Một tiết mục tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023. Ảnh: Minh Quang
Dấu ấn đậm sâu
Lễ hội Hoa Lư năm 2023 diễn ra đúng vào kỳ nghỉ lễ dài ngày của cả nước, do đó thu hút được đông đảo người dân và khách du lịch về tham quan, chiêm bái. Bên cạnh phần lễ với các nghi thức truyền thống được thực hiện trang trọng, thành kính, tại Lễ hội Hoa Lư 2023 còn diễn ra phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đặc sắc, hấp dẫn du khách. Lễ hội cũng là dịp để nhiều người con xa quê trở về dự hội và sum họp bên gia đình, người thân, được cùng nhau "ôn cố tri tân", hướng đến những điều tốt đẹp, hạnh phúc trong cuộc sống.
Ông Bùi Xuân Hướng, quê gốc ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), hiện nay đang sinh sống ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Từ khi được nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2015 tới nay, năm nào ông Hướng cũng về thăm quê một lần vào dịp tháng Ba âm lịch. Đây vừa là dịp để đoàn viên với họ hàng, vừa là cơ hội để ông đi trẩy hội và cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của quê hương mình.
"Với tôi, về với lễ hội là được trở về với cội nguồn. Dẫu đã ở cái tuổi thất thập, nhưng khi về với lễ hội, cảm giác háo hức, linh thiêng vẫn còn vẹn nguyên. Tôi thực sự tự hào về một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa của quê hương mình. Năm nay, trước ngày khai hội Hoa Lư, tôi cũng dành thời gian về thăm quan Đền thờ vua Đinh ở xã Gia Phương và Động Thung Lau ở xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn)- những nơi đã sinh ra và nuôi chí lớn cho bậc quân vương Đinh Tiên Hoàng, để được thắp nén tâm nhang tri ân công đức của Người và cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình, với quê hương..."- ông Hướng xúc động chia sẻ.
Lễ rước kiệu tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023. Ảnh: Minh Quang
Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày năm nay gia đình bà Phạm Ánh Tuyết, ở tỉnh Quảng Ninh về Ninh Bình trẩy hội Hoa Lư. Để tiện cho việc di chuyển đến sân lễ hội, gia đình bà Tuyết đã ở tại một homestay ngay trên địa bàn xã Trường Yên. Trong ngày khai hội, gia đình bà Tuyết có mặt tại sân lễ hội từ rất sớm để chứng kiến các nghi lễ truyền thống như: Lễ rước nước, rước kiệu, lễ mộc dục, lễ tiến phẩm… Ai cũng cảm thấy xúc động khi lần đầu được tận tay dâng nén tâm nhang tỏ lòng biết ơn công đức của các bậc tiên đế tại một nơi linh thiêng.
"Thong dong đi trẩy hội, được hòa mình vào dòng người với những nam thanh, nữ tú trong xiêm y thanh lịch; những cụ già với dáng vẻ khoan thai và bầy trẻ nhỏ tung tăng, háo hức… tôi đã được tận hưởng bầu không khí lễ hội vui tươi, nhuốm màu cổ tích. Trong không gian lễ hội nhiều màu sắc, lôi cuốn bởi nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như các trò chơi dân gian; các môn thể thao truyền thống… chúng tôi còn được đắm say trong hương vị của sắc màu văn hóa của mỗi vùng miền trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư giàu truyền thống. Tiếng trống hào sảng trong điệu múa trống; làn điệu chèo, xẩm cổ da diết của những nghệ sĩ không chuyên và đặc biệt là được thưởng thức bản hòa tấu cồng chiêng đến từ đồng bào Mường ở vùng cao Nho Quan… Đó là những thanh âm đặc biệt, sẽ là "nỗi nhớ, niềm thương" về một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử. Chuyến hành hương đặc biệt này sẽ là một kỷ niệm thật đẹp đối với gia đình chúng tôi"- bà Tuyết cho biết thêm.
Đông đảo người dân và khách du lịch về tham quan, chiêm bái và trẩy hội Hoa Lư năm nay. Ảnh: Minh Quang
Nơi tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử
Cố đô Hoa Lư đã đi vào sử sách, là niềm tự hào của người Ninh Bình và nhân dân đất Việt. Cách đây 1055 năm, người con ưu tú của Ninh Bình, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, mở xưng Hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; nơi vua Lê Đại Hành khởi phát các quyết định lịch sử chống quân xâm lược Tống, giữ vững nền độc lập dân tộc, ra sức mở mang bờ cõi, tăng cường quốc lực, xây dựng quốc gia hưng thịnh, tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của các thể chế nhà nước phong kiến trong các giai đoạn tiếp sau. Được tạo lập các nền tảng phát triển vững chắc qua 42 năm trên đất Hoa Lư, mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thành Đại La (Thăng Long), mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc.
Theo sử sách ghi lại, Lễ hội Trường Yên xưa được hình thành sau khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, được các Vương triều phong kiến Việt Nam coi là một lễ trọng, một Quốc lễ. Hàng năm, đến ngày diễn ra lễ hội, các triều đình đều cử các quan đại thần về Cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế. Để có được một hình thức và quy mô lễ hội như ngày nay, đó là quá trình hòa quyện những sự kiện lịch sử, truyền thuyết dân gian giữa truyền thống và hiện đại. Lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng của nhân dân, là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương và cộng hưởng giá trị lịch sử quan trọng về ý thức quốc gia, dân tộc cần được khơi dậy và phát huy trong thời đại ngày nay.
Màn diễn tích "Cờ lau tập trận" là hoạt động không thể thiếu trong Lễ hội Hoa Lư.
Lễ hội Trường Yên, Cố đô Hoa Lư đã trở thành một bộ phận quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Cuối năm 2014, Lễ hội Trường Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và đổi tên thành "Lễ hội Hoa Lư".
Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý. Lễ hội Hoa Lư xưa được các thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam tổ chức như Lễ trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc. Trải qua thời gian, Lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân, làm cho giá trị của nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian và lịch sử.
Những ngày diễn ra lễ hội, mặc dù có những thời điểm thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng đến một số hoạt động của phần hội, nhưng không khí tại lễ hội vẫn rất vui tươi, hào hứng, thu hút được nhiều người dân và du khách tham gia. Khá đông người dân và du khách đã lưu lại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư để cùng tham gia, cổ vũ cho các trò chơi đấu vật, thi mâm ngũ quả, thi cờ người, cổ vũ, hò reo cho các phần thi, cuộc chơi diễn ra sôi nổi, vui tươi... Nhiều du khách nước ngoài ghé xem những trò chơi, tham quan những gian hàng giới thiệu các mặt hàng truyền thống, ngắm nhìn những hội trại của thanh niên... được trang trí nhiều sắc màu tại sân hội và không khỏi tò mò, thích thú khi quay phim, chụp ảnh được những trò chơi dân gian như đấu vật, thi thư pháp, chèo thuyền khéo, chọi gà, thi đấu cờ người, biểu diễn hát chèo, hát xẩm,...
Hội thi thư pháp - nét đẹp văn hóa luôn được gìn giữ tại Lễ hội. Ảnh: Trường Giang
Đã 1055 năm trôi qua, nhưng âm hưởng của Kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng tới tận hôm nay. Những vết tích tường thành, nền móng cung điện hay cổ vật được khai quật từ các tầng văn hóa khảo cổ trong lòng đất cho thấy tầm vóc, kiến trúc đặc sắc của Kinh thành xưa. Linh khí chốn kinh kỳ, công đức dựng nước, giữ nước, chăm lo cho muôn dân của các bậc quân vương hiền minh vẫn còn in dấu trong suốt hành trình lịch sử, trong tâm thức nhân dân với tấm lòng tri ân sâu nặng. Lễ hội Hoa Lư hàng năm vẫn luôn là lời mời gọi tha thiết đến những người con khắp mọi miền Tổ quốc về với Ninh Bình, cùng trẩy hội Hoa Lư, để được trở về với cội nguồn dân tộc, được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng đất "sinh Vua, sinh Thánh", thêm tự hào và trân trọng về truyền thống cha ông, thêm yêu quý và luyến lưu mảnh đất, con người Ninh Bình tươi đẹp, hữu tình.
Hạnh Chi - Đào Hằng Báo Ninh Bình
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?