Thứ Bảy, 20/04/2024

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Thứ Ba, 14/02/2023 Đã xem: 382

Phần thứ nhất
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam, kỷ nguyên dân tộc độc lập, dân quyền và dân chủ. Đến nay, trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, ngành Quản lý đất đai Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và ở mỗi giai đoạn, Ngành đều có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, có thể tóm tắt như sau:

1. Giai đoạn 1945 – 1959

Sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch nước đã ban hành Sắc lệnh số 41 ngày 03/10/1945 tiếp nhận Sở Trước bạ - Văn tự - Quản thủ điền thổ và Thuế Trực thu của Phủ Toàn quyền Đông Dương về trực thuộc Bộ Tài chính. Năm 1946, cơ quan này được đổi tên thành Nha Trước bạ, Công sản và Điền thổ theo Sắc lệnh số 75 ngày 29/5/1946 của Chủ tịch nước, với hệ thống các đơn vị trực thuộc ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã nhằm duy trì, bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất và thu thuế điền thổ. Song song với hoạt động của Nha Trước bạ, Công sản, Điền thổ còn có Nha Địa chính. Năm 1947, Nha Địa chính được sáp nhập vào Bộ Canh nông theo Sắc lệnh số 11-b/SL ngày 02/02/1947 của Chủ tịch nước.
Năm 1950, Nha Công sản - Trực thu -  Địa chính được thành lập trên cơ sở hợp nhất Nha Trước bạ - Công sản - Điền thổ với Nha Địa chính theo Sắc lệnh số 112/SL ngày 11/7/1950 của Chủ tịch nước.

Đến năm 1958, thực hiện Chỉ thị số 334-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngành Quản lý đất đai có tên gọi là Sở Địa chính thuộc Bộ Tài chính, hệ thống các cơ quan ngành dọc của Sở trực thuộc Ủy ban hành chính các cấp để để quản lý ruộng đất.
Trong giai đoạn này, nhiệm vụ của Ngành chủ yếu bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất và thu thuế điền thổ, huy động thuế nông nghiệp phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Sau cải cách ruộng đất ở miền Bắc, để góp phần thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế của đất nước, ngành Địa chính đã tổ chức đo đạc, lập bản đồ giải thửa và sổ sách địa chính để nắm diện tích ruộng đất, phục vụ kế hoạch hóa và hợp tác hóa nông nghiệp, tính thuế ruộng đất, xây dựng đô thị.

Thời kỳ này kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai của Ngành đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: (1) tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật Thuế trực thu Việt Nam, Luật Cải cách ruộng đất năm 1953 góp phần thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của người dân, đảm bảo người cày có ruộng. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về đất đai, trong đó có 26 sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về quản lý, sử dụng đất đai và thuế điền thổ. (2) Công tác xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, đo đạc lập bản đồ giải thửa, thống kê, kiểm kê đất nông nghiệp được tổ chức thực hiện để thay thế tài liệu cũ của thực dân Pháp để lại nhằm phục vụ công tác quản lý đất đai trong thời kỳ mới.
2. Giai đoạn 1960 – 1978

Do sự phát triển quan hệ ruộng đất ở nông thôn và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, ngành Quản lý ruộng đất được thiết lập theo Nghị định số 70-CP và Nghị định số 71-CP ngày 09/12/1960 của Hội đồng Chính phủ, chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Nông nghiệp với nhiệm vụ quản lý mở mang, sử dụng và cải tạo ruộng đất trong nông nghiệp. Hệ thống quản lý ruộng đất được tổ chức thành 04 cấp gồm Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Trong giai đoạn này, nhiệm vụ chủ yếu của Ngành là: "Quản lý việc mở mang, sử dụng và cải tạo ruộng đất trong nông nghiệp", ngành Quản lý ruộng đất đã có đóng góp to lớn trong việc mở rộng và sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, xây dựng kinh tế hợp tác xã và phát triển nông thôn.

Thời kỳ này kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai của Ngành đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: (1) Ngành đã xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách đất đai chủ yếu tập trung khôi phục kinh tế nông nghiệp và cải tạo Chủ nghĩa Xã hội đối với các thành phần kinh tế. (2) Lập bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng đất nông nghiệp đã được thực hiện ở các tỉnh miền Bắc trước năm 1975. Năm 1976 triển khai xây dựng bản đồ đất Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cấp tỉnh của các tỉnh phía nam. (3) Đo đạc chỉnh lý bản đồ giải thửa trên diện tích gần 7.800.000 ha của 5.000 xã ở các tỉnh phía Bắc. (4) Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai bắt đầu được quan tâm tổ chức thực hiện.

3. Giai đoạn 1979 – 2002

Để tăng cường công tác quản lý đất đai, thống nhất các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai vào một hệ thống thống nhất, năm 1979, Tổng cục Quản lý ruộng đất được thành lập theo Nghị quyết số 548/NQQH ngày 24/5/1979 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Nghị định số 404-CP ngày 09/11/1979 của Hội đồng Chính phủ. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập theo 03 cấp: cấp tỉnh là Ban quản lý ruộng đất trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là Phòng Quản lý ruộng đất, cấp xã là cán bộ quản lý ruộng đất.
Trước yêu cầu về tổ chức lại các cơ quan quản lý Nhà nước và tăng cường công tác quản lý đất đai, năm 1994 Tổng cục Quản lý ruộng đất và Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước được hợp nhất và tổ chức lại thành Tổng cục Địa chính theo Nghị định số 12/CP ngày 22/02/1994 và Nghị định số 34/CP ngày 23/4/1994 của Chính phủ. Sau khi thành lập Tổng cục Địa chính, các địa phương đã thành lập Sở Địa chính trực thuộc UBND cấp tỉnh. Tại cấp huyện là Phòng Địa chính trực thuộc UBND cấp huyện, tại cấp xã, có cán bộ địa chính xã.
Trong thời kỳ này thời kỳ này Ngành đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: (1) Trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai năm 1987 và Luật Đất đai năm 1993; (2) Xây dựng bản đồ đất Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000, bản đồ thổ nhưỡng cấp tỉnh của các tỉnh phía nam, hoàn thành năm 1985; (3) Triển khai thí điểm phân hạng đất phục vụ thu thuế nông nghiệp ở một số xã, huyện ở các vùng sản xuất lúa, mầu, đến năm 1986 có 65% diện tích đất lúa đã được phân hạng; (4) Công tác quy hoạch sử dụng đất bắt đầu được chú trọng từ nghiên cứu cơ sở lý luận đến xây dựng hệ thống văn bản quy phạm và triển khai thực hiện trong thực tế để làm cơ sở giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (5) Công tác đo đạc lập bản đồ giải thửa về cơ bản đã hoàn thành trong cả nước theo Chỉ thị số 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ; (6) Ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) để lập bản đồ địa chính có tọa độ được bắt đầu triển khai từ năm 1990, đến năm 2001 đã thực hiện tổ chức xây dựng lưới cơ sở địa chính phủ trùm lãnh thổ; (7) Cả nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 92,0% hộ sử dụng đất nông nghiệp với diện tích đạt trên 91,0% diện tích đất nông nghiệp; đã tổ chức đăng ký đất đai cho 2.712.490 hộ sử dụng đất đô thị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trên 855.000 hộ chiếm 26,8% số hộ sử dụng đất đô thị; (8) Từ năm 1990, hàng năm, công tác thống kê đất đai và công tác kiểm kê đất đai (5 năm một lần) được Ngành thực hiện hiệu quả. Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai được cung cấp cho các ngành, các cấp sử dụng vào công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực; phục vụ thu thuế nông nghiệp; (9) Tham mưu cho Nhà nước ban hành Luật Đất đai năm 1993; việc ban hành Luật Đất đai năm 1993 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quản lý đất đai với việc Nhà nước công nhận đất có giá đã tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và thị trường bất động sản dần hình thành và phát triển. (10) Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án quốc tế đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật đất đai và hỗ trợ đáng kể cho công tác quản lý đất đai; (11) Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai đã được Ngành quan tâm, chú trọng, phát hiện và xử lý nhiều vi phạm, giải quyết nhiều vụ khiếu kiện liên quan đất đai, trong đó có nhiều vụ khiếu kiện đông người.

4. Giai đoạn từ năm 2002 đến nay

Đến năm 2002, theo định hướng thành lập các Bộ đa ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Nghị quyết số 02/2002/QH11 của Quốc hội khoá XI và Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ. Ở địa phương thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính, các đơn vị quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ.

Để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng cục Quản lý đất đai được thành lập trong Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tập trung các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai ở cấp Trung ương về một đầu mối chuyên trách.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 134/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2011/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai được quy định tại Quyết định số 02/2018/QĐ-TTg ngày 17/01/2018 của Thủ tướng chính phủ.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, đến nay Tổng cục Quản lý đất đai có 13 đơn vị trực thuộc, trong đó có 9 đơn vị quản lý nhà nước, 01 đơn vị nghiên cứu và 03 đơn vị sự nghiệp. Tại cấp tỉnh, nhiều địa phương đã thành lập Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, tổ chức của Ngành ở cấp tỉnh có cơ cấu hoàn chỉnh gồm 63 Sở Tài nguyên và Môi trường với đầy đủ các phòng, ban chức năng về quản lý đất đai và các đơn vị sự nghiệp, trong đó có: Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động theo mô hình một cấp, Quỹ phát triển đất... Tại cấp huyện, cơ quan quản lý đất đai là Phòng Tài nguyên và Môi trường; tại cấp xã có công chức địa chính xã.

Hiện tại, toàn ngành có gần 20.000 người, trong đó: Trung ương có hơn 700 công chức, viên chức và người lao động; cấp tỉnh có 2.2000 công chức, viên chức; cấp huyện có 5.200 công chức, viên chức; cấp xã, phường, thị trấn có khoảng 11.000 cán bộ địa chính. Hiện nay, Ngành tập trung vào thực hiện 15 nhiệm vụ chính, so với thời kỳ trước Ngành được bổ sung nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất; xây dựng hệ thống thông tin đất đai; kiểm soát quản lý, sử dụng đất đai.

Thời kỳ này kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai của Ngành đã đạt được một số thành tựu nổi bật như (1) trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013; (2) Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng có bước tiến rõ rệt về chất lượng. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt. Chính phủ đã xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) cho 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (3) Ngành đã thực hiện tốt việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chuyển mục đích sử dụng đất. Đến nay, tổng diện tích đất đã giao, đã cho thuê là khoảng 25,5 triệu ha, chiếm 71% tổng diện tích tự nhiên của cả nước; (4) Năm 2014, đánh dấu mốc quan trọng, cả nước ta cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu. Cả nước đã cấp được hơn 41,6 triệu Giấy chứng nhận. (5) Với mục tiêu quản lý đến từng thửa đất bằng công nghệ số, từ năm 2000 đến nay, Ngành đã từng bước chuẩn hóa dữ liệu địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu số đến từng thửa đất. Đến nay một số địa phương đã xây dựng xong và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh; (6) Hệ thống chính sách tài chính về đất đã tiếp cận và ngày càng phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn thu từ đất là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (7) Ngành đã thực hiện tốt chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đã rà soát và cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, được dư luận xã hội đánh giá cao; (8) Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh đã đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn, những kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý đất đai; (9) Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai trong thời gian qua đã được Ngành tích cực thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra đất đai đã được xử lý và chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Phần thứ hai

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGÀNH

Trong quá trình vừa xây dựng vừa phát triển, Ngành Quản lý đất đai từng bước trưởng thành và có những đóng góp lớn lao, đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Ngành có vị trí, vai trò quan trọng tác động mạnh mẽ, tích cực đến mọi mặt về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực và bảo vệ môi trường.

1. Góp phần ổn định xã hội và giải quyết các vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là do sự biến động lớn về sử dụng đất sau hơn ba thập kỷ chiến tranh nên trong lĩnh vực đất đai có nhiều vấn đề do lịch sử để lại rất phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Quản lý đất đai đã thực hiện tốt các nhiệm vụ và có các đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cụ thể là:
- Góp phần ổn định chính trị - xã hội: Ngành Quản lý đất đai đã tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội. Việc công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã bảo đảm mọi thửa đất đều có chủ sử dụng, bảo hộ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản yên tâm đầu tư, sử dụng đất có hiệu quả, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng đòi lại nhà, đất cũ đã bị xáo trộn lớn qua các thời kỳ.

- Góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân: Chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian qua đã giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp do lịch sử để lại trong quan hệ đất đai. Bảo đảm cơ sở pháp lý cho người sử dụng đất thông qua việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận; người sử dụng đất được thực hiện các quyền đã phát huy được nguồn lực từ đất đai, đầu tư cho sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
- Góp phần đảm bảo an ninh lương thực: Chuyển biến quan trọng nhất trong chính sách pháp luật đất đai là đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực trở thành một trong những quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và là một trong những nước xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới. Với việc hình thành hệ thống cơ quan quản lý đất đai từ trung ương tới địa phương nên đất đai được quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn, bảo đảm diện tích đất trồng lúa nước. Ngành Quản lý đất đai Việt Nam đã và sẽ đóng góp tích cực vào chiến lược an ninh lương thực quốc gia trong thời kỳ 2015 - 2020 và những thập niên tiếp theo.

2. Đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Với phần lớn diện tích đất tự nhiên của cả nước đã được giao cho các đối tượng sử dụng là thành tựu lớn nhất của ngành Quản lý đất đai đạt được trong những năm qua. Thông qua việc điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên đất đai, quy hoạch sử dụng đất kết hợp với các chính sách đất đai hợp lý, cũng như các hoạt động cụ thể trong công tác quản lý nhà nước, Ngành đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, chống suy thoái tài nguyên đất và góp phần bảo vệ môi trường.

Thực tiễn cho thấy, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng được sử dụng có hiệu quả, từng bước khắc phục tình trạng manh mún, phân tán trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời hạn chế tình trạng người trực tiếp sản xuất nông nghiệp không còn đất sản xuất. Ngoài ra, nhờ áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vừa khai hoang phục hóa mở rộng diện tích, vừa chú ý các biện pháp cải tạo đất nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng liên tục.

Đối với đất lâm nghiệp, ngành Quản lý đất đai đã cùng với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện Chương trình 327, 661, 135… đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế. Việc giao, khoán đất rừng đã ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng. Đất rừng tự nhiên trong những năm 1980 - 1990 bị suy giảm gần 3 triệu ha, diện tích đất lâm nghiệp còn khoảng 9,4 triệu ha, đến nay diện tích đất lâm nghiệp có rừng đạt độ che phủ khoảng trên 45%.
Cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp đã được phân bổ để sử dụng phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, giải quyết việc làm và đời sống cho hàng triệu lao động; phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Diện tích đất chưa sử dụng của cả nước từng bước được khai thác đưa vào sử dụng một cách hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường, vừa đáp ứng khả năng mở rộng diện tích đất phi nông nghiệp theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp góp phần đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực của quốc gia.

3. Góp phần tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế

Thông qua hoạt động quản lý như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch, đấu giá đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, Ngành đã có những đóng góp đáng kể góp phần tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng thu ngân sách.

Năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất, tổng thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tổng thu từ đất năm 1999 là 3.641 tỷ đồng. Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, nguồn thu từ đất tăng đều qua các năm. Trong những năm từ 2005 đến nay, trung bình hàng năm nguồn thu từ đất đóng góp từ 10 - 15% thu ngân sách nhà nước. Với chủ trương chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn lực đất đai đã, đang và sẽ là một trong những nguồn lực quan nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đến năm 2020 mức thu đạt từ 20 - 25% tổng thu ngân sách.

Phần thứ Ba

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

I.Cơ hội và thách thức đối với ngành Quản lý đất đai

 Ngành Quản lý đất đai Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Hệ thống cơ quan quản lý đất đai, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ của ngành được xây dựng và phát triển qua nhiều năm và được tiếp thu phương pháp, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhà nước và toàn xã hội đều quan tâm tới công tác quản lý, sử dụng đất đai đã tạo ra những cơ hội to lớn để phát triển hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Bên cạnh những cơ hội và những thuận lợi thì những vấn đề mang tính toàn cầu cũng như vấn đề trong nước đang tạo ra những thách thức cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, cụ thể:
1.  Về những vấn đề toàn cầu

- Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra rộng khắp và sâu sắc trên toàn thế giới cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và tiếp theo là nền kinh tế tri thức. Toàn cầu hóa về kinh tế sẽ kéo theo toàn cầu hóa về nhiều mặt tạo nên xu thế chung là hợp tác cùng phát triển. Nhu cầu hợp tác chi phối ngay từ đầu sự lựa chọn chiến lược phát triển của tất cả các ngành trong nước nói chung và sự phát triển của ngành Quản lý đất đai nói riêng.  
     - Khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tiếp tục phát triển nhảy vọt, thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế tri thức đã tác động nhiều mặt và làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực về đời sống xã hội của tất cả các quốc gia. Đối với các nước đang phát triển nếu không chủ động chuẩn bị về nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở hạ tầng thông tin - viễn thông, điều chỉnh các quy định về pháp lý,... thì nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.

     - An ninh lương thực trở thành vấn đề quốc tế trong bối cảnh gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp.
     - Biến đổi khí hậu toàn cầu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại với những biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở rất nhiều nơi, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng đang trở thành mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới, tác động lên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có tài nguyên đất.

- Đất đai bị suy thoái, hủy hoại do nhiều nguyên nhân với nhiều biểu hiện đa dạng như hoang mạc hóa, xói mòn, sạt lở, rửa trôi, chua hóa, mặn hóa, ô nhiễm, khủng hoảng hệ sinh thái đất đang diễn biến theo chiều hướng xấu ngày càng nhanh hơn. Thoái hoá tài nguyên đất càng làm tăng áp lực lên tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực.

2. Về những vấn đề trong nước

- Việt Nam là một quốc gia đất chật, người đông. Sự gia tăng dân số và các vấn đề xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra một cách mạnh mẽ gây ra nhiều áp lực đến tài nguyên đất đai.

- Thoái hoá đất là xu thế phổ biến từ đồng bằng đến trung du và miền núi. Thực tế cho thấy các loại đất bị thoái hoá chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên của cả nước.

- Việt Nam được cảnh báo là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

- Năng lực quản lý tài nguyên đất đai, khai thác không gian trong lòng đất đòi hỏi phải có sự hoàn thiện và đột phá trước những nhu cầu mới.
- Nguồn lực của Ngành Quản lý đất đai cần còn nhiều khó khăn, bất cập. Hạ tầng thông tin và hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; thiếu cán bộ có trình độ cao về chuyên môn, đòi hỏi Ngành phải ngày càng đổi mới, phát triển để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đất đai hiện đại.

II. Triển vọng và tương lai đối với ngành Quản lý đất đai

Trong thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nền tảng vững chắc để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngành Quản lý đất đai đang đứng trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa phải đảm bảo cân đối quỹ đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, quốc phòng, an ninh làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững.
Về lâu dài, Ngành Quản lý đất đai phải nỗ lực vượt qua thách thức, đưa công tác quản lý đất đai ngày càng hiện đại từ hệ thống pháp luật đến tổ chức thực hiện; xây dựng được Bộ Luật đất đai để điều chỉnh mọi quan hệ đất đai trong thời kỳ mới; xây dựng xong bản đồ và hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; tăng cường sự tiếp cận dịch vụ thông tin đất đai cho mọi đối tượng và phát huy tối đa hiệu quả của quá trình công khai, dân chủ trong quản lý nhà nước về đất đai; phát triển, hiện đại hoá hệ thống quản lý đất đai, phấn đấu đạt được những thành tựu và đóng góp đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản nêu trên, ngành Quản lý đất đai cần tổ chức chặt chẽ về hệ thống, củng cố lại đội ngũ, nâng cao trình độ, năng lực phục vụ, phát huy trí tuệ của toàn Ngành, khai thác mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia vào nhiệm vụ quản lý, sử dụng tốt tài nguyên đất đai quốc gia.

Tin khác
Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?