Nhà thờ Nguyễn Huyền Trung được xây dựng theo kiểu chữ Đinh (丁), gồm hai tòa: Tiền đường và Hậu cung. Phía trước sân có nhà lợp bằng ngói để thông phong, đây là nơi để tiếp khách và hành lễ.
Dòng họ Nguyễn thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có nguồn gốc phát tích là họ Phạm ở xã Cổ Tung, huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định (nay là thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Đến đời thứ 3, cụ Phạm Huyền Trung được mẹ đưa về quê ở xã Trường Yên sinh sống và hình thành nên dòng họ Nguyễn ngày nay. Cuốn gia phả của dòng họ soạn năm Duy Tân thứ 6 (1912) có ghi: “Họ Nguyễn ta, nguyên trước là họ Phạm. Cụ thủy tổ là Phạm An Quận, con trai là Phạm Cương Nghị, đến cháu là Huyền Trung thì về quê mẹ sinh sống rồi đổi thành họ Nguyễn”.
Đôi câu đối cổ bằng chữ Hán hiện đang lưu giữ tại nhà thờ cũng nói rõ gốc tích của dòng họ:
Phạm tộc thủy nguyên tiên tổ tích nhân lưu đức trạch
Nguyễn tôn đương thế tằng huyền tập thiện hiển phương danh Dịch nghĩa:
Khởi nguồn từ họ Phạm, tổ tiên tích nhân để lại đức trạch
Thời nay dòng họ Nguyễn, con cháu giỏi giang tiếng thơm vẻ vang.
Theo gia phả, dòng họ Nguyễn về định cư ở vùng đất Trường Yên vào khoảng giữa thế kỷ XV. Họ Nguyễn kể từ cụ khởi tổ đến nay đã có 19 đời, gồm 5 chi. Đây là dòng họ có truyền thống khoa bảng, võ nghiệp, trải qua các thời kỳ lịch sử, có nhiều người làm tướng, làm quan, có công với dân, với nước. Tiêu biểu như cụ Phạm Khắc Thận (đời thứ 2), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức 24 (1493), chức Hàn lâm Hiệu lý, Lễ bộ Thượng thư, tước Xuân Lâm bá; cụ Nguyễn Trí Trương (đời thứ 4) giữ chức Thiếu úy thời Mạc, Thượng tướng Nguyễn Hữu An (đời thứ 14) là một trong những vị tướng lĩnh quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, xếp thứ 4 trong danh sách các vị tướng tài giỏi, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mệnh danh là “vị tướng trận mạc”. Ông đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận chiến đấu và giành được chiến thắng quan trọng trong ba cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Sau chiến tranh kết thúc, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng: Phó tổng Thanh tra quân đội, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2, quyền Tư lệnh Quân khu 2, Giám đốc Học viện Lục quân, rồi Giám đốc Học viện Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Với những thành tích trong quá trình công tác, ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì. Để giáo dục các thế hệ mai sau luôn ghi nhớ, tôn vinh bậc tiền nhân, ông được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Lịch sử đúc tượng đồng bày tại Bảo tàng tỉnh; tên của ông cũng được đặt cho tên đường ở trung tâm thành phố Ninh Bình.
Căn cứ vào tư liệu hiện đang lưu giữ tại dòng họ Nguyễn thôn Tân Hoa, xã
Trường Yên, cụ thủy tổ họ Nguyễn (đời thứ nhất) là Phạm An Quận. Cụ là người ở xã Ngưu Trì, huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định sau chuyển đến định cư ở xã Cổ Tung, huyện Nam Chân (nay là thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Cụ Phạm Khắc Thận là vị tổ đời thứ 2 của dòng họ Nguyễn gốc Phạm thôn Tân Hoa, xã Trường Yên. Ông sinh năm Tân Dậu (1441), húy là Khắc Thận, hiệu Cương Nghị, tự Lạc Toàn. Ngay từ khi còn nhỏ Phạm Khắc Thận đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, chăm chỉ. Cha mất khi ông 7 tuổi, mẹ ở vậy nuôi con, nhà tuy nghèo nhưng thấy con ham mê đèn sách, chăm chỉ học hành nên bà quyết tâm nuôi con ăn học. Sau những năm tháng khổ cực miệt mài đèn sách, Phạm Khắc Thận về quê xin ghi tên để ứng thi. Bấy giờ trong xã có người họ Vũ nắm quyền đã không ghi tên ông vào danh sách đi thi. Vì thế ông buộc phải trở về quê mẹ ở xã Cổ Tung (nay là thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng), lấy tên là Phạm Như Tùng để dự thi và ông đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời vua Lê Thánh Tông. Sau khi thi đỗ ông được bổ chức Hàn lâm Hiệu lý. Năm Đinh Tỵ (1497) ông được cử làm phó sứ sang nhà Minh để cầu phong. Đi sứ về ông được thăng đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Xuân Lâm tử. Một thời gian sau ông xin từ quan về trí sĩ tại quê nhà. Nhưng bấy giờ ở vùng giáp biên giới nước ta có bọn giặc biển vào quấy nhiễu (từ ven biển An Bang đến Hải Dương), chúng thường đem binh thuyền đánh úp các đồn trại, thành thị miền duyên hải, có khi chúng tiến sâu vào sông Bạch Đằng, cướp bóc và giết hại dân lành. Trước tình cảnh đó, vâng mệnh nhà vua, Phạm Khắc Thận đem quân đi dẹp giặc rồi tử trận vào ngày mồng 01 tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1509). Tiếc thương ông nhà vua đã truy phong ông làm Lễ bộ Thượng thư, tước Xuân Lâm bá và phong làm Phúc thần. Đến đời vua Khải Định năm thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924) ông lại được ban tặng sắc phong, gia tặng thêm mỹ tự là Quang ý Trung đẳng thần. Ông được nhân dân làng Cổ Tung lập đền thờ, suy tôn là thành hoàng. Ngoài ra, tại Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) cũng có đền thờ ông. Tại Nhà thờ Nguyễn Huyền Trung thôn Tân Hoa, bài vị và bát hương thờ cụ Phạm Khắc Thận được đặt tại ban thờ giữa trong tòa Hậu cung.
Đối với dân, với nước, cụ Phạm Khắc Thận là người có công lao góp phần vào công cuộc gìn giữ và bảo vệ đất nước. Cụ đã được nhà vua phong tặng nhiều chức vị cao như: Hàn lâm Hiệu lý, Lễ bộ Tả thị lang, Lễ bộ Thượng thư.
Đối với dòng họ Nguyễn gốc Phạm thôn Tân Hoa, cụ là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo, xây dựng dòng họ có truyền thống khoa cử như ngày nay.
Lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam từng chứng kiến nhiều cuộc thay tên đổi họ lớn, như họ Lý sang họ Nguyễn, họ Trần qua họ Trình, họ Mạc đổi thành nhiều họ… Nguyên nhân đổi họ là do tránh phạm húy hoàng thân, hoặc do biến cố của các triều đại, hoạn nạn của các dòng tộc, làng xã…Vùng đất Trường Yên vào thế kỷ 16 cũng là nơi mai danh ẩn tích của một số dòng họ sau khi xảy ra các biến cố lịch sử như: họ Mạc (dòng dõi Mạc Đăng Dung đổi sang họ Phạm - Nguyễn), họ Nguyễn (dòng dõi trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đổi sang họ Giang), họ Ngô (dòng dõi Quận công Ngô Đình Nga đổi sang họ Dương)… Đối với họ Nguyễn, việc đổi họ không phải vì những nguyên nhân kể trên. Nguyên nhân đổi từ họ Phạm sang họ Nguyễn được xác định rất rõ ràng. Đổi họ là để tỏ lòng biết ơn người dưỡng dục. Như vậy, cụ Nguyễn Huyền Trung là người có công lập nên dòng họ Nguyễn tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đối với con cháu trong dòng họ, cụ luôn được các thế hệ con cháu tôn vinh, kính trọng, coi là cụ tổ của họ Nguyễn.
Theo gia phả ghi lại, cụ Nguyễn Huyền Trung về đất Trường Yên định cư từ khá sớm (khoảng giữa thế kỷ XV). Đây là thời kỳ hình thành, xây dựng và phát triển của nhà Lê sơ, được xem là đỉnh cao phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Nước Đại Việt nửa cuối thế kỷ XV giành được nhiều thành tựu to lớn từ việc giữ vững nền độc lập, tự chủ và mở rộng bờ cõi đến việc xây dựng, phát triển đất nước mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thời kỳ này trên đất Ninh Bình vùng đất ven biển các sông Đáy, sông Hoàng Long… liên tục được đắp đê và vùng ven biển đất đai không ngừng mở rộng đã trở thành nơi thu hút nhiều người đến sinh cơ lập nghiệp, nhiều làng xã được thành lập. Cụ Nguyễn Huyền Trung cùng với các dòng họ khác như họ Bùi, họ Ngô, họ Giang, họ Phạm khi về Trường Yên đã tiến hành mở mang thêm đất đai, làm đường xá, xây cầu, dựng chợ… góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, xây dựng nên làng xóm trù phú, đông đúc như ngày nay. Hiện nay, bát hương thờ cụ được đặt tại ban thờ phía ngoài, bên trong tòa Hậu cung.
Noi gương các bậc tiền nhân, các thế hệ con cháu họ Nguyễn rất tích cực trong các công việc của dòng họ nói riêng, việc của làng nước nói chung, phấn đấu vươn lên đóng góp cho xã hội. Từ một dòng họ được hình thành từ giữa thế kỷ XV, đến nay đã trở thành một dòng họ lớn, phát triển đến đời thứ 19, tổng cộng có hơn 4000 nhân khẩu, con cháu sinh sống ở nhiều nơi. Trong dòng họ đã có nhiều người thành đạt, đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thời phong kiến dòng họ đã có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, dòng họ đã có 01 Giáo sư, 08 Phó Giáo sư, 04 Tiến sỹ, 05 Phó tiến sỹ, 07 Thạc sỹ, 05 Bác sỹ và 87 Kỹ sư. Nhiều cá nhân trong dòng họ Nguyễn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý, có vị trí trong các cơ quan Đảng và Nhà nước: 01 Lão thành cách mạng; 01 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 117 Huân huy chương các loại. 120 người tham gia trong quân ngũ, trong đó có 06 liệt sỹ, 12 thương binh; 01 Thượng tướng(Nguyễn Hữu An), 05 Đại tá, 11 Thượng tá, 06 Trung tá, 07 Thiếu tá.
Di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: gia phả, bài vị, hoành phi, câu đối… Đó là nguồn tư liệu quý giá để con cháu dựa vào đó mà tìm về gốc tổ. Sau một thời gian dài thất lạc, đến năm 2007, họ Nguyễn thôn Tân Hoa đã tìm được nguồn gốc của mình. Kể từ đây nguồn mạch lại chảy, gốc tích lại nối, hàng năm cứ vào ngày 01 tháng 9 con cháu trong họ lại sang nhà thờ tổ ở thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định để tham dự lễ giỗ cụ Phạm Khắc Thận. Đây là dịp để kết nối dòng dõi, giúp cho con cháu ôn lại truyền thống, nhắc nhớ quá khứ và xây dựng tương lai.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?