tiêu được quy định tại Nghị quyết này và căn cứ nhiệm vụ được giao, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm phân bổ kinh phí hoạt động cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Việc phân bổ kinh phí hoạt động cho Đoàn đại biểu Quốc hội có xem xét, ưu tiên đến địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 

Điều 35.8.NQ.5.3. Chi cho công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết

(Điều 3 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Căn cứ phạm vi, tính chất và mức độ phức tạp của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là dự án luật) và nguồn kinh phí được giao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định mức chi cụ thể, bảo đảm không vượt quá mức tối đa và trong phạm vi dự toán được giao.

2. Chi soạn thảo báo cáo thẩm tra; báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật:

a) Đối với cơ quan chủ trì thẩm tra:

- Đối với dự án luật ban hành mới hoặc thay thế: mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi từ 2.400.000 đồng đến 4.000.000 đồng/báo cáo.

b) Đối với cơ quan phối hợp thẩm tra:

Chi soạn thảo báo cáo tham gia thẩm tra: mức chi bằng 50% mức chi báo cáo thẩm tra quy định tại điểm a khoản này.

3. Chi cho cá nhân tham gia cuộc họp thẩm tra, chỉnh lý, cho ý kiến về báo cáo nội dung cần tập trung thảo luận, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do các cơ quan của Quốc hội tổ chức:

a) Chi họp:

- Người chủ trì cuộc họp: 200.000 đồng/người/buổi;

- Các thành viên dự họp theo danh sách họp: 100.000 đồng/người/buổi.

b) Chi viết báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự án luật: 800.000 đồng/báo cáo.

4. Chi cho việc chuẩn bị nội dung cần tập trung thảo luận cho ý kiến về dự án luật:

- Đối với dự án luật ban hành mới hoặc thay thế: 1.000.000 đồng/dự án;

- Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều: 500.000 đồng/dự án.

5. Chi cho việc xây dựng báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật; chi xây dựng báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/dự án luật.

Riêng đối với việc xây dựng báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân về các dự án luật theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội: 5.000.000 đồng/dự án luật.

6. Chi cho việc rà soát nội dung, kỹ thuật, hoàn thiện dự án luật trước và sau khi thông qua: mức chi từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng/dự án luật.

 

Điều 35.8.NQ.5.4. Chi cho công tác thẩm tra khác theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội

(Điều 4 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Đối với công tác thẩm tra theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nội dung chi và mức chi áp dụng như đối với thẩm tra các dự án luật ban hành mới quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.5.5. Chi lấy ý kiến tham gia dự án luật

(Điều 5 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Chi lấy ý kiến tham gia dự án luật bao gồm các khoản: chi cho các tổ chức, cá nhân để nghiên cứu, tham gia ý kiến với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án luật; chi tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến của các ban, ngành ở Trung ương, địa phương, các chuyên gia tham gia vào dự án luật. Mức chi cụ thể được quy định như sau:

1. Chi cho việc nghiên cứu góp ý bằng văn bản: Áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị quyết này.

2. Chi họp góp ý:

a) Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: mức chi từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/văn bản;

b) Chi các cuộc họp: áp dụng theo chế độ chi họp thẩm tra quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này.

3. Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia: mức chi tối đa là 800.000 đồng/báo cáo/dự án.

 

Điều 35.8.NQ.5.6. Chi cho công tác giám sát, khảo sát

(Điều 6 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Chi cho đoàn giám sát, khảo sát:

a) Chi xây dựng văn bản giám sát:

- Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội:

+ Chi xây dựng Nghị quyết thành lập đoàn giám sát: 2.000.000 đồng/nghị quyết (bao gồm cả kế hoạch và nội dung giám sát);

+ Chi xây dựng đề cương giám sát: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/đề cương do Trưởng đoàn giám sát quyết định;

+ Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát của các đoàn công tác giám sát : mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/báo cáo theo từng đợt giám sát ; từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo chung của Đoàn giám sát. Mức chi cụ thể do Trưởng đoàn xem xét, quyết định;

+ Chi xây dựng nghị quyết về giám sát trên cơ sở kết quả giám sát: Mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/nghị quyết của Quốc hội; từ 2.400.000 đồng đến 4.000.000 đồng/nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Đối với hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội: định mức chi xây dựng các văn bản tương ứng bằng 60% định mức chi đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Chi cho việc xây dựng văn bản về điều hoà giám sát: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/văn bản.

b) Chi xây dựng văn bản khảo sát:

Chế độ chi cho việc xây dựng các văn bản (nếu có) được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Riêng báo cáo kết quả khảo sát: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/báo cáo.

c) Chi cho thành viên tham gia đoàn giám sát, khảo sát:

Trong thời gian thực hiện giám sát, khảo sát, ngoài chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật hiện hành, chế độ chi đối với các đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội được quy định như sau:

- Trưởng đoàn: 200.000 đồng/người/buổi;

- Thành viên của đoàn: 100.000 đồng/người/buổi;

- Cán bộ, công chức và người lao động phục vụ đoàn: 80.000 đồng/người/buổi.

d) Chi các cuộc họp giám sát, khảo sát:

Chi các cuộc họp giám sát, khảo sát (ngoài thời gian hưởng theo quy định tại điểm c khoản này) thực hiện theo chế độ chi họp thẩm tra quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này.

2. Chi giám sát văn bản quy phạm pháp luật:

Mức chi áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về chi cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Riêng báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/báo cáo.

3. Chi giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Chi cho việc nghiên cứu tổng hợp, báo cáo về công tác xử lý đơn thư: 500.000/báo cáo;

- Chi xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/báo cáo;

- Chi đi xác minh, thu thập thông tin: 80.000 đồng/người /buổi.

4. Chi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri:

Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo đề xuất xử lý, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri: mức chi từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/báo cáo.

Riêng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/báo cáo.

5. Chi cho hoạt động chất vấn, giải trình:

a) Chi cho hoạt động chất vấn:

- Chi cho việc xây dựng các văn bản phục vụ hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội: các báo cáo; kế hoạch chi tiết; văn bản điều phối; biên bản tóm tắt nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và các văn bản khác liên quan đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/văn bản.

Riêng báo cáo tổng hợp ý kiến chất vấn trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Chi cho việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/nghị quyết.

b) Chi cho hoạt động giải trình:

- Chế độ chi phục vụ hoạt động giải trình (điều trần) áp dụng như chi họp thẩm tra quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này.

Riêng kế hoạch chi tiết phiên giải trình: mức chi tối đa là 1.000.000 đồng/văn bản;

- Chi cho việc xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả giải trình: mức chi tối đa là 3.000.000 đồng/báo cáo.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.3.LQ.90. Bảo đảm kinh phí và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân)

Điều 35.8.NQ.5.7. Chi tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội (bao gồm cả tiếp xúc cử tri ngoài địa phương ứng cử của đại biểu Quốc hội)

(Điều 7 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Tùy theo điều kiện của điểm tiếp xúc cử tri, khả năng kinh phí của Đoàn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định mức chi hỗ trợ cho mỗi điểm tiếp xúc cử tri, nhưng không quá 5.000.000 đồng/điểm nhằm trang trải chi phí cần thiết như: trang trí, thuê địa điểm, nước uống, bảo vệ và các khoản chi khác. Riêng kinh phí hỗ trợ điểm tiếp xúc cử tri cho đại biểu Quốc hội (ngoài địa phương ứng cử) không quá 15.000.000 đồng/đại biểu/năm.

2. Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định, thực hiện khoán chi tiếp xúc cử tri với mức chi như sau:

- Đại biểu Quốc hội: 7.000.000 đồng/đại biểu/năm;

- Cán bộ, công chức, nhân viên tham gia phục vụ tiếp xúc cử tri: 500.000 đồng/đợt tiếp xúc cử tri.

3. Chi xây dựng báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri: Đối với báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri theo từng nhóm: 300.000 đồng/báo cáo/đợt tiếp xúc cử tri; đối với báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri chung của cả Đoàn: 500.000 đồng/báo cáo.

 

Điều 35.8.NQ.5.8. Chi tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo

(Điều 8 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Chi tiếp công dân:

a) Trường hợp đại biểu Quốc hội tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân tại địa phương, chế độ chi được quy định như sau:

- Đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo cơ quan liên quan được phân công tiếp công dân: 150.000 đồng/người/buổi;

- Cán bộ, công chức phục vụ trực tiếp đại biểu Quốc hội tiếp công dân: 80.000 đồng/người/buổi;

- Cán bộ, công chức phục vụ gián tiếp đại biểu Quốc hội tiếp công dân: 50.000 đồng/người/buổi.

b) Trường hợp cán bộ, công chức tiếp công dân không có sự tham gia của đại biểu Quốc hội thì chế độ chi thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ chi đối với việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

c) Chi xây dựng báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình và kết quả tiếp công dân: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/báo cáo.

2. Chi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ chi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Riêng đối với xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vụ khiếu nại, tố cáo trình hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền: mức chi tối đa là 1.000.000 đồng/báo cáo.

 

Điều 35.8.NQ.5.9. Chi phục vụ hoạt động đối ngoại

(Điều 9 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Ngoài chế độ chi phục vụ hoạt động đối ngoại theo quy định hiện hành của Nhà nước, chế độ chi trong một số trường hợp được quy định như sau:

1. Chi xây dựng văn bản phục vụ đoàn ra của lãnh đạo Quốc hội; đoàn vào là khách mời của lãnh đạo Quốc hội, tiếp khách quốc tế của lãnh đạo Quốc hội, hội nghị quốc tế cấp Chủ nhiệm Ủy ban trở lên:

- Chi xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/văn bản;

- Chi xây dựng đề cương hội đàm: mức chi từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/văn bản;

- Chi xây dựng các thỏa thuận hợp tác (nếu có): mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/văn bản.

2. Chế độ chi tặng quà đối với đoàn đi công tác nước ngoài được quy định như sau:

a) Đối với đoàn do Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn: Chi tặng quà theo kế hoạch, chương trình công tác;

b) Đối với đoàn do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn: mức chi tối đa là 15.000.000 đồng/nước;

c) Đối với đoàn do Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và tương đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Trưởng ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn: mức chi tối đa là 10.000.000 đồng/nước;

d) Đối với đoàn do Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp làm trưởng đoàn: mức chi tối đa là 8.000.000 đồng/nước.

3. Chi tiếp chiêu đãi đoàn vào được căn cứ theo cấp của người chủ trì tiếp để xác định cấp hạng đoàn khách làm cơ sở áp dụng mức chi chiêu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi tổ chức mời cơm thân mật đối với các đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong thời gian công tác tại Việt Nam: mức chi tối đa không quá mức chi tổ chức mời cơm chia tay đại sứ khi kết thúc nhiệm kỳ theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Chế độ hỗ trợ tiền tiêu vặt cho đoàn vào của những nước có quan hệ đặc biệt; chế độ bồi dưỡng lực lượng tham gia phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội từ cấp Chủ nhiệm Ủy ban trở lên do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

 

Điều 35.8.NQ.5.10. Chế độ chi cho công tác xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ, hàng năm; chi xây dựng báo cáo trình Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội

(Điều 10 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 Về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày 20/09/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Chi xây dựng đề án trình Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: thực hiện theo chế độ chi đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Chi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ, hàng năm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/văn bản.

3. Chi xây dựng văn bản hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội có nội dung quy phạm pháp luật: thực hiện theo chế độ hiện hành về chi ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, mức chi như mức chi xây dựng thông tư.

4. Chi xây dựng báo cáo, tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội; báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội; báo cáo định kỳ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, mức chi được quy định như sau:

- Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội: mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo.

Riêng báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Đảng đoàn Quốc hội: mức chi tối đa là 1.200.000 đồng/báo cáo.

 

Điều 35.8.NQ.5.11. Chế độ công tác phí, hội nghị

(Điều 11 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Ngoài chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc họp theo quy định hiện hành của Nhà nước, chế độ chi trong một số trường hợp được quy định như sau:

1. Đối với các đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

a) Trong thời gian tập trung công tác theo đoàn, cơ quan chủ trì đoàn công tác bảo đảm thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê chỗ ở nơi đến công tác, cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có) cho các thành viên tham gia đoàn công tác.

b) Chế độ chi công tác phí đi, về từ nơi cư trú, làm việc đến địa điểm tập trung công tác theo đoàn, trừ trường hợp cơ quan chủ trì đoàn công tác quyết định bảo đảm vé máy bay và một số khoản chi công tác phí khác (được thông báo cụ thể trên giấy mời, giấy triệu tập, chương trình, kế hoạch công tác…), được quy định như sau:

- Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm điều kiện đi lại và công tác phí cho đại biểu Quốc hội của Đoàn mình. Riêng đại biểu Quốc hội ở Trung ương thực hiện như sau:

+ Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm;

+ Đối với đại biểu Quốc hội không chuyên trách ở Trung ương do cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác bảo đảm.

- Các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước bảo đảm công tác phí cho cán bộ, công chức của đơn vị mình.

2. Đoàn đại biểu Quốc hội thanh toán toàn bộ tiền công tác phí theo quy định cho đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn mình khi tham gia các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát hoặc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội. Riêng đại biểu Quốc hội ở Trung ương, khi tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương nơi ứng cử, tiền công tác phí đi, về giữa Trung ương và địa phương, thực hiện như sau:

- Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm;

- Đối với đại biểu Quốc hội không chuyên trách ở Trung ương do cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác bảo đảm.

3. Chi tiền ăn, nghỉ tại hội nghị và khi đi công tác:

a) Các hội nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội: trong trường hợp tổ chức ăn, nghỉ tập trung, cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị chi tiền ăn, nghỉ đối với tất cả các đại biểu tham dự hội nghị.

b) Định mức chi tiền ăn tại các hội nghị quy định tại điểm a, khoản 3 Điều này và chi tiền ăn dọc đường của các đoàn công tác (nếu có) tối đa theo mức tiền ăn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Các ngày tham dự hội nghị, ngày đi công tác đã được thanh toán tiền ăn thì không được thanh toán phụ cấp lưu trú (kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiêu vặt).

c) Chế độ phòng nghỉ của đại biểu Quốc hội khi đi công tác:

Đại biểu Quốc hội được bố trí phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 01 người/phòng, mức chi thanh toán áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đảng Đoàn Quốc hội, Đoàn Thư ký kỳ họp áp dụng mức chi theo mức chi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này. Chi giải khát thực hiện theo mức chi giải khát đối với Đoàn Chủ tịch tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

5. Các cuộc họp toàn thể (không bao gồm họp về thẩm tra dự án luật, góp ý vào dự án luật) của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; sinh hoạt chính trị của các tổ chức Đảng, đoàn thể cơ quan Văn phòng Quốc hội; các cuộc họp toàn thể của Đoàn đại biểu Quốc hội: mức chi cho người chủ trì là 200.000 đồng/người/buổi, thành viên tham dự là 100.000 đồng/người/buổi.

6. Đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được đi công tác bằng máy bay nếu tự túc phương tiện từ nơi ở, cơ quan đến sân bay và ngược lại thì được thanh toán chi phí thuê taxi theo thực tế hoặc thực hiện khoán theo hướng dẫn của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

7. Các chức danh có tiêu chuẩn xe đưa, đón từ nơi ở đến nơi làm việc, nếu không yêu cầu phục vụ xe hoặc trường hợp cơ quan chưa kịp bố trí xe phục vụ thì được hỗ trợ tiền thuê phương tiện đi lại hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc (trụ sở cơ quan, nơi hội nghị, hội họp trong phạm vi nội thành, nội thị) với mức khoán là 10.000.000 đồng/tháng.

 

Điều 35.8.NQ.5.12. Chi hỗ trợ đối với đại biểu Quốc hội

(Điều 12 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Chi hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu để tham gia ý kiến vào các dự án luật:

Mức chi đối với dự án luật ban hành mới, dự án luật thay thế là 1.000.000 đồng/dự án/năm; đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều là 500.000 đồng/dự án/năm.

2. Chế độ chi mời chuyên gia:

Đại biểu Quốc hội được mời chuyên gia nghiên cứu để phục vụ công tác đại biểu.

Kinh phí mời chuyên gia của đại biểu Quốc hội do Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm. Riêng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

Mức chi mời chuyên gia theo thỏa thuận bằng văn bản giữa đại biểu Quốc hội và chuyên gia nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/bài và không quá 50.000.000 đồng/đại biểu/năm. Riêng năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ không quá 25.000.000 đồng/đại biểu/năm. Hồ sơ quyết toán cần có hợp đồng, thanh lý hợp đồng và sản phẩm kèm theo.

3. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Quốc hội được cấp tiền may 02 bộ lễ phục với mức chi 5.000.000 đồng/bộ.

4. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Quốc hội được trang cấp một máy vi tính xách tay.

Các phương tiện khác phục vụ công tác của đại biểu Quốc hội được trang bị, quản lý theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5. Chế độ trang bị, sử dụng điện thoại di động, điện thoại công vụ tại nhà riêng:

Ngoài các đối tượng được trang bị điện thoại và định mức sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước, đối với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chế độ chi được áp dụng như đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

6. Đại biểu Quốc hội được cấp tài liệu bao gồm: Công báo, báo Nhân dân, báo địa phương, phí khai thác internet theo mức khoán bằng 1.000.000 đồng/người/tháng. Riêng báo Đại biểu nhân dân, báo Kiểm toán và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp được chuyển trực tiếp đến từng đại biểu Quốc hội.

7. Chế độ hỗ trợ khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ, nghỉ dưỡng hàng năm:

Ngoài các chế độ theo quy định (nếu có), đại biểu Quốc hội được hỗ trợ kinh phí khám, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng hàng năm theo mức là 5.000.000 đồng/người/năm. Riêng năm chuyển giao nhiệm kỳ, đại biểu Quốc hội (không bao gồm đại biểu tái cử) được hỗ trợ bằng 50% mức trên.

 

Điều 35.8.NQ.5.13. Chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người lao động phục vụ hoạt động Quốc hội

(Điều 13 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Quốc hội được hỗ trợ kinh phí xây dựng luật tối đa đối với dự án luật ban hành mới, dự án luật thay thế là 800.000 đồng/dự án/năm; đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều là 400.000 đồng/dự án/năm nhưng không quá 15.000.000 đồng/người/năm.

Đối tượng và mức chi cụ thể do Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí được giao.

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, căn cứ chế độ quy định và khả năng cân đối nguồn kinh phí, trong phạm vi dự toán kinh phí chi hoạt động của bộ máy văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội hàng năm, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định mức chi hỗ trợ kinh phí xây dựng các dự án luật cho cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội), nhưng tối đa không quá định mức chi trên.

2. Chế độ chi may lễ phục, trang phục:

Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội; cán bộ công chức, người lao động Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội) được cấp tiền may 01 bộ lễ phục với mức chi 5.000.000 đồng/bộ.

Ngoài ra, cán bộ, công chức và người lao động làm công tác tiếp dân, lễ tân, bảo vệ, lái xe, vệ sinh… được cấp trang phục phục vụ công tác theo quyết định của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

3. Chi tiền trợ cấp lễ, tết, ăn trưa cho cán bộ, công chức, người lao động:

Tiền trợ cấp lễ, tết, ăn trưa và các chế độ phúc lợi khác đối với cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội được trích từ quỹ cơ quan do các đơn vị sự nghiệp công lập đóng góp và được bổ sung từ nguồn kinh phí tự chủ. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định mức chi cụ thể và việc trích nộp quỹ cơ quan từ các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mức chi ăn trưa hàng tháng, trợ cấp lễ, tết của cán bộ, công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hưởng lương từ ngân sách Trung ương thực hiện trong phạm vi dự toán kinh phí được giao đối với bộ máy văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội hàng năm, theo mức chi của địa phương; riêng đối với tiền ăn trưa hàng tháng, trong trường hợp địa phương không quy định thì Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội căn cứ khả năng cân đối nguồn kinh phí trên quyết định, nhưng không quá mức chi đối với cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội.

 

Điều 35.8.NQ.5.14. Chế độ chi khác phục vụ hoạt động Quốc hội

(Điều 14 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Chế độ chi đối với chuyên gia để phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tuỳ theo nội dung và tính cấp thiết của chuyên đề, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ký hợp đồng với chuyên gia với mức chi tối đa là 4.000.000 đồng/bài.

2. Xin ý kiến bằng văn bản các cá nhân liên quan đối với các văn bản có nội dung phức tạp: mức chi từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/người/lần, tổng mức chi xin ý kiến một cá nhân tối đa là 1.000.000 đồng/văn bản.

Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định việc xin ý kiến.

3. Chế độ chi công tác tổng kết nhiệm kỳ; chi xây dựng nội dung thông tin tuyên truyền hoạt động Quốc hội; chi phục vụ hoạt động Quốc hội ngoài các nội dung chi và mức chi đã được quy định trong Nghị quyết này đối với cán bộ, công chức và người lao động giao Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

4. Chế độ tặng quà đối với các đối tượng chính sách - xã hội:

Chế độ tặng quà được thực hiện đối với các đối tượng sau: Các đối tượng chính sách được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, có đóng góp đối với hoạt động Quốc hội; gia đình và cá nhân gặp rủi ro do thiên tai; các tập thể thuộc diện chính sách xã hội, như trại điều dưỡng thương, bệnh binh, trại trẻ mồ côi, người khuyết tật; trường dân tộc nội trú, các đơn vị bộ đội, công an ở biên giới, hải đảo …, khi đoàn tổ chức thăm hỏi thì được tặng quà. Mức giá trị quà tặng tối đa cho mỗi lần thăm hỏi được quy định cụ thể như sau:

a) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà theo kế hoạch, chương trình công tác.

b) Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội: tặng quà cho tập thể mức cao nhất là 6.000.000/đồng/lần; tặng quà cho cá nhân mức cao nhất là 1.000.000 đồng/lần.

c) Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và tương đương, Phó Trưởng ban các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội: tặng quà cho tập thể mức cao nhất là 3.000.000 đồng/lần; tặng quà cho cá nhân mức cao nhất là 700.000 đồng/lần.

d) Đại biểu Quốc hội là Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: tặng quà cho tập thể mức cao nhất là 2.000.000 đồng/lần; tặng quà cho cá nhân tối đa là 500.000 đồng/lần.

e) Tổng số tiền quà tặng cụ thể như sau:

- Đối với các cơ quan của Quốc hội: tối đa là 250.000.000 đồng/năm. Riêng Hội đồng dân tộc; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: tối đa là 300.000.000 đồng/năm;

- Đối với các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có biên giới giáp với biên giới các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và các Đoàn đại biểu Quốc hội 5 tỉnh Tây nguyên: tối đa là 150.000.000 đồng/năm;

- Đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội còn lại: tối đa là 120.000.000 đồng/năm.

5. Chế độ tặng quà lưu niệm:

Đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, người lao động được tặng quà lưu niệm khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, mức chi thực hiện theo chế độ chi tổng kết nhiệm kỳ.

Cán bộ, công chức, người lao động công tác tại Văn phòng Quốc hội và các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội) khi chuyển công tác sang cơ quan khác, nghỉ hưu được tặng quà lưu niệm với mức chi tối đa là 1.500.000 đồng.

6. Chế độ thăm hỏi trợ cấp:

a) Đối với đại biểu Quốc hội:

- Đại biểu Quốc hội khi ốm đau được chi tiền thăm hỏi 1.000.000 đồng/người/lần. Trường hợp bị bệnh hiểm nghèo thì mức chi trợ cấp không vượt quá 5.000.000 đồng/người/lần, chi không quá 2 lần/người/năm.

- Chi thăm hỏi ốm đau, các vị nguyên là đại biểu Quốc hội: 1.000.000 đồng/người/lần.

- Các đối tượng sau nếu từ trần thì gia đình được trợ cấp 2.000.000 đồng:

+ Đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội;

+ Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ (chồng); vợ (chồng) của đại biểu Quốc hội.

- Chi phục vụ tang lễ do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

b) Đối với cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội):

- Chế độ thăm hỏi ốm đau, trợ cấp đối với cán bộ, công chức, người lao động đương nhiệm, nghỉ hưu được áp dụng như đối với đại biểu Quốc hội.

Riêng trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn thì tuỳ theo hoàn cảnh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định mức trợ cấp nhưng không vượt quá 5.000.000 đồng/người.

7. Kinh phí hàng năm chi cho các hoạt động văn hoá, thể thao, các hoạt động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn:

Các năm bình thường được trích 0,3%, những năm có nhiều sự kiện quan trọng, có nhiều ngày lễ được trích 0,5% trên tổng số kinh phí chi thường xuyên.

 

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35.8.LQ.102. Hiệu lực thi hành

(Điều 102 Luật số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

 

Điều 35.8.LQ.103. Điều khoản thi hành

(Điều 2 Luật số 65/2020/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội ngày 19/06/2020 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại khoản 2, điểm b và điểm c khoản 16 Điều 1 của Luật này được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

3. Chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

 

Điều 35.8.NQ.6.2.

(Điều 2 Nghị quyết số 102/2015/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2015)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

3. Các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.2.10. Điều khoản thi hành

(Điều 10 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2003)

 

1. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 02-NQ/UBTVQH9 ngày 17-10-1992 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa IX; các quy định trái với Nghị quyết này đều bãi bỏ.

2. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Trưởng các Ban và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.2.12.

(Điều 3 Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/ NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội ngày 04/08/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

2. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.3.6. Điều khoản thi hành

(Điều 6 Nghị quyết số 575/UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2008)

 

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH11 ngày 17 tháng 03 năm 2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trưởng ban Công tác đại biểu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan, tổ chức có liên quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.4.16.

(Điều 16 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.4.17.

(Điều 17 Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2008)

 

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 715/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

 

Điều 35.8.NQ.5.15. Hiệu lực thi hành

(Điều 15 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

2. Nghị quyết 773/2009/NQ-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

3. Định kỳ hai năm một lần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm rà soát các định mức của Nghị quyết này báo cáo xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi quyết định điều chỉnh.

 

Điều 35.8.NL.1.39. Trách nhiệm thi hành

(Điều 39 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NL.1.40. Hiệu lực của Nghị quyết

(Điều 40 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/ UBTVQH11- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 10 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

 

Điều 35.8.NQ.7.2.

(Điều 2 Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.

 

Điều 35.8.NQ.7.3.

(Điều 3 Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

 

Điều 35.8.NQ.8.7. Điều khoản thi hành

(Điều 7 Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Ban thư ký và các cơ quan có liên quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.9.6. Điều khoản thi hành

(Điều 6 Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban dân nguyện đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

 

Điều 35.8.NQ.10.2.

(Điều 2 Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/03/2016)

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.

 

Điều 35.8.NQ.10.3.

(Điều 3 Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/03/2016)

 

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nghị quyết số 618/NQ-UBTVQH12 ngày 06 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

 

Điều 35.8.NQ.11.6. Hiệu lực thi hành

(Điều 6 Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017)

 

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.

 

Điều 35.8.NQ.11.7. Tổ chức thực hiện

(Điều 7 Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2017)

 

1. Văn phòng Quốc hội và Ban Công tác đại biểu, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.12.7. Điều khoản thi hành

(Điều 7 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế công chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 8 của Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.12.8. Điều khoản chuyển tiếp

(Điều 8 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021)

 

1. Khi thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số lượng Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng có thể cao hơn số lượng quy định tại Nghị quyết này. Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm điều chỉnh, sắp xếp lại số lượng cấp phó vượt quá quy định, bảo đảm trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, số lượng cấp phó phải theo đúng quy định tại Nghị quyết này.

2. Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi được thành lập không vượt quá số lượng biên chế công chức được phê duyệt của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi thực hiện thí điểm hoặc hợp nhất. Căn cứ vào tình hình thực tế, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định.

Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi được thành lập thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Kể từ ngày Nghị quyết này được thông qua, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan khác có liên quan dự kiến phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế công chức và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thời hạn hoàn thành việc thành lập Văn phòng được thực hiện như sau:

a) Đối với các địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành để bảo đảm các cơ quan này bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2021;

b) Đối với các địa phương không thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2021. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập theo quy định của Nghị quyết này.

4. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm chuyển giao cơ sở vật chất, kinh phí và biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội cho các địa phương theo quy định của pháp luật.

5. Căn cứ vào Nghị quyết này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 bảo đảm cho hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 

Điều 35.8.NQ.13.2.

(Điều 2 Nghị quyết số 283/2021/UBTVQH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/08/2021)

 

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên theo theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

Điều 35.8.NQ.14.6. Điều khoản thi hành

(Điều 6 Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/09/2021)

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 1050/2015/UBTVQH13 ngày 09 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?