I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM
1. Thực trạng
Theo xếp hạng CPI[1] năm 2020, Việt Nam đứng thứ 104/180 với 36 điểm, tăng 5 điểm và 15 bậc so với năm 2014. Tuy nhiên, so với năm 2019, CPI của Việt Nam bị giảm 1 điểm và 8 bậc, đồng thời vẫn nằm trong số 2/3 các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý).
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽm đồng bộ, hiệu quả, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu[2]. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng[3].
Có thể khẳng định rằng, công tác PCTN ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; nạn tham nhũng đã bị ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được nâng lên. Có thể khái quát một số đặc điểm của công tác PCTN ở Việt Nam như sau:
- Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào;
- Làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó;
- Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc;
- Nhân văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
- Lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN hiệu quả chưa cao, hiện tượng phải hối lộ, bôi trơn hoặc tác động bằng hình thức khác để được thuận lợi hơn trong giải quyết công việc còn phổ biến; một số cơ chế, chính sách còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm. Công tác tổ chức, cán bộ, kiểm soát tài sản, thu nhập còn nhiều hạn chế, vướng mắc; vấn đề phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ...
2. Nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng
Các nghiên cứu về tham nhũng ở các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy tham nhũng là hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước và các quyền lực công cộng khác. Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại thì còn có điều kiện để xảy ra tham nhũng.
Cùng với sự phát triển của các hình thái nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị - kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan quan trọng làm cho tham nhũng phát triển. Đối với mỗi cá nhân, nhu cầu về lợi ích là yếu tố chủ quan dẫn đến tham nhũng. Khi yếu tố lợi ích kết hợp với sự lạm dụng quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn thì khả năng xảy ra tham nhũng là rất cao.
Những nguyên nhân, điều kiện cơ bản của tham nhũng như sau:
2.1. Nguyên nhân và điều kiện khách quan
- Hệ thống chính trị chậm được đổi mới, trình độ quản lý còn lạc hậu, mức sống thấp, tạo ra các kẽ hở cho tệ tham nhũng nảy sinh và phát triển. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, sự cạnh tranh và việc đề cao quá mức giá trị đồng tiền làm cho người sản xuất, kinh doanh có xu hướng tối đa hoá lợi nhuận bằng mọi giá, tìm cách hối lộ công chức nhà nước để tạo lợi thế trong kinh doanh. Trong kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt, có những giá trị xã hội bị đảo lộn, mọi người đều phải chịu sức ép của việc kiếm tiền, làm xuất hiện tâm lý mọi việc đều có thể mua bán. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tác hại to lớn của những yếu tố tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường thật sự đã đến mức báo động, chính điều này đã góp phần làm gia tăng tệ tham nhũng thông qua việc thúc đẩy các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, làm giàu phi pháp, chiếm đoạt tiền của Nhà nước và nhân dân.
- Cơ chế chính sách pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, phân biệt quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh có phần chưa rõ. Quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế quản lý tài sản công, quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước còn lỏng lẻo.
- Một số nét văn hoá như biếu và tặng quà... bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng.
2.2. Nguyên nhân và điều kiện chủ quan của hành vi tham nhũng
- Phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên yếu kém. Điều này đã được đánh giá trong nhiều văn kiện của Đảng. Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước,..”
- Cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý; cơ chế “xin - cho” trong hoạt động công vụ vẫn còn phổ biến. Cơ chế “xin - cho” là một trong những nguy cơ của tệ tham nhũng, hối lộ mà đến nay vẫn chưa có cách khắc phục. Bên cạnh đó, chế độ công vụ của cán bộ, công chức mới bắt đầu được quan tâm xây dựng, hiện tại còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả. Chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo đối với những sai phạm, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn bất hợp lý, chậm được cải cách. Đồng lương không đủ đảm bảo nhu cầu của cuộc sống là một động cơ đẩy cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực khi có điều kiện, cơ hội.
- Sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở một số nơi chưa chặt chẽ, sâu sát, thường xuyên; việc xử lý tham nhũng chưa nghiêm.
- Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng chưa rõ ràng, thậm chí chồng chéo, thiếu một cơ chế phối hợp cụ thể, hữu hiệu.
- Thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu hiệu. Những năm qua, hoạt động điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đã thu được một số kết quả tích cực nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đã đề ra các giải pháp nhằm xây dựng lực lượng chuyên trách đủ mạnh, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp làm nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng theo hướng chuyên môn hóa với các phương tiện, công cụ, kỹ năng phù hợp, bảo đảm vừa chuyên sâu, vừa bao quát các lĩnh vực, các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
- Việc huy động lực lượng đông đảo của nhân dân cũng như sự tham gia của lực lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Báo chí vừa có tác dụng cảnh báo những nơi có nguy cơ tham nhũng, vừa tham gia phát hiện và đặc biệt là tạo nên dư luận mạnh mẽ trong việc xử lý tham nhũng. Vì những lý do khác nhau mà một số cơ quan còn e ngại trước sự tham gia của báo chí, hoặc là vì bản thân sự thông tin đôi khi không chính xác hoặc không đúng thời điểm đã gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý triệt để các vụ việc tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng mặc dù đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng chưa tạo ra một sự chuyển biến tích cực trong ý thức xã hội trong việc phản ứng với tệ nạn tham nhũng cũng như đề cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
II. THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC PCTN Ở ĐỊA PHƯƠNG
1. Thực trạng
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác PCTN, luôn đề cao tính liêm chính trong khu vực công; các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện; hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn công khai minh bạch trong hoạt động với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hệ thống các quy định về chế độ tiêu chuẩn, định mức được rà soát, điều chỉnh sát với tình hình thực tế; minh bạch tài sản, thu nhập được tập trung triển khai thực hiện, số người kê khai tài sản đến nay đạt trên 98% so với số người thuộc diện phải kê khai; các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện Đề án cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy. Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng được tăng cường; các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án đã tiến hành rà soát các vụ việc, vụ án tồn đọng; tập trung phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Trong gần 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2020 đã khởi tố 19 vụ án tham nhũng với 36 bị can, đã xử lý dứt điểm 12 vụ với 24 bị can, qua đó thu hồi tài sản tham nhũng 10.020.784.845 đồng/18.211.853.183 đồng; như vậy đối với các vụ án trọng điểm đều được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được phát huy. Các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN được kiện toàn, đi vào hoạt động. Ban Chỉ đạo về PCTN của tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc; xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian để tập trung chỉ đạo, thể hiện vai trò trung tâm trong chỉ đạo, điều hành về công tác PCTN.
2. Tồn tại, hạn chế
2.1. Những hạn chế trong Luật PCTN đối với hoạt động của cơ quan Thanh tra:
- Thứ nhất, quy định về thẩm quyền của Thanh tra tỉnh trong kiểm soát tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, gây rất nhiều hạn chế, cụ thể: Theo cơ chế hiện nay ngày càng tỉnh giản bộ máy, tinh giản cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có cơ quan Thanh tra tỉnh. Trong khi đó Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng kê khai TSTN. Hiện nay, số lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực phòng, chống tham nhũng tại Thanh tra tỉnh có 04 CBCC, tuy nhiên số lượng CBCC, VC, người thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập tại địa phương là rất lớn. Do đó, gây rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi, đánh giá thông tin từ bản kê khai TSTN.
- Thứ hai, trong thực hiện quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, việc kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu trong các kết luận thanh tra cũng gặp vướng mắc. Bởi lẽ, việc kết luận trách nhiệm của người đứng đầu cần phải căn cứ vào việc xác định có hành vi tham nhũng xảy ra ở các mức độ khác nhau. Trong khi đó, việc xác định có tội phạm tham nhũng hay không lại phụ thuộc vào thẩm quyền và hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án.
- Thứ ba, quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong bộ máy hành chính nhà nước chưa được xác định tương xứng với nhiệm vụ được giao, việc đảm bảo thực hiện quyền cũng còn hạn chế: Theo Luật Thanh tra 2010, các cơ quan thanh tra nhà nước được giao nhiệm vụ thanh tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, chức năng của các cơ quan thanh tra nhà nước là cơ quan tham mưu hoặc là cơ quan chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp nghĩa là, cơ quan thanh tra chỉ có vị trí tương đương với các cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra. Thủ trưởng các cơ quan thanh tra cũng chỉ tương đương với thủ trưởng các cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra, thậm chí trong một số trường hợp còn kém vị thế hơn (không phải là cấp ủy viên). Do vậy, khi triển khai nhiệm vụ, quyền hạn gặp nhiều khó khăn.
- Thứ tư, cơ quan thanh tra chủ yếu chỉ có thẩm quyền kiến nghị xử lý: Qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, các cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm, vi phạm pháp luật nhưng hầu như không có quyền quyết định xử lý (trừ thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính), chủ yếu là kiến nghị nhưng khi kiến nghị không được người có thẩm quyền xem xét xử lý thì cơ quan thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra cũng không có quyền xử lý người đó. Tương tự như vậy, trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu… nhưng nếu họ không cung cấp thì cũng không có quyền xử lý… Pháp luật thanh tra quy định cơ quan thanh tra được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức báo cáo về công tác thanh tra nhưng nếu cơ quan, tổ chức đó không báo cáo cũng không có quyền xử lý…
- Thứ năm, sự phối hợp trong trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật giữa cơ quan Thanh tra và cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự hiệu quả, thông suốt và kịp thời. Gần như hoạt động này chỉ diễn ra một chiều, do phía Thanh tra cung cấp, trong khi hoạt động cung cấp thông tin, trao đổi, xác minh theo chiều ngược lại thì chưa được nhiều.
2.2. Hạn chế trong các biện pháp phòng ngừa, xử lý tham nhũng.
Việc xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về PCTN của một số đơn vị, địa phương mang tính rập khuôn theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chưa đề ra giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế và gắn với thực thi chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình nên chưa phát huy hiệu quả.
Các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện tuy nhiên một số giải pháp vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Các hoạt động giám sát của MTTQVN, HĐND các cấp chưa thực sự hiệu quả, hàng năm tổ chức rất nhiều cuộc giám sát được triển khai hiệu quả mang lại chưa cao.
Phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về công tác PCTN còn ít. Tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc tham nhũng còn chậm.
3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
3.1. Nguyên nhân khách quan
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như tổ chức thực hiện công tác PCTN.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.
Việc tự kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng, giải quyết tố cáo trong nội bộ chưa được quan tâm đúng mức, còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm. Kết quả thanh tra đã kịp thời phát hiện những sai phạm về kinh tế, đã kiến nghị xử lý và khắc phục; tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
Cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ chế “xin - cho” trong hoạt động công vụ vẫn còn phổ biến; thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý. Bên cạnh đó, chế độ công vụ của cán bộ, công chức mới bắt đầu được quan tâm xây dựng, hiện tại còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả. Chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo đối với những sai phạm, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn bất hợp lý, chậm được cải cách. Đồng lương không đủ đảm bảo nhu cầu của cuộc sống là một động cơ đẩy cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng vặt, tiêu cực khi có điều kiện, cơ hội.
Thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu hiệu. Những năm qua, hoạt động điều tra, thanh tra, kiểm tra, giám sát đã thu được một số kết quả tích cực nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Chỉ đạo chưa hiệu quả việc thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng hằng năm.
Việc huy động lực lượng đông đảo của nhân dân cũng như sự tham gia của lực lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng mặc dù đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng chưa tạo ra một sự chuyển biến tích cực trong ý thức xã hội trong việc phản ứng với tệ nạn tham nhũng cũng như đề cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
III. TÁC HẠI CỦA THAM NHŨNG
Tham nhũng có thể gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể khái quát những tác hại chủ yếu của tham nhũng ở những điểm chính sau:
1. Tác hại về chính trị
Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, tình hình tham nhũng ở nước ta đã ở mức nghiêm trọng, đáng báo động. Tham nhũng không chỉ xảy ra ở cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn mà còn xuất hiện nhiều trong các cấp chính quyền cơ sở - cơ quan tiếp xúc với nhân dân hằng ngày, giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Tác hại nguy hiểm của tệ tham nhũng, lãng phí ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc thực hiện chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội hoặc một nhiệm vụ quản lý nhất định của Nhà nước. Tổng quát hơn, gây nguy hiểm đến sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Để nhân dân mất niềm tin, tức là chúng ta đã đánh mất một sức mạnh vô cùng to lớn, thậm chí có tính chất quyết định đối với sự nghiệp cách mạng. Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng tiếp tục khẳng định: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo. Tham nhũng trở thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
2. Tác hại về kinh tế
Tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân.
Ở nước ta, trong thời gian qua, nạn tham nhũng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền của, thời gian, công sức của nhân dân. Giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát liên quan tới tham nhũng của mỗi vụ lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỉ đồng. Đó là những con số lớn và đáng lo ngại so với số thu ngân sách hằng năm của nước ta. Hậu quả của hành vi tham nhũng không chỉ là việc tài sản, lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc của cá nhân bị biến thành tài sản riêng của người thực hiện hành vi tham nhũng, mà nguy hiểm hơn, hành vi tham nhũng còn gây thiệt hại, gây thất thoát, lãng phí một lượng lớn tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân. Ở mức độ thấp hơn, việc một số cán bộ, công chức quan liêu, sách nhiễu đối với nhân dân trong khi thực thi công vụ, lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ khiến cho nhân dân phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để có thể thực hiện được công việc của mình như: Xin cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận, hoặc các loại giấy tờ khác... Nếu xét từng trường hợp một thì giá trị vật chất bị lãng phí có thể không quá lớn, nhưng nếu tổng hợp những vụ việc diễn ra thường xuyên, liên tục trong đời sống hằng ngày của nhân dân thì con số bị thất thoát đã ở mức độ nghiêm trọng.
3. Tác hại về xã hội
Tham nhũng xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Trước những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được khi thực hiện hành vi tham nhũng, nhiều cán bộ, công chức đã không giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng, không phục vụ nhân dân mà hướng tới các lợi ích bất chính, bất chấp việc vi phạm pháp luật, làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, tham nhũng không chỉ phát sinh ở trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai… mà còn có xu hướng lan sang các lĩnh vực từ trước tới nay ít có khả năng xảy ra tham nhũng như: Văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao... thậm chí, cả những lĩnh vực lẽ ra không thể có tham nhũng, cả dưới góc độ đạo đức và pháp luật, như lĩnh vực phúc lợi xã hội hay bảo vệ pháp luật. Hành vi tham nhũng xảy ra không ít trong các chương trình trợ cấp cho thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách; tham nhũng tiền, hàng hoá cứu trợ xã hội, trong cả xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hoá, thi đua khen thưởng. Thậm chí tham nhũng còn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Điều đáng báo động là việc tham nhũng dường như đã trở thành bình thường trong quan niệm của một số cán bộ, công chức. Đó chính là biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng. Hơn thế, tham nhũng còn xâm phạm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi người thực hiện hành vi tham nhũng có khi là giáo viên, bác sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội - những người xây dựng đời sống, nền tảng tinh thần cho xã hội.
IV. QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VỀ PCTN
1. Văn bản Trung ương ban hành
- Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản yêu cầu thực hiện thêm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kê khai, kiểm soát tài sản như quản lý bản kê khai và việc sử dụng, khai thác dữ liệu bản kê khai nhằm phát hiện tham nhũng…;
- Thông báo số 116-TB/BCĐTW ngày 14/5/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tại phiên họp thứ 7 của Ban, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật PCTN năm 2005 để đáp ứng sát hơn các yêu cầu PCTN, hạn chế tình trạng tham nhũng vặt…;
- Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp về PCTN như nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt thống nhất trong quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật PCTN; hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong PCTN; kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các tổ chức xã hội; áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản; tăng thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN;
- Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí;
- Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
- Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
- Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của Báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
- Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
- Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.
- Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 20/10/2020 của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
2. Văn bản do địa phương ban hành
- Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 11/6/2014 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
- Công Văn số 552-CV/TU, ngày 17/9/2014 về tăng cường thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về kê khai, kiểm soát việc kiểm kê tài sản;
- Công văn số 497-CV/TU, ngày 10/7/2014 về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 22/3/2016 về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng;
- Kế hoạch số 28-KH/TU, ngày 21/02/2017 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
- Kế hoạch số 95-KH/TU, ngày 29/01/2019 tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020;
- Kế hoạch số 256/KH-UBND và Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 20/11/2019 của UBND tỉnh triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2020 và giai đoạn 2019 – 2021”;
- Kế hoạch số 110-KH/TU, ngày 09/5/2019 quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
- Công văn số 722-CV/TU, ngày 09/7/2019 về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN;
- Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 26/01/2021 của UBND tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021;
- Công văn 646/UBND-NC ngày 02/3/2021 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn kê khai tài sản thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP;
V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), chú trọng cả phòng và chống; cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này. Tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Trong các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, phải có nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải thật sự gương mẫu và dành thời gian thích đáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy quản lý chặt chẽ đảng viên, cán bộ; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm; thực hiện việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Cơ quan kiểm tra của Đảng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm. Kiểm tra, rà soát, đánh giá vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
2- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Sớm sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, theo hướng tăng cường công khai, minh bạch trong các khâu quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giao đất, cho thuê đất, định giá, đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản… Quy định rõ ràng, cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với đất đai, tài nguyên.
Hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách; việc chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công; các khoản chi thường xuyên; các định mức, tiêu chuẩn trong sản xuất, tiêu dùng; việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; việc chi phí hội nghị, lễ hội, tiếp khách, đi công tác nước ngoài. Sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thành lập các trung tâm mua sắm công tập trung, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X).
Hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp; việc kiểm toán và công khai, minh bạch về tài chính.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng, nhất là những hoạt động dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, như cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, ủy thác cho vay, ủy thác đầu tư, đầu tư công, đầu tư bất động sản… Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch trong giao dịch, giao tiếp ở các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.
3- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy định cụ thể và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, chủ động kiểm tra, xác minh kết quả kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc quyền quản lý.
Các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong việc cưới, việc tang, mừng nhà mới, tổ chức sinh nhật, việc nhận bằng cấp, học hàm, học vị, danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Từng bước thực hiện chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có nguồn thu nhập chủ yếu bằng lương, sống bằng lương và có mức sống khá trong xã hội.
4- Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Đối với các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, cấp ủy cần chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo để cho chủ trương xử lý, bảo đảm khẩn trương, đúng quy định của pháp luật.
Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với một số lĩnh vực trọng điểm, như quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản; đầu tư, mua sắm công; thu, chi ngân sách; quản lý tài sản công; tín dụng ngân hàng và công tác cán bộ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động và bảo đảm sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí.
5- Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có biện pháp bảo đảm cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp có hiệu lực cao hơn.
Phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Khẩn trương cụ thể hóa cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban hành quy chế về việc nhân dân giám sát tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Có biện pháp bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí và những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và có chính sách truyền thông đúng đắn, phát huy vai trò và trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
VI. NHẬN DIỆN THAM NHŨNG THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT PCTN
1. Chủ thể của tham nhũng
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”; theo định nghĩa trên, tham nhũng có những đặc trưng cơ bản như sau:
Thứ nhất, chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, Luật PCTN năm 2018 không giới hạn trong khu vực công:
- Người có chức vụ, quyền hạn không chỉ giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước (gồm cả người có quyền quản lý vật tư, tài sản, cấp phát ngân sách, quản lý nhân sự, quyền cấp và thu hồi các loại giấy phép, kiểm tra giấy phép…) mà còn bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn ở khu vực tư nhân.
- Người có chức vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Luật quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”, bao gồm: (1) Cán bộ, công chức, viên chức; (2) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; (3) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (4) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; (5) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
- Điều cần lưu ý ở đây là người có chức vụ, quyền hạn, chủ thể của hành vi tham nhũng không chỉ là những người có chức danh lãnh đạo, quản lý mà có thể là một nhân viên bình thường nhưng có quyền hạn nhất định khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Thứ hai, chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao: Đây là đặc trưng thứ hai của tham nhũng. Chủ thể tham nhũng phải sử dụng chức vụ, quyền hạn, công vụ của mình như một phương tiện để mang lại lợi ích cho bản thân hoặc gia đình mình hoặc cho người khác. Một người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vì động cơ vụ lợi nhưng hành vi đó không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì không coi là tham nhũng.
Thứ ba, mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi:
- Mục đích của hành vi tham nhũng phải là mục đích vụ lợi (Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng quy định tại Khoản 7, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Nếu chủ thể thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà không xuất phát từ động cơ vụ lợi thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi là lợi ích vật chất (tiền, nhà, đất, các vật có giá trị...) hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn mong muốn đạt được từ việc thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình.
2. Các hành vi tham nhũng
- Đối với hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, tại khoản 1, Điều 2, Luật PCTN năm 2018 xác định: là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm 12 hành vi cụ thể như sau: (1) tham ô tài sản; (2) nhận hối lộ; (3) lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; (4) lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; (5) lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; (6) lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; (7) giả mạo trong công tác vì vụ lợi; (8) đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; (9) lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; (10) nhũng nhiễu vì vụ lợi; (11) không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; (12) cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Trong 12 hành vi tham nhũng theo quy định của Luật, hành vi thứ nhất đến hành vi thứ bảy đã được quy định tại Chương XXIII, Mục A, Phần các tội phạm về tham nhũng của Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
- Đối với hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, do đây là lần đầu tiên các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước được Luật hóa trong Luật Phòng, chống tham nhũng và để phù hợp với Bộ Luật Hình sự nên khoản 2, Điều 2, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chỉ quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm 03 hành vi sau: (1) tham ô tài sản; (2) nhận hối lộ; (3) đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: (1) Tham ô tài sản, (2) Nhận hối lộ, (3) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Hành vi thứ nhất và hành vi thứ 2 được quy định tại Chương XXIII, Mục A, Phần các tội phạm về tham nhũng của BLHS năm 2015.
VII. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG
1. Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị
Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Luật PCTN đã đưa vấn đề công khai minh bạch trở thành một nguyên tắc chung cho hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức đơn vị, chỉ trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước. Như vậy, các cơ quan, tổ chức đơn vị chỉ có thể không công khai những nội dung có trong danh mục bí mật nhà nước đã phê duyệt, không được lấy lý do nào khác để từ chối việc công khai hoạt động của mình nhằm tránh sự kiểm soát của người dân và xã hội.
Luật PCTN năm 2018 đã có những quy định cụ thể nội dung công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực mà thực tế cho thấy có xảy ra nhiều tham nhũng, gây thất thoát nhiều đến tiền, tài sản của Nhà nước cung như có nhiều sự phiền hà sách nhiễu được quy định tại Khoản 1, Điều 10 Luật PCTN năm 2018. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài ngoài nội dung công khai, minh bạch tại Khoản 1, Điều 10 Luật PCTN năm 2018 còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Luật cũng quy định hằng năm Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương và Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hoặc phương tiện thông tin đại chúng.
2. Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 18 Luật PCTN năm 2018 thì cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính công trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ;
- Công khai quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;
- Thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.
Thông thường có hai loại tiêu chuẩn, chế độ định mức bị vi phạm liên quan đến tham nhũng:
- Một là, các chế độ, định mức tiêu chuẩn về lợi ích, nhất là các chế độ với người có chức vụ lãnh đạo, quản lý: chẳng hạn, chế độ phục vụ, chế độ dùng xe công, tiêu chuẩn dùng điện thoại…Vi phạm trong việc thực hiện chế độ, định mức tiêu chuẩn này thường có hai dạng như sau: (1) được hưởng hay sử dụng kinh phí hoặc loại tài sản vượt mức nhà nước quy định; (2) người không thuộc diện được hưởng nhưng đã được hưởng, tức là tự ý mở rộng đối tượng được hưởng một tiêu chuẩn thuộc về lợi ích vật chất nào đó.
- Hai là, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn có tính chất chuyên môn kỹ thuật: đó là những quy định để bảo đảm chất lượng các công trình hoặc công việc nào đó,… với những yêu cầu chính xác cao về kỹ thuật, về quy đình thực hiện, về thời gian, về nguyên vật liệu…việc tự ý thay đổi, hạ thấp tiêu chuẩn này sẽ dẫn đến việc một số người được hưởng lợi, thực chất là tham nhũng, biểu hiện điển hình của loại vi phạm này chính là hiện tượng “rút ruột” công trình xây dựng, hạ thấp chi phí thực tế thông qua việc hạ thấp tiêu chuẩn kỹ thuật để chia nhau hưởng lợi.
Như vậy, về trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm chế độ định mức, tiêu chuẩn: cần phân biệt có hai loại trách nhiệm, một là trách nhiệm chung của người đã có hành vi vi phạm quy định bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, là trách nhiệm vật chất đối với thiệt hại đã gây ra do việc thực hiện sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với loại này thì có sự phân biệt trách nhiệm giữa người quyết định làm sai quy định và người được hưởng lợi từ việc thực hiện quy định sai trái đó theo nguyên tắc: người quyết định việc thực hiện sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn thì chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường, còn người được hưởng lợi từ việc thực hiện sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn thì có trách nhiệm liên đới bồi thường.
3. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
3.1. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Trong thực tế xã hội có rất nhiều lĩnh vực, tuỳ từng đặc thù công việc và tính chất công việc quy định những quy tắc ứng xử khác nhau như: quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề luật sư, đạo đức ngành y, quy tắc ứng xử ngành thanh tra, ngành hải quan….Tuy nhiên, cho dù là ngành nghề, lĩnh vực gì, những người có chức vụ, quyền hạn đều không được làm những việc: nhũng nhiễu trong giải quyết công việc, thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ; tư vấn cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài những công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị; những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên Chức, Luật doanh nghiệp và Luật khác có liên quan.
Thêm vào đó, những người giữ vị trí lãnh đạo còn bị hạn chế một số việc khác để tránh việc lợi dụng ảnh hưởng hoặc liên kết thân hữu nhằm tham nhũng. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhận sự, kế toán, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ, chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp của những người này tham dự gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
3.2. Về việc tặng quà
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cụ thể hơn so với Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 về việc tặng quà. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong một số trường hợp cần thiết khác.
Đối với việc nhận quà tặng có liên quan đến công việc đang giải quyết, hoặc thuộc phạm vi quản lý của người có chức vụ quyền hạn cần phải cấm tuyệt đối để phòng ngừa tham nhũng. Vì vậy, khoản 2 Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Đây là một quy định khá nghiêm khắc so với trước đây, nhằm đấu tranh với hiện tượng nhận hối lộ đối với cá nhân và tổ chức.
3.3. Xung đột lợi ích
Xung đột lợi ích là một khái niệm mới lần đầu tiên quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Xét về bản chất thì toàn bộ các quy định về quy tắc ứng xử hay việc nhận quà, tặng quà đều nhằm một mục đích chung là tránh xung đột lợi ích, buộc những người có chức vụ, quyền hạn phải giữ được sự liêm chính.
Khoản 8, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ”.
Xung đột lợi ích có nhiều tình huống với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Khi có tình huống dẫn đến xung đột lợi ích, nếu xét thấy tiếp tục để người đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ có thể dẫn đến tham nhũng hoặc việc giải quyết công việc thiếu khách quan thì cần phải có biện pháp kiểm soát tình huống đó. Chính vì vậy, Điều 23, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã có quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, bao gồm báo cáo, thông tin và kiểm soát xung đột lợi ích. Luật đã quy định người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn được áp dụng một trong các biện pháp: giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác. Quy định này nhằm bảo đảm có căn cứ cho người đứng đầu lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp với từng tình huống xung đột lợi ích trên thực tế mà đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức đơn vị. Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết về điều này.
Việc quy định xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 khẳng định, kiểm soát xung đột lợi ích là công cụ quan trọng nhằm phòng chống tham nhũng có hiệu quả, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức về xung đột lợi ích, thống nhất về cơ chế kiểm soát, thống nhất các biện pháp áp dụng và tổ chức thực hiện pháp luật về phòng nừa, phát hiện, và quản lý xung đột lợi ích.
Ví dụ 1: Cơ quan Thanh tra X cử ông A làm thành viên của Đoàn Thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với đơn vị B, và vợ của ông A đang làm việc tại đơn vị B. Lúc này yêu cầu cơ quan Thanh tra X phải có trách nhiệm kiểm soát xung đột lợi ích bằng cách không cử ông A làm thành viên của Đoàn Thanh tra.
Ví dụ 2: người thân của ông Phạm Văn M (ông M là công chức công tác tại Sở Y tế, phụ trách lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh) có đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh gửi đến Sở Y tế nơi ông M đang công tác; trong trường hợp này ông M có trách nhiệm báo cáo với người trực tiếp quản lý để ngăn chặn tình trạng xảy ra xung đột lợi ích hoặc người có thẩm quyền tại Sở Y tế trên phát hiện ra trường hợp trên thì cử công chức khác phụ trách xử lý hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của người thân ông Phạm Văn M.
4. Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức
4.1. Về nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác
- Nguyên tắc 1: Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
- Nguyên tắc 2: Việc chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo khách quan, hợp lú, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Nguyên tắc 3: Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Nguyên tắc 4: Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vị vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã bổ sung quy định về Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Theo đó, định kỳ hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ quyền hạn, theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.
4.2. Vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi
Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.
Định kỳ hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ.
Ví dụ: người làm công tác kế toán tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (hoặc cấp huyện) và mỗi cơ quan, đơn vị chỉ có 01 người làm công tác kế toán, như vậy không thể thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong cùng một đơn vị, lúc này định kỳ Sở Nội vụ (hoặc phòng Nội vụ) tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh (CT UBND huyện) kế hoạch chuyển đổi vị trí người làm công tác kế toán tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với nhau.
5. Vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước
5.1. Về đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai
a) Đối tượng kê khai lần đầu gồm:
- Cán bộ, công chức.
- Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
b) Đối tượng kê khai bổ sung: được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai theo Điều 34 Luật PCTN năm 2018 có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000đ trở lên.
c) Đối tượng kê khai hằng năm:
- Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên.
- Các ngạch công chức và chức danh sau đây: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.
- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
d) Đối tượng kê khai phục vụ công tác cán bộ:
- Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật PCTN năm 2018 khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hàng năm phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Việc kê khai phục vụ công tác cán bộ phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.
5.2. Về nghĩa vụ của người kê khai tài sản
Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật PCTN năm 2018.
Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật PCTN năm 2018 và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.
5.3. Về tài sản phải kê khai
Luật PCTN năm 2018 quy định chi tiết hơn về các loại tài sản phải kê khai bao gồm:
- Quyền sử dụng đất: có GCNQSD đất; có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; không có giấy tờ nhưng có sử dụng trên tự tế từ 12 tháng trở lên.
- Quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà ở, công trình xây dựng: nhà ở, công trình xây dựng đã được cấp GCNQ sở hữu; nhà ở, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu trên thực tế nhưng chưa được cấp GCNQ sở hữu hoặc GCNQ sở hữu đứng tên người khác; nhà ở, công trình xây dựng thuê của Nhà nước.
- Tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng: cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng; vật kiến trúc gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng.
- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.
- Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
- Cổ phiếu, trái phiếu, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị của các loại giấy tờ có giá từ 50 triệu đồng trở lên.
- Tài sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, bao gồm: tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký (tầu bay, tầu thủy, thuyền, máy ủi, máy xúc, ô tô, mô tô, xe gắn máy…); tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, tiền điện tử, các loại tài sản khác…); các quyền tài sản khác (quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ…)
- Tài sản ở nước ngoài (bao gồm tất cả các tài sản nêu trên có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên ngoài lãnh thổ Việt Nam).
- Tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, tài khoản khác ở nước ngoài có thể thực hiện các giao dịch bằng tiền, tài sản hoặc giao dịch quy đổi có giá trị.
- Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện theo mẫu bản kê khai do Chính phủ quy định.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A được bố mẹ cho sử dụng xe oto, trị giá 900 triệu đồng, giấy đăng ký xe do bố ông A đứng tên, như vậy ông A chỉ được quyền sử dụng chiếc xe oto mà không có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này ông Nguyễn Văn A không phải kê khai tài sản là chiếc xe oto trên.
Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B được bố mẹ cho tặng một mảnh vườn cây cao su, mảnh vườn này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSD đất và bố mẹ ông B không làm giấy tờ cho tặng, tuy nhiên ông B được quyền sử dụng và quyền sở hữu đối với tài sản là mãnh vườn trên, trong trường hợp này ông Nguyễn Văn B phải thực hiện kê khai tài sản là mãnh vườn trên theo quy định, và ghi rõ nguồn gốc thửa đất trên được bố mẹ cho tặng, chưa được nhà nước cấp GCNQSD đất.
Ví dụ 3: Ông Trần Văn C có một số tài sản như: cây cảnh (hoa lan) trị giá trên 70 triệu đồng, bộ bàn ghế gỗ trị giá 40 triệu đồng, 01 xe máy hiệu honda trị giá 45 triệu đồng và 01 xe máy hiệu SH trị giá 97 triệu đồng; trong trường hợp này ông C phải kê khai các loại tài sản trên vào mục 7.1, 7.2 tại Phụ lục số I, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chỉnh phủ như sau:
+Tên tài sản: xe gắn máy; số lượng: 02 chiếc; giá trị: 142 triệu đồng, năm bắt đầu sở hữu 20xx.
+ Tên tài sản: cây cảnh (hoa lan), trị giá trên 70 triệu đồng, năm bắt đầu sở hữu 20xx;
Như vậy, tài sản là bộ bàn ghế gỗ, có trị giá dưới 50 triệu đồng, do vậy tài sản này ông Trần Văn C không phải kê khai.
Ví dụ 4: Bà Nguyễn Thị T công tác tại tỉnh Bình Phước có mua một mãnh đất tại tỉnh Bình Dương, khi mua tài sản là mãnh đất trên bà T cho mẹ của bà đứng tên trên GCNQSD đất; trong trường hợp này bà T vẫn phải thực hiện kê khai tài sản đối với mãnh đất trên và ghi rõ thông tin là tài sản do bà T mua và cho mẹ đứng tên trên GCNQSD đất.
Ví dụ 5: Ông D tiến hành góp vốn bằng xe oto vào đơn vị N – kinh doanh vận tải; góp vốn bằng tiền mặt 500 triệu đồng vào đơn vị P, góp vốn bằng quyền sử dụng thửa đất với diện tích 1.000m2, trị giá thửa đất 4 tỷ đồng vào đơn vị Q; trong trường hợp này ông D phải tiến hành kê khai tài sản trên tại mục 6.3, Phụ lục 1 của NĐ 130, như sau:
+ Hình thức góp vốn: bằng xe oto vào đơn vị N – kinh doanh vận tải, giá trị góp vốn 1 tỷ;
+ Hình thức góp vốn: bằng tiền mặt vào đơn vị P, giá trị góp vốn 500 triệu;
+ Hình thức góp vốn: bằng quyền sử dụng đất và ghi rõ số GCNQSD đất, người đứng tên trên GCNQSD đất, góp vào đơn vị Q, giá trị góp vốn 4 tỷ đồng;
Ví dụ 6: ông H thuộc đối tượng kê khai TSTN, trong năm 2021 ông H có tổng thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp là 120 triệu đồng/năm, vợ ông H làm nghề kinh doanh, có tổng thu nhập là 300 triệu đồng/năm; ngoài ra vợ chồng ông H có vườn cây cao su, diện tích 10.000m2, tại địa chỉ Phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài (nguồn hình thành từ tài sản do vợ, chồng ông H tích lũy và mua được mãnh vườn cao su, trị giá 200 triệu đồng) mỗi năm thu nhập từ vườn cây cao su là 500 triệu đồng/năm; hai người con của vợ chồng ông H chưa thành niên và không có thu nhập; trong trường hợp này ông H phải kê khai TSTN theo mục 10, phụ lục 1, NĐ 130 như sau:
10. Tổng thu nhập giữa hai lần kê khai: (đối với KK lần đầu thì không phải khai tổng thu nhập giữa hai lần kê khai, đối với lần KK thứ hai trở đi được xác định từ ngày KK liền kề trước đó đến trước ngày KK; do năm 2021 kê khai TSTN lần đầu, do vậy mục tổng thu nhập giữa hai lần kê khai: là không kê khai)
+ Tổng thu nhập của người kê khai: 120 triệu đồng;
+ Tổng thu nhập của vợ: 300 triệu đồng;
+ Tổng thu nhập của con chưa thành niên: 0;
+ Tổng các khoản thu nhập chung: 500 triệu đồng.
Ví dụ 7: Tiếp ở ví dụ 6, sang năm 2022, ông H bán mãnh vườn cao su trên với giá 2 tỷ đồng; ông H có hợp đồng vay với số tiền 3 tỷ đồng từ Ngân hàng Viettinbank; sau đó ông H dùng số tiền 2 tỷ đồng từ việc bán vườn cao su và 1,5 tỷ đồng vay từ Ngân hàng để mua một mãnh đất khác với diện tích 150m2 tại địa chỉ X để xây dựng căn nhà mới (trong đó giá mua mãnh đất tại địa chỉ X là 2,5 tỷ đồng, tiền xây dựng căn nhà mới hết 1 tỷ đồng); ông H mua một chiếc oto trị giá 2 tỷ đồng, đăng ký biển kiểm soát 93x....(trong đó ông H dùng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vay và 500 triệu đồng từ tích lũy nguồn thu nhập để mua xe oto); thu nhập từ lương của ông H và thu nhập của vợ ông H không thay đổi; trong trường hợp này ông H phải kê khai tài sản tại mục II và mục III, phụ lục 1, NĐ 130 như sau:
Loại tài sản, thu nhập |
Tăng/giảm |
Nội dung giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và tổng thu nhập |
|
Số lượng tài sản |
Giá trị tài sản, thu nhập |
||
1. Quyền sử dụng đất 1.1/Đất ở - Mua thửa đất tại địa chỉ X |
+150m2 |
2.500 triệu |
Mua từ tiền bán mãnh vườn cao su tại địa chỉ phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài là 2 tỷ và 500 triệu đồng từ vay NH Viettinbank. |
2. Nhà ở, công trình xây dựng 2.1. Nhà ở - Xây nhà ở tại thửa đất, địa chỉ X |
+ 100 m2 |
1.000 triệu |
Từ vay NH Viettinbank. |
3. Tài sản khác gắn liền với đất - Bán đất vườn cao su |
- 10.000m2 |
300 triệu |
Bán thửa đất tại địa chỉ Phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài |
4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. |
|||
5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên. - Gửi tiết kiệm tại ngân hàng D |
|
|
|
6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên |
|||
7. Tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, bao gồm: 7.1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký - Mua ô tô, số ĐK: 93xx... |
+ 01 |
2.000 triệu |
Từ vay NH Viettinbank 1,5 tỷ đồng và 500 triệu đồng từ tích lũy thu nhập. |
8. Tài sản ở nước ngoài |
|
|
|
9. Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. |
|
+ 3.340 triệu |
- Tổng nguồn thu nhập của năm 2021: 920 triệu - Thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp 120 triệu; - Thu nhập của vợ 300 triệu; - Tiền bán thửa đất được 2.000 triệu |
* Lưu ý: tài sản kê khai là tài sản hiện có thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người kê khai, của vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi (nếu có) chưa thành niên theo quy định của pháp luật.
Ví dụ 8: Năm 2021, bà Lê Thị X có mua một thửa đất của bà Đinh Thị P, địa chỉ thửa đất tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, với giá trị thực tế là 3 tỷ đồng, tuy nhiên khi làm hợp đồng sang nhượng bà Đinh Thị P thương lượng với bà Lê Thị X ghi giá sang nhượng trên hợp đồng với giá trị là 300 triệu đồng; đến tháng 12 năm 2021 bà Lê Thị X thực hiện kê khai TSTN, trong trường hợp này bà Lê Thị X phải kê khai TSTN như sau:
- Thứ nhất: thực hiện kê khai TSTN theo mẫu được quy định tại NĐ 130 và kê khai đúng giá trị thực tế mà bà Lê Thị X đã trả cho bà Đinh Thị P là 3 tỷ đồng.
- Thứ hai: liên hệ với bà Đinh Thị P để lập lại Hợp đồng sang nhượng đất theo đúng giá trị thực tế đã sang nhượng.
* Trường hợp bà Lê Thị X không kê khai theo đúng gía trị thực tế đã sang nhượng là 3 tỷ đồng, mà kê khai theo giá trị hợp đồng là 300 triệu đồng, như vậy bà Lê Thị X đã vi phạm về hành vi kê khai TSTN không trung thực và sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51, Luật PCTN năm 2018 và các quy định pháp luật khác.
* Những vướng mắc trong quy định kê khai TSTN:
- Theo Phụ lục số I, Nghị định số 130/2020/NĐ-TTCP ngày 30/10/2020 của Thanh tra Chính phủ, tại phần thông tin mô tả về tài sản: trong đó chưa có nội dung thể hiện các Khoản vay, trên thực tế người kê khai tài sản, thu nhập có phát sinh các khoản vay do vậy gặp khó khăn trong việc kê khai, tài sản.
- Theo quy định Khoản 3, Điều 34 Luật PCTN quy định: người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập thì có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tuy nhiên trong thực tế tại một số đơn vị Trường học có chức danh “Trưởng bộ môn, Phó bộ môn” và được hưởng phụ cấp gần như tương đương với Phó trưởng phòng nhưng không phải là người giữ chức vụ gây khó khăn trong việc xác định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập.
- Theo Khoản 8, Điều 30 Luật PCTN năm 2018 quy định: cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó, tuy nhiên tại Nghị định số 130/2020/NĐ-TTCP ngày 30/10/2020 của Thanh tra Chính phủ chưa hướng dẫn cụ thể cơ quan nào tại địa phương thực hiện tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập và có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập đối với đối tượng này.
Đối với những vướng mắc nêu trên Thanh tra tỉnh đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị hướng dẫn thêm.
5.4. Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập
5.4.1. Việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Việc công khai bản kê khai đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như sau:
a) Bản kê khai của người giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan trung ương được niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên;
Bản kê khai của người giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên trong đơn vị, nơi không tổ chức đơn vị cấp phòng thì tại cuộc họp toàn thể đơn vị. Bản kê khai của những người khác được niêm yết tại phòng, ban, đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể công chức, viên chức thuộc phòng, ban, đơn vị; nếu biên chế của phòng, ban, đơn vị có từ 50 người trở lên và có tổ, đội, nhóm thì công khai trước toàn thể công chức, viên chức thuộc tổ, đội, nhóm;
b) Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã hoặc công khai tại cuộc họp toàn thể cán bộ, công chức xã;
c) Bản kê khai của những người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước được niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp nhà nước hoặc công khai tại cuộc họp gồm Ủy viên Hội đồng nhân dân, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, Trưởng các đơn vị trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các tổng công ty, công ty trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Trưởng các đoàn thể trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước;
d) Bản kê khai của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp như được nêu tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Việc công khai bản kê khai tại cuộc họp đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.
3. Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
4. Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai. Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn.
5. Cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập. Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người đọc các bản kê khai hoặc từng người đọc bản kê khai của mình. Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có); có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.
5.4.2. Công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bao gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hàng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
2. Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, người chủ trì cuộc họp thực hiện việc công khai bản kê khai như sau:
a) Phát cho những người bỏ phiếu tín nhiệm bản sao của các bản kê khai nêu tại khoản 1 Điều này;
b) Đọc hoặc phân công người đọc bản kê khai phục vụ bổ nhiệm và Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (nếu có). Người kê khai có quyền giải thích các ý kiến nêu tại cuộc họp liên quan tới bản kê khai (nếu có).
3. Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
5.4.3. Công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước
Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp để bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Việc công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.
5.5. Về căn cứ xác minh tài sản, thu nhập
Mục đích của việc xác minh tài sản là để đánh giá về tính trung thực của việc kê khai, góp phần đánh giá cán bộ, công chức hoặc người tham gia ứng cử vào các cơ quan quyền lực để bảo đảm bộ máy nhà nước có một đội ngũ cán bộ trung thực, liêm chính, không tham nhũng. Chính vì vậy, Luật PCTN năm 2018 quy định căn cứ xác minh tài sản, thu nhập để đảm bảo cho việc kê khai được chính xác, trung thực nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của người kê khai và đã mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định Luật PCTN năm 2005, bao gồm:
- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;
- Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên; Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật PCTN năm 2018.
5.6. Về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản
Khi có một trong những căn cứ nói trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 42 Luật PCTN năm 2018 có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập, gồm:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Chủ tịch nước yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Thứ trưởng và chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1, Điều 42 Luật PCTN năm 2018.
- Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
- Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu xác minh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu hoặc kiến nghị xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1, Điều 42 Luật PCTN năm 2018.
- Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tại Điều 30 Luật PCTN năm 2018 xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xét thấy cần làm rõ về tài sản, thu nhập có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
5.7. Về xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập
a) Căn cứ xây dựng kế hoạch:
Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương; các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng; định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì.
b) Nội dung của kế hoạch xác minh:
- Mục đích, yêu cầu của kế hoạch xác minh;
- Số lượng và tên cơ quan, đơn vị được xác minh;
- Tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;
- Việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh.
c) Phê duyệt kế hoạch xác minh:
- Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hàng năm; Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.
- Kế hoạch xác minh hằng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình; riêng đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính phải bảo đảm tối thiểu bằng 10%.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.
- Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.
- Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
d) Tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch:
Việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây: người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.
Ngoài ra, người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
- Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;
- Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.
5.8. Tổ chức việc xác minh tài sản, thu nhập
- Người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ xác minh quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 41, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền), hoặc 15 ngày kể từ ngày có căn cứ xác minh khác (quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 41 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
a) Nội dung quyết định xác minh tài sản, thu nhập
Căn cứ khoản 2, điều 45 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Quyết định xác minh tài sản, thu nhập bao gồm các nội dung sau đây:
- Căn cứ ban hành quyết định xác minh;
- Họ, tên, chức vụ, nơi công tác của người được xác minh tài sản, thu nhập;
- Họ, tên, chức vụ, nơi công tác của Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập;
- Nội dung xác minh;
- Thời hạn xác minh;
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập;
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phối hợp (nếu có).
b) Thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập
Quyết định xác minh tài sản, thu nhập phải được gửi cho Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập, người được xác minh và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xác minh (Khoản 3, Điều 45 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Tổ xác minh tài sản, thu nhập gồm có Tổ trưởng và các thành viên. Trường hợp nội dung xác minh có tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cử người tham gia Tổ xác minh tài sản, thu nhập.
Theo Khoản 1, Điều 46 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, không được bố trí người tham gia Tổ xác minh tài sản, thu nhập là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của người được xác minh hoặc người khác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể không vô tư, khách quan trong việc xác minh tài sản, thu nhập.
c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập
Theo Khoản 2, Điều 46, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Yêu cầu người được xác minh giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung xác minh theo quy định tại khoản 3, Điều 31, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ cho việc xác minh;
- Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập bằng văn bản với người ra quyết định xác minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định xác minh về nội dung báo cáo;
- Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh.
d) Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập
Theo Khoản 3, Điều 46, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thu thập thông tin, tài liệu, xác minh tại chỗ đối với tài sản, thu nhập và thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Tổ trưởng;
- Kiến nghị Tổ trưởng áp dụng biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Tổ trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Tổ trưởng về nội dung báo cáo;
- Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh.
5.8.2. Tổ xác minh yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình
Theo Khoản 1, Điều 47, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người được xác minh tài sản, thu nhập có quyền và nghĩa vụ giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
- Giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó.
- Việc yêu cầu giải trình là một biện pháp xác minh tài sản, thu nhập, do Tổ trưởng tổ xác minh tài sản, thu nhập tiến hành, để thu thập ý kiến, quan điểm, kiến giải, trình bày của người được xác minh tài sản, thu nhập về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
- Đây là cơ sở quan trọng để xác định tính trung thực và ý thức tự giác của người được xác minh tài sản, thu nhập, làm cơ sở cho những biện pháp tiếp theo, và cho việc xử lý trong tương lai.
5.8.3. Tiến hành xác minh tài sản thu nhập
Song song với việc yêu cầu giải trình từ người được xác minh tài sản, thu nhập, Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập có thẩm quyền thực hiện một số biện pháp xác minh tài sản, thu nhập, như:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung xác minh theo quy định tại Khoản 3, Điều 31, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ cho việc xác minh;
* Về trình tự, thủ tục yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, được quy định tại Chương II, Nghị định 130/2020/NĐ-CP:
Người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người yêu cầu) để phục vụ việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập, xây dựng kế hoạch xác minh và xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm:
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập;
- Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập;
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin (sau đây gọi là người được yêu cầu) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời thông tin theo yêu cầu của người yêu cầu và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
- Việc yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định phải được thực hiện bằng văn bản. Nội dung văn bản yêu cầu gồm có:
+ Mục đích, căn cứ yêu cầu cung cấp thông tin;
+ Những thông tin cần được cung cấp;
+ Thời hạn cung cấp thông tin;
+ Hướng dẫn việc cung cấp thông tin bằng văn bản, thông điệp dữ liệu;
+ Yêu cầu khác (nếu có).
- Về thời hạn cung cấp thông tin: Người được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu; trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp là thông tin phức tạp, không có sẵn thì thời hạn cung cấp thông tin là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp vì lý do khách quan không thể cung cấp được thông tin hoặc cung cấp không đúng thời hạn thì người được yêu cầu phải có văn bản đề nghị người yêu cầu xem xét, giải quyết.
- Người được yêu cầu phải chấp hành quyết định của người yêu cầu cung cấp thông tin.
- Việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước và cá nhân cũng được thực hiện tương tự theo quy định trên.
- Riêng với việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
5.8.4. Báo cáo kết quả, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và công khai kết luận xác minh tài sản, thu nhập
- Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo quy định tại Điều 48, Luật PCTN năm 2018;
- Kết luận xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo quy định tại Điều 49, Luật PCTN năm 2018;
- Công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Luật PCTN năm 2018.
5.9. Về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
- Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
- Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Luật PCTN năm 2018 mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
- Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc.
VIII. CÁC BIỆN PHÁP PHÁT HIỆN THAM NHŨNG
Phát hiện tham nhũng là việc tìm ra những vụ việc tham nhũng và có những biện pháp kịp thời để hạn chế những thiệt hại xảy ra, đồng thời xác định mức độ trách nhiệm của những người có hành vi vi phạm để có hình thức xử lý thích đáng và nghiêm minh. Cũng như trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung thì việc phát hiện tham nhũng đòi hỏi sự nổ lực của mọi cơ quan tổ chức đặc biệt là các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, giám sát, kiểm sát cũng như sự tham gia tích cực của công dân. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định việc phát hiện tham nhũng thông qua ba hoạt động chủ yếu:
1. Phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị
Công tác kiểm tra và tự kiểm tra là một hoạt động không thể thiếu trong hoạt động quản lý. Các hành vi tham nhũng có thể diễn ra trong mọi lĩnh vực quản lý. Vì vậy, công tác kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan, đơn vị có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng. Luật PCTN năm 2018 nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tự kiểm tra nội bộ cơ quan, tổ chức mình, kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức do mình quản lý để phát hiện tham nhũng tại Điều 56 Luật PCTN năm 2018.
Về hình thức kiểm tra: Tại Điều 58 Luật quy định, công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện theo các hình thức sau:
- Kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng.
- Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.
2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát
- Người đứng đầu Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phải tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
3. Phản ánh, tố cáo của công dân và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng
Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định trong Luật Tiếp công dân, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, Luật PCTN năm 2018 đã đưa nội dung bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật về tố cáo như vậy nhằm khuyến các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến tham nhũng.
IX. XỬ LÝ HÀNH VI THAM NHŨNG VÀ TÀI SẢN THAM NHŨNG
1. Xử lý kỷ luật, xử lý hình sự
- Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
- Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật PCTN năm 2018 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
- Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Xử lý tài sản tham nhũng
- Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.
- Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng là những hành vi không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Luật PCTN năm 2018, bao gồm:
3.1. Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị
Người thực hiện công vụ, nhiệm vụ vi phạm quy định về công khai, minh bạch thì bị xử lý như sau: khiển trách đối với người vi phạm quy định về nội dung, hình thức, thời hạn thực hiện việc công khai, cung cấp thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình và vi phạm chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; cảnh cáo đối với người không thực hiện công khai, không tổ chức họp báo, không cung cấp thông tin, không thực hiện việc giải trình, không xây dựng, không công khai báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công khai, minh bạch thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
3.2. Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ
Người cho phép sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; phải hoàn trả phần giá trị đã cho phép sử dụng trái quy định và bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.
Người sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải liên đới bồi thường phần giá trị đã sử dụng vượt quá quy định và bị xử lý như sau:
+ Trường hợp không biết việc sử dụng đó là trái quy định thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
+ Trường hợp biết hoặc buộc phải biết việc sử dụng đó là trái quy định thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Người tự ý sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; phải hoàn trả phần giá trị đã sử dụng trái quy định và bồi thường nếu gây thiệt hại.
3.3. Vi phạm quy định về quy tắc ứng xử
Người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Phòng, chống tham nhũng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý như sau:
- Khiển trách đối với người lần đầu có hành vi nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Cảnh cáo đối với người có hành vi nhũng nhiễu, người sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đã bị xử lý bằng hình thức khiển trách; người tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
- Cách chức hoặc buộc thôi việc đối với người tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác;
- Cách chức hoặc buộc thôi việc đối với người thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Cảnh cáo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước có hành vi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý như sau:
- Khiển trách đối với người có hành vi vi phạm lần đầu;
- Cảnh cáo đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm.
Ngoài việc xử lý kỷ luật theo quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 83 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường khi gây ra thiệt hại theo quy định của pháp luật.
3.4. Vi phạm quy định về xung đột lợi ích
Người thực hiện công vụ, nhiệm vụ nếu biết hoặc buộc phải biết về tình huống xung đột lợi ích của mình mà không báo cáo thì bị xử lý như sau:
- Khiển trách đối với người có hành vi vi phạm lần đầu;
- Cảnh cáo đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Người có thẩm quyền nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích mà không áp dụng các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì bị xử lý như sau:
- Khiển trách đối với người có hành vi vi phạm lần đầu;
- Cảnh cáo đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn; vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3.5. Vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác mà không báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì bị xử lý như sau:
- Khiển trách đối với người có hành vi vi phạm lần đầu;
- Cảnh cáo đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng nhưng không xử lý thì bị xử lý như sau:
- Khiển trách đối với người có hành vi vi phạm lần đầu;
- Cảnh cáo đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng;
- Cách chức đối với người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi đó mà tiếp tục tái phạm; người có hành vi vi phạm lần đầu nhưng để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với hành vi khác vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng
Đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với người làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Đối với người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật trong doanh nghiệp nhà nước.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên vi phạm thì ngoài việc bị Xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật còn phải bị xem xét, xử lý kỷ luật theo Điều lệ Đảng.
Đối với người làm việc trong tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước khác thì thực hiện theo điều lệ, quy định của tổ chức đó.
X. TRÁCH NHIỆM VÀ SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
1. Trách nhiệm của UBND các cấp
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
- Tổ chức công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng.
- Hằng năm, báo cáo HĐND cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng.
2. Trách nhiệm phối hợp của Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác
- Phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
- Phối hợp trong tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng; kiến nghị chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vị, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện, phối hợp với Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong việc phát hiên, xử lý tham nhũng.
XI. MỘT SỐ CÂU HỎI ĐÁP VỀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Câu 1. Thế nào là tham nhũng?
A) Tham nhũng là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
B) Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
C) Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
D) Tham nhũng là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ
Đáp án: C (Khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 )
Câu 2. Công dân có quyền gì trong công tác phòng, chống tham nhũng?
A) Công dân chỉ có quyền phát hiện nhà báo tin về hành vi tham nhũng.
B) Công dân chỉ có quyền giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
C) Công dân chỉ có quyền phát hiện, kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
D) Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.h
Đáp án: D (Khoản 1 Điều 5 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 )
Câu 3. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là bao nhiêu năm?
A) Từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
B) Từ đủ 03 năm đến 06 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
(119 danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi từ năm 2019)
C) Từ đủ 02 năm đến 04 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
D) Từ đủ 04 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Đáp án: A (Khoản 2 Điều 25 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 )
Câu 4. Những người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản?’
(Slide bài giảng tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng)
A) Cán bộ, công chức nhà nước.
B) Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
C) Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
D) Cả ba phương án trên
Đáp án: D (Điều 34 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 )
Câu 5. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí những người nào dưới đây giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
A) Vợ hoặc chồng.
B) Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột.
C) Bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột.
D) Con, anh, chị, em ruột
Đáp án: B (Khoản 3 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 )
(Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021)
Câu 6. Có bao nhiêu hình thức công khai về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
A) 5 hình thức.
B) 6 hình thức.
C) 7 hình thức.
D) 8 hình thức.
Đáp án: D (Khoản 1 Điều 11 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 )
Câu 7. Chọn đáp án đúng
a. Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng
b. Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật
c. Tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật
d. Tất cả đáp án trên
Đáp án: B Căn cứ Khoản 1 Điều 65 Luật PCTN
Câu 8. Thế nào là vụ lợi.
A) Vụ lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham nhũng.
B) Vụ lợi là việc công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
C) Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
D) Vụ lợi là hành vi lợi dụng chức vụ,h quyền hạn đó để tham nhũng.
Đáp án: C (Khoản 7 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018)
(So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật Phòng chống tham nhũng 2005)
Câu 9. Luật Phòng chống tham nhũng quy định việc tặng quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn như thế nào?
A) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
B) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn tuyệt đối không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng,
C) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng.
D) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, vì mục đích thừ thiện.
Đáp án: A (Khoản 1 Điều 22 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 )
Câu 10. Luật Phòng chống tham nhũng quy định việc nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn như thế nào?
A) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
B) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn được trực tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
C) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn được gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
D) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Đáp án: D (Khoản 2 Điều 22 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 ).
Câu 11. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực khi nào?
A) Từ ngày 01 tháng 8 năm 2019.
B) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
C) Từ ngày 02 tháng 7 năm 2019.
D) Từ ngày 02 tháng 8 năm 2019.
Đáp án: B
Câu 12. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định việc xử lý tài sản tham nhũng như thế nào?
A) Tài sản tham nhũng phải được thu hồ theo quy định của pháp luật.
B) Tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo quy định của pháp luật.
C) Tài sản tham nhũng phải được tịch thu theo quy định của pháp luật.
D) Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.
Đáp án: D (Khoản 1 Điều 93 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 ).
Câu 13. Nội dung xác minh tài sản, thu nhập trong công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như thế nào?
A) Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
B) Tính rõ ràng của bản kê khai và trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
C) Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai.
D) Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Đáp án: A (Điều 43 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 ).
Câu 14. Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm những gì?
A) Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.
B) Chỉ kê khai quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng
C) Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
D) Chỉ kê khai tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Đáp án: C (Khoản 1 Điều 35 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 ).
Câu 15. Theo Luật phòng, chống tham nhũng, khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo với ai?
a. Báo cáo ngay cho cơ quan thanh tra.
b. Báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ.
c. Báo cáo ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra.
d. Báo cáo ngay cho lãnh đạo trực tiếp của mình.
Đáp án: B (Khoản 1 Điều 66 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 ).
Câu 16. Tài sản nào sau đây của người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi tăng thêm phải giải trình nguồn gốc?
a. Các loại nhà ở, công trình xây dựng, các quyền sử dụng đất khi tăng, giảm về số lượng, diện tích hoặc thay đổi về cấp nhà, công trình, loại đất so với kỳ kê khai trước đó.
b. Sổ tiết kiệm tăng thêm 45 triệu đồng.
c. Đá quý trị giá 49 triệu đồng.
d. Xe máy trị giá 40 triệu đồng.
Đáp án: A (Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ).
Câu 17. Người kê khai tài sản, thu nhập phải có nghĩa vụ gì?
A) Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình.
B) Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng.
C) Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này.
D) Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, con chưa thành niên.
Đáp án: C (Khoản 1 Điều 33 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 ).
Câu 18. Trong phòng chống tham nhũng công tác kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm những hình thức nào?
A) Kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng
B) Chỉ kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.
C) Kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng; kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.
D) Kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất.
Đáp án: C (Điều 58 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 ).
Câu 19. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước phải làm gì:
a. kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
b. kịp thời xử lý theo thẩm quyền
c. báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
d. Họp cơ quan và xử lý nội bộ
Đán án: A, Căn cứ Khoản 2 Điều 55 Luật PCTN
Câu 20. Chọn đáp án đúng
a. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
b. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã thôi việc, chuyển công tác.
c. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật
d. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, chuyển công tác.
Đáp án: A, Căn cứ Khoản 1 Điều 92 Luật PCTN
Câu 21. Chủ thể nào sau đây không được quy định là người có chức vụ, quyền hạn?
A. Cán bộ, công chức, viên chức.
B. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân.
C. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
D. Người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đáp án: D, căn cứ Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng
Câu 22. Hành vi nào sau đây không phải là hành vi tham nhũng?
A. Tham ô tài sản.
B. Nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
C. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
D. Không thực hiện kịp thời trách nhiệm giải trình
Đáp án: D, căn cứ Điều 2 Luật PCTN
Câu 23. Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến lĩnh vực nào dưới đây không phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác?
A. Tổ chức cán bộ.
B. Quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công.
C. Bộ phận truyền thông, đối ngoại.
D. Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
Đáp án: C, căn cứ Khoản 1 Điều 25 Luật PCTN
Câu 24. Tài sản, thu nhập nào dưới đây không thuộc tài sản, thu nhập phải kê khai?
A. Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng.
B. Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.
C. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
D. Giấy tờ có giá có giá trị đến dưới 50.000.000 đồng.
Đáp án: D, căn cứ Khoản 1 Điều 35 Luật PCTN
Câu 25. Ông Q là Tổng Cục trưởng một Tổng cục của Bộ A. Anh L là con trai ông Q hiện làm chuyên viên công tác cùng cơ quan, thể hiện là cán bộ trẻ khá năng nổ và đang được dự kiến bổ nhiệm vị trí công tác mới. Hỏi nếu bổ nhiệm, anh L không được đảm nhiệm vị trí công tác nào dưới đây theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018?
A. Giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
B. Giữ chức vụ quản lý về công tác đào tạo, bồi dưỡng.
C. Giữ chức vụ quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
D. Truyền thông, quan hệ công chúng.
Đáp án: A, căn cứ Khoản 3 Điều 20 Luật PCTN.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?