Thứ Bảy, 26/04/2025

Lưu giữ giá trị của bảo vật quốc gia ngay trong lòng di tích

Thứ Hai, 21/04/2025 Đã xem: 7

Long sàng đặt trước gian giữa nhà Bái Đường tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Long sàng đặt trước gian giữa nhà Bái Đường tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Những hiện vật này không chỉ mang đậm giá trị lịch sử, mà còn là biểu tượng cho tinh hoa nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Cặp Long sàng tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được chạm khắc tinh xảo hoàn toàn từ đá xanh nguyên khối, được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2017. Có niên đại từ thế kỷ XVII dưới thời nhà Lê Trung Hưng, mỗi chiếc Long sàng nặng khoảng 1,5 đến 2 tấn, với chiều dài gần 2m và chiều rộng gần 1,5 m. Không chỉ tượng trưng cho uy quyền của một bậc đế vương, hình ảnh rồng cuộn trên mặt Long sàng còn là biểu tượng cho ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của nhân dân. Những nghệ nhân xưa đã khéo léo thổi hồn vào từng đường nét, tạo nên một bức tranh nghệ thuật sống động-nơi các họa tiết phong phú như mây, chim, chồn, cá và hoa cúc… hòa quyện với nhau, thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa thiên nhiên và văn hóa dân tộc.

Long sàng được đặt trước Nghi môn ngoại tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Song hành cùng cặp Long sàng, hai bộ Phủ Việt tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ vua Lê Đại Hành cũng được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2020. Được tạo tác từ thế kỷ XVII, mỗi bộ Phủ Việt cao tới 2,7 m (kể cả cán), với những họa tiết rồng uyển chuyển, những đao mác sắc nét, kết hợp cùng hoa cúc, lá đề khắc họa sự giao thoa giữa nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng tôn thờ của dân tộc. Không chỉ là đồ tế khí để thờ tự, hai bộ Phủ Việt còn là minh chứng cho tài năng sáng tạo, sự tinh xảo trong kỹ thuật chế tác của cha ông ta, phản ánh sự giao thoa văn hóa của đời sống tinh thần của người Việt thời bấy giờ.

Bộ Phủ Việt tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Bộ Phủ Việt tại Đền thờ vua Lê Đại Hành.

Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích lịch sử - văn hoá Cố đô Hoa Lư, chia sẻ: Công tác bảo tồn những bảo vật này không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng trong việc gìn giữ những hiện vật gốc độc bản mà còn là cách để kết nối cộng đồng và mang lại sự hiểu biết sâu sắc về bảo vật quốc gia. “Chúng tôi không ngừng đẩy mạnh công tác quảng bá và giới thiệu các giá trị đặc biệt của các bảo vật này thông qua việc gắn mã QR bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp và Hàn Quốc), kèm theo những hình ảnh sống động. Điều này giúp du khách trong và ngoài nước có thể tiếp cận thông tin đầy đủ và chính xác nhất về các bảo vật quốc gia”. Bà Bích Thục cũng nhấn mạnh rằng bảo tồn các bảo vật độc bản không chỉ là việc gìn giữ hiện vật quốc gia mà còn là bảo vệ hồn cốt của văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, việc bảo tồn những bảo vật quốc gia này không phải là điều dễ dàng. Những thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự xâm hại từ con người luôn thường trực. Bà Bích Thục cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những yếu tố có thể gây hại đến các bảo vật, từ đó đưa ra những giải pháp bảo tồn hiệu quả nhất. Bên cạnh các phương pháp bảo quản khoa học, chúng tôi cũng chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách về việc tiếp cận, bảo vệ các bảo vật quốc gia”.

Anh Khúc Minh Quang-sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hào hứng chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật tại Di tích Cố đô Hoa Lư: “Khi tham quan Cố đô Hoa Lư, tôi cảm nhận được sự linh thiêng và giá trị lịch sử văn hoá sâu sắc. Những bảo vật như Long sàng và bộ Phủ Việt đối với tôi không chỉ là hiện vật mà còn là những câu chuyện sống động về văn hóa và lịch sử của dân tộc.”

Những bảo vật quốc gia như cặp Long sàng hay hai bộ Phủ Việt không chỉ là niềm tự hào của Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư mà còn là tài sản chung của cả dân tộc. Đây là những minh chứng sống động của một thời kỳ lịch sử huy hoàng, là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, giúp mỗi người con đất Việt hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử văn hóa của mình. Những bảo vật quốc gia này không chỉ là ngọn lửa thắp sáng niềm tự hào dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn và lan toả những giá trị lịch sử văn hóa thiêng liêng, để các bảo vật quốc gia mãi trường tồn cùng cùng sự phát triển của đất nước.

Theo Báo Ninh Bình

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?