Thứ Sáu, 29/03/2024

Phải làm gì khi giấy CNQSDD chỉ ghi tên chồng?

Thứ Ba, 14/02/2023 Đã xem: 22

Tóm tắt câu hỏi: Phải làm gì khi giấy CNQSDD chỉ ghi tên chồng?

Phải làm gì khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chồng?

Xin chào luật sư! Tôi có một thắc mắc như sau, mong luật sư tư vấn giúp tôi: vợ chồng tôi có mảnh đất ở quận Hoàn Kiếm. Mảnh đất này có được sau khi chúng tôi kết hôn được 1 tháng, chúng tôi đã đóng góp tiền trước đây tích góp được để mua. Tuy nhiên, vì thiết nghĩ vợ chồng lấy nhau không có so đo về tiền bạc, cái gì của vợ cũng là của chồng và ngược lại nên khi đăng kí giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tôi cho chồng đứng tên trong giấy chứng nhận. Bây giờ chồng tôi khăng khăng cho rằng đó là mảnh đất của anh ấy vì trong giấy chứng nhận chỉ có mình tên anh ấy. Chồng tôi định bán mảnh đất này để lấy tiền cá cược bóng đá, tôi đã không đồng ý nhưng anh ấy vẫn cố chấp và nói đó là tài sản riêng. Vậy thưa luật sư, trong trường hợp của tôi thì mảnh đất đó tài sản chung hay là tài sản riêng ạ? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình bây giờ, vì rõ ràng đó là mảnh đất dùng tiền của cả hai vợ chồng để mua mà. Rất mong luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi cảm ơn luật sư rất nhiều!

Luật sư tư vấn:

Xin chào chị! Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Phạm Law. Về câu hỏi của chị công ty Luật Phạm Law xin tư vấn và hướng dẫn chị như sau:

1. Căn cứ pháp luật

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Luật đất đai năm 2013;

– Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình.

2. Mảnh đất ở quận Hoàn Kiếm có phải là tài sản chung của hai vợ chồng?

Căn cứ vào Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Theo những thông tin mà chị cung cấp cho chúng tôi, có thể thấy mảnh đất ở quận Hoàn Kiếm chính là tài sản chung của hai vợ chồng, bởi mảnh đất này được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, hơn nữa đây còn là tài sản do hai vợ chồng cùng nhau góp tiền để mua.

Nếu chồng chị cho rằng đó là tài sản riêng của anh ấy thì anh ấy có nghĩa vụ phải chứng minh. Nếu anh ấy không có căn cứ để chứng minh được tài sản mà anh, chị đang tranh chấp là tài sản riêng của anh ấy thì tài sản đó sẽ trở thành tài sản chung của cả hai vợ chồng. Vì là tài sản chung của vợ chồng, vợ chồng cùng nhau tạo lập khối tài sản chung này bằng công sức của mỗi người nên hai vợ chồng sẽ có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt (Khoản 2 điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015).

Có thể thấy, việc chỉ mình chồng chị đứng tên trên sổ đỏ không phải là căn cứ để xác định quyền sở hữu riêng của chồng chị đối với tài sản này. Việc xác định người có quyền sử dụng đất sẽ không chỉ căn cứ trên giấy tờ mà còn căn cứ vào nguồn gốc hình thành của khối tài sản đó nữa.

3. Phải làm gì khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chồng?

Căn cứ khoản 1 điều 34 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”

Ngoài ra, Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.”

Tuy nhiên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại chỉ có mình tên chồng chị, không có tên của chị. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình chị có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả hai vợ chồng. Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu“.

Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP cũng tái khẳng định:

“2. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng”

Phòng trường hợp người chồng không thừa nhận ngôi nhà là tài sản chung vợ chồng, nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình chị nên chuẩn bị trước những chứng cứ để chứng minh công sức đóng góp vào khối tài sản đó (chẳng hạn như: xác nhận của chủ nhà hoặc chủ đầu tư về sự hiện hiện của chị trong quá trình chuẩn bị mua ngôi nhà, tiền hoặc tài sản của chị khi mua nhà, công sức củachịu trong việc đóng góp, giấy tờ vay nợ thời kỳ mua đất, các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay của Ngân hàng (nếu có)… có tên cả hai vợ chồng).

Tin khác
Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?