Thứ Ba, 03/12/2024

Tập trung chăm sóc bón đòng và xử lý lúa cỏ

Thứ Sáu, 15/04/2022 Đã xem: 60

Đến nay trên địa bàn toàn huyện các trà lúa vụ đông xuân đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh – phân hoá đòng. Thời điểm này, thời tiết khá thuận lợi nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tương đối đồng đều... Tuy nhiên, hiện nay, do giao mùa, trên đồng ruộng xuất hiện hiện tượng lá lúa bị khô táp đầu lá và xoăn lại, một số diện tích bị đỏ lá. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, ban đêm nền nhiệt độ thấp, ban ngày nắng nóng nên xuất hiện những hiện tượng trên, trường hợp này là bệnh sinh lý, không phải bệnh hại. Nhìn chung, lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt. Để phấn đấu vụ đông xuân năm 2021- 2022 giành thắng lợi, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn; các HTX nông nghiệp và các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo và hướng dẫn các hộ xã viên thực hiện một số công việc sau:

 1. UBND các xã, thị trấn:

 - Chỉ đạo các HTX nông nghiệp tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sinh trưởng, phát triển của cây trồng để hướng dẫn chăm sóc kịp thời, đúng kỹ thuật đảm bảo đạt hiệu quả cao.

 - Phối hợp với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi đảm bảo đủ điện bơm, giữ đủ nước để nhân dân chăm sóc, bảo vệ lúa Đông xuân. Không để ruộng bị khô nẻ trong thời gian lúa làm đòng, trỗ bông.

 - Về chăm sóc đợt 2 (bón đón đòng): Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng (quan sát trên đồng ruộng khi lá lúa biểu hiện thắt eo, thân cây tròn mình) thì bà con tiến hành bón đón đòng với lượng bón từ 3 – 4 kg kali/sào; nếu ruộng có biểu hiện thiếu đạm, cây thấp, lá vàng, thì bà con có thể bón kết hợp với 1- 1,5kg đạm, khi bón cần 2 duy trì mực nước trên ruộng từ 3 – 5 cm. Những ruộng có bộ lá xanh, chân đất trũng chúng ta không bón kết hợp với đạm. Chú ý: Khi bón thúc đón đòng cần phải đảm bảo duy trì giữ mực nước trong ruộng, không bón kali vào ngày mưa, lá lúa ướt phân kali bám lên lá làm cháy lá.

 + Ngoài các loại phân đơn thì nếu bà con sử dụng phân hỗn hợp NPK chuyên dùng cho cây lúa và phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây, bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên bao bì.

 - Về lúa cỏ: Hiện nay trên đồng ruộng, lúa cỏ đã xuất hiện rải rác ở hầu hết các địa phương trong huyện, tỷ lệ nơi cao 1-3% số cây (HTX Hồng Phong – Ninh Hoà; Đông Vân – Ninh Vân; Đông Giang – Ninh Giang; Thắng Thành – Trường Yên). Trong ruộng lúa nhiễm lúa cỏ thì ruộng lúa có nhiều tầng, đa số lúa cỏ có chiều cao cây lớn hơn lúa trồng; thân mảnh, lá dài và màu vàng hơn lúa trồng đều là lúa cỏ. Lúa cỏ có khả năng sinh trưởng rất mạnh, thời gian sinh trưởng ngắn hơn lúa trồng. Hạt lúa cỏ có râu và dễ rụng (sau khi trỗ 10 ngày, khi hạt lúa vào chắc là bắt đầu rụng hạt, mức độ rụng hạt càng tăng khi đến giai đoạn chín, tỷ lệ rụng hạt trung bình là 50%, nhiều dòng lên đến 90%), dẫn đến năng suất lúa giảm. Hạt lúa rụng là nguồn lây nhiễm, phát tán gây hại ở vụ sau, năm sau. Để hạn chế sự gây hại của lúa cỏ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, điều tra phát hiện, theo dõi diễn biến, mức độ gây hại của lúa cỏ để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, đặc biệt ở những diện tích đã bị lúa cỏ gây hại ở vụ trước.

+ Đối với ruộng lúa đang bị lúa cỏ gây hại rải rác cần nhổ bỏ lúa cỏ bằng tay;

 + Khi lúa trỗ trỗ thoát dùng liềm cắt bỏ hết những bông lúa cỏ đem tiêu hủy triệt để. Tuyệt đối không tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

 - Tiếp tục diệt chuột theo kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 26/11/2021 của UBND huyện. Trong đó, chú trọng biện pháp thủ công như: Đào bắt, đặt các loại bẫy.

 2. Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện:

Chủ trì, phối hợp với các HTX nông nghiệp có biện pháp đảm bảo đủ nước để lúa sinh trưởng phát triển tốt.

 3. Điện lực Hoa Lư: Thực hiện tốt phương án cấp điện phục vụ yêu cầu sản xuất vụ Đông xuân.

 4. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và truyền thanh huyện phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT, trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông tin tuyên truyền các biện pháp chăm sóc bón đón đòng và xử lý lúa cỏ vụ đông xuân 2021-2022.

5. Phòng Nông nghiệp & PTNT; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật phụ trách các xã, thị trấn thường xuyên bám sát cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chăm bón lúa đợt 2, kiểm tra phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao. Trên đây là một số công việc cần được tập trung giải quyết, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp, Chi nhánh khai thác công trình thuỷ lợi huyện, Điện lực Hoa Lư, phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệptriển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phải báo cáo ngay về UBND huyện để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

Tin khác
Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?