Một đoạn tường thành ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên được người dân giữ gìn.
Một đoạn tường thành thuộc Kinh thành Hoa Lư xưa tại thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay. Đoạn tường thành được đắp bằng đất có chiều dài khoảng hơn 300 mét nối 2 ngọn núi với nhau. Trải qua biến thiên của lịch sử, sự xói mòn của tự nhiên, đoạn tường thành không còn cao như trước, chạy dài giống như một con đê.
Ông Nguyễn Bách Bốn, xã Trường Yên đã dành nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về các di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến triều đại vua Đinh cho biết: Tương truyền, vua Đinh đã cho xây dựng bức tường thành này, biến nơi đây trở thành một hậu cứ bảo vệ vòng ngoài của Kinh thành Hoa Lư. Các bức tường thành còn hiện hữu cho đến ngày nay là minh chứng rõ nét nhất cho việc coi trọng việc xây dựng căn cứ phục vụ phòng thủ của vua Đinh, thể hiện sự hùng vĩ, vai trò to lớn của các bức tường thành còn giá trị với muôn đời.
Theo tài liệu nghiên cứu, từ thời vua Đinh và các triều đại Tiền Lê đã dựa vào địa hình tự nhiên cho đắp và xây dựng nhiều đoạn tường thành ngắn nối các khoảng trống giữa các núi lại với nhau thành một trung tâm vô cùng kiên cố. Đây là khu vực phòng thủ hậu cứ của Kinh đô Hoa Lư. Thành Hoa Lư có hai vòng gọi là khu vực thành nội và khu vực thành ngoại. Theo kết quả nghiên cứu, có khoảng trên 10 đoạn tường thành. Cho đến nay, trong tổng số các đoạn tường thành, khảo cổ học mới khai quật nghiên cứu được 3 đoạn ở khu vực thành Đông (đoạn từ núi Cột Cờ đến núi Thanh Lâu và Ngòi Chẹm) và khu vực thành Bắc (đoạn từ núi Cột Cờ đến núi Chẽ).
Các tường thành của Kinh đô Hoa Lư độc đáo vì đó là sự tiếp nối truyền thống xây thành đắp lũy của người Việt. Kỹ thuật xây đắp tường thành Hoa Lư độc đáo, công phu bởi có sự kết hợp chặt chẽ giữa gạch đất nung với đất sét, giữa việc xây dựng móng bằng lót các loại lá cây trong khu vực (lau, sậy, cọ, móc) kết hợp với đất sét, kết hợp giữa cọc móng với sự tham gia của đá khối... tạo nên sự bền vững mang đặc trưng của địa phương.
Các tường thành Hoa Lư tiêu biểu cho sức sáng tạo, tinh thần độc lập, ý chí tự lực tự cường và mạnh mẽ của đất nước Đại Cồ Việt thời Đinh-Tiền Lê. Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Kinh đô Hoa Lư nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An. Trong hồ sơ di sản thế giới của Danh thắng Tràng An đã đề cập đến quá trình từ khi người tiền sử cư trú đến giai đoạn sau này cách đây từ 3 vạn năm, trong đó có 1 khúc quanh ở thế kỷ thứ X đóng vai trò là 1 Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt.
Những giá trị văn hóa của Kinh đô Hoa Lư dần dần được khẳng định bề dày hồ sơ khoa học qua những cuộc nghiên cứu về khảo cổ học, điền dã dân tộc học, thấy rằng vóc dáng của Kinh đô Hoa Lư từ đường đi lối lại đến thềm, nền cung điện, đến những tuyến tường thành. Đặc biệt, dưới tầng văn hóa nói lên giá trị Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X, phía dưới tiếp tục phát hiện ra những tầng kiến trúc thời trước đó có nhiều dấu ấn về vật liệu, kiến trúc, chứng tỏ nơi đây có khả năng là trị sở dưới thời Bắc thuộc, không phải là vùng hoang sơ.
Vùng đất Kinh đô Hoa Lư có ý nghĩa là vùng giao thủy (giao giữa nước ngọt và nước mặn), những thuyền bè đi lại, buôn bán, chọn điểm giao thủy xây dựng nên những thị trấn, thị tứ, dừng thuyền bè đấy để xuôi ra biển hoặc ngược ra các dòng sông rất thuận tiện. Tất cả những tài liệu về vật liệu, kiến trúc cho thấy vùng đất mang tính chất đô hội, kinh kỳ, kinh đô.
Đối với Kinh đô Hoa Lư, về vật liệu kiến trúc thế kỷ X đã nhận diện khá rõ qua các cuộc khai quật khảo cổ học. Tới đây, khi có phương án thu hút khách du lịch đến và nhận diện ra hình hài Kinh đô Hoa Lư như thế nào, thì việc khai quật, nhận diện ra những tuyến tường thành và phục dựng làm rõ thêm những tuyến tường thành này sẽ gây ấn tượng rất lớn đối với du khách, bởi Kinh đô Hoa Lư hết sức riêng biệt từ cách người ta đắp thành từ chân núi này sang chân núi kia.
Việc lựa chọn tái hiện các bức tường thành sẽ thể hiện được cách cư trú và định cư ở các thung lũng như thế nào. Những tuyến tường thành cùng với hệ thống núi đá vôi tạo nên một thung lũng lớn, vừa tốt cho quân sự, vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, trong tuyến tường thành có cửa nước, phục hồi được cửa nước xuyên tuyến tường thành cùng các cổng thành có giá trị rất lớn với thế hệ hôm nay và mai sau được trải nghiệm lại, xem bóng dáng kinh thành xưa, từ đó du lịch có sản phẩm mang bản sắc riêng.
Cùng với hoạt động trong bối cảnh văn hóa sông nước, từ sông Hoàng Long đi đường cửa nước qua dòng Sào Khê, qua tuyến thành Dền... sẽ hình thành nên không gian du lịch rất đẹp mắt; vừa bảo tồn, chú trọng phát triển nhà truyền thống với tuyến nước, tuyến tường thành sẽ tạo ra không gian để phát triển du lịch rất tốt.
Theo Báo Ninh Bình
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?