Thứ Năm, 21/11/2024

Cột kinh phật chùa Nhất Trụ: Bảo vật quốc gia đầu tiên của Ninh Bình  

Chủ Nhật, 10/07/2022 Đã xem: 44

Chùa Nhất Trụ nằm trên địa bàn thôn Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Chùa cách Đền thờ vua Lê Đại Hành về phía Bắc khoảng 100m, được xây dựng từ thời Tiền Lê. Với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, chùa đã được công nhận là di tích quốc gia.

 Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, những năm qua, di tích đã được đầu tư kinh phí để trùng tu, bảo vệ nhằm gìn giữ cho muôn đời sau. Ban quản lý Khu di tích Lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhà chùa quy hoạch toàn bộ diện tích đất chùa, xây lại tường thành bao quanh khu vực, khu vực sân chùa được lát gạch, trồng cây khang trang, sạch đẹp. Ngày nay, chùa Nhất Trụ là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tham quan tín ngưỡng của du khách thập phương và là bộ phận không thể tách rời trong cụm di tích Cố đô Hoa Lư.

Tháng 9-2012, Ninh Bình vinh dự đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An -Tam Cốc - Bích Động. Trong những ngày cuối tháng 12-2015, Ninh Bình lại đón một tin vui nữa, đó là Cột kinh Phật nằm trong khuôn viên di tích quốc gia chùa Nhất Trụ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là hiện vật độc bản, có giá trị độc đáo về loại hình, hình dáng kết cấu, kích thước, có ý nghĩa lịch sử văn hóa to lớn, là tài liệu nghiên cứu khảo cổ học quan trọng, tư liệu vật chất phản ánh một thời kỳ hào hùng của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được tôn vinh là bảo vật quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là hiện vật đầu tiên của Ninh Bình được công nhận là bảo vật quốc gia.

Sử sách đã ghi: Trong vòng hơn 40 năm dưới hai triều đại Đinh - Tiền Lê (968 - 1009), khu vực Trường Yên (Hoa Lư) là kinh đô - trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của nước ta. Kể về sự nguy nga của kinh thành Hoa Lư vào thời vua Lê Hoàn, Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Dựng nhiều cung điện; làm điện Bách Bảo Thiên tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ; bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc". Thế nhưng ngày nay, trong số những di vật và kiến trúc trên mặt đất trong khu vực Cố đô Hoa Lư đều không phải niên đại thời Đinh - Tiền Lê, chỉ trừ cột kinh Phật bằng đá ở chùa Nhất Trụ. Đây là hiện vật độc bản, do vua Lê Đại Hành cho dựng trong khuôn viên Chùa Nhất Trụ để cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh; có cấu tạo độc đáo, họa tiết trang trí tinh tế, tinh hoa nghệ thuật chạm khắc chữ trên đá của cha ông ta; có giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa, là tư liệu vật chất minh chứng cho sự thịnh trị của đạo Phật ở Việt Nam vào thế kỷ thứ X…

Theo niên đại ghi trên hiện vật, cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng vào năm 995. Cột kinh cao 4,16m, gồm 6 bộ phận gá lắp với nhau bởi các ngõng, bao gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Tất cả các bộ phận gắn với nhau hoàn toàn không sử dụng chất kết dính, nhưng rất vững chắc dù đã trải qua ngàn năm. Trọng lượng cột kinh khoảng 4,5 tấn.

Trên tám mặt cột đều được khắc chữ Hán, ước khoảng 2.500 chữ, nhưng nửa dưới thân cột không còn chữ, chỉ có nửa trên là còn chữ, song cũng không đầy đủ, có chỗ bị mờ khó đọc. Trong số này chỉ còn bốn mặt còn đọc được một số dòng, bốn mặt còn lại bị mờ hoàn toàn, tuy nhiên cũng có thể nhận thấy phần văn tự cột đá này gồm lạc khoản, kệ, kinh.

Theo ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là hiện vật độc bản do vua Lê Đại Hành cho dựng trong khuôn viên chùa Nhất Trụ thuộc phạm vi Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X còn nguyên tại vị trí cũ cho tới ngày nay. Cột kinh có cấu tạo độc đáo, họa tiết trang trí tinh tế, tinh hoa nghệ thuật trạm khắc chữ trên đá, nghệ thuật chế tác đá của cha ông ta cho thấy sự phát triển về điêu khắc, kỹ thuật chạm khắc đá của dân tộc Việt. Cột kinh có giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa, là tư liệu vật chất chứng minh cho sự hình thành và phát triển của đạo Phật ở Việt Nam thế kỷ X, thế kỷ bắt đầu giành quyền tự chủ, độc lập. Cột kinh Phật được dựng với nội dung kinh tràng, thể hiện mong muốn cầu quốc thái, dân an, triều đình vững mạnh, thể hiện sự tin tưởng, nhiệm màu của Phật pháp. Hiện vật là tư liệu quý báu không chỉ của Phật giáo mà của cả lịch sử dân tộc ta, hiện vật không chỉ cho chúng ta thấy đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt cách đây trên một nghìn năm mà còn có giá trị với lịch sử, văn hóa Phật giáo thế giới. Bài kinh, bài kệ khắc trên cột kinh có thể tham gia giúp hiệu đính lại những văn bản của bài kinh, bài kệ hiện đang lưu hành trên thế giới.

Nguồn Báo Ninh Bình

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?