Thứ Năm, 21/11/2024

Nét độc đáo của lễ hội Hoa Lư Ninh Bình

Thứ Tư, 10/05/2023 Đã xem: 422

Có một nơi ở Việt Nam mà ở đó, lịch sử và văn hóa được tái hiện một cách rực rỡ và sinh động. Đó là lễ hội Hoa Lư - một sự kiện đặc biệt diễn ra hàng năm tại kinh đô cổ của đất nước. Điều gì khiến lễ hội Hoa Lư trở nên đặc biệt và thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi đến tham dự? Mời Quý bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn tại bài viết sau đây của Lộ Trình Xanh

Ý nghĩa của lễ hội Hoa Lư 

Lễ hội Hoa Lư Ninh Bình là một trong những lễ hội lớn của Việt Nam được diễn ra hàng năm nhằm tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã có công xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, mở đầu cho thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của người Việt suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. 

Lễ hội Hoa Lư có lịch sử khá lâu đời, phản ánh đậm nét và sinh động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đức vua Đinh Tiên Hoàng cũng như lịch sử Việt Nam qua nhiều triều đại. 

Dù đã trải qua ngàn năm lịch sử nhưng lễ hội Hoa Lư không hề mai một mà vẫn được giữ gìn và phát huy những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc. Đặc biệt, lễ hội Hoa Lư đã được xếp hạng là di sản văn hóa cấp quốc gia và đang hướng đến nâng cấp thành Quốc lễ. 

Lịch sử của lễ hội Hoa Lư 

Từ hàng trăm năm trước, lễ hội Hoa Lư rất được các Vương triều phong kiến Việt Nam coi trọng, coi như một Quốc lễ. Vào ngày diễn ra lễ hội ở Trường Yên, triều đình Thăng Long và triều đình Huế đều cử các vị quan đại thần về Cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế. 

Hơn thế nữa, từ năm 1823, vua Minh Mạng thuộc triều Nguyễn còn cho dựng miếu Đức vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Dương Xuân, kinh đô Huế. Tại đây, hàng năm hai kỳ tế Xuân Thu, vua Minh Mạng đều trực tiếp đến tế lễ Đức vua Đinh Tiên Hoàng với lễ vật gồm có cỗ Thái Lao (trâu, dê, lợn), xôi và hoa quả… Và quy định việc tế miếu Đinh Tiên Hoàng hàng năm phải được cử hành vào hai kỳ Xuân - Thu để giãi bày tấm lòng thành kính của con dân với tổ tiên. 

Dần dà, lễ hội Hoa Lư ra đời mà trong đó có sự hòa quyện cả những yếu tố lịch sử và cả những truyền thuyết dân gian. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc. 

Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch tại cố đô Hoa Lư ở Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Trong 3 ngày diễn ra, lễ hội tổ chức rất nhiều hoạt động vừa trang nghiêm vừa vui nhộn thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách tham gia. 

Các nghi thức trong lễ hội Hoa Lư 

Cũng như lễ hội chùa Hươnglễ hội đền Hùng… các nghi thức trong lễ hội Hoa Lư Ninh Bình cũng diễn ra gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động ý nghĩa. 

Với phần lễ lễ hội Hoa Lư gồm: 

Lễ mộc dục

Lễ mộc dục chính là lễ tắm tượng thần được tiến hành vào nửa đêm hôm trước ngày khai hội. Quy trình được diễn ra như sau: Làm lễ cáo thần - thực hiện lau chùi tượng thờ - tế gia quan (mặc áo, đội mũ cho tượng thần). 

Với các vị quan đại thần nhà Đinh, Tiền Lê không có tượng mà chỉ có bài vị (thần vị) thì đặt áo mũ lên ngai. Sau đó, thần vị hoặc có khi chỉ là áo mũ được đặt lên kiệu, chuẩn bị cho đám rước thần sáng ngày khai hội. 

Lễ mở cửa đền

Trước thời gian diễn ra lễ hội Hoa Lư 1 ngày sẽ diễn ra lễ mở cửa đền ở 2 đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành. Sau khi thực hiện xong nghi lễ, du khách có thể tự do ra vào suốt thời gian diễn ra lễ hội mà không cần phải xuất trình vé vào cổng như thường nhật. 

Lễ rước nước

Từ 5-6 giờ sáng, lễ rước nước bắt đầu với đoàn người khởi hành từ đền Vua Đinh Tiên Hoàng đến bến sông Hoàng Long để lấy nước đem về đền. Trước ngày khai hội, ở sông Hoàng Long chọn một cây tre lớn và trên ngọn tre treo một dải phướn màu vàng, ghi lời chú với nội dung là “Thần dân, con cháu trăm học luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng đế nhà Đinh; Cầu mong thần sông giữ cho dòng nước mát hiền hòa, phù trợ cho dân tránh mọi điều ác dữ…"

Dẫn đầu đoàn rước trong lễ hội Hoa Lư Ninh Bình là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống rồi đến một kiệu bát cống lớn có hương án do tám thanh niên mặc trang phục lính tráng nhà Đinh khiêng. Tiếp theo đó là các vị quan khách, đại biểu trung ương, địa phương. Sau đó tiếp tục là những kiệu bát cống có tán do các thiếu nữ mang lễ vật. Đoàn người đi sau nữa là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, nhân dân và du khách.

Lễ rước nước được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính; bao gồm những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc, theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tại lễ rước, một trong những phần độc đáo và đặc sắc nhất chính là màn múa rồng trên sông Hoàng Long của các đoàn thuyền. 

Lễ rước lửa

Lễ rước lửa được thực hiện ở 2 đền thờ Vua Đinh với hành trình khởi đầu từ nơi ông sinh ra và kết thúc tại nơi ông lên ngôi Hoàng đế thống nhất giang sơn. 

Ngọn lửa thiêng được rước từ đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình. Đoàn rước tiến hành dâng hương, cúng tế trời đất và thực hiện các nghi lễ xin lửa rồi diễu hành trên đường Vua Đinh tiến về đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư với ý nghĩa thắp sáng, truyền lửa thiêng trong thời kỳ diễn ra lễ hội. 

Và từ cố đô Hoa Lư, ngọn lửa thiêng tiếp tục được rước về các di tích khác thờ Vua Đinh, Vua Lê và các vị tướng thời Đinh, Tiền Lê. Ngọn lửa thiêng còn được rước từ đền thờ của vua Đinh Tiên Hoàng về tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Lễ tế chính

Sau khi đoàn rước nước trở về và sau nghi thức thả rồng bay thì khởi điểm phần lễ tế tại 2 đền Vua Đinh, Vua Lê với sự tham gia của nhiều người. Các đoàn rước kiệu và chân nhang từ các di tích thờ các danh nhân thời Đinh - Lê sẽ tham gia rước kiệu về 2 đề. Lễ tế được diễn ra cả ngày và đêm ở đền Vua Đinh và vua Lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua. Lúc này du khách sẽ được vào thắp hương tưởng niệm. 

Lễ tiến phẩm

Lễ tiến phẩm tại lễ hội Hoa Lư được thực hiện lồng ghép cùng lễ tế của các đoàn. Tại lễ này còn có phần thi mâm ngũ quả tiến vua, ban giám khảo sẽ chọn ra những mâm ngũ quả xuất sắc tiến dâng trong các đền. 

Lễ rước kiệu

Lễ rước kiệu là nghi lễ có tính chất kết nối tâm linh giữa các di tích thời Đinh Lê với nhau và trung tâm cố đô Hoa Lư. Nghi lễ được tổ chức từ các di tích thời Đinh - Tiền Lê trong vùng về tới cố đô Hoa Lư để tham dự lễ hội Hoa Lư. Các đoàn rước kiệu diễu hành hướng về cố đô Hoa Lư.

Lễ hội hoa đăng

Khoảng 19 giờ tối sau màn lễ cầu siêu, lễ hội hoa đăng được diễn ra trên bến sông Sào Khê sát quảng trường cố đô với sự tham gia của các phật tử. Hội hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa rực rỡ. Ý nghĩa của lễ hội này nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người cố đô vào những ngày lễ lớn. 

Nghi lễ này nhằm thể hiện lòng hiếu kính hướng về cửu huyền thất tổ, tình yêu nước, tấm lòng biết ơn hướng về các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền đất nước. Lễ hội hoa đăng còn là dịp để con cháu thể hiện lòng trắc ẩn đối với vong linh những người đã hy sinh vì đất nước. Đến 23h tối cùng ngày nghi lễ này sẽ kết thúc. 

Phần hội

Nếu phần lễ của lễ hội Hoa Lư được tổ chức long trọng và nghiệm trang thì phần hội diễn ra nhộn nhịp và vui tươi hơn với nhiều trò chơi dân gian và màn trình diễn ca múa đặc sắc. 

Trong đó, các trò chơi dân gian tiêu biểu phải kể đến trò cờ lau tập trận, đua thuyền, múa gậy, xếp chữ, viết chữ nho, ném còn, cờ người, thi hát chèo… 

Ngoài ra phần hội còn có màn trình diễn ấn tượng vào màn khai mạc lễ hội do Nhà hát chèo Ninh Bình thực hiện. Điển hình là màn trình diễn tái hiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô Hoa Lư xưa như: sự kiện lên ngôi hoàng đế của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn; sự kiện đánh thắng giặc Tống; sự kiện dời đô về Thăng Long… 

Một số hình ảnh về lễ hội Hoa Lư Ninh Bình

 

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?