Thứ Tư, 05/02/2025

Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Thứ Tư, 28/06/2023 Đã xem: 85

Rành rành định phận

Luật pháp quốc tế có quy định nội dung chủ yếu của nguyên tắc chiếm hữu thật sự lãnh thổ như sau: Việc thụ đắc chủ quyền đối với các lãnh thổ vô chủ cần phải bao hàm hai thành tố: Phải do Nhà nước tiến hành, phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ và việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Áp dụng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam chính là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo Đại tá, Thạc sỹ Vũ Khanh, chuyên gia nghiên cứu quốc tế, với chiều dài bờ biển của đất nước hơn 3.260 km, từ lâu Biển Đông đã gắn bó mật thiết với đời sống của người Việt Nam. Đại tá Vũ Khanh khẳng định, với nghề truyền thống đánh bắt thủy hải sản, chắc chắn ngư dân Việt Nam đã phát hiện ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay từ thuở bình minh dựng nước. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và lịch sử cũng như phương tiện kỹ thuật thời bấy giờ chưa cho phép con người có thể định cư lâu dài trên những đảo này.

 

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa

 

Đến thế kỷ 17, khi nhà nước phong kiến Việt Nam phát hiện Bãi Cát Vàng trên Biển Đông tức Hoàng Sa và Trường Sa thì hai quần đảo này vẫn vô chủ. Kể từ đó, nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu, khai thác và quản lý các đảo đó một cách liên tục. Theo Đại tá Vũ Khanh, thời đó,  Hoàng Sa và Trường Sa là đảo vô chủ, các vua chúa triều Nguyễn phát hiện trước tiên và chiếm hữu một cách hòa bình. Các hoạt động này được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử như “Toàn tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Tự Công Đạo (1686) hay Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn (1776)…

Trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), bản đồ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được lập với tên gọi “Bãi cát vàng” và “Vạn lý Trường Sa”. Trong khi đó, tác giả Lê Quý Đôn của cuốn “Phủ biên Tạp lục” (1776) đã mô tả khá kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nhiều tài liệu lịch sử khác như sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Hoàng Việt dư địa chí”… thậm chí còn mô tả rõ ràng hơn việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước ta.


Đến thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp cũng có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo này. Quân đội Pháp thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo, đồng thời xây dựng và quản lý hoạt động hải đăng trên hai quần đảo này. Để tiện quản lý, Pháp còn sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính Hoàng Sa ở tỉnh Thừa Thiên.

Các tài liệu lịch sử của Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo rất nhiều và điều quan trọng là tất cả đều khớp với các tài liệu nước ngoài đáng tin cậy. Tiêu biểu có thể kể đến nhiều bản đồ, sách địa lý từ xa xưa của nước ta như Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam Nhất Thống chí (1882)…

Từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này. Chủ quyền này cần được bảo vệ, tôn trọng.

Các hội nghị quốc tế đều phủ nhận “chủ quyền” của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Các tài liệu lịch sử cho thấy, trước và sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét.

Hội nghị Cairo với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch diễn ra từ ngày 22 đến 26/11/1943, đã ra Tuyên bố Cairo (Cairo Communiqué). Tuyên bố đưa ra mục tiêu loại bỏ Nhật Bản khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã chiếm đóng từ chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914. Tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Hoa Dân quốc. Tưởng Giới Thạch - đại diện cho Trung Quốc có mặt tại Hội nghị - không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai năm sau đó, Hội nghị Potsdam diễn ra từ ngày 17/7 đến ngày 2/8/1945 với sự tham gia của lãnh đạo ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đã ra Tuyên ngôn Potsdam tái khẳng định những nội dung của Tuyên bố Cairo. Đại diện của Trung Quốc là Tưởng Giới Thạch có mặt tại Hội nghị cũng không hề nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ ngày 4 đến 8/9/1951 tại Hội nghị San Francisco, không có nước nào trong số 51 nước tham dự Hội nghị phản đối sự tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại Hội nghị này, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng chính quyền Bảo Đại, Trưởng phái đoàn Việt Nam lúc đó đã tuyên bố xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1954, Hội nghị Geneva về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do các lực lượng của Pháp và quốc gia Việt Nam quản lý. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Geneva 1954 biết rất rõ điều này.

Hiệp định Paris năm 1973, Điều 1 cũng nói rõ tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý và là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

 

*Bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017


Nguồn: Báo Tuổi trẻ Thủ Đô

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?