Chủ Nhật, 08/09/2024

TIẾP CÔNG DÂN

Thứ Tư, 19/07/2023 Đã xem: 39

 Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 18.4.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Luật số 42/2013/QH13 Tiếp công dân ngày 25/11/2013 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Luật này quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

2. Việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 41.11.LQ.6. Nội dung quản lý nhà nước về thể dục, thể thaoĐiều 32.2.LQ.18. Hình thức, thời điểm công khai thông tin của Luật 104/2016/QH13 Tiếp cận thông tin ban hành ngày 06/04/2016)

Điều 18.4.NĐ.1.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân ngày 26/06/2014 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

Nghị định này quy định chi tiết về việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở tiếp công dân; quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

 

Điều 18.4.NĐ.1.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, người tiếp công dân.

2. Người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân.

 

Điều 18.4.QĐ.1.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg Về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

Quyết định này quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tư vấn pháp luật; góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

 

Điều 18.4.QĐ.1.2. Đốì tượng áp dụng

(Điều 2 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

Quyết định này áp dụng đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

 

Điều 18.4.TT.1.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 41/2012/TT-BQP Quy định chế độ bồi dưỡng đối với các đối tượng thuộc quân đội trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tô cáo, kiến nghị, phản ánh ngày 14/05/2012 của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/06/2012)

 

Thông tư này quy định về chế độ bồi dưỡng theo ngày đối với các đối tượng thuộc quân đội trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các trụ sở hoặc địa điểm sau:

1. Trụ sở tiếp công dân của Bộ Quốc phòng;

2. Trụ sở tiếp công dân của các Quân khu, Quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Cảnh sát biển, Quân đoàn, Binh chủng, Học viện, Nhà trường, Tập đoàn, Tổng công ty và các đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Nơi tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân tại các đơn vị cấp Sư đoàn, Lữ đoàn, Trung đoàn, Ban chỉ huy quân sự huyện và tương đương.

 

Điều 18.4.TT.1.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 41/2012/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/06/2012)

 

1. Sĩ quan chuyên trách hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân; công nhân viên chức quốc phòng và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ tiếp công dân, được cấp có thẩm quyền giao nhiêm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại Điều 1 Thông tư này.

2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân; công nhân viên chức quốc phòng và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được cấp có thẩm quyền mời, triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại Điều 1 Thông tư này.

3. Các đối tượng không thuộc Khoản 1, Khoản 2 Điều này, được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc mời phối hợp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, bảo đảm y tế tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại Điều 1 Thông tư này.

4. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân; công nhân viên chức quốc phòng và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.TT.1.3. Mức bồi dưỡng)

Điều 18.4.TT.4.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP Quy định quy trình tiếp công dân ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Thông tư này quy định quy trình tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 4 Luật tiếp công dân và các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.4.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, người tiếp công dân.

2. Người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.5.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP Quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Thông tư này quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (sau đây gọi chung là đơn).

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.TT.9.16. Giải quyết khiếu nại)

Điều 18.4.TT.5.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền, trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong việc xử lý đơn; công dân, tổ chức, cơ quan có đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh, công dân có đơn tố cáo.

 

Điều 18.4.TT.6.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 30/2015/TT-BCA Quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân ngày 03/07/2015 của Bộ Công an, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, trách nhiệm, hình thức, địa điểm, cán bộ tiếp công dân; tiếp nhận đơn, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; tiếp, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, có nhiều người tham gia và báo cáo trong công tác tiếp công dân.

2. Việc tiếp đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan Công an để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì do văn bản quy phạm pháp luật khác quy định.

 

Điều 18.4.TT.6.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Công an các đơn vị, địa phương.

2. Cán bộ Công an được giao nhiệm vụ tiếp công dân.

3. Người đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan Công an để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.4. Trách nhiệm tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.8.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

(Điều 1 Thông tư số 151/2015/TT-BTC Hướng dẫn vỉệc quản lý, sử dụng và quyết toán kỉnh phí bảo đảm thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về vỉệc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cẩp với các cẩp Hộỉ Nông dân Việt Nam trong việc tỉếp công dân, giải quyết khiếu nại, tổ cáo của nông dân ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015)

 

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân (sau đây gọi tắt là Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg) của các Bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân các cấp.

2. Đối tượng được áp dụng của Thông tư này bao gồm:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo quy định tại Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg;

b) Hội Nông dân các cấp;

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 

Điều 18.4.TT.9.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn về quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 11/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

Thông tư này hướng dẫn về quy trình tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách thuộc các lĩnh vực: người có công; lao động; tiền lương; việc làm; an toàn lao động; bảo hiểm xã hội; quản lý lao động ngoài nước; giáo dục nghề nghiệp; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội tại các cơ quan, đơn vị trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Điều 18.4.TT.9.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cơ quan, đơn vị trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Cục, Tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Điều 18.4.TT.10.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT Quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 01/02/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Thông tư này quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm: công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và chế độ báo cáo.

2. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Quyết định số 1175/QĐ-BTTTT ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo Thông tư này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

 

Điều 18.4.TT.10.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Điều 18.4.TT.11.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 59/2016/TT-BQP Quy định tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng ngày 21/04/2016 của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

Thông tư này quy định về tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân (gọi chung là nơi tiếp công dân) của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (gọi chung là cơ quan, đơn vị) trong Bộ Quốc phòng; nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người tiếp công dân; mối quan hệ của cơ quan quản lý nơi tiếp công dân với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của trụ sở tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng.

 

Điều 18.4.TT.11.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng; công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh những nội dung liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng.

 

Điều 18.4.TT.12.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 320/2016/TT-BTC quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

Thông tư này quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được quy định tại Điều 20 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 64/2014/NĐ-CP).

 

Điều 18.4.TT.12.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 320/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.TT.13.1. Phạm vi điều chỉnh

(Điều 1 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP Quy định về trang phục đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ngày 29/12/2016 của Thanh tra Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

Thông tư này quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng trang phục, màu sắc, chất liệu, quy cách trang phục đối với người tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiếp công dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 64/2014/NĐ-CP).

 

Điều 18.4.TT.13.2. Đối tượng áp dụng

(Điều 2 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

1. Đối tượng được cấp trang phục là cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, Trụ sở tiếp công dân cấp huyện, bao gồm Ban tiếp công dân và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 12 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.

2. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có trang phục riêng của Ngành thì cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên sử dụng trang phục ngành đó và không được cấp phát trang phục theo Thông tư này.

 

Điều 18.4.LQ.2. Giải thích từ ngữ

(Điều 2 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

2. Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó.

3. Nơi tiếp công dân bao gồm Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân hoặc nơi làm việc khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân bố trí và phải được thông báo công khai hoặc thông báo trước cho người được tiếp.

 

Điều 18.4.TT.5.4. Giải thích từ ngữ

(Điều 4 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn là văn bản có nội dung được trình bày dưới một hình thức theo quy định của pháp luật, gửi đến cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền để khiếu nại hoặc tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh.

2. Xử lý đơn là việc cơ quan nhà nước, tổ chức người có thẩm quyền khi nhận được đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức phải căn cứ và đối chiếu với quy định của pháp luật để thụ lý giải quyết nếu thuộc thẩm quyền của mình hoặc hướng dẫn công dân hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.LQ.3. Nguyên tắc tiếp công dân

(Điều 3 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

3. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013Điều 18.4.TT.6.4. Nguyên tắc tiếp công dânĐiều 18.4.TT.11.3. Nguyên tắc tiếp công dân)

Điều 18.4.LQ.4. Trách nhiệm tiếp công dân

(Điều 4 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm:

a) Chính phủ;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục;

c) Ủy ban nhân dân các cấp;

d) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

đ) Các cơ quan của Quốc hội;

e) Hội đồng nhân dân các cấp;

g) Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Căn cứ vào quy định của Luật này, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dânĐiều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013Điều 18.4.TT.6.2. Đối tượng áp dụng)

Điều 18.4.TT.10.3. Trách nhiệm tiếp công dân

(Điều 3 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, bao gồm:

a) Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông;

c) Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực;

d) Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức.

2. Trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật Tiếp công dân và Điều 4 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.

3. Trách nhiệm của người tiếp công dân thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Luật Tiếp công dân.

 

Điều 18.4.LQ.5. Quản lý công tác tiếp công dân

(Điều 5 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân; trực tiếp quản lý công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương.

Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý công tác tiếp công dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp việc tổ chức hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và quản lý công tác tiếp công dân của Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước.

Các cơ quan quy định tại khoản này có trách nhiệm định kỳ tổng kết và thông báo kết quả tổ chức tiếp công dân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình cho Chính phủ để tổng hợp chung báo cáo Quốc hội.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dânĐiều 35.3.LQ.13. Xem xét báo cáo)

Điều 18.4.QĐ.1.3. Nguyên tắc phối hợp

(Điều 3 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân phải kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.5. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nạiĐiều 18.1.LQ.65. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nạiĐiều 6. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáoĐiều 43. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.QĐ.1.4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp

(Điều 4 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ để Hội Nông dân các cấp tham gia kịp thời, hiệu quả trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai của nông dân.

3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện để Hội Nông dân Việt Nam tham gia các chương trình giáo dục phổ biến pháp luật của Chính phủ; hỗ trợ nghiệp vụ cho hệ thống Trung tâm Tư vấn pháp luật và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, huy động nông dân tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở nông thôn.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã phối hợp với Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nông dân được tư vấn pháp luật trực tuyến tại địa phương.

5. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định, phân bổ kinh phí hàng năm giao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

6. Ủy ban nhân dân các cấp khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân có trách nhiệm mời Hội Nông dân cùng cấp tham gia và tham khảo ý kiến của Hội Nông dân về quan điểm giải quyết vụ việc.

Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thì Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đối thoại, có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc; tạo điều kiện để Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chủ động phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo đúng quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.5. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nạiĐiều 18.1.LQ.65. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nạiĐiều 6. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáoĐiều 43. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011Điều 18.4.QĐ.1.6. Tổ chức thực hiện)

Điều 18.4.QĐ.1.5. Nội dung phối hợp của các cấp Hội Nông dân Việt Nam

(Điều 5 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

1. Tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nông dân.

3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân phù hợp với tập quán văn hóa từng địa phương, vùng, miền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, nông dân.

4. Bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ Hội làm công tác tư vấn pháp luật, cán bộ Hội ở cơ sở và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”.

5. Tham gia tiếp nông dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị.

6. Xây dựng, mở rộng mô hình Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở nông thôn; tư vấn, trợ giúp pháp lý; hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân ngay từ cơ sở.

7. Kiện toàn, nâng cấp Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; hướng dẫn thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật cho nông dân tại các địa phương theo quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.5. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nạiĐiều 18.1.LQ.65. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nạiĐiều 6. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáoĐiều 43. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.LQ.6. Các hành vi bị nghiêm cấm

(Điều 6 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.

3. Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

4. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng.

5. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

6. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.

7. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

8. Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐẾN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH; TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI TIẾP CÔNG DÂN

Điều 18.4.LQ.7. Quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 7 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau đây:

a) Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

b) Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;

c) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;

d) Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

đ) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);

b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;

c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;

d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;

đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Điều 18.4.LQ.8. Trách nhiệm của người tiếp công dân

(Điều 8 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.

2. Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

3. Có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

4. Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

5. Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

6. Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Điều 18.4.TT.3.7. Quy trình tiếp công dân

(Điều 7 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT Quy định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giao thông vận tải ngày 12/09/2014 của Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Người tiếp công dân yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy ủy quyền, ghi chép đầy đủ họ tên, địa chỉ của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và yêu cầu công dân ký xác nhận vào Sổ tiếp công dân theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

2. Người tiếp công dân nghe công dân trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để ghi nhận.

3. Trường hợp công dân đến gửi đơn thư:

a) Đối với đơn thuộc thẩm quyền giải quyết thì làm thủ tục tiếp nhận, ký giấy xác nhận tiếp nhận đơn thư và hồ sơ, tài liệu kèm theo (nếu có). Trường hợp đơn thư chưa đầy đủ các thông tin theo quy định thì hướng dẫn công dân bổ sung, hoàn thiện lại đơn thư;

b) Đối với đơn thư không thuộc thẩm, quyền giải quyết thì hướng dẫn công dân gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

c) Đối với đơn thư vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh; hoặc đơn vừa có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết, vừa có nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn công dân viết thành đơn riêng về từng nội dung.

4. Trường hợp công dân đến không mang theo đơn thư mà trình bày trực tiếp:

a) Đối với nội dung khiếu nại thì hướng dẫn công dân viết thành đơn hoặc ghi lai nội dung khiếu nại và yêu cầu công dân ký tên hoặc điểm chỉ. Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại;

b) Đối với nội dung tố cáo thì hướng dẫn công dân viết thành đơn tố cáo hoặc ghi lại lời tố cáo (ghi âm lời tố cáo khi thấy cần thiết), bản ghi lời tố cáo phải cho người tố cáo đọc lại hoặc nghe lại và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo;

c) Đối với nội dung kiến nghị, phản ánh thì hướng dẫn công dân viết thành đơn kiến nghị, phản ánh phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người phản ánh, kiến nghị; nội dung phản ánh, kiến nghị.

5. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người thực hiện theo quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Luật Tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.25. Tiếp nhận và xử lý bước đầu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánhĐiều 18.4.LQ.26. Phân loại, chuyển nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyếtĐiều 18.4.LQ.29. Cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dungĐiều 18.4.LQ.30. Tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dânĐiều 18.4.LQ.31. Trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh)

Điều 18.4.TT.7.6. Trách nhiệm và quyền hạn của người tiếp công dân

(Điều 6 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc ngày 23/07/2015 của Uỷ ban Dân tộc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Trách nhiệm:

a) Người tiếp công dân chỉ được tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Ủy ban theo quy định; khi tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định. Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân; không gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở, trì hoãn việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Không được tiết lộ những thông tin, tài liệu, bút tích của người tố cáo;

b) Tiếp xúc ban đầu với công dân để nắm rõ mục đích, yêu cầu, nguyện vọng của công dân, tiếp nhận đơn, ghi chép nội dung công dân trình bày theo quy định. Đối với người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt thì người tiếp công dân báo cáo Thủ trưởng vụ, đơn vị mời người phiên dịch;

c) Người tiếp công dân có trách nhiệm giải thích cho công dân chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và trực tiếp hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết. Đối với những đơn có nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban thì gửi đến Thanh tra Ủy ban để xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Theo dõi, thống kê, tổng hợp, báo cáo về tình hình tiếp công dân.

2. Quyền hạn:

a) Yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có). Trong trường hợp có Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại thì người tiếp công dân yêu cầu xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý, giấy ủy quyền của người khiếu nại;

b) Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp những thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo; ký hoặc điểm chỉ vào biên nhận các tài liệu, giấy tờ do công dân cung cấp. Giao nhận tài liệu thực hiện theo Mẫu số 02-TCD ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Yêu cầu công dân viết thành văn bản hoặc người tiếp công dân ghi chép nội dung công dân trình bày, công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ vào văn bản đó;

d) Từ chối tiếp công dân trong những trường hợp sau:

- Vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài;

- Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng, Chủ nhiệm và Thủ trưởng vụ, đơn vị thuộc Ủy ban sau khi đã hướng dẫn, giải thích, trả lời theo quy định;

- Những người đang trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình;

- Người có hành vi vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân;

- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

Việc từ chối tiếp công dân thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Trường hợp công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xúc phạm, vu cáo, đe dọa, làm mất an ninh, trật tự tại khu vực tiếp công dân thì người tiếp công dân báo cáo Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng vụ, đơn vị, thông báo cho bảo vệ cơ quan để có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự công sở và đề nghị biện pháp xử lý theo quy định.

 

Mau so 01 - TCD. Thong bao tu choi tiep cong dan.docx

Mau so 02 - TCD. Giay bien nhan Thong tin

Điều 18.4.TT.7.8. Xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân

(Điều 8 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Vụ, đơn vị mình thì người tiếp công dân trực tiếp hướng dẫn công dân hoặc đề xuất Thủ trưởng vụ, đơn vị chuyển đơn đến Thanh tra Ủy ban để xử lý theo quy định. Việc xử lý đơn khiếu nại theo Mẫu 05-TCD, đơn tố cáo theo Mẫu 08-TCD và đơn kiến nghị, phản ánh thực hiện theo Mẫu 10-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Vụ, đơn vị mình thì người tiếp công dân đề xuất Thủ trưởng vụ, đơn vị thụ lý giải quyết theo quy định. Để xuất thụ lý thực hiện theo Mẫu số 03-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ việc, thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Vụ, đơn vị mình, người tiếp công dân lập phiếu hẹn với công dân, ghi đầy đủ nội dung và những vấn đề liên quan vào số tiếp công dân để theo dõi. Ghi phiếu hẹn theo Mẫu số 04-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp công dân có lý do chính đáng đề nghị được gặp Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Thủ trưởng vụ, đơn vị thì người tiếp công dân ghi lại nội dung đề nghị và báo cáo Thủ trưởng trực tiếp; ghi phiếu hẹn ngày, giờ tiếp, chuẩn bị hồ sơ liên quan; thông báo cho Văn phòng Ủy ban, đơn vị liên quan bố trí việc tiếp công dân theo quy định.

 

Mau so 03 - TCD. Phieu de xuat thu ly don.docx

Mau so 04 - TCD. Phieu hen thoi gian

Mau so 05 - TCD. huong dan nguoi khieu nai.docx

Mau so 08 - TCD. huong dan nguoi to cao.docx

Mau so 10 - XLD. chuyen don khieu nai

Điều 18.4.TT.11.8. Trách nhiệm, quyền hạn của người tiếp công dân

(Điều 8 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Người tiếp công dân phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chế độ, quy định của Bộ Quốc phòng và chỉ được tiếp công dân tại nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị; thực hiện trách nhiệm của người tiếp công dân theo quy định tại Điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013.

2. Việc từ chối tiếp công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Luật Tiếp công dân năm 2013.

 

Điều 18.4.TT.11.9. Mối quan hệ của cơ quan quản lý nơi tiếp công dân với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết vụ việc của công dân

(Điều 9 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do cơ quan quản lý nơi tiếp công dân (sau đây gọi chung là cơ quan tiếp công dân) các cấp chuyển đến. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải trả lời (bằng văn bản) cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông báo cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chuyển đơn đến biết việc thụ lý hay không thụ lý.

2. Cơ quan tiếp công dân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, yêu cầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết thông báo (bằng văn bản) kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để cơ quan tiếp công dân trả lời cho công dân biết.

3. Trường hợp cơ quan tiếp công dân đã yêu cầu nhiều lần nhưng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết vẫn không thực hiện hoặc cố tình không chấp hành thì Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân có quyền kiến nghị chỉ huy cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết; đồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo hoặc biện pháp xử lý của chỉ huy cấp mình.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.5. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nạiĐiều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.LQ.9. Những trường hợp được từ chối tiếp công dân

(Điều 9 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

Người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:

1. Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

2. Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;

3. Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;

4. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.NĐ.1.11. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánhĐiều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Điều 18.4.TT.4.4. Việc từ chối tiếp công dân

(Điều 4 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp khi công dân vi phạm các quy định tại Điều 9 Luật tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp.

Đối với những vụ, việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng công dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài thì người tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân, thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Chương III

TIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ TIẾP CÔNG DÂN Ở TRUNG ƯƠNG, TRỤ SỞ TIẾP CÔNG DÂN CẤP TỈNH, TRỤ SỞ TIẾP CÔNG DÂN CẤP HUYỆN; VIỆC TIẾP CÔNG DÂN Ở CẤP XÃ

Điều 18.4.LQ.10. Trụ sở tiếp công dân

(Điều 10 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; có đại diện của một số cơ quan, tổ chức tại trung ương hoặc địa phương tham gia tiếp công dân thường xuyên và là nơi để lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương trực tiếp tiếp công dân trong những trường hợp cần thiết.

2. Trụ sở tiếp công dân bao gồm:

a) Trụ sở tiếp công dân ở trung ương;

b) Trụ sở tiếp công dân ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh);

c) Trụ sở tiếp công dân ở quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Trụ sở tiếp công dân cấp huyện).

3. Ban tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân;

b) Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật;

c) Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận tại Trụ sở tiếp công dân; thực hiện việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân;

d) Theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý, trả lời về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà Ban tiếp công dân đã chuyển đến;

đ) Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

4. Cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm cử đại diện tham gia thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức mình tại Trụ sở tiếp công dân.

5. Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở tiếp công dân; quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Điều 18.4.NĐ.1.9. Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân các cấp

(Điều 9 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân trung ương

a) Ban Tiếp công dân trung ương có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương tương đương Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương tương đương Phó Vụ trưởng do Tổng thanh tra Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Ban Tiếp công dân trung ương thay thế Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư quy định tại Điều 3 của Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

b) Ban Tiếp công dân có các phòng nghiệp vụ để thực hiện việc tiếp công dân, xử lý đơn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh.

Ban Tiếp công dân cấp tỉnh có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh do một Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân phụ trách, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh tương đương cấp Trưởng phòng. Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm.

3. Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân cấp huyện.

Ban Tiếp công dân cấp huyện có Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng ban tiếp công dân cấp huyện do một Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phụ trách. Trưởng ban tiếp công dân cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân.

5. Ban Tiếp công dân các cấp có con dấu riêng để phục vụ công tác tiếp công dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mẫu dấu và việc sử dụng con dấu của Ban Tiếp công dân các cấp.

 

Điều 18.4.NĐ.1.10. Việc bố trí cơ sở vật chất tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân

(Điều 10 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Việc bố trí cơ sở vật chất tại Trụ sở tiếp công dân

Tổng thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí phòng làm việc, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân của người đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

Trụ sở tiếp công dân phải được bố trí ở địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân, việc đi lại của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trụ sở tiếp công dân các cấp được trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tiếp công dân.

2. Việc bố trí cơ sở vật chất tại địa điểm tiếp công dân

Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân mà không cử người tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân các cấp phải bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm khang trang, thuận tiện, có phòng tiếp công dân riêng, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân.

 

Điều 18.4.NĐ.1.11. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 11 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 11, Khoản 4 Điều 12, Khoản 4 Điều 13 của Luật Tiếp công dân.

Công chức kiêm nhiệm tiếp công dân ở cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

2. Đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm:

a) Thực hiện việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, tổ chức mình. Trường hợp vụ việc thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân thì hướng dẫn công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với đại diện cơ quan, tổ chức có trách nhiệm;

b) Trường hợp vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức thì người tiếp công dân báo cáo với Trưởng Ban Tiếp công dân để có biện pháp phối hợp với người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, xử lý;

c) Trường hợp vụ việc đã có văn bản hướng dẫn, trả lời nhưng công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật;

d) Từ chối việc tiếp công dân trong trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật Tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.9. Những trường hợp được từ chối tiếp công dânĐiều 18.4.LQ.11. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ươngĐiều 18.4.LQ.12. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnhĐiều 18.4.LQ.13. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện)

Điều 18.4.NĐ.1.12. Việc tiếp công dân, cử người đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân

(Điều 12 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Việc tiếp công dân của các Ban Tiếp công dân và các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân thực hiện như sau:

a) Ban Tiếp công dân trung ương làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân, bố trí người tiếp công dân thường xuyên trong các ngày làm việc và trong trường hợp đột xuất.

Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương theo quy định của Luật Tiếp công dân;

b) Ban Tiếp công dân cấp tỉnh làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân, bố trí người tiếp công dân thường xuyên trong các ngày làm việc và trong trường hợp đột xuất.

Văn phòng tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Ban Nội chính tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Tiếp công dân;

c) Ban Tiếp công dân ở cấp huyện làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân, bố trí người tiếp công dân thường xuyên trong các ngày làm việc và trong trường hợp đột xuất.

Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện theo quy định của Luật Tiếp công dân;

d) Công chức kiêm nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp công dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Hội đồng nhân dân cấp xã bố trí cán bộ tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

đ) Lịch tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải được niêm yết công khai. Người tiếp công dân có trách nhiệm tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố. Trường hợp tiếp công dân đột xuất thực hiện theo sự phân công của Trưởng Ban Tiếp công dân hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo cơ quan, tổ chức mình.

2. Cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải bố trí người có năng lực, trình độ phù hợp làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên.

a) Việc cử người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải được thông báo bằng văn bản cho Trưởng Ban Tiếp công dân, trong đó nêu rõ họ tên, chức vụ, phạm vi nhiệm vụ;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải thực hiện đúng quy chế tiếp công dân, nội quy của Trụ sở tiếp công dân; thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi nhiệm vụ được phân công; chấp hành chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức mình và điều hành của Trưởng Ban Tiếp công dân trong khi tiếp công dân; phối hợp chặt chẽ với cán bộ, công chức khác trong Trụ sở tiếp công dân để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân;

c) Trưởng Ban Tiếp công dân có trách nhiệm nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

 

Điều 18.4.NĐ.1.13. Phối hợp trong việc quản lý, điều hành hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân

(Điều 13 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Ban Tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân theo dõi, quản lý người tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

2. Ban Tiếp công dân có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tổ chức việc tiếp, hướng dẫn, trả lời công dân; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân hoặc lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương hoặc ở địa phương tiếp công dân.

Đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Tiếp công dân tổ chức việc tiếp công dân; chuẩn bị tài liệu, hồ sơ có liên quan để tham gia tiếp công dân theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở trung ương hoặc ở địa phương.

3. Ban Tiếp công dân chủ trì giao ban định kỳ hàng tháng với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân; khi cần thiết mời đại diện của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hoặc cơ quan có trách nhiệm bảo vệ Trụ sở tiếp công dân cùng tham dự.

4. Ban Tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hướng dẫn nghiệp vụ về tiếp công dân, xử lý đơn; đề nghị khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác tiếp công dân; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện quy định về việc phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân.

Đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Tiếp công dân trong việc thông báo tình hình tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm; cung cấp thông tin; trao đổi đường lối xử lý các vụ việc có liên quan, những vụ việc phức tạp, những vướng mắc về nghiệp vụ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân.

5. Ban Tiếp công dân chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân địa phương có biện pháp hỗ trợ công dân trong trường hợp cần thiết.

 

Điều 18.4.TT.4.16. Theo dõi, quản lý việc tiếp người khiếu nại

(Điều 16 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Sau khi kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ cần thiết và căn cứ vào đơn khiếu nại hoặc nội dung trình bày của người khiếu nại, những thông tin, tài liệu, bằng chứng mà người khiếu nại cung cấp, người tiếp công dân phải ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập vào phần mềm quản lý công tác tiếp công dân.

Sổ tiếp công dân hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân phải có các nội dung theo những tiêu chí như: số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ người khiếu nại, số lượng người khiếu nại, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) và những yêu cầu, đề nghị của người khiếu nại, tóm tắt kết quả tiếp và việc xử lý. Sổ tiếp công dân được thực hiện theo Mẫu số 06-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.27. Theo dõi, quản lý việc tiếp người tố cáo

(Điều 27 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Sau khi kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ cần thiết đối với trường hợp tố cáo và căn cứ vào trình bày của người tố cáo, những thông tin, tài liệu, bằng chứng mà họ cung cấp, người tiếp công dân phải nhập thông tin vào phần mềm quản lý công tác tiếp công dân hoặc ghi vào “Sổ tiếp công dân”, thực hiện theo Mẫu số 06-TCD ban hành kèm theo Thông tư này, để ghi chép đầy đủ các nội dung theo những tiêu chí đã xác định trên vào các cột, mục như: số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ người tố cáo, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có) và những yêu cầu, đề nghị của người tố cáo, tóm tắt kết quả tiếp và việc xử lý.

 

Điều 18.4.NĐ.1.14. Phối hợp trong việc đón tiếp, hướng dẫn công dân

(Điều 14 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Ban Tiếp công dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức việc thường trực, bảo vệ, hành chính, văn thư, chỉ dẫn đối với công dân.

Bộ phận hoặc công chức làm nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn thuộc Ban Tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, hướng dẫn công dân đến đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân để thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

2. Đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

3. Ban Tiếp công dân có trách nhiệm theo dõi; tổng hợp tình hình tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.4.3. Mục đích của việc tiếp công dân

(Điều 3 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước để xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh; trả lời cho công dân biết theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.NĐ.1.15. Phối hợp trong việc theo dõi, đôn đốc

(Điều 15 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Ban tiếp công dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng thời hạn quy định đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban Tiếp công dân chuyển đến.

Trường hợp đã được yêu cầu nhưng vụ việc chậm được giải quyết hoặc không được giải quyết thì Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương báo cáo Tổng thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định kiểm tra trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết vụ việc đó.

Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương kiến nghị Tổng thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Ban Tiếp công dân đề nghị người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân phối hợp, cử người tham gia kiểm tra khi có yêu cầu.

3. Cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với Ban Tiếp công dân cử người tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan.

 

Điều 18.4.NĐ.1.16. Phối hợp trong việc bảo vệ Trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân, bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 16 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Phối hợp trong việc bảo vệ Trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân:

a) Ban Tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; giao ban định kỳ hàng tháng, hàng quý để kiểm điểm, đánh giá về công tác phối hợp bảo vệ Trụ sở tiếp công dân;

b) Cơ quan công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ban Tiếp công dân, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, xử lý người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp trong việc bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

a) Người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân được các cơ quan, tổ chức tôn trọng, bảo vệ; được giải thích, hướng dẫn thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Người đến tố cáo được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo đảm bí mật và được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật;

b) Cơ quan, tổ chức, người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng, lắng nghe và giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật;

Người tiếp công dân không được sách nhiễu, phiền hà hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không được phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân.

 

Điều 18.4.NĐ.1.17. Phối hợp trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung

(Điều 17 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Ban Tiếp công dân các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, cơ quan thanh tra nhà nước các cấp trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.

2. Cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân, cơ quan thanh tra nhà nước các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Tiếp công dân trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.

3. Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Tiếp công dân trong việc tiếp công dân, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền, vận động thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương và áp dụng các biện pháp khác để xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.

 

Điều 18.4.TT.5.3. Nguyên tắc xử lý đơn

(Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị vũ trang, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận, phân loại xử lý đơn tập trung về một đầu mối và phải tuân theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính khoa học, khách quan, chính xác, kịp thời.

2. Đơn tiếp nhận được từ các nguồn quy định tại Điều 5 của Thông tư này phải được vào sổ hoặc nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để quản lý, theo dõi.

3. Đơn phải được gửi, chuyển, hướng dẫn đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết.

 

Điều 18.4.TT.5.28. Xếp lưu đơn

(Điều 28 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Xếp lưu đơn được áp dụng đối với các loại sau:

a) Đơn khiếu nại được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

b) Đơn khiếu nại đã hết thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật.

c) Đơn khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật mà không có nội dung, tình tiết mới có thể làm thay đổi nội dung đã giải quyết.

d) Đơn rách nát, tẩy xóa chữ không đọc được.

2. Thời hạn lưu trữ các loại đơn nêu tại khoản 1 Điều này là một năm, việc tiêu hủy đơn do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định.

 

Điều 18.4.TT.5.29. Quản lý, theo dõi

(Điều 29 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết đơn phải trả lời cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền đã chuyển đơn theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này.

2. Đơn tiếp nhận được từ các nguồn quy định tại Thông tư này phải được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận đánh số thứ tự vào sổ hoặc nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để tra cứu, quản lý, theo dõi. Việc lưu trữ sổ theo dõi và sao lưu dữ liệu trên máy tính, tra cứu thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và Danh mục bảo vệ bí mật của ngành.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần có các biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, theo dõi đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

 

Điều 18.4.TT.5.30. Kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh

(Điều 30 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Cơ quan Thanh tra nhà nước các cấp có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc:

1. Kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

2. Định kỳ sáu tháng, một năm chủ trì giao ban với cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh để thông báo tình hình, rút kinh nghiệm, bàn biện pháp phối hợp.

 

Điều 18.4.LQ.11. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương

(Điều 11 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Trụ sở tiếp công dân ở trung ương được đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan trung ương của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ.

2. Ban tiếp công dân trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các Trụ sở tiếp công dân ở trung ương.

3. Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương.

4. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về công tác xây dựng Đảng và những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của các ban đảng trung ương, trừ các nội dung quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về những vấn đề liên quan đến kỷ luật Đảng, phẩm chất cán bộ, đảng viên, về sinh hoạt trong nội bộ tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

c) Đại diện Ban Nội chính Trung ương tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Nội chính các cấp; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng;

d) Đại diện Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;

đ) Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước;

e) Đại diện Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến chủ trương, chính sách, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến trách nhiệm của nhiều bộ, nhiều ngành;

g) Ban tiếp công dân trung ương tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

5. Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này.

6. Tổng Thanh tra Chính phủ quy định nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.NĐ.1.11. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh)

Điều 18.4.NĐ.1.6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân trung ương

(Điều 6 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân trung ương:

a) Bố trí người tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân trung ương;

b) Điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa người của Ban Tiếp công dân trung ương với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương hoặc lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương tiếp công dân.

2. Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật.

3. Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

a) Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân trung ương hoặc qua đường bưu điện hoặc do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chuyển đến Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân trung ương và cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương.

b) Hướng dẫn hoặc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết đối với đơn đã tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của Ban Tiếp công dân trung ương, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương.

4. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

a) Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với những đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban Tiếp công dân trung ương chuyển đến;

b) Chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà Ban Tiếp công dân trung ương chuyển đến khi được Tổng thanh tra Chính phủ giao.

5. Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân trung ương, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương; báo cáo định kỳ và đột xuất với Thanh tra Chính phủ, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

6. Tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung:

a) Tổ chức tiếp hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung;

b) Phối hợp với Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân trung ương; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật tại Trụ sở tiếp công dân trung ương;

c) Phối hợp với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương xem xét, giải quyết.

7. Tham mưu giúp Tổng thanh tra Chính phủ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

8. Phối hợp với các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tham mưu giúp Tổng thanh tra Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân và xử lý đơn.

9. Thực hiện nhiệm vụ khác do Tổng thanh tra Chính phủ giao.

 

Điều 18.4.LQ.12. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh

(Điều 12 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được tổ chức ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với Tỉnh ủy, Thành ủy (sau đây gọi chung là Tỉnh ủy), Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Ban tiếp công dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh.

3. Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp tỉnh thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh.

4. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đại diện Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về công tác xây dựng Đảng và những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tỉnh ủy;

b) Đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm tra Đảng cấp mình và cấp dưới; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về những vấn đề liên quan đến kỷ luật Đảng, phẩm chất cán bộ, đảng viên, về sinh hoạt trong nội bộ tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy;

c) Đại diện Ban Nội chính cấp tỉnh tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Nội chính cấp tỉnh; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của Ban Nội chính cấp tỉnh;

d) Đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân;

đ) Ban tiếp công dân cấp tỉnh tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, những vấn đề cần báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến chỉ đạo; về chủ trương, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dânĐiều 18.4.NĐ.1.11. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh)

Điều 18.4.NĐ.1.7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh

(Điều 7 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh:

a) Bố trí người tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh;

b) Điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa người của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân hoặc với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh hoặc lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở cấp tỉnh tiếp công dân.

2. Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật.

3. Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

a) Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh hoặc qua đường bưu điện hoặc do các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh;

b) Hướng dẫn, chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết đối với đơn đã tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh.

4. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

a) Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với những đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban Tiếp công dân cấp tỉnh chuyển đến;

b) Chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà Ban Tiếp công dân cấp tỉnh chuyển đến khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

5. Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh; của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân, Thanh tra tỉnh và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

6. Tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung:

a) Chủ trì tổ chức tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung;

b) Phối hợp với cơ quan công an địa phương bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh;

c) Phối hợp với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vận động, thuyết phục hoặc có biện pháp để công dân trở về địa phương xem xét, giải quyết.

7. Phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc:

a) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

b) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn đối với nhân dân, công chức, viên chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

c) Hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

8. Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

 

Điều 18.4.LQ.13. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện

(Điều 13 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Trụ sở tiếp công dân cấp huyện được thành lập ở mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy (sau đây gọi chung là Huyện ủy), Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Ban tiếp công dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

3. Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

4. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đại diện Văn phòng Huyện ủy tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về công tác xây dựng Đảng thuộc thẩm quyền của Huyện ủy;

b) Đại diện Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Đảng cấp huyện và cấp dưới; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về những vấn đề liên quan đến kỷ luật Đảng, phẩm chất cán bộ, đảng viên, về sinh hoạt trong nội bộ tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy;

c) Ban tiếp công dân cấp huyện tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp huyện; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, những vấn đề cần báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho ý kiến chỉ đạo; về chủ trương, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.NĐ.1.11. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh)

Điều 18.4.NĐ.1.8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân cấp huyện

(Điều 8 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện:

a) Bố trí người tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân;

b) Điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa người của Ban Tiếp công dân cấp huyện với đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân hoặc với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất, người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện hoặc lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở huyện tiếp công dân.

2. Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách pháp luật.

3. Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

a) Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện hoặc qua đường bưu điện hoặc do các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Tiếp công dân cấp huyện, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện;

b) Hướng dẫn, chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của Ban Tiếp công dân cấp huyện và của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

4. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

a) Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với những đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban Tiếp công dân cấp huyện chuyển đến;

b) Chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà Ban Tiếp công dân cấp huyện chuyển đến khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

5. Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban tiếp công dân cấp huyện; của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện; báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện, thanh tra huyện, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

6. Tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung:

a) Chủ trì tổ chức tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung;

b) Phối hợp với cơ quan công an địa phương bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện;

c) Phối hợp với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vận động, thuyết phục hoặc có biện pháp để công dân trở về địa phương xem xét, giải quyết.

7. Phối hợp với Thanh tra huyện tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc:

a) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

b) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn đối với nhân dân, công chức, viên chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

c) Hướng dẫn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

8. Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

 

Điều 18.4.LQ.14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban tiếp công dân

(Điều 14 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Quản lý, điều hành hoạt động tại Trụ sở tiếp công dân; điều hành, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

2. Phân công công chức thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

3. Chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân và cơ quan, tổ chức hữu quan khác chuẩn bị cho lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân.

4. Yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cử người có trách nhiệm đến Trụ sở tiếp công dân để phối hợp tham gia tiếp công dân khi có vụ việc phức tạp hoặc trong trường hợp cần thiết khác.

5. Yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân, nội quy, quy chế tiếp công dân.

 

Điều 18.4.LQ.15. Việc tiếp công dân ở xã, phường, thị trấn

(Điều 15 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Việc tiếp công dân của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp xã và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Ban hành nội quy tiếp công dân;

b) Bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Phân công người tiếp công dân;

d) Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này;

đ) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;

e) Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 

Chương IV

TIẾP CÔNG DÂN TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC; TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 18.4.LQ.16. Việc tổ chức tiếp công dân tại cơ quan hành chính nhà nước

(Điều 16 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Bộ, cơ quan ngang bộ thành lập bộ phận tiếp công dân hoặc bố trí công chức thuộc Thanh tra bộ làm công tác tiếp công dân.

Việc tiếp công dân của tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất tổ chức và hoạt động của từng tổ chức.

2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí công chức thuộc Thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân.

Việc tiếp công dân của cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và việc tiếp công dân của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất tổ chức và hoạt động của từng cơ quan.

3. Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương, Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện thì không bố trí địa điểm tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan mình.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013Điều 18.4.TT.3.4. Nơi tiếp công dânĐiều 18.4.TT.7.4. Địa điểm, thành phần tiếp công dânĐiều 18.4.TT.10.4. Thời gian, địa điểm tiếp công dân)

Điều 18.4.NĐ.1.3. Việc tổ chức tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập

(Điều 3 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Các cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tùy theo tính chất, đặc điểm, quy mô về tổ chức và hoạt động, yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ bố trí công chức thanh tra làm nhiệm vụ tiếp công dân.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức phải tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm bố trí công chức, viên chức của bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ tiếp công dân.

Căn cứ vào quy định của Luật Tiếp công dân và Nghị định này, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập quy định việc tổ chức tiếp công dân tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

 

Điều 18.4.TT.2.5. Tiếp công dân của Bộ

(Điều 5 Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 18/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014)

 

1. Địa điểm tiếp công dân của Bộ GDĐT đặt tại trụ sở cơ quan Bộ (số 49, đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) và tại Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh (số 3, Công trường Quốc Tế, Quận 3).

2. Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được uỷ quyền) tiếp công dân vào ngày 25 hàng tháng, nếu trùng ngày nghỉ thì bố trí tiếp công dân vào ngày làm việc ngay sau đó.

3. Thanh tra Bộ tổ chức tiếp công dân vào các ngày làm việc trong tuần tại địa điểm tiếp công dân của Bộ.

4. Trách nhiệm của các đơn vị chức năng thuộc Bộ:

a) Văn phòng Bộ, Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm bố trí Phòng tiếp công dân và bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phối hợp với Thanh tra Bộ hướng dẫn công dân đến khiếu nại, tố cáo trật tự, đúng pháp luật; phối hợp với cơ quan công an phụ trách địa bàn có biện pháp xử lý đối với những người vi phạm nội quy tiếp công dân, gây mất trật tự công cộng ở nơi tiếp công dân; vu cáo, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan nhà nước, người thi hành nhiệm vụ, công vụ;

b) Người đứng đầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ có trách nhiệm cử đại diện phối hợp với Thanh tra Bộ trong việc chuẩn bị nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của mình tại buổi tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ và khi được Thanh tra Bộ yêu cầu.

 

Điều 18.4.TT.2.6. Tiếp công dân của các đơn vị trực thuộc Bộ

(Điều 6 Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014)

 

1. Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một ngày và phải niêm yết công khai ngày, giờ tiếp công dân; tiếp đột xuất khi có vụ việc phức tạp.

2. Các đơn vị trực thuộc Bộ bố trí Phòng tiếp công dân tại trụ sở chính của đơn vị. Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, đảm bảo các điều kiện cần thiết để tiếp công dân, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

Điều 18.4.TT.3.5. Tổ chức việc tiếp công dân

(Điều 5 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Lịch tiếp công dân

a) Văn phòng Bộ bố trí lịch tiếp công dân của Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền) 01 ngày trong tháng và công bố trên Trang thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải;

b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 2 của Thông tư này có trách nhiệm tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong tháng tại nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình và các trường hợp đột xuất khác theo quy định của pháp luật. Lịch tiếp công dân của cơ quan, đơn vị phải được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

2. Cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ tiếp công dân

a) Thanh tra Bộ có trách nhiệm phân công cán bộ thường trực tiếp công dân trong các ngày làm việc tại nơi tiếp công dân của Bộ;

b) Văn phòng Bộ, các Vụ, Ban thuộc Bộ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải cử cán bộ tham gia tiếp công dân khi có nội dung liên quan đến trách nhiệm tham mưu và có yêu cầu của Thanh tra Bộ;

c) Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Vụ Pháp chế - Thanh tra; Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam giao Phòng Pháp chế -Thanh tra; Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam giao Thanh tra Cục; Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Y tế giao thông vận tải, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và đơn vị sự nghiệp công lập giao bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ hoặc văn phòng làm nhiệm vụ tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.TT.5.2. Đối tượng áp dụngĐiều 18.1.TT.5.8. Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh)

Điều 18.4.TT.3.6. Nội dung tiếp công dân

(Điều 6 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Tiếp nhận khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quyền lợi của người khiếu nại.

2. Tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ.

3. Tiếp nhận ý kiến đóng góp trong quản lý, xây dựng các chế độ chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị.

4. Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị.

5. Tiếp nhận thông tin, tài liệu trong quá trình giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

6. Tuyên truyền, phổ biến cho công dân biết về quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị khi công dân yêu cầu.

 

Điều 18.4.TT.6.3. Mục đích tiếp công dân

(Điều 3 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Để tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Công an các đơn vị, địa phương theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng pháp luật, đúng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

 

Điều 18.4.TT.6.4. Nguyên tắc tiếp công dân

(Điều 4 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Tuân thủ quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại địa điểm tiếp công dân của Công an đơn vị, địa phương có thẩm quyền.

3. Bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

4. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.3. Nguyên tắc tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.10.5. Việc tổ chức tiếp công dân thường xuyên của Bộ

(Điều 5 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Thanh tra Bộ có trách nhiệm:

a) Giúp Bộ trưởng tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của Bộ; chủ trì tổ chức, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật;

b) Phân công công chức, viên chức có đủ năng lực làm công tác thường trực tiếp công dân trong các ngày làm việc tại nơi tiếp công dân của Bộ;

c) Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có liên quan cử công chức, viên chức cùng tham gia tiếp công dân tại phòng tiếp công dân khi cần thiết;

d) Hướng dẫn, trả lời việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

2. Văn phòng Bộ có trách nhiệm:

a) Bố trí phòng tiếp công dân, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Bộ (18 Nguyễn Du, Hà Nội); chỉ dẫn, tiếp đón công dân theo quy định;

b) Thông báo cho Thanh tra Bộ cử công chức, viên chức tiếp công dân khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

c) Trường hợp công dân đến yêu cầu được Lãnh đạo Bộ tiếp, thì bố trí lịch để Lãnh đạo Bộ tiếp công dân; thông báo cho các đơn vị có liên quan và Thanh tra Bộ cử công chức, viên chức cùng tham gia tiếp công dân với Lãnh đạo Bộ;

d) Phối hợp với cơ quan công an trong việc giữ gìn an ninh, trật tự nơi tiếp công dân của Bộ.

3. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cử công chức, viên chức tham gia tiếp công dân khi có nội dung liên quan đến trách nhiệm tham mưu và có yêu cầu của Thanh tra Bộ.

4. Các Cục, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho phòng có chức năng thanh tra (trường hợp có chức năng thanh tra), bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ hoặc văn phòng làm nhiệm vụ tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 11. Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Thông tư 03/2016/TT-BTTTT Quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 01/02/2016)

Điều 18.4.TT.10.6. Bộ trưởng tiếp công dân

(Điều 6 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Bộ trưởng trực tiếp tiếp công dân theo định kỳ 01 ngày/tháng tại phòng tiếp công dân của Bộ.

2. Ngoài thời gian tiếp công dân định kỳ hàng tháng, Bộ trưởng trực tiếp hoặc tùy theo nội dung phân công Thứ trưởng tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân.

3. Trong việc tiếp công dân của Bộ trưởng:

a) Văn phòng Bộ có trách nhiệm bố trí lịch tiếp công dân của Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền) 01 ngày/tháng và các trường hợp đột xuất khác theo quy định của pháp luật; thông báo và cập nhật lịch tiếp công dân của Bộ trưởng trên hệ thống lịch làm việc của Lãnh đạo Bộ, niêm yết lịch tiếp công dân tại phòng tiếp công dân của Bộ; chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin thông báo về lịch tiếp công dân của Bộ trưởng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; bảo đảm an ninh trật tự tại địa điểm tiếp công dân;

b) Thanh tra Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ chuẩn bị kế hoạch, hồ sơ, tài liệu phục vụ buổi tiếp công dân của Bộ trưởng, báo cáo Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo;

c) Các đơn vị thuộc Bộ đang giải quyết vụ việc Bộ trưởng dự kiến tiếp công dân có trách nhiệm chủ động chuẩn bị nội dung, hồ sơ, tài liệu phục vụ buổi tiếp công dân của Bộ trưởng; phối hợp với Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ chuẩn bị kế hoạch buổi tiếp công dân của Bộ trưởng;

d) Khi Bộ trưởng tiếp công dân, lãnh đạo Thanh tra Bộ, lãnh đạo Văn phòng Bộ, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ phụ trách lĩnh vực công tác có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đại diện các đơn vị khác có liên quan theo yêu cầu của Bộ trưởng có trách nhiệm cùng dự.

 

Điều 18.4.TT.10.7. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ tiếp công dân

(Điều 7 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm b, điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư này có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày/tháng tại nơi tiếp công dân của đơn vị.

2. Ngoài thời gian tiếp công dân định kỳ, Thủ trưởng các đơn vị được quy định tại điểm b, điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư này có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 18 của Luật Tiếp công dân hoặc theo chỉ đạo của Bộ trưởng.

 

Điều 18.4.TT.10.8. Nội dung tiếp công dân

(Điều 8 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Xác định nhân thân của người khiếu nại, tính hợp pháp của người đại diện; xác định nhân thân của người tố cáo, thực hiện các biện pháp giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; xác định nhân thân của người đến kiến nghị, phản ánh.

2. Tiếp nhận khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người khiếu nại.

3. Tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ; các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

4. Tiếp nhận ý kiến đóng góp trong quản lý, xây dựng các chế độ chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị.

5. Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị.

6. Tiếp nhận thông tin, tài liệu trong quá trình giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

7. Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

8. Tuyên truyền, phổ biến cho công dân biết về quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị khi công dân yêu cầu.

 

Điều 18.4.TT.10.9. Quy trình tiếp công dân

(Điều 9 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

Thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ về quy định quy trình tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.11.3. Nguyên tắc tiếp công dân

(Điều 3 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Việc tiếp công dân chỉ được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

2. Phải bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, thuận tiện, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

3. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo

quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.3. Nguyên tắc tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.11.12. Trách nhiệm của các cơ quan

(Điều 12 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu chủ trì, phối hợp với Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị, Thanh tra Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng thống nhất biên chế sĩ quan chuyên trách, nhân viên phục vụ bảo đảm hoạt động tiếp công dân của Bộ Quốc phòng.

2. Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng phối hợp Thanh tra Bộ Quốc phòng lập, phân bổ dự toán ngân sách và bảo đảm kinh phí cho hoạt động tiếp công dân.

3. Thanh tra Bộ Quốc phòng

a) Chủ trì rà soát, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản cụ thể hóa nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị của Bộ Chính trị, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về công tác tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng;

b) Chủ động phối hợp với Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng lập, phân bổ dự toán ngân sách, bảo đảm kinh phí cho hoạt động tiếp công dân;

c) Tổ chức sơ kết, tổng kết, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ năng lực nghiệp vụ và kỹ năng về công tác tiếp công dân, cung cấp mẫu biểu sổ sách tiếp công dân; nghiên cứu đề xuất Thanh tra Chính phủ xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống tiếp công dân từ cơ sở đến Trung ương;

d) Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình công tác tiếp công dân của Bộ Quốc phòng báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Thanh tra Chính phủ và Chính phủ theo quy định.

 

Điều 18.4.LQ.17. Việc tổ chức tiếp công dân tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước

(Điều 17 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước khu vực có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân và bố trí địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể việc tổ chức tiếp công dân của cơ quan mình, của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, của Kiểm toán nhà nước khu vực.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.62. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Điều 18.4.LQ.18. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân

(Điều 18 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình:

a) Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân;

b) Bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân;

c) Phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên;

d) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung;

đ) Kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân;

e) Có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;

g) Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

3. Thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;

b) Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

4. Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.10.LQ.62. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối caoĐiều 35.10.LQ.63. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối caoĐiều 35.10.LQ.65. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp caoĐiều 35.10.LQ.66. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnhĐiều 35.10.LQ.67. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyệnĐiều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Điều 18.4.NĐ.1.4. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập

(Điều 4 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình:

a) Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân;

b) Bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân của cơ quan, đơn vị; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân;

c) Phân công cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên;

d) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung;

đ) Kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân;

e) Bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;

g) Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình.

3. Thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;

b) Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

4. Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo cho công dân biết thời gian trả lời.

 

Điều 18.4.TT.2.7. Xử lý đơn

(Điều 7 Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014)

 

Khi nhận được đơn của công dân gửi đến thì người đứng đầu đơn vị chức năng thuộc Bộ, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm xem xét và xử lý như sau:

1. Đơn khiếu nại, đơn tố cáo; đơn có nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền thì thực hiện theo quy định tại Chương III, Thông tư này.

2. Đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì trực tiếp chuyển toàn bộ hồ sơ hoặc gửi đến cơ quan Thanh tra cùng cấp để thực hiện thủ tục chuyển vụ việc tố cáo cho cơ quan có thẩm quyền.

3. Đơn không có nội dung khiếu nại, tố cáo nhưng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình thì xem xét, giải quyết và trả lời công dân.

4. Đơn có nội dung khiếu nại, tố cáo, không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân gửi đơn khiếu nại đến nơi có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

5. Không xem xét, giải quyết những đơn sau đây:

a) Đơn không ghi rõ ngày tháng năm viết đơn; không ghi rõ họ tên địa chỉ của người viết đơn; không có chữ ký hoặc điểm chỉ trực tiếp của người viết đơn;

b) Đơn khiếu nại không liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; hết thời hạn, thời hiệu khiếu nại; khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai; khiếu nại đã được toà án thụ lý;

c) Đơn tố cáo không ghi rõ tên, địa chỉ của người tố cáo; đơn tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết mà không có nội dung mới hoặc nội dung tố cáo không có điều kiện để xác minh;

d) Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người, trong đó đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

 

Điều 18.4.TT.3.23. Quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo

(Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Chánh Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

2. Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng có trách nhiệm phân công lãnh đạo, bố trí cán bộ theo dõi, thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, giải quyết kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Thông tư này.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

4. Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác này trong phạm vi quản lý của Bộ trưởng.

5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của các cơ quan, đơn vị cấp dưới.

 

Điều 18.4.TT.3.24. Chế độ báo cáo

(Điều 24 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng quý, 06 tháng, 9 tháng, hàng năm gửi về Bộ (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 17 của tháng cuối quý theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để tổng hợp.

2. Định kỳ hàng quý, 06 tháng, 9 tháng, hàng năm, Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp trình Bộ trưởng hoặc thừa lệnh Bộ trưởng báo cáo Thanh tra Chính phủ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo quy định.

 

Điều 18.4.TT.4.32. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc trực tiếp tiếp công dân

(Điều 32 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 Luật tiếp công dân.

2. Thủ trưởng trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình. Qua việc trực tiếp tiếp công dân, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước biết được tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, đơn vị cấp dưới để từ đó có biện pháp kiểm tra, đôn đốc cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và người cần liên hệ tiếp để biết kết quả giải quyết.

4. Việc tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải được cán bộ, công chức giúp việc ghi chép đầy đủ vào sổ tiếp công dân và được lưu giữ tại nơi tiếp công dân. Những ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Nơi tiếp công dân phải được thông báo bằng văn bản đến cho các bộ phận liên quan biết để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo và thông báo cho công dân được biết ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan.

 

Điều 18.4.TT.6.6. Bố trí cán bộ tiếp công dân

(Điều 6 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Thanh tra Bộ; Thanh tra Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Thanh tra Công an cấp tỉnh, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh giúp thủ trưởng đơn vị bố trí cán bộ thanh tra để tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình.

2. Các đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh nơi không có tổ chức thanh tra; Công an cấp huyện; Công an xã, Công an thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, Công an phường, đồn, trạm Công an khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ trực ban phải báo cáo thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách hoặc cán bộ kiêm nhiệm làm nhiệm vụ thanh tra để tiếp công dân theo quy định.

3. Cán bộ tiếp công dân phải có phẩm chất đạo đức tốt; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; có kiến thức, năng lực chuyên môn phù hợp, khả năng vận động, thuyết phục quần chúng; có thái độ, tác phong đúng mực, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao và chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân.

4. Chánh Thanh tra Bộ, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào biên chế và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để bố trí cán bộ và lãnh đạo phụ trách công tác tiếp công dân phù hợp với yêu cầu.

 

Điều 18.4.TT.6.7. Hình thức tiếp công dân

(Điều 7 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Tổ chức tiếp công dân định kỳ

a) Bộ trưởng Bộ Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an (thời gian cụ thể do Thanh tra Bộ thống nhất với Văn phòng Bộ Công an báo cáo Bộ trưởng quyết định); các ngày khác giao cho Chánh Thanh tra Bộ tổ chức thực hiện;

b) Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình (thời gian cụ thể do Thủ trưởng, Giám đốc quyết định); các ngày khác giao cho Chánh Thanh tra Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Công an cấp tỉnh, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh tổ chức thực hiện;

c) Trưởng Công an cấp huyện định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất hai ngày tại địa điểm tiếp công dân của Công an cấp huyện;

d) Trưởng Công an xã, Công an thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, Trưởng Công an phường, đồn, trạm Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị mình.

2. Tổ chức tiếp công dân đột xuất

Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương ngoài việc tiếp công dân định kỳ, còn phải tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau:

a) Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;

b) Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến huỷ hoại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe công dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự;

c) Tiếp công dân theo yêu cầu của cấp trên.

3. Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Thanh tra Công an cấp tỉnh, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần. Trường hợp cần thiết hoặc khi thủ trưởng cấp trên trực tiếp giao, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương quy định tại khoản này phải trực tiếp tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.6.8. Trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân

(Điều 8 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân; yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân (nếu có); nếu là người được ủy quyền, người đại diện theo pháp luật phải có giấy tờ hợp pháp theo quy định.

2. Giải thích quyền, nghĩa vụ của công dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đề nghị công dân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho cơ quan Công an theo đúng quy định của pháp luật.

3. Trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì cán bộ tiếp công dân đề nghị công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh.

4. Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh viết thành đơn riêng để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

5. Tiếp nhận đơn và các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân để xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân thì hướng dẫn công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

6. Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định tại Thông tư số 68/2013/TT-BCA ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân; Thông tư số 10/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân và các quy định của pháp luật có liên quan.

7. Thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý.

 

Điều 18.4.TT.6.9. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc tiếp công dân

(Điều 9 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Tham mưu cho thủ trưởng đơn vị trong công tác tiếp công dân; chuẩn bị kế hoạch, các điều kiện cần thiết cho việc tiếp công dân.

2. Chuẩn bị nội dung và các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà thủ trưởng đơn vị sẽ tiếp công dân.

3. Cử cán bộ chuyên môn ghi nội dung tiếp công dân, nhận các thông tin, tài liệu, chứng cứ do công dân cung cấp.

4. Đề nghị thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

5. Kết thúc việc tiếp công dân phải phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan giúp thủ trưởng đơn vị chuẩn bị văn bản chỉ đạo giải quyết và thông báo kết quả xử lý đơn cho công dân.

6. Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị để trả lời công dân theo quy định.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được phân công.

 

Điều 18.4.TT.6.10. Trách nhiệm của thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong việc tiếp công dân

(Điều 10 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Tiếp nhận, xử lý và chỉ đạo giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an đơn vị, địa phương cấp dưới theo quy định của pháp luật.

2. Trả lời về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì phải thông báo rõ cho công dân biết lý do và thời gian trả lời.

 

Điều 18.4.TT.6.15. Báo cáo trong công tác tiếp công dân

(Điều 15 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Hàng tháng, 06 tháng, 01 năm, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả về công tác tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình lên thủ trưởng cấp trên trực tiếp quản lý (qua cơ quan thanh tra cùng cấp).

2. Báo cáo 06 tháng, 01 năm về công tác tiếp công dân của Công an các đơn vị, địa phương được thực hiện chung trong báo cáo kết quả các mặt công tác thanh tra theo quy định tại Thông tư số 02/2012/TT-BCA ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chế độ báo cáo của lực lượng Công an nhân dân và Thông tư số 10/2012/TT-BCA ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác thống kê trong Công an nhân dân.

3. Báo cáo chuyên đề, đột xuất về công tác tiếp công dân phải gửi kịp thời theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

 

Điều 18.4.TT.7.5. Trách nhiệm tiếp công dân

(Điều 5 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm:

a) Thành lập bộ phận tiếp công dân; quy định việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban;

b) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của Ủy ban; ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để tiếp công dân theo quy định;

c) Trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại trụ sở của Ủy ban; tiếp công dân đột xuất theo đề nghị của Chánh Thanh tra Ủy ban;

d) Chỉ đạo Chánh Thanh tra, Thủ trưởng vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban (sau đây gọi là Thủ trưởng vụ, đơn vị) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, đột xuất;

đ) Ủy quyền cho Chánh Thanh tra Ủy ban thực hiện nhiệm vụ thường trực công tác tiếp công dân của Ủy ban và yêu cầu Thủ trưởng vụ, đơn vị liên quan cử người tham gia tiếp công dân khi cần thiết.

2. Trách nhiệm của Thanh tra Ủy ban:

a) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân của Ủy ban;

b) Thực hiện việc ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm về công tác tiếp công dân;

c) Bố trí công chức có năng lực tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở Ủy ban;

d) Tiếp nhận, phân loại, hướng dẫn, trả lời đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; gửi thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân;

đ) Đôn đốc các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban giải quyết khiếu nại, tố cáo khi quá thời hạn quy định nhưng chưa được giải quyết theo thẩm quyền. Đôn đốc thực hiện theo Mẫu số 09-TCD ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan xây dựng lịch tiếp công dân, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để Bộ trưởng, Chủ nhiệm tiếp công dân.

3. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban:

a) Thông báo cho Thanh tra Ủy ban khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo; chuyển đơn thư của công dân đến Thanh tra Ủy ban để xử lý theo quy định;

b) Phối hợp với Thanh tra Ủy ban bố trí lịch, địa điểm để Bộ trưởng, Chủ nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Thanh tra Ủy ban khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy quyền trả lời, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân theo quy định;

d) Bố trí phòng tiếp công dân riêng, trang bị điều kiện vật chất, phương tiện, thiết bị, đồ dùng cần thiết và công tác bảo đảm an ninh trật tự cho các địa điểm tiếp công dân của Ủy ban theo quy định.

4. Trách nhiệm của Thủ trưởng vụ, đơn vị:

a) Thủ trưởng vụ, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp công dân chịu trách nhiệm quản lý công tác tiếp công dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Phối hợp với Chánh Thanh tra Ủy ban tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân;

b) Cử công chức, viên chức có chuyên môn theo yêu cầu của Chánh Thanh tra Ủy ban để cùng phối hợp tiếp công dân; tham gia đoàn kiểm tra xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đề nghị của Thanh tra Ủy ban hoặc theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.

5. Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Trưởng Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 4 điều này, còn có trách nhiệm sau:

a) Bố trí phòng tiếp công dân, lịch tiếp công dân và công chức thường trực tiếp công dân theo quy định;

b) Tùy theo yêu cầu công việc, Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng đại diện trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng;

c) Chỉ đạo các phòng chức năng trực thuộc phối hợp thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tiếp công dân;

d) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Lãnh đạo Ủy ban và Thanh tra Ủy ban về công tác tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.7.9. Sổ tiếp công dân

(Điều 9 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Sổ tiếp công dân phải được ghi đầy đủ thông tin theo Mẫu số 06-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Quản lý và theo dõi sổ tiếp công dân:

a) Thanh tra Ủy ban quản lý và theo dõi sổ tiếp công dân của Ủy ban;

b) Thủ trưởng vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban được giao nhiệm vụ tiếp công dân phân công người quản lý, ghi sổ tiếp công dân, theo dõi, cập nhật đầy đủ thông tin theo khoản 1 điều này.

 

Điều 18.4.TT.7.29. Trách nhiệm của Thanh tra Ủy ban

(Điều 29 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Tham mưu với Bộ trưởng, Chủ nhiệm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban.

2. Quản lý hồ sơ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Ủy ban theo quy định.

3. Kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

4. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân của Ủy ban.

5. Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của đơn vị mình và các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban để báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan theo quy định.

6. Xếp lưu đơn

a) Lưu đơn đối với các loại đơn sau:

- Đơn không đủ điều kiện để xử lý theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11 của Thông tư này;

- Đơn khiếu nại đã hết thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật;

- Đơn khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật; kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật mà không có nội dung, tình tiết mới có thể làm thay đổi nội dung đã giải quyết;

- Đơn rách nát, tấy xóa không đọc được chữ, nội dung đơn trình bày không rõ ràng;

b) Thời hạn lưu trữ các loại đơn quy định tại điểm a khoản 6 điều này là 01 năm, việc tiêu hủy đơn phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.TT.8.11. Phân loại đơn)

Điều 18.4.TT.7.30. Trách nhiệm của các Vụ, đơn vị

(Điều 30 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

Thủ trưởng vụ, đơn vị quản lý, mở sổ theo dõi, lưu dữ liệu trên máy tính về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Vụ, đơn vị mình theo quy định.

 

Điều 18.4.TT.7.31. Chế độ thông tin, báo cáo

(Điều 31 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Việc cung cấp, tra cứu thông tin, tài liệu lưu trữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và Danh mục bảo vệ bí mật của Ủy ban.

2. Thủ trưởng vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban có trách nhiệm báo cáo định kỳ tháng, quý, sáu tháng, năm và đột xuất về tình hình, kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và gửi báo cáo về Ủy ban Dân tộc qua Thanh tra Ủy ban để tổng hợp.

Nội dung báo cáo thực hiện theo Mẫu số 16-TCD và Mẫu số 17-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này;

Thời gian gửi báo cáo: Ngày 15 hằng tháng, tháng cuối quý, tháng 6 và tháng 12 của năm báo cáo.

 

Điều 18.4.TT.9.4. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan trong việc tiếp công dân

(Điều 4 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Bộ trưởng, Giám đốc Sở, Lãnh đạo các Cục, Tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong mỗi tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan và tiếp công dân đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Bộ trưởng tiếp công dân vào ngày 20 hàng tháng. Nếu ngày 20 trùng vào ngày nghỉ thì việc tiếp công dân được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.

Giám đốc Sở, Lãnh đạo các Cục, Tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tiếp công dân theo lịch.

2. Trách nhiệm của cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp và cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giúp Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân:

a) Bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức thường trực tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân;

b) Chuẩn bị đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo để Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân;

c) Cử cán bộ ghi chép nội dung tiếp công dân, nhận các thông tin, tài liệu do công dân cung cấp;

d) Cử cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan cùng tiếp công dân với Thủ trưởng cơ quan để thực hiện những yêu cầu do Thủ trưởng giao;

đ) Bảo đảm an toàn, trật tự trong quá trình tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan;

e) Kết thúc việc tiếp công dân của Thủ trưởng, cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan chịu trách nhiệm giúp Thủ trưởng chuẩn bị các văn bản trả lời công dân.

Trường hợp vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành thì cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giúp Thủ trưởng chuẩn bị các văn bản trả lời công dân.

 

Điều 18.4.TT.9.23. Quản lý hồ sơ

(Điều 23 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

Bộ phận xử lý đơn có trách nhiệm quản lý, theo dõi, tổng hợp việc xử lý đơn do cơ quan tiếp nhận. Các cơ quan chức năng sau khi giải quyết đơn, gửi kết quả đến bộ phận xử lý đơn để tổng hợp, trả lời khi có yêu cầu.

 

Điều 18.4.TT.9.24. Lưu trữ hồ sơ

(Điều 24 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Sau khi có kết quả xử lý đơn, phải ghi sổ hoặc nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để quản lý, theo dõi. Việc lưu trữ sổ sách và sao lưu dữ liệu trên máy tính được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Đối với đơn thuộc thẩm quyền, sau khi có kết quả xử lý, phải lưu toàn bộ hồ sơ vụ việc theo quy định.

3. Đối với đơn không thuộc thẩm quyền, sau khi có văn bản hướng dẫn và trả lại đơn cho công dân hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phải lưu lại một (01) bản và sắp xếp quản lý theo quy định. Riêng đối với đơn chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phải sao lại đơn của công dân để lưu theo dõi.

4. Đối với đơn không đủ điều kiện xử lý, xếp lưu đơn theo thứ tự quản lý để phục vụ công tác tra cứu. Thời hạn lưu trữ là một (01) năm, việc tiêu hủy đơn do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

 

Điều 18.4.TT.10.10. Sổ tiếp công dân

(Điều 10 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Sổ tiếp công dân phải được ghi đầy đủ từng lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Cụ thể về nội dung: ngày, tháng, năm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; họ và tên, địa chỉ của từng công dân, số người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chữ ký của từng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; họ và tên của cán bộ tiếp công dân và nội dung xử lý.

2. Quản lý và theo dõi sổ tiếp công dân:

a) Thanh tra Bộ quản lý và theo dõi sổ tiếp công dân của Bộ;

b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư này giao cho bộ phận được phân công nhiệm vụ tiếp công dân quản lý, theo dõi sổ tiếp công dân của đơn vị mình.

3. Mẫu Sổ tiếp công dân được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ về quy định quy trình tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.10.22. Quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo

(Điều 22 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Chánh Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng có trách nhiệm phân công lãnh đạo, bố trí công chức, viên chức theo dõi, thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, giải quyết kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Thông tư này.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

4. Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác này trong phạm vi quản lý của Bộ trưởng.

5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của các cơ quan, đơn vị cấp dưới.

 

Điều 18.4.TT.10.23. Chế độ báo cáo

(Điều 23 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm b, điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 3 của Thông tư này có trách nhiệm báo cáo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng quý, hàng năm gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 10 của tháng cuối quý theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để tổng hợp.

2. Định kỳ hàng quý, hàng năm, Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp trình Bộ trưởng hoặc thừa lệnh Bộ trưởng báo cáo Thanh tra Chính phủ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo quy định.

 

Điều 18.4.TT.11.7. Trách nhiệm tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị

(Điều 7 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

a) Quy định tiếp công dân phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

b) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của Bộ Quốc phòng; bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để tiếp công dân theo quy định;

c) Trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng; tiếp công dân đột xuất theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng;

d) Chỉ đạo Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, đột xuất;

đ) Ủy quyền cho Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng ban hành nội quy tiếp công dân; thực hiện nhiệm vụ thường trực công tác tiếp công dân của Bộ Quốc phòng và yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan cử người tham gia tiếp công dân khi cần thiết.

2. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị các cấp

a) Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cấp trên về công tác tiếp công dân thuộc phạm vi mình quản lý. Thực hiện việc ủy quyền của Thủ trưởng cấp trên về công tác tiếp công dân;

b) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình; bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để tiếp công dân theo quy định. Chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp nhận, phân loại, hướng dẫn, trả lời đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thông báo về việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân với cơ quan, đơn vị liên quan. Đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn lại trực tiếp tiếp công dân ít nhất 02 ngày trong 01 tháng;

d) Ngoài lịch tiếp công dân định kỳ, Thủ trưởng các cấp thực hiện tiếp công dân khi có yêu cầu cấp thiết, như: Các vụ việc khiếu nại, tố cáo nhạy cảm, phức tạp nếu không xem xét giải quyết kịp thời có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến gây mất an ninh chính trị, hủy hoại tài sản Nhà nước, tài sản tập thể, xâm hại tính mạng của nhân dân, trật tự, an toàn nơi công cộng;

đ) Các trường hợp tiếp công dân theo yêu cầu của cấp trên.

3. Trách nhiệm của Thủ trưởng Thanh tra Bộ Quốc phòng

a) Giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý công tác tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng. Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về quản lý, điều hành Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng. Ban hành nội quy tiếp công dân; xây dựng lịch tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp công dân. Thực hiện việc ủy quyền của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác tiếp công dân;

b) Phân công cơ quan thực hiện đón tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng, đăng ký, phân loại, tiếp nhận, chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn công dân đến các phòng tiếp công dân của các cơ quan chức năng tại trụ sở; gửi thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân biết;

c) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Bộ Quốc phòng thực hiện tiếp công dân theo quy định;

d) Định kỳ hàng tháng chủ trì giao ban với đại diện của cơ quan, đơn vị tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng; khi cần thiết, mời đại diện cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Trụ sở tiếp công dân cùng tham dự. Thực hiện chế độ tổng hợp báo cáo công tác tiếp công dân trong toàn quân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.5. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nạiĐiều 18.1.LQ.22. Thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủĐiều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.LQ.19. Địa điểm tiếp công dân

(Điều 19 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.

Tại địa điểm tiếp công dân, phải niêm yết rõ ràng nội quy tiếp công dân của cơ quan, đơn vị, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật và các thông tin quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này.

2. Chính phủ quy định chi tiết việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.24. Công bố thông tin về việc tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhânĐiều 32.2.LQ.33. Biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân)

Điều 18.4.NĐ.1.5. Địa điểm tiếp công dân của cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập

(Điều 5 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bố trí địa điểm tiếp công dân bảo đảm khang trang, thuận tiện, có phòng tiếp công dân riêng, trang bị các điều kiện vật chất cần thiết để phục vụ việc tiếp công dân được thuận lợi.

2. Tại địa điểm tiếp công dân, phải niêm yết nội quy tiếp công dân, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật và công khai thông tin về việc tiếp công dân của cơ quan, đơn vị tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị (nếu có), bao gồm:

a) Nơi tiếp công dân; thời gian tiếp công dân thường xuyên;

b) Lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị;

c) Thành phần tham dự và dự kiến nội dung tiếp công dân của các buổi tiếp công dân định kỳ.

 

Điều 18.4.TT.3.4. Nơi tiếp công dân

(Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Các cơ quan quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Thông tư này phải bố trí phòng riêng để tiếp công dân. Phòng tiếp công dân đặt tại vị trí thuận tiện, được trang bị bàn ghế, máy vi tính, tủ đựng tài liệu, nước uống và các điều kiện cần thiết khác đảm bảo phục vụ công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Các đơn vị quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 của Thông tư này phải có nơi tiếp công dân, được bố trí phòng riêng hoặc bàn tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện để tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Nơi tiếp công dân phải niêm yết nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân của cơ quan, đơn vị.

4. Nội quy tiếp công dân phải ghi rõ trách nhiệm của người tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Lịch tiếp công dân phải được ghi cụ thể thời gian, chức vụ người tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.16. Việc tổ chức tiếp công dân tại cơ quan hành chính nhà nướcĐiều 18.1.TT.5.2. Đối tượng áp dụng)

Điều 18.4.TT.6.5. Địa điểm tiếp công dân

(Điều 5 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Bộ Công an bố trí địa điểm tiếp công dân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện như camera, máy tính, máy in, điện thoại, bàn, ghế, sổ, sách và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân. Trong trường hợp cần thiết (khiếu nại, tố cáo phức tạp, gây mất an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân) thì Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm cử lực lượng phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an.

2. Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh) bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết theo quy định tại khoản 1 Điều này để phục vụ việc tiếp công dân; có quy chế phối hợp với các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình.

3. Các đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh nơi không có tổ chức thanh tra căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của đơn vị báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp quản lý để bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết phục vụ việc tiếp công dân của đơn vị mình.

4. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện), Công an xã, Công an thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, Công an phường, đồn, trạm Công an bố trí địa điểm, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết phục vụ việc tiếp công dân.

5. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình.

6. Địa điểm tiếp công dân của Công an các đơn vị, địa phương phải bố trí tại vị trí thuận tiện để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thuận lợi; phải niêm yết công khai nội quy tiếp công dân, họ tên, cấp bậc, chức vụ, thời gian, lịch tiếp công dân của thủ trưởng và cán bộ tiếp công dân; có tủ sách pháp luật để công dân tham khảo khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

Điều 18.4.TT.7.4. Địa điểm, thành phần tiếp công dân

(Điều 4 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Địa điểm tiếp công dân của Ủy ban:

a) Trụ sở Ủy ban tại Hà Nội;

b) Trụ sở Vụ Địa phương II tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk;

c) Trụ sở Vụ Địa phương III tại thành phố Cần Thơ;

d) Trụ sở Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Địa điểm tiếp công dân được bố trí tại nơi thuận tiện, bảo đảm điều kiện và trang bị phương tiện cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh dễ dàng, thuận lợi. Phòng Tiếp công dân được bố trí khang trang, có biển ghi “Phòng Tiếp công dân”, niêm yết nội quy, lịch tiếp công dân.

3. Thành phần tiếp công dân của Ủy ban tại Hà Nội gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban (sau đây gọi là Bộ trưởng, Chủ nhiệm); công chức thuộc Thanh tra Ủy ban; công chức, viên chức thuộc Ủy ban và cơ quan liên quan tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.

4. Thành phần tiếp công dân quy định tại điểm b, c, d khoản 1 điều này, gồm 01 Lãnh đạo cấp vụ và 01 công chức được phân công tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.16. Việc tổ chức tiếp công dân tại cơ quan hành chính nhà nước)

Điều 18.4.TT.10.4. Thời gian, địa điểm tiếp công dân

(Điều 4 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Việc tiếp công dân thường xuyên được thực hiện tại phòng tiếp công dân trong giờ hành chính, trừ trường hợp đột xuất do người có thẩm quyền quyết định.

2. Các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 3 của Thông tư này phải bố trí phòng tiếp công dân. Phòng tiếp công dân thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Tiếp công dân và Điều 5 của Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.

3. Các đơn vị quy định tại điểm c, điểm d Khoản 1 Điều 3 của Thông tư này phải có nơi tiếp công dân, được bố trí phòng riêng hoặc bàn tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện để tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

4. Phòng tiếp công dân phải có biển ghi “Phòng tiếp công dân”, được niêm yết lịch làm việc và có “Nội quy tiếp công dân” theo Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.16. Việc tổ chức tiếp công dân tại cơ quan hành chính nhà nước)

Điều 18.4.TT.11.4. Trụ sở tiếp công dân

(Điều 4 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Trụ sở tiếp công dân phải bố trí ở nơi thuận lợi cho việc tiếp công dân và công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; được bảo đảm cơ sở vật chất để làm việc; phải niêm yết nội quy, quy trình tiếp công dân và công khai các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

2. Bố trí cán bộ tiếp công dân phải lựa chọn các đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn nghiệp vụ; có phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng tốt, am hiểu thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao.

3. Các cơ quan, đơn vị phải bố trí lực lượng bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự tại Trụ sở tiếp công dân thuộc cấp mình quản lý; có phương án bảo vệ trụ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trụ sở tiếp công dân làm việc theo giờ hành chính (trừ thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, tết).

4. Khi làm nhiệm vụ ngoài doanh trại, nếu đóng quân ở địa phương nào, các cơ quan, đơn vị phải tổ chức địa điểm tiếp công dân tại địa phương đó với hình thức thích hợp.

 

Điều 18.4.TT.11.5. Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng

(Điều 5 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng tại Hà Nội, là nơi tiếp công dân của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (gọi chung là các tổng cục) và các cục: Cán bộ, Chính sách, Tuyên huấn, Quân lực và Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng (gọi chung là các cục); Thanh tra Bộ Quốc phòng quản lý và bảo đảm hoạt động, Bộ Tổng Tham mưu bố trí lực lượng bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự.

2. Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng bố trí sĩ quan thường trực, sĩ quan chuyên trách, nhân viên phục vụ do Trưởng phòng Tiếp công dân/Thanh tra Bộ Quốc phòng phụ trách và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng về việc quản lý, duy trì hoạt động của Trụ sở tiếp công dân.

3. Các tổng cục bố trí sĩ quan chuyên trách tiếp công dân; các cục căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ, chức năng của cơ quan mình bố trí sĩ quan chuyên trách hoặc sĩ quan kiêm nhiệm tiếp công dân và thường trực tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Bộ Quốc phòng.

 

Điều 18.4.TT.11.6. Trụ sở tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị

(Điều 6 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Trụ sở tiếp công dân của quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục II, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, tập đoàn, tổng công ty, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là nơi tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cơ quan có nhiệm vụ tiếp công dân; bố trí sĩ quan chuyên trách và nhân viên phục vụ tiếp công dân; giao cơ quan thanh tra cùng cấp quản lý; chỉ huy cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

2. Địa điểm tiếp công dân của sư đoàn, trung đoàn và tương đương; Đồn biên phòng cửa khẩu, Hải đội Cảnh sát biển đóng quân độc lập và Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh bố trí kết hợp với phòng trực ban và giao cơ quan chính trị cùng cấp quản lý (bố trí sĩ quan kiêm nhiệm tiếp công dân thuộc cơ quan chính trị); đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trực ban có trách nhiệm thông báo cơ quan chính trị và người chỉ huy; cơ quan chính trị phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giúp chỉ huy tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

3. Nơi tiếp công dân của cơ quan Tòa án quân sự, Viện Kiểm sát quân sự, Điều tra hình sự, Thi hành án các cấp trong Quân đội do Thủ trưởng các cơ quan bố trí theo quy định của pháp luật và quy chế của chuyên ngành.

 

Chương V

TIẾP CÔNG DÂN CỦA CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

(Chương này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.NQ.1.1. Đại biểu Quốc hội tiếp công dân của Nghị quyết 228/1999/NQ-UBTVQH10 Về việc Đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân ban hành ngày 27/10/1999)

Điều 18.4.LQ.20. Tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội

(Điều 20 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội hoặc nơi tiếp công dân do các cơ quan của Quốc hội lựa chọn khi cần thiết để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp và tổ chức việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; đại diện cho các cơ quan của Quốc hội thực hiện tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương và địa điểm tiếp công dân của Quốc hội.

3. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phân công đại diện Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nghiên cứu và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách; phối hợp với Ban dân nguyện và các cơ quan hữu quan trong việc tiếp công dân khi cần thiết.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân)

Điều 18.4.LQ.21. Tiếp công dân của đại biểu Quốc hội

(Điều 21 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Đại biểu Quốc hội thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh hoặc nơi tiếp công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí theo sự phân công của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc khi thấy cần thiết.

Lịch tiếp công dân của đại biểu Quốc hội được thông báo cho đại biểu Quốc hội biết chậm nhất là 10 ngày làm việc, trước ngày có lịch tiếp. Trường hợp không thể tham gia tiếp công dân theo lịch đã được thông báo, đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chậm nhất là 05 ngày làm việc, trước ngày có lịch tiếp.

2. Khi công dân có yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sắp xếp thời gian tiếp công dân; trường hợp chưa thể tiếp công dân được thì đại biểu Quốc hội cử người nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.

3. Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Quốc hội thực hiện việc tiếp công dân; giúp đại biểu Quốc hội chuyển đơn và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dânĐiều 35.3.LQ.54. Giám sát của đại biểu Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân)

Điều 18.4.LQ.22. Tiếp công dân của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

(Điều 22 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cùng cấp hoặc tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử theo sự bố trí của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cùng cấp.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình tiếp công dân; sắp xếp lịch tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân; cử công chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử.

3. Đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện tiếp công dân theo lịch đã được phân công. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ở cấp xã thì thông qua Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.

 

Điều 18.4.LQ.23. Quy định chi tiết việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

(Điều 23 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 35.8.LQ.28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân)

Chương VI

HOẠT ĐỘNG TIẾP CÔNG DÂN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN

Điều 18.4.LQ.24. Công bố thông tin về việc tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân

(Điều 24 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Ban tiếp công dân ở trung ương, Ban tiếp công dân cấp tỉnh, Ban tiếp công dân cấp huyện có trách nhiệm niêm yết công khai tại Trụ sở tiếp công dân lịch tiếp công dân của lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương, danh sách các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đại diện cùng tham dự buổi tiếp công dân và nội dung tập trung giải quyết tại từng buổi tiếp công dân.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị, tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có).

Nội dung thông tin cần công bố bao gồm:

a) Nơi tiếp công dân;

b) Thời gian tiếp công dân thường xuyên;

c) Lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; thành phần tham dự và dự kiến nội dung tiếp công dân của các buổi tiếp công dân định kỳ.

3. Lịch tiếp công dân của đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được niêm yết công khai tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội, nơi tiếp công dân của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

4. Lịch tiếp công dân quy định tại khoản 1, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này được niêm yết chậm nhất là 05 ngày làm việc, trước ngày tiếp công dân; trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố do có lý do chính đáng thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác và phải thông báo cụ thể thời gian dự kiến tiếp công dân tại nơi tiếp công dân.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.19. Địa điểm tiếp công dânĐiều 32.2.LQ.18. Hình thức, thời điểm công khai thông tin)

Điều 18.4.LQ.25. Tiếp nhận và xử lý bước đầu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 25 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày nội dung vụ việc.

2. Nội dung trình bày phải được ghi vào sổ tiếp công dân gồm; số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tiếp nhận, xử lý vụ việc.

Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ.

3. Trường hợp trong đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh viết thành đơn riêng để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hoặc phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.NĐ.3.7. Tiếp nhận, xử lý đơn tố cáoĐiều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013Điều 18.4.TT.3.7. Quy trình tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.4.5. Xác định nhân thân của người khiếu nại

(Điều 5 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Khi tiếp người khiếu nại, người tiếp công dân yêu cầu người khiếu nại nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có) để xác định họ là người tự mình thực hiện việc khiếu nại hay là người đại diện khiếu nại hay là người được ủy quyền khiếu nại.

2. Trường hợp công dân hoặc người được ủy quyền, người đại diện theo quy định của pháp luật cho cá nhân, cơ quan, tổ chức không vi phạm quy định Điều 9 Luật tiếp công dân thì người tiếp công dân tiến hành việc tiếp công dân.

3. Trường hợp công dân hoặc người được ủy quyền, người đại diện theo quy định của pháp luật cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật tiếp công dân thì người tiếp công dân từ chối việc tiếp như quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.6. Xác định tính hợp pháp của người đại diện cho cơ quan, tổ chức khiếu nại

(Điều 6 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện xuất trình giấy giới thiệu, giấy tờ tùy thân của người được đại diện.

2. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện việc khiếu nại thì người tiếp công dân đề nghị người được ủy quyền xuất trình giấy ủy quyền, giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền.

 

Điều 18.4.TT.4.7. Xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền để khiếu nại

(Điều 7 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Trường hợp người đến trình bày là người đại diện, người được ủy quyền của người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật khiếu nại thì người tiếp công dân yêu cầu người đến trình bày xuất trình các giấy tờ chứng minh việc đại diện, ủy quyền hợp pháp của người khiếu nại hoặc giấy tờ khác có liên quan.

2. Trường hợp người đến trình bày là người đại diện, người được ủy quyền hợp pháp thì người tiếp công dân tiến hành các thủ tục tiếp như đối với người khiếu nại. Trong trường hợp ủy quyền không hợp pháp, không đúng quy định thì xử lý như theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.8. Xác định tính hợp pháp của luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người khiếu nại ủy quyền khiếu nại

(Điều 8 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Trường hợp người khiếu nại ủy quyền cho luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc khiếu nại thì người tiếp công dân yêu cầu luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và giấy ủy quyền khiếu nại.

 

Điều 18.4.TT.4.9. Xử lý trường hợp ủy quyền không đúng quy định

(Điều 9 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Trường hợp công dân không có giấy ủy quyền hợp lệ hoặc việc ủy quyền không theo đúng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 12 Luật khiếu nại thì người tiếp công dân không tiếp nhận hồ sơ vụ việc nhưng phải giải thích rõ lý do, hướng dẫn công dân, người được ủy quyền làm các thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại theo đúng quy định.

 

Điều 18.4.TT.4.10. Nghe, ghi chép nội dung khiếu nại

(Điều 10 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Khi người khiếu nại có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại để xử lý cho phù hợp.

Nếu nội dung đơn khiếu nại không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người khiếu nại viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu.

2. Trường hợp không có đơn khiếu nại thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.

Nếu công dân trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung khiếu nại do công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị người khiếu nại trình bày thêm, sau đó đọc lại cho người khiếu nại nghe và đề nghị người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.

3. Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, người tiếp công dân ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản như theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại.

4. Trường hợp đơn khiếu nại có nội dung tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn khiếu nại riêng để thực hiện việc khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.4.11. Xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại

(Điều 11 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Sau khi nghe người khiếu nại trình bày, nghiên cứu sơ bộ nội dung khiếu nại, các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan mà người khiếu nại cung cấp, người tiếp công dân xác định những nội dung sau:

1. Địa điểm, thời gian phát sinh vụ việc.

2. Người bị khiếu nại là cá nhân, cơ quan, tổ chức nào.

3. Nội dung khiếu nại và thẩm quyền giải quyết.

4. Đối tượng khiếu nại là quyết định hành chính hay hành vi hành chính.

5. Quá trình xem xét, giải quyết (nếu có): cơ quan đã giải quyết; kết quả giải quyết; hình thức văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

6. Yêu cầu của người khiếu nại.

 

Điều 18.4.TT.4.12. Tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại cung cấp

(Điều 12 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Khi người khiếu nại cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến khiếu nại như: quyết định hành chính bị khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), các thông tin, tài liệu, bằng chứng khác có liên quan thì người tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin, tài liệu, bằng chứng đó.

2. Trong trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, sau khi đối chiếu thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại cung cấp, người tiếp công dân phải viết “Giấy biên nhận”, thực hiện theo Mẫu số 02-TCD ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy biên nhận được lập thành 02 bản, ghi lại tên các thông tin, tài liệu, bằng chứng đã nhận, tình trạng thông tin, tài liệu, bằng chứng (chỉ nhận bản phô tô hoặc bản sao công chứng) và đề nghị người khiếu nại ký vào “Giấy biên nhận”, giao 01 bản cho người khiếu nại, 01 bản chuyển cho bộ phận thụ lý cùng các thông tin, tài liệu, bằng chứng đã nhận.

 

Điều 18.4.TT.4.17. Xác định nhân thân của người tố cáo

(Điều 17 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Khi tiếp người tố cáo, người tiếp công dân yêu cầu người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân.

Khi công dân xuất trình giấy tờ tùy thân thì người tiếp công dân kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ đó.

 

Điều 18.4.TT.4.18. Giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo

(Điều 18 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai; không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo; nếu thấy cần thiết hoặc khi người tố cáo yêu cầu thì người tiếp công dân áp dụng những biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo. Đơn yêu cầu bảo vệ được thực hiện theo Mẫu số 07-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.19. Nghe, ghi chép nội dung tố cáo

(Điều 19 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Khi người tố cáo có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật tố cáo thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người tố cáo để xử lý cho phù hợp.

Nếu nội dung đơn tố cáo không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người tố cáo viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu.

2. Trường hợp không có đơn tố cáo thì người tiếp công dân hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật tố cáo.

Nếu công dân trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung tố cáo; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị người tố cáo trình bày thêm, sau đó đọc lại cho người tố cáo nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật tố cáo.

3. Trường hợp nhiều người đến tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn người tố cáo cử người đại diện để trình bày nội dung tố cáo. Người tiếp công dân ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật tố cáo.

4. Trường hợp đơn tố cáo có nội dung khiếu nại hoặc kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn tố cáo riêng để thực hiện việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.4.20. Tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp

(Điều 20 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp thì người tiếp công dân phải làm Giấy biên nhận, thực hiện theo Mẫu số 02-TCD ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó ghi rõ từng loại thông tin, tài liệu, bằng chứng, tình trạng thông tin, tài liệu, bằng chứng, xác nhận của người cung cấp. Giấy biên nhận được lập thành 03 bản, 01 bản giao cho người tố cáo, 01 bản lưu vào hồ sơ, 01 bản cán bộ tiếp công dân lưu.

 

Điều 18.4.TT.4.28. Xác định nhân thân của người đến kiến nghị, phản ánh

(Điều 28 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Khi tiếp công dân đến kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có).

2. Trường hợp người đến kiến nghị, phản ánh không vi phạm Điều 9 Luật tiếp công dân thì người tiếp công dân tiến hành việc tiếp công dân.

3. Trường hợp người đến kiến nghị, phản ánh vi phạm Điều 9 Luật tiếp công dân thì thực hiện như quy định tại Điều 4 Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.29. Nghe, ghi chép nội dung kiến nghị, phản ánh

(Điều 29 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Khi người kiến nghị, phản ánh có đơn trình bày rõ ràng, đầy đủ nội dung kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người đến kiến nghị, phản ánh để xử lý cho phù hợp.

Nếu nội dung đơn kiến nghị, phản ánh không rõ ràng, chưa đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người kiến nghị, phản ánh viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu.

2. Trường hợp người đến kiến nghị, phản ánh không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn người đến kiến nghị, phản ánh viết đơn trong đó nêu rõ các nội dung kiến nghị, phản ánh. Nếu công dân trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung kiến nghị, phản ánh do công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị công dân ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

3. Trường hợp nhiều người đến kiến nghị, phản ánh về một nội dung hoặc đơn kiến nghị, phản ánh có chữ ký của nhiều người thì người tiếp công dân hướng dẫn người đến kiến nghị, phản ánh cử đại diện để trình bày nội dung kiến nghị, phản ánh hoặc viết lại đơn kiến nghị, phản ánh. Nếu công dân trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi lại nội dung kiến nghị, phản ánh bằng văn bản.

4. Trường hợp đơn kiến nghị, phản ánh có nội dung tố cáo hoặc khiếu nại thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn kiến nghị, phản ánh riêng để thực hiện kiến nghị, phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.4.30. Tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người kiến nghị, phản ánh cung cấp

(Điều 30 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Khi người kiến nghị, phản ánh cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan thì người tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các tài liệu, bằng chứng đó.

2. Trong trường hợp kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, sau khi đối chiếu thông tin, tài liệu, bằng chứng do người kiến nghị, phản ánh cung cấp, người tiếp công dân phải tiến hành tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người kiến nghị, phản ánh cung cấp. Việc tiếp nhận được thực hiện như trường hợp tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại cung cấp.

 

Điều 18.4.TT.5.5. Tiếp nhận đơn

(Điều 5 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đơn được tiếp nhận từ các nguồn sau:

1. Đơn gửi qua dịch vụ bưu chính.

2. Đơn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trực tiếp gửi đến qua bộ phận tiếp nhận đơn của cơ quan, tổ chức, đơn vị; qua hộp thư góp ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân.

3. Đơn do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật.

4. Đơn do lãnh đạo (người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu) cơ quan Đảng và Nhà nước tiếp nhận và chuyển đến bộ phận xử lý đơn thư để xử lý theo thẩm quyền.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.TT.8.10. Tiếp nhận đơn)

Điều 18.4.TT.6.11. Tiếp nhận đơn và thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp

(Điều 11 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Khi tiếp nhận đơn và thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cán bộ tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin, tài liệu, chứng cứ và phải lập giấy biên nhận về việc tiếp nhận, có chữ ký của cán bộ tiếp nhận và công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Giấy biên nhận được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.

2. Sau khi tiếp nhận đơn và những thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp, cán bộ tiếp công dân phải ghi vào sổ tiếp công dân hoặc cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính.

 

Điều 18.4.TT.9.5. Xác định nhân thân của công dân

(Điều 5 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân đề nghị công dân giới thiệu họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền, thẻ luật sư, giấy tờ khác có liên quan (nếu có) để xác định họ là người tự mình thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách hay là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền.

2. Trường hợp công dân hoặc người được ủy quyền, người đại diện theo pháp luật cho cá nhân, tổ chức không vi phạm Điều 9 Luật Tiếp công dân, người tiếp công dân tiến hành việc tiếp công dân.

Trường hợp công dân hoặc người được ủy quyền, người đại diện theo pháp luật cho cá nhân, tổ chức vi phạm Điều 9 Luật Tiếp công dân, người tiếp công dân từ chối tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân rõ lý do từ chối tiếp.

3. Trường hợp công dân không có giấy ủy quyền hợp lệ hoặc việc ủy quyền không theo đúng quy định tại điểm a, b, khoản 1, Điều 12 Luật Khiếu nại, người tiếp công dân không tiếp nhận hồ sơ vụ việc và phải giải thích rõ lý do, hướng dẫn công dân làm các thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại theo đúng quy định.

4. Trong quá trình tiếp công dân đến tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo; không tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo; áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho người tố cáo không bị đe dọa, trù dập, trả thù.

Trường hợp công dân đến tố cáo không xuất trình được giấy tờ tùy thân, người tiếp công dân từ chối tiếp, trừ trường hợp tố cáo có tính chất khẩn cấp.

 

Điều 18.4.TT.9.6. Nghe, ghi chép nội dung trình bày của công dân

(Điều 6 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Khi công dân trình bày và có đơn nêu nội dung rõ ràng, đầy đủ theo quy định, người tiếp công dân tiếp nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ kèm theo và cần xác định rõ nội dung vụ việc, yêu cầu của công dân để xử lý.

Nếu nội dung đơn không rõ ràng, chưa đầy đủ, người tiếp công dân đề nghị công dân viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn về những nội dung chưa rõ, còn thiếu.

2. Trường hợp công dân trình bày một trong các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà không có đơn, người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn.

Nếu trường hợp công dân không tự viết đơn được, người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị công dân ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Trường hợp công dân trình bày vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn khiếu nại, đơn tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh riêng để thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.9.7. Xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của công dân

(Điều 7 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

Sau khi nghe công dân trình bày, nghiên cứu sơ bộ nội dung, các thông tin, tài liệu liên quan mà công dân cung cấp, người tiếp công dân phải xác định những nội dung sau:

1. Địa điểm, thời gian phát sinh vụ việc;

2. Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách về vấn đề gì, lĩnh vực nào, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào;

3. Người bị khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh là cá nhân, cơ quan, tổ chức nào;

4. Quá trình xem xét, giải quyết: vụ việc đã được cấp nào giải quyết; kết quả giải quyết; hình thức văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền;

5. Yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đồng ý hay không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết; lý do khiếu nại, tố cáo tiếp (nếu có) và những bằng chứng mới mà người tố cáo cung cấp;

6. Trường hợp công dân hỏi chính sách thuộc lĩnh vực nào, cơ quan nào có trách nhiệm giải đáp để trả lời, hướng dẫn công dân.

 

Điều 18.4.TT.9.8. Xác định thẩm quyền giải quyết và xử lý nội dung đơn của công dân

(Điều 8 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Căn cứ nội dung công dân trình bày là khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách, người tiếp công dân xác định thẩm quyền của cá nhân, cơ quan, đơn vị giải quyết.

Việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 17 và Điều 18 Thông tư này.

2. Xử lý nội dung thuộc thẩm quyền

a) Trường hợp công dân đến khiếu nại, nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại, người tiếp công dân phải làm các thủ tục tiếp nhận đơn khiếu nại và các thông tin, tài liệu kèm theo do người khiếu nại cung cấp, chuyển đến bộ phận xử lý đơn để báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thụ lý trong thời hạn do pháp luật quy định.

Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết theo quy định, người tiếp công dân căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để trả lời hoặc hướng dẫn cho người khiếu nại bổ sung những thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại.

b) Trường hợp công dân đến tố cáo, nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hoặc người có thẩm quyền thuộc cơ quan, đơn vị mình mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Tố cáo, người tiếp công dân nhận đơn tố cáo, chuyển đến bộ phận xử lý đơn để báo cáo Thủ trưởng cơ quan hoặc chuyển người có thẩm quyền xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo.

c) Trường hợp công dân đến kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình, người tiếp công dân nhận đơn, chuyển bộ phận xử lý đơn để báo cáo người có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

d) Trường hợp công dân đến hỏi chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, người tiếp công dân trả lời. Nếu người tiếp công dân chưa trả lời được thì đề nghị cán bộ thuộc đơn vị chức năng tiếp và trả lời công dân. Trường hợp cán bộ thuộc đơn vị chức năng chưa thể trả lời ngay thì hẹn trả lời công dân theo quy định.

3. Xử lý nội dung không thuộc thẩm quyền

a) Trường hợp khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình, người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình, người tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Nếu công dân yêu cầu được nhận đơn, người tiếp công dân tiếp nhận, chuyển bộ phận xử lý đơn làm thủ tục chuyển đơn và các tài liệu liên quan đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng người tố cáo không cung cấp thông tin, bằng chứng mới, người tiếp công dân không tiếp nhận và giải thích cho người tố cáo biết.

c) Trường hợp kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình, người tiếp công dân hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.

 

Điều 18.4.TT.9.9. Vào sổ theo dõi

(Điều 9 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Sau khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải vào sổ tiếp công dân hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp dân theo các tiêu chí: số thứ tự; ngày tiếp; họ tên, địa chỉ công dân; số người; tóm tắt nội dung; phân loại theo tính chất (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách); phân loại theo lĩnh vực (người có công; lao động; tiền lương; việc làm; an toàn lao động; bảo hiểm xã hội; quản lý lao động ngoài nước; giáo dục nghề nghiệp; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; nội dung khác); quá trình xem xét, giải quyết của các cấp (nếu có); kết quả tiếp (trả lời trực tiếp công dân, hướng dẫn đến cơ quan nào hoặc tiếp nhận đơn).

2. Tổng hợp báo cáo số liệu, tình hình tiếp công dân hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan.

 

Điều 18.4.TT.9.10. Tiếp nhận đơn

(Điều 10 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Khi nhận đơn của công dân từ các nguồn theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị (sau đây viết là Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014) phải chuyển toàn bộ đến bộ phận xử lý đơn của cơ quan để đăng ký, theo dõi và xử lý theo quy định.

2. Đơn tiếp nhận phải được vào sổ hoặc nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để quản lý, theo dõi.

 

Điều 18.4.TT.11.10. Chế độ báo cáo

(Điều 10 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

Định kỳ hàng tháng, quý, năm, cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp công dân tổng hợp, báo cáo Thủ trưởng cấp mình và cấp trên về công tác tiếp công dân. Khi có vụ việc đột xuất, khẩn cấp, phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cấp có thẩm quyền để xử lý.

 

Điều 18.4.LQ.26. Phân loại, chuyển nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyết

(Điều 26 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Việc phân loại, chuyển nội dung khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyết trong quá trình tiếp công dân được thực hiện như sau:

a) Trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và đủ điều kiện thụ lý thì người tiếp công dân tiếp nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời báo cáo với người có thẩm quyền thụ lý;

b) Trường hợp khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để khiếu nại, tố cáo. Trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới mà chưa được giải quyết thì người tiếp công dân báo cáo người có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết;

c) Trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật thì người tiếp công dân giải thích, hướng dẫn để người đến khiếu nại, tố cáo chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và yêu cầu công dân chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo;

d) Trường hợp nhận được đơn khiếu nại, tố cáo không do người khiếu nại, người tố cáo trực tiếp chuyển đến thì thực hiện việc phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Việc phân loại, chuyển nội dung kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền thụ lý, giải quyết trong quá trình tiếp công dân được thực hiện như sau:

a) Trường hợp kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân báo cáo người có thẩm quyền để nghiên cứu, xem xét, giải quyết hoặc phân công bộ phận nghiên cứu, xem xét, giải quyết;

b) Trường hợp kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân chuyển đơn hoặc chuyển bản ghi lại nội dung trình bày của người kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để nghiên cứu, tiếp thu, xem xét, giải quyết.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013Điều 18.4.TT.3.7. Quy trình tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.4.13. Xử lý đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền

(Điều 13 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật khiếu nại thì người tiếp công dân phải làm các thủ tục tiếp nhận khiếu nại, đơn khiếu nại và các thông tin, tài liệu, bằng chứng kèm theo do người khiếu nại cung cấp (nếu có), báo cáo với thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị để thụ lý trong thời hạn do pháp luật quy định, đề xuất thụ lý đơn khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 03-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

Việc tiếp nhận các thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại cung cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết theo quy định thì người tiếp công dân căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để trả lời hoặc hướng dẫn cho người khiếu nại biết rõ lý do và bổ sung những thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại.

3. Trường hợp người khiếu nại đề nghị gặp thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị để khiếu nại những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người tiếp công dân ghi lại nội dung khiếu nại, đồng thời báo cáo với thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định. Nếu thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng ý và thống nhất được thời gian tiếp thì người tiếp công dân ghi Phiếu hẹn ngày, giờ, địa điểm tiếp cho người khiếu nại, thực hiện theo Mẫu số 04-TCD ban hành kèm theo Thông tư này; đồng thời có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc để phục vụ việc tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

Điều 18.4.TT.4.14. Xử lý đối với khiếu nại không thuộc thẩm quyền

(Điều 14 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Trường hợp khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, thực hiện theo Mẫu số 05-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền của cấp dưới nhưng quá thời gian quy định mà chưa được giải quyết thì người tiếp công dân phải báo cáo với thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định.

3. Trường hợp khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết thì người tiếp công dân báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại. Việc xử lý được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.15. Xử lý khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật và trường hợp có khả năng gây hậu quả khó khắc phục

(Điều 15 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Trường hợp khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nếu có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc hoặc xét thấy trong quá trình giải quyết vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan, lợi ích của nhà nước của tập thể thì người tiếp công dân báo cáo với thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định.

2. Trường hợp xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây ra hậu quả khó khắc phục thì người tiếp công dân phải kịp thời báo cáo để thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định tạm đình chỉ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó.

 

Điều 18.4.TT.4.21. Xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người tố cáo

(Điều 21 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Sau khi nghe, ghi chép nội dung tố cáo, nghiên cứu sơ bộ đơn tố cáo và các thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp, người tiếp công dân phải xác định được những nội dung sau:

1. Địa điểm, thời gian phát sinh vụ việc.

2. Người bị tố cáo là cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào.

3. Nội dung tố cáo, thẩm quyền giải quyết.

4. Quá trình xem xét, giải quyết, xử lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có): cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giải quyết, kết quả giải quyết, hình thức văn bản giải quyết, quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.

5. Yêu cầu của người tố cáo; lý do tố cáo tiếp và những thông tin, tình tiết, bằng chứng mới mà người tố cáo cung cấp trong trường hợp tố cáo tiếp.

 

Điều 18.4.TT.4.22. Xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền, không thuộc thẩm quyền

(Điều 22 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật tố cáo thì người tiếp công dân báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị để thụ lý giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật tố cáo. Việc đề xuất thụ lý đơn tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 03-TCD ban hành kèm theo Thông tư này. Việc tiếp nhận đơn và các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

2. Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người tiếp công dân hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết, thực hiện theo Mẫu số 08-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp nhưng quá thời gian quy định mà chưa được giải quyết thì người tiếp công dân báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị để ra văn bản yêu cầu cấp dưới giải quyết, thực hiện theo Mẫu số 09-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp tố cáo về hành vi phạm tội thì người tiếp công dân báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị để làm thủ tục chuyển đơn và các tài liệu liên quan đến cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.

 

Điều 18.4.TT.4.23. Xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

(Điều 23 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Trường hợp vụ, việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì người tiếp công dân phải kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất để thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn hoặc thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời.

 

Điều 18.4.TT.4.24. Xử lý tố cáo đối với đảng viên

(Điều 24 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Trường hợp tố cáo đối với đảng viên vi phạm quy định, điều lệ của Đảng được thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

 

Điều 18.4.TT.4.25. Xử lý đối với các trường hợp tố cáo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật tố cáo

(Điều 25 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Tố cáo thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật tố cáo thì người tiếp công dân không tiếp nhận, đồng thời giải thích cho người tố cáo biết, trong trường hợp cần thiết có thể ra thông báo từ chối tiếp công dân, thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.26. Xử lý tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích

(Điều 26 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đối với tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, công dân chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo của mình thì người tiếp công dân giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại; không tiếp nhận hoặc không đề xuất thụ lý để giải quyết tố cáo. Nếu công dân không chấp hành thì ra thông báo từ chối tiếp công dân, việc thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.4.31. Phân loại xử lý kiến nghị, phản ánh

(Điều 31 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Trường hợp kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân báo cáo người có thẩm quyền để nghiên cứu, xem xét, giải quyết hoặc phân công bộ phận nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Phiếu đề xuất thụ lý đơn được thực hiện theo Mẫu số 03-TCD ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân chuyển đơn, thực hiện theo Mẫu số 10-TCD ban hành kèm theo Thông tư này hoặc chuyển bản ghi lại nội dung trình bày của người kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để nghiên cứu, tiếp thu, xem xét, giải quyết.

 

Điều 18.4.TT.5.6. Phân loại đơn

(Điều 6 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Phân loại theo nội dung đơn, bao gồm:

a) Đơn khiếu nại.

b) Đơn tố cáo.

c) Đơn kiến nghị, phản ánh.

d) Đơn có nhiều nội dung khác nhau.

2. Phân loại theo điều kiện xử lý, bao gồm đơn đủ điều kiện xử lý, đơn không đủ điều kiện xử lý.

a) Đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt và được người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn;

- Đơn khiếu nại phải ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị khiếu nại, nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại;

- Đơn tố cáo phải ghi rõ nội dung tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;

- Đơn kiến nghị, phản ánh phải ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh;

- Đơn chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận đơn xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đã được xử lý nhưng người khiếu nại, người tố cáo được quyền khiếu nại, tố cáo tiếp theo quy định của pháp luật.

b) Đơn không đủ điều kiện xử lý.

- Là đơn không đáp ứng các yêu cầu tại điểm a khoản này;

- Đơn đã được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó đã gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đúng người có thẩm quyền giải quyết;

- Đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng nội dung.

3. Phân loại theo thẩm quyền giải quyết:

a) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b) Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Phân loại đơn theo số lượng người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh.

a) Đơn có họ, tên, chữ ký của một người.

b) Đơn có họ, tên, chữ ký của nhiều người (từ 05 người trở lên).

5. Phân loại đơn theo giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn

a) Đơn có kèm theo giấy tờ, tài liệu gốc.

b) Đơn không kèm theo giấy tờ, tài liệu gốc.

6. Phân loại theo thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

a) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ; Ủy ban nhân dân các cấp và (cơ quan, tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp hoặc của cơ quan hành chính khác).

b) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan dân cử, gồm đơn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp và các Ban của Hội đồng nhân dân các cấp.

c) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án.

d) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức tôn giáo.

đ) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị sự nghiệp công lập.

e) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp nhà nước.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.TT.4.7. Xử lý đơn có nhiều nội dung thuộc nhiều cấp có thẩm quyền giải quyết trong Công an nhân dânĐiều 18.1.TT.8.11. Phân loại đơnĐiều 12. Phân loại đơn của Thông tư 03/2016/TT-BTTTT Quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 01/02/2016)

Điều 18.4.TT.5.21. Đơn kiến nghị, phản ánh

(Điều 21 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc đề xuất thụ lý đơn kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo Mẫu 01 - XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người xử lý đơn đề xuất thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định việc chuyển đơn và các tài liệu kèm theo (nếu có) đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đơn kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo Mẫu số 06 - XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Mau so 01 - XLĐ. Thụ lý đơn.docx

Mau so 06 - XLĐ. Chuyen don Kien nghị

Điều 18.4.TT.5.22. Đơn có nhiều nội dung khác nhau

(Điều 22 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đối với đơn có nhiều nội dung khác nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người xử lý đơn hướng dẫn người gửi đơn tách riêng từng nội dung để gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Việc hướng dẫn được thực hiện theo Mẫu số 07 - XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Mau so 07 - XLĐ. Huong dan don co nhieu noi dung thuoc nhieu co quan co tham quyen giai quyet.docx

Điều 18.4.TT.5.23. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án

(Điều 23 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án thì người xử lý đơn hướng dẫn gửi đơn hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án.

 

Điều 18.4.TT.5.24. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan dân cử

(Điều 24 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan dân cử thì người xử lý đơn hướng dẫn gửi đơn hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.5.25. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo

(Điều 25 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đơn liên quan đến tổ chức, hoạt động trong nội bộ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo nào thì người xử lý đơn trình thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị hướng dẫn người gửi đơn hoặc chuyển đơn đến tổ chức có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và Điều lệ, Quy chế của tổ chức đó.

 

Điều 18.4.TT.5.26. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước

(Điều 26 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đơn liên quan đến tổ chức, hoạt động nội bộ của đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thì người xử lý đơn trình thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị hướng dẫn người gửi đơn hoặc chuyển đơn đến đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đó để giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.5.27. Đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh những vụ việc có tính chất phức tạp

(Điều 27 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

Đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo phức tạp, gay gắt với sự tham gia của nhiều người; những vụ việc có liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo thì người xử lý đơn phải báo cáo với thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị để áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền kịp thời xử lý hoặc đề nghị với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan áp dụng biện pháp xử lý.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.28. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầuĐiều 18.1.LQ.36. Thụ lý giải quyết khiếu nại lần haiĐiều 18.1.LQ.37. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần haiĐiều 18.1.LQ.50. Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nạiĐiều 21. Thời hạn giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.TT.7.26. Đơn kiến nghị, phản ánh

(Điều 26 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Vụ, đơn vị thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng vụ, đơn vị thụ lý giải quyết theo quy định. Đề xuất thực hiện theo Mẫu số 11-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Vụ, đơn vị thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng vụ, đơn vị hướng dẫn hoặc chuyển đơn kèm theo tài liệu (nếu có) đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết. Hướng dẫn thực hiện theo Mẫu số 13-XLĐ, chuyển đơn theo Mẫu số 10-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Mau so 10 - XLD. chuyen don khieu nai

Mau so 11 - XLD. Phieu de xuat.docx

Mau so 13 - XLD. Tra lai don

Điều 18.4.TT.7.27. Đơn có nhiều nội dung khác nhau

(Điều 27 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

Đối với đơn có nhiều nội dung khác nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức thì người xử lý đơn hướng dẫn người gửi đơn viết tách riêng từng nội dung để gửi đến cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Việc hướng dẫn được thực hiện theo Mẫu số 15-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Mau so 15 - XLD. Huong dan don co nhieu noi dung khac nhau thuoc nhieu co quan co tham quyen giai quyet.docx

Điều 18.4.TT.7.28. Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban

(Điều 28 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

1. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án thì người xử lý đơn trình Thủ trưởng vụ, đơn vị hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng, thi hành án và các quy định khác. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước quản lý ngành, lĩnh vực thì hướng dẫn công dân hoặc chuyển đơn đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Hướng dẫn thực hiện theo Mẫu số 13-XLĐ, chuyển đơn theo Mẫu số 10-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo nào thì hướng dẫn trực tiếp người gửi đơn đến tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và Điều lệ, Quy chế của tổ chức đó.

 

Mau so 10 - XLD. chuyen don khieu nai

Mau so 13 - XLD. Tra lai don

Điều 18.4.TT.9.11. Phân loại đơn

(Điều 11 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Phân loại đơn theo từng tiêu chí quy định tại Điều 6 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014, ngoài ra bổ sung loại đơn hỏi chính sách.

2. Phân loại đơn theo lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Người có công;

b) Lao động, tiền lương;

c) Việc làm và bảo hiểm thất nghiệp;

d) An toàn lao động;

e) Quản lý lao động ngoài nước;

g) Giáo dục nghề nghiệp;

h) Bảo hiểm xã hội;

i) Bảo trợ xã hội;

k) Bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

l) Phòng, chống tệ nạn xã hội;

m) Bình đẳng giới;

n) Nội dung khác.

 

Điều 18.4.TT.9.12. Xác định thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại

(Điều 12 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

Căn cứ các văn bản quy định về từng lĩnh vực lao động, người có công và xã hội để xác định thẩm quyền giải quyết:

1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng áp dụng theo Luật Khiếu nại và Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo (sau đây viết là Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014);

2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực người có công với cách mạng áp dụng theo Luật Khiếu nại và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội áp dụng theo Luật Khiếu nại và Luật Bảo hiểm xã hội;

4. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội áp dụng theo Luật Khiếu nại và các quy định liên quan;

Đối với đơn khiếu nại không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải căn cứ các quy định của pháp luật để xác định thẩm quyền giải quyết.

 

Điều 18.4.TT.9.13. Xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết

(Điều 13 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại, người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan thụ lý để giải quyết theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.

2. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ điều kiện thụ lý, người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan trả lời cho người khiếu nại biết rõ lý do không được thụ lý theo Mẫu số 02-KN ban hành kèm theo Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.

 

Điều 18.4.TT.9.14. Xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết

(Điều 14 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết, người xử lý đơn dự thảo văn bản trình Thủ trưởng cơ quan trả lại đơn và hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn khiếu nại đến cơ quan, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại. Việc hướng dẫn chỉ thực hiện một lần theo Mẫu số 03-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014.

2. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn theo quy định của Luật Khiếu nại mà chưa được giải quyết, người xử lý đơn đề xuất với Thủ trưởng cơ quan xem xét giải quyết hoặc ra văn bản yêu cầu cấp dưới giải quyết vụ việc khiếu nại đó.

3. Đối với đơn khiếu nại do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí hoặc các cơ quan khác nhận được và chuyển đến nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan gửi trả lại đơn kèm theo các giấy tờ, tài liệu (nếu có) và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không thụ lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đơn đến. Việc trả lại đơn thực hiện theo Mẫu số 04-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014.

 

Điều 18.4.TT.9.15. Xử lý đơn khiếu nại có kèm theo giấy tờ, tài liệu gốc

(Điều 15 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Trường hợp người khiếu nại cung cấp tài liệu gốc tại nơi tiếp công dân, người tiếp công dân trả lại cho người khiếu nại sau khi đối chiếu với bản sao hoặc bản chụp.

2. Trường hợp đơn khiếu nại gửi qua đường bưu điện có kèm theo tài liệu gốc, nếu không được thụ lý để giải quyết thì cơ quan nhận được đơn sau khi xử lý xong đơn phải trả lại người khiếu nại (yêu cầu gửi bảo đảm để tránh thất lạc của công dân).

3. Trường hợp đơn khiếu nại gửi qua đường bưu điện có kèm theo tài liệu gốc, nếu được thụ lý giải quyết thì việc trả lại giấy tờ, tài liệu gốc được thực hiện ngay sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

 

Điều 18.4.TT.9.16. Phân loại đơn tố cáo

(Điều 16 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

Đơn tố cáo được phân thành hai loại:

1. Đơn tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

2. Đơn tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Điều 18.4.TT.9.17. Xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ

(Điều 17 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. Tùy từng nội dung đơn tố cáo, Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ hoặc đơn vị thuộc Bộ tham mưu thụ lý, giải quyết.

2. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ có thẩm quyền thụ lý giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp theo phân cấp của Bộ.

3. Giám đốc Sở có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

4. Thủ trưởng đơn vị thuộc Sở có thẩm quyền thụ lý giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp theo phân cấp.

 

Điều 18.4.TT.9.18. Xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

(Điều 18 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014.

2. Đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội mà không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, thẩm quyền giải quyết được xác định theo quy định tại Điều 31 Luật Tố cáo.

 

Điều 18.4.TT.9.19. Xử lý đơn tố cáo

(Điều 19 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Đối với đơn tố cáo thuộc thẩm quyền và không thuộc một trong các trường hợp không thụ lý, người xử lý đơn lập phiếu đề xuất thụ lý trình lãnh đạo phụ trách giao đơn vị chức năng giải quyết. Đơn vị tiếp nhận đơn tố cáo tham mưu người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thực hiện đúng quy định tại Thông tư 06/2013/TT-TTCP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết tố cáo.

2. Đối với đơn thuộc thẩm quyền nhưng thuộc trường hợp không thụ lý theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Tố cáo, cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo theo Mẫu số 02-TC ban hành kèm theo Thông tư 06/2013/TT-TTCP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết tố cáo.

3. Đối với đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền, đơn vị tiếp nhận đơn làm phiếu chuyển đơn theo Mẫu số 05-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của Luật Tố cáo.

 

Điều 18.4.TT.9.20. Xử lý đơn tố cáo tiếp

(Điều 20 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

Giám đốc Sở giải quyết tố cáo đã được Chánh Thanh tra Sở, Thủ trưởng đơn vị thuộc Sở giải quyết nhưng không đúng pháp luật hoặc yêu cầu Chánh Thanh tra Sở, Thủ trưởng đơn vị thuộc Sở giải quyết đối với trường hợp quá thời hạn theo quy định mà không giải quyết.

Bộ trưởng giải quyết tố cáo đã được Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ giải quyết nhưng không đúng pháp luật hoặc yêu cầu Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ giải quyết đối với trường hợp quá thời hạn theo quy định mà không giải quyết.

Việc tiếp nhận, xử lý tố cáo tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 06/2013/TT-TTCP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết tố cáo.

 

Điều 18.4.TT.9.21. Xử lý phản ánh, kiến nghị

(Điều 21 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Đơn phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Đơn phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định việc chuyển đơn và các tài liệu kèm theo (nếu có) đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đơn phản ánh, kiến nghị được thực hiện bằng Mẫu số 06-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014.

 

Điều 18.4.TT.9.22. Xử lý đơn, thư hỏi chính sách

(Điều 22 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Đơn, thư hỏi chính sách có nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì chuyển đơn đến đơn vị chức năng theo dõi lĩnh vực đó trả lời, tại Bộ chuyển các Cục, Vụ chức năng, tại Sở chuyển cho các phòng chuyên môn trả lời.

2. Đơn, thư hỏi chính sách có nội dung không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có chức năng quản lý về lĩnh vực đó trả lời.

 

Điều 18.4.LQ.27. Trách nhiệm thông báo cho Ban tiếp công dân, người tiếp công dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được chuyển đến

(Điều 27 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Khi nhận được nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do bộ phận tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình chuyển đến, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xem xét, xử lý hoặc phân công bộ phận chuyên môn xem xét, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho người tiếp công dân để thông báo lại cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận được khiếu nại, tố cáo do cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban tiếp công dân chuyển đến có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả cho cơ quan, người đã chuyển đơn biết trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày vụ việc được giải quyết; trường hợp vụ việc đã được giải quyết trước đó thì thông báo ngay cho cơ quan, người đã chuyển đơn biết.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.28. Thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánhĐiều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Điều 18.4.LQ.28. Thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 28 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây:

a) Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết;

b) Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo;

c) Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý;

d) Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban tiếp công dân có trách nhiệm thông báo cho người khiếu nại, tố cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trường hợp người đó đã có yêu cầu trước đó.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.LQ.27. Trách nhiệm thông báo cho Ban tiếp công dân, người tiếp công dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được chuyển đếnĐiều 18.5.TT.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân của Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT Quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2013)

Chương VII

TRÁCH NHIỆM TIẾP VÀ XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP NHIỀU NGƯỜI CÙNG KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH VỀ MỘT NỘI DUNG

Điều 18.4.LQ.29. Cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung

(Điều 29 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

Khi nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân yêu cầu những người này phải cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân (sau đây gọi chung là người đại diện). Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trường hợp có từ năm đến mười người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên mười người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá năm người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.8. Hình thức khiếu nạiĐiều 18.4.TT.3.7. Quy trình tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.6.12. Tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 12 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Khi có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại địa điểm tiếp công dân thì cán bộ tiếp công dân yêu cầu những người này cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với cán bộ tiếp công dân (sau đây gọi chung là người đại diện). Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trường hợp có từ 05 đến 10 người thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.

2. Trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các nội dung khác nhau thì cán bộ tiếp công dân tiếp từng người theo từng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

3. Nếu nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn riêng để thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.LQ.30. Tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân

(Điều 30 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Trưởng Ban tiếp công dân nơi có nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tập trung có trách nhiệm trực tiếp tiếp hoặc cử người đại diện cho mình tiếp đại diện của những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh để lắng nghe người đại diện trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các thông tin, tài liệu do họ cung cấp.

Trường hợp những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện viết thành văn bản hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc do người đại diện trình bày, đọc lại cho họ nghe và yêu cầu ký hoặc điểm chỉ để xác nhận.

Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân tiếp nhận, xem xét thụ lý để giải quyết và thông báo cho đại diện của những người khiếu nại, tố cáo về kết quả xử lý theo quy định của pháp luật; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì chuyển đơn hoặc hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

2. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, có nhiều nội dung, thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, đã qua nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, giải quyết hoặc vụ việc có rất nhiều người tham gia, diễn biến phức tạp thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc Trưởng Ban tiếp công dân có trách nhiệm:

a) Chủ trì hoặc phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hoặc đại diện Ủy ban nhân dân địa phương nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu; cử người có trách nhiệm tham gia tiếp người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Trường hợp những người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có hành vi kích động, gây rối trật tự hoặc đe dọa đối với người tiếp công dân, người thi hành công vụ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc Trưởng Ban tiếp công dân, người phụ trách địa điểm tiếp công dân phải kịp thời tăng cường người tiếp công dân; yêu cầu cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.8. Hình thức khiếu nạiĐiều 18.4.TT.3.7. Quy trình tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.6.13. Tiếp, xử lý trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp

(Điều 13 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, gây mất an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân thì cán bộ tiếp công dân phải nhanh chóng nắm bắt tình hình, nội dung cơ bản vụ việc, các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan và những yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để đề nghị Công an đơn vị, địa phương (nơi đặt địa điểm tiếp công dân) phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự.

2. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp đã qua nhiều lần, nhiều cấp giải quyết nhưng công dân vẫn không đồng ý thì cán bộ tiếp công dân báo cáo thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để đề nghị Công an đơn vị, địa phương (nơi có thẩm quyền giải quyết trước đó hoặc nơi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) cử cán bộ đến phối hợp tiếp hoặc vận động, thuyết phục để công dân về đơn vị, địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.LQ.31. Trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 31 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Khi nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của Trưởng Ban tiếp công dân, người phụ trách địa điểm tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan có trách nhiệm:

a) Cử người có trách nhiệm hoặc trực tiếp tiếp người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo yêu cầu của người có thẩm quyền;

c) Giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền hoặc chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật;

d) Chủ trì vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương.

2. Thủ trưởng cơ quan công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Ban tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng tại nơi có nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; xử lý người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.8. Hình thức khiếu nạiĐiều 6. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo của Nghị định 91/2013/NĐ-CP Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân ban hành ngày 12/08/2013Điều 18.4.TT.3.7. Quy trình tiếp công dân)

Điều 18.4.TT.6.14. Trách nhiệm của thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong việc phối hợp xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 14 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

Khi nhận được đề nghị của thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương có thẩm quyền tiếp công dân thì thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương được đề nghị có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

 

Điều 18.4.LQ.32. Trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh

(Điều 32 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan công an, cơ quan thanh tra các cấp và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương khi được yêu cầu.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.8. Hình thức khiếu nại)

Chương VIII

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG TIẾP CÔNG DÂN

Điều 18.4.LQ.33. Điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân

(Điều 33 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Nhà nước có chính sách, bảo đảm kinh phí đối với hoạt động tiếp công dân, áp dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật khác để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân phục vụ công tác tiếp công dân.

2. Chính phủ quy định chi tiết về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

 

Điều 18.4.NĐ.1.18. Điều kiện bảo đảm đối với công tác tiếp công dân

(Điều 18 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, có trách nhiệm làm công tác tiếp công dân theo yêu cầu thực tế; bố trí trụ sở, địa điểm thuận lợi để tiếp công dân, bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ công tác tiếp công dân; thực hiện đúng chính sách, chế độ đãi ngộ đối với người tiếp công dân.

2. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để kết nối trên phạm vi cả nước.

Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cơ quan, địa phương để kết nối với cơ sở dữ liệu của Thanh tra Chính phủ.

4. Bộ Công an, công an các cấp có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân các cấp.

 

Điều 18.4.QĐ.1.6. Tổ chức thực hiện

(Điều 6 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

1. Bộ Tài chính phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý kinh phí được giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thẩm định, phân bổ kinh phí hàng năm và giao cho Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp thực hiện nhiệm vụ tham gia tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

3. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 4 của Quyết định này.

4. Căn cứ Quy chế phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các Bộ, ngành liên quan, Hội Nông dân các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng Chương trình phối hợp của từng địa phương.

5. Trong quá trình thực hiện, Thanh tra Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.1.LQ.65. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nạiĐiều 43. Trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011Điều 18.4.QĐ.1.4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp)

Điều 18.4.TT.1.3. Mức bồi dưỡng

(Điều 3 Thông tư số 41/2012/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/06/2012)

 

1. Mức 100.000 đồng/ngày/người, áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Thông tư này mà chưa hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra hoặc chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra Đảng trong quân đội hoặc chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm toán viên và cán bộ Pháp chế chuyên trách trong quân đội (Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 137/2008/TT-BQP ngày 11 tháng 11 năm 2008 và Thông tư số 54/2009/TT-BQP ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ Quốc phòng) khi trực tiếp tham gia công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

2. Mức 80.000 đồng/người/ngày, áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Thông tư này mà đang được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra hoặc chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra Đảng trong quân đội hoặc chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm toán viên và cán bộ Pháp chế chuyên trách trong Quân đội (Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 137/2008/TT-BQP ngày 11 tháng 11 năm 2008 và Thông tư số 54/2009/TT-BQP ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ Quốc phòng) khi trực tiếp tham gia công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

3. Mức 50.000 đồng/người/ngày, áp dụng đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư này khi trực tiếp tham gia phối hợp làm nhiệm vụ tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

4. Mức 50.000 đồng/người/ngày, áp dụng đối với đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư này khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn thư.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.TT.1.2. Đối tượng áp dụng)

Điều 18.4.TT.1.4. Nguyên tắc chi trả

(Điều 4 Thông tư số 41/2012/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/06/2012)

 

1. Chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này được tính theo ngày thực tế trực tiếp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

Trường hợp, làm việc từ 4 giờ trong ngày trở lên thì được hưởng toàn bộ mức chi bồi dưỡng của ngày làm việc quy định tại Thông tư này; làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính hưởng 1/2 mức chi bồi dưỡng.

2. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 2 Thông tư này thuộc biên chế trả lương của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm chi trả.

3. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Thông tư này do cơ quan mời, triệu tập chi trả.

4. Khoản tiền bồi dưỡng được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

 

Điều 18.4.TT.1.5. Nguồn kinh phí

(Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/06/2012)

 

1. Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khối dự toán

Kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng cho các đối tượng quy định tại Điều 3 Thông tư này được bố trí trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị và được hạch toán vào Mục 6100, Tiểu mục 6149, Tiết mục 00, ngành 00 - “Khác”, trong hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước áp dụng trong quân đội.

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính và các doanh nghiệp được áp dụng chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này để thực hiện, nhưng phải tự bảo đảm nguồn kinh phí.

 

Điều 18.4.TT.3.21. Điều kiện bảo đảm đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 21 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo có trách nhiệm giao nhiệm vụ bằng văn bản cho đầu mối làm nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư; giao nhiệm vụ bằng văn bản cho cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo làm công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin và cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

Điều 18.4.TT.8.2. Nguồn kinh phí

(Điều 2 Thông tư số 151/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015)

 

Kinh phí bảo đảm hoạt động thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg do ngân sách nhà nước bảo đảm; huy động từ các nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.8.3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg

(Điều 3 Thông tư số 151/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015)

 

1. Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg phải được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, quản lý chi tiêu theo đúng chế độ hiện hành và theo các quy định tại Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.8.4. Nội dung chi

(Điều 4 Thông tư số 151/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015)

 

1. Chi biên soạn, biên dịch, in ấn, phát hành tài liệu, thù lao báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho nông dân, gồm:

a) Chi biên soạn nội dung tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân dưới dạng tình huống giải đáp pháp luật; chi xây dựng chương trình, chuyên mục, biên soạn tin, bài phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin lưu động;

b) Chi in ấn và phát hành các tài liệu hướng dẫn đã biên soạn; chi phí đăng tải thông tin, nội dung tuyên truyền trên báo, tạp chí, tập san, chuyên san, website, trang tin điện tử, phát thanh, truyền hình, truyền thanh cơ sở; chi mua hoặc thuê trang thiết bị phục vụ việc phát thanh; chi tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu và các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác; chi biên dịch tài liệu pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số;

c) Chi thù lao cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân; thi hòa giải viên giỏi, hình thức gồm: Thi viết, thi sân khấu hóa, thi qua mạng internet, thi trên sóng phát thanh, truyền hình; chi giao lưu, sinh hoạt văn hóa có lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

3. Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ chuyên trách công tác Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

4. Chi tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề, hội nghị tập huấn cho cán bộ Hội không chuyên trách ở cơ sở, cộng tác viên, tuyên truyền viên Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, hội nghị tổng kết, sơ kết, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Chi cho công tác hòa giải tại cơ sở:

a) Chi thù lao cho hòa giải viên;

b) Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ công tác hòa giải.

6. Chi cho các cơ quan, đơn vị thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, nông dân được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 77/2008/NĐ- CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật và các văn bản hướng dẫn.

7. Chi cho công tác tiếp cán bộ, hội viên nông dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; chi tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân để tư vấn, giải thích pháp luật, tháo gỡ vướng mắc của nông dân:

a) Chi bồi dưỡng người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nông dân; chi thù lao cán bộ thực hiện đối thoại;

b) Chi tiền nước uống tổ chức đối thoại;

c) Chi công tác phí (nếu có) cho cán bộ, công chức tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; đối thoại với nông dân.

8. Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát trong nước để thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý của nông dân.

9. Chi hoạt động Ban chỉ đạo các cấp, bao gồm:

a) Chi tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, các phiên họp định kỳ, đột xuất của Ban chỉ đạo;

b) Chi làm thêm giờ; văn phòng phẩm, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp các hoạt động của Ban chỉ đạo;

c) Chi các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra;

d) Chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 44.8.LQ.11. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật)

Điều 18.4.TT.8.5. Mức chi

(Điều 5 Thông tư số 151/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015)

 

1. Chi biên soạn, biên dịch, in ấn, phát hành tài liệu, thù lao báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho nông dân, gồm:

a) Chi xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục; in ấn các ấn phẩm, tài liệu; sản xuất, phát hành băng, đĩa để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chi thực hiện thông tin, truyền thông trên báo, tạp chí, đài truyền hình, tập san, bản tin, cổng thông tin điện tử thực hiện theo định mức, đơn giá của các ngành có công việc tương tự và theo chứng từ chi thực tế hợp pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm;

b) Chi biên dịch các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (bao gồm cả tiếng dân tộc thiểu số được hiểu là ngôn ngữ không phổ thông) thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước;

c) Chi biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới dạng tình huống giải đáp pháp luật thực hiện theo mức chi biên soạn một số tài liệu phổ biến pháp luật đặc thù tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

d) Chi biên soạn tin, bài phục vụ việc phát thanh; chi thù lao cho phát thanh viên tuyên truyền pháp luật cho nông dân trên hệ thống loa truyền thanh, phát thanh ở cơ sở thực hiện theo mức chi hỗ trợ hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật trên đài phát thanh xã, phường, thị trấn, loa truyền thanh cơ sở tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp;

đ) Chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện theo mức chi thù lao báo cáo viên, tuyên truyền viên, người được mời tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thù lao cộng tác viên, chuyên gia tham gia các hoạt động đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

2. Chi bồi dưỡng người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nông dân thực hiện theo quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 29/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Chi tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân:

a) Tiền nước uống: tối đa 10.000 đồng/người/ngày;

b) Thù lao cán bộ thực hiện đối thoại: 40.000 đồng/người/ngày.

4. Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ chuyên trách công tác Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ NSNN dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

5. Chi tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề, hội nghị tập huấn cho cán bộ Hội không chuyên trách ở cơ sở, cộng tác viên, tuyên truyền viên Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, hội nghị tổng kết, sơ kết, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Chi cho công tác hòa giải tại cơ sở, gồm: Thù lao cho hòa giải viên; chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ công tác hòa giải thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

7. Chi cho các cơ quan, đơn vị thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, nông dân được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 77/2008/NĐ- CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật và các văn bản hướng dẫn theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC- BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước.

8. Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

9. Chi khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc về phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân thực hiện theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

10. Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân; thi hòa giải viên giỏi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp.

11. Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định các cấp.

a) Chi hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết, hội thảo, tọa đàm của Ban chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính;

b) Chỉ văn phòng phẩm, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp Ban chỉ đạo (nếu có), theo chứng từ chi thực tế hợp pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm.

12. Chi tiền lương làm thêm giờ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

13. Chi công tác phí đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; nắm tình hình khiếu nại, tố cáo của nông dân, tổ chức đối thoại với nông dân thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính.

14. Chi mua, thuê trang thiết bị và một số khoản chi mua, thuê khác phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức các hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân, căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 44.8.LQ.11. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật)

Điều 18.4.TT.8.6. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí

(Điều 6 Thông tư số 151/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015)

 

Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan tại địa phương để triển khai thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

 

Điều 18.4.TT.9.3. Điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân

(Điều 3 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Địa điểm tiếp công dân

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Phòng tiếp công dân tại trụ sở số 02 phố Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

b) Cục, Tổng cục có trụ sở riêng ngoài Bộ có phòng tiếp công dân tại trụ sở cơ quan.

c) Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức có phòng tiếp công dân riêng tại trụ sở cơ quan.

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Phòng tiếp công dân tại trụ sở cơ quan.

2. Điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp công dân

a) Địa điểm tiếp công dân phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật và các điều kiện vật chất cần thiết để phục vụ công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách được dễ dàng, thuận lợi.

Địa điểm tiếp công dân được bố trí sạch sẽ, khang trang, có biển ghi “Phòng tiếp công dân”, niêm yết lịch và nội quy tiếp công dân.

b) Cơ sở vật chất tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thanh tra Bộ quản lý. Kinh phí mua sắm, sửa chữa được đảm bảo trong nguồn ngân sách nhà nước giao Thanh tra Bộ hàng năm.

c) Cơ sở vật chất tại địa điểm tiếp công dân của Cục, Tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ do Thủ trưởng đơn vị đảm bảo.

d) Cơ sở vật chất tại địa điểm tiếp công dân của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội do Giám đốc Sở quyết định.

3. Bố trí cán bộ tiếp công dân

a) Phòng tiếp công dân của Bộ và của Sở phải có cán bộ tiếp công dân thường xuyên và tổ chức để Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật.

b) Địa điểm tiếp công dân của Cục, Tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập được bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân theo yêu cầu thực tế.

c) Chính sách, chế độ đối với người tiếp công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Tiếp công dân và các Điều 19, 20, 21 và 22 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.

 

Điều 18.4.TT.10.20. Điều kiện bảo đảm đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 20 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo có trách nhiệm giao nhiệm vụ bằng văn bản cho đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư; giao nhiệm vụ bằng văn bản cho công chức, viên chức có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo làm công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

Điều 18.4.TT.12.3. Nguyên tắc áp dụng

(Điều 3 Thông tư số 320/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

1. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc theo quy định đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.

2. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc thực tế đối với các đối tượng khác quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.

Trường hợp các đối tượng này khi tham gia tiếp công dân xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân từ 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc trở lên thì được hưởng toàn bộ mức chi bồi dưỡng, nếu dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức chi bồi dưỡng quy định tại Thông tư này.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.TT.12.4. Mức chi

(Điều 4 Thông tư số 320/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

1. Các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 100.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/1 ngày/1 người.

Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương được bồi dưỡng 150.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/1 ngày/1 người.

2. Các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 50.000 đồng/1 ngày/1 người.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.TT.12.5. Nguồn kinh phí chi trả

(Điều 5 Thông tư số 320/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

1. Nguồn kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng đối với người làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, gồm:

a) Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành;

b) Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Các nguồn kinh phí khác (nếu có).

2. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP thuộc biên chế trả lương của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm chi trả.

3. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP do cơ quan có thẩm quyền mời, triệu tập phối hợp chi trả.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.TT.12.6. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí

(Điều 6 Thông tư số 320/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

Việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán số kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung đặc thù như sau:

1. Đối với các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được quy định tại Điều 20 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm quy định cụ thể (bằng văn bản) danh sách các đối tượng được giao làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân để làm căn cứ thực hiện chi trả.

2. Đối với các đối tượng khác:

Cơ quan, đơn vị được giao phụ trách công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm mở sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung và số ngày tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân; nội dung và số ngày xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Hàng tháng, lập bảng kê chi tiết số ngày thực tế các đối tượng được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân; những người chuyên trách làm công tác xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để làm căn cứ chi trả.

3. Khoản tiền bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thanh toán cùng tiền lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo của Luật 03/2011/QH13 Tố cáo ban hành ngày 11/11/2011)

Điều 18.4.TT.12.7. Tổ chức thực hiện

(Điều 7 Thông tư số 320/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

1. Mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, cơ quan Trung ương lập dự toán chi bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương quy định mức chi cụ thể để thực hiện chi tiêu cho phù hợp nhưng không vượt quá mức chi tối đa quy định tại Điều 4 Thông tư này trong phạm vi dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.

2. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nội dung, mức chi cụ thể cho phù hợp nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại Điều 4 Thông tư này. Trường hợp cần thiết do yêu cầu công việc, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cao hơn nhưng không vượt quá 20% mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Trường hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương chưa ban hành văn bản quy định mức chi cụ thể thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao phụ trách công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh quyết định mức chi bồi dưỡng nhưng không vượt quá mức chi tối đa được quy định tại Điều 4 Thông tư này, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao.

 

Điều 18.4.LQ.34. Tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người tiếp công dân

(Điều 34 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

1. Người tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình, bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

2. Người làm công tác tiếp công dân được hưởng chế độ bồi dưỡng tiếp công dân và các chế độ khác theo quy định của Chính phủ.

 

Điều 18.4.NĐ.1.19. Chính sách, chế độ đối với người tiếp công dân

(Điều 19 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Người tiếp công dân được hưởng các chế độ chính sách sau:

a) Chế độ bồi dưỡng theo quy định Nghị định này;

b) Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân.

Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân quyết định việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo hướng dẫn của Tổng thanh tra Chính phủ;

c) Người tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân được hưởng chế độ trang phục tiếp công dân.

Tổng thanh tra Chính phủ quy định kiểu dáng, định mức tiêu chuẩn trang phục đối với người tiếp công dân thường xuyên, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

2. Người được điều động, phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân hoặc làm nhiệm vụ phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định của Nghị định này.

 

Điều 18.4.TT.3.22. Chính sách, chế độ đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 22 Thông tư số 39/2014/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014)

 

1. Người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được hưởng các chế độ chính sách sau:

a) Chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật;

b) Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với người tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

3. Nguyên tắc áp dụng, mức chi bồi dưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.7.7. Chế độ, chính sách đối với người tiếp công dân

(Điều 7 Thông tư số 01/2015/TT-UBDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/09/2015)

 

Người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

 

Điều 18.4.TT.10.21. Chính sách, chế độ đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 21 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được hưởng các chế độ chính sách sau:

a) Chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật;

b) Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với người tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

3. Nguyên tắc áp dụng, mức chi bồi dưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách chế độ tiếp công dân nằm trong dự toán chi hoạt động của các cơ quan, đơn vị; các cơ quan, đơn vị thực hiện lập dự toán theo quy định của pháp luật.

 

Điều 18.4.TT.11.11. Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại nơi tiếp công dân

(Điều 11 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

Người làm công tác tiếp công dân, người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm việc tại nơi tiếp công dân được hưởng chế độ bồi dưỡng tiếp công dân và các chế độ khác theo quy định của Chính phủ.

 

Điều 18.4.TT.13.3. Về trang phục

(Điều 3 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

Trang phục quy định tại Thông tư này bao gồm: quần áo thu đông, áo măng tô, áo sơ mi dài tay, quần xuân hè, áo xuân hè ngắn tay, áo xuân hè dài tay, thắt lưng da, giầy da, dép quai hậu, bít tất, cà vạt, quần áo mưa, cặp tài liệu. Khuyến khích, ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu sản xuất trong nước để may sắm trang phục.

 

Điều 18.4.TT.13.4. Quy cách, màu sắc trang phục nam

(Điều 4 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

1. Áo măng tô

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải dạ

c) Kiểu dáng: kiểu cổ chữ K bẻ hai ve, thắt đai lưng, khóa kim loại, có một hàng cúc 3 chiếc màu đen, may cá vai và tay áo, phía trong bên ngực mỗi bên bổ một túi viền. Thân trước phía dưới may hai túi hộp có nắp, thân sau cầu vai rời, may chắp sống lưng, có xẻ sống. Cổ áo, nẹp áo được dựng bằng mex, lót toàn bộ áo. Chiều dài áo trên đầu gối.

2. Áo thu đông

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải Gucci, Casimer

c) Kiểu dáng: dáng áo Vest, kiểu cổ chữ K bẻ hai ve hai cúc cài. Thân trước có 01 túi bổ cơi bên ngực trái và 02 túi bổ cơi có nắp, nắp túi vuốt cạnh tròn, vạt tròn; thân sau may chắp sống lưng, có xẻ sống. Cổ áo được dựng bằng mex, lót toàn bộ áo, có ken vai.

3. Quần thu đông, quần xuân hè

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải Gucci, Casimer

c) Kiểu dáng: quần âu kiểu cạp rời, hai túi sườn chéo. Thân trước mỗi bên xếp một ly lật về phía dọc quần; thân sau có một túi hậu cài khuy nhựa. Cửa quần may khóa kéo bằng nhựa; cạp quần may 06 đỉa, đầu cạp có một móc và một cúc nhựa nằm trong; gấu quần hớt lên phía trước.

4. Áo sơ mi dài tay

a) Màu sắc: trắng

b) Chất liệu: vải Lon mỹ, Kate mỹ

c) Kiểu dáng: áo sơ mi cổ đức có cúc cài chân cổ. Thân trước ngực một hàng cúc nhựa 06 chiếc màu trắng, có một túi ốp ngực; thân sau cầu vai rời, mỗi bên xếp 01 ly. Tay dài có măng séc, cửa tay xếp 02 ly lật về phía thép tay, thép tay có cài cúc, gấu áo hớt đuôi tôm nhẹ.

5. Áo xuân hè ngắn tay

a) Màu sắc: trắng

b) Chất liệu: vải Lon mỹ, Kate mỹ

c) Kiểu dáng: áo sơ mi cổ đức, phối cổ màu xanh đen nhạt. Thân trước bên trái may 01 túi ốp, có viền lé hai bên vai màu xanh đen nhạt; ngực một hàng cúc nhựa 06 chiếc mầu xanh đen nhạt, nẹp cúc phối màu xanh đen nhạt. Thân sau cầu vai rời, mỗi bên xếp một ly. Tay ngắn, có cá tay áo cài cúc màu xanh đen nhạt, gấu áo hớt đuôi tôm nhẹ.

6. Áo xuân hè dài tay

a) Màu sắc: trắng

b) Chất liệu: vải Lon mỹ, Kate mỹ

b) Kiểu dáng: áo sơ mi cổ đức có cài cúc chân cổ, phối cổ màu xanh đen nhạt. Thân trước bên trái may 01 túi ốp, có viền lé hai bên vai màu xanh đen nhạt; ngực một hàng cúc nhựa 06 chiếc màu xanh đen nhạt, nẹp cúc phối màu xanh đen nhạt. Thân sau cầu vai rời, mỗi bên xếp một ly. Tay dài có măng séc, cửa tay xếp hai ly lật về phía thép tay, thép tay có cài cúc, gấu áo hớt đuôi tôm nhẹ.

7. Giầy da

a) Màu sắc: đen

b) Chất liệu: da bò Boxcal độ dày và độ bóng đồng đều. Da mặt đế loại da thuộc màu tự nhiên, da đanh, dẻo, không bị giòn gãy; đế bằng cao su nhựa tổng hợp (TPR) đúc định hình màu đen, gót làm bằng nhựa ABS.

c) Kiểu dáng: mũi giầy trơn; nẹp có 05 cặp lỗ để buộc dây trang trí, phần thân giầy đệm mút xốp tạo nên độ êm, mặt đế hoa văn chống trơn trượt.

8. Dép quai hậu

a) Màu sắc: đen

b) Chất liệu: da Nappa

c) Kiểu dáng: quai ngang, đế cao 3cm, có chốt cài

 

Điều 18.4.TT.13.5. Quy cách, màu sắc trang phục nữ

(Điều 5 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

1. Áo măng tô

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải dạ

c) Kiểu dáng: kiểu cổ chữ K bẻ hai ve, thắt đai lưng, khóa kim loại, có một hàng cúc 3 chiếc màu đen, may cá vai và tay áo. Thân trước bổ cúp, phía dưới may hai túi hộp có nắp; thân sau cầu vai rời, may chắp sống lưng, có xẻ sống. Cổ áo, nẹp áo được dựng bằng mex, lót toàn bộ áo. Chiều dài áo trên đầu gối.

2. Áo thu đông

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải Gucci, Casimer

c) Kiểu dáng: dáng áo Vest, kiểu cổ chữ K bẻ hai ve một cúc cài; thân trước bổ cúp, có 02 túi bổ cơi có nắp, nắp túi vuốt cạnh tròn, vạt tròn; thân sau may chắp sống lưng. Cổ áo được dựng bằng mex, lót toàn bộ áo, có ken vai.

3. Quần thu đông

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải Gucci, Casimer

c) Kiểu dáng: quần âu kiểu cạp rời, hai túi sườn chéo, thân trước mỗi bên triết một ly chìm về phía dọc quần; thân sau hai bên mỗi bên có túi bổ hai cơi giả. Cửa quần may khóa kéo bằng nhựa; đầu cạp có một móc và một cúc nhựa nằm trong.

4. Juýp

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải Gucci, Casimer

c) Kiểu dáng: kiểu juýp dáng ôm, may cạp rời, bản cạp vừa, thân sau sử dụng khóa giọt lệ và có xẻ sau.

5. Áo sơmi dài tay

a) Màu sắc: trắng

b) Chất liệu: vải Lon mỹ, Kate mỹ

b) Kiểu dáng: áo sơ mi cổ đức, thân trước ngực một hàng cúc nhựa 06 chiếc màu trắng, có triết ly eo thân. Tay dài có măng séc, cửa tay xếp 02 ly lật về phía thép tay (mỗi bên xếp 01 ly), gấu áo hớt đuôi tôm nhẹ.

6. Áo xuân hè ngắn tay

a) Màu sắc: trắng

b) Chất liệu: vải Lon mỹ, Kate mỹ

b) Kiểu dáng: áo sơ mi cổ đức, phối cổ màu xanh đen nhạt. Thân trước ngực một hàng cúc nhựa 06 chiếc màu xanh đen nhạt, triết ly eo thân, có viền lé hai bên vai màu xanh đen nhạt. Nẹp cúc phối màu xanh đen nhạt. Tay ngắn, tay áo bẻ gấp ngược xẻ chữ V, gấu áo hớt đuôi tôm nhẹ.

7. Áo xuân hè dài tay

a) Màu sắc: trắng

b) Chất liệu: vải Lon mỹ, Kate mỹ

b) Kiểu dáng: áo sơ mi cổ đức, phối cổ màu xanh đen nhạt. Thân trước ngực một hàng cúc nhựa 06 chiếc màu xanh đen nhạt, có viền lé hai bên vai màu xanh đen nhạt, triết ly eo thân. Nẹp cúc phối màu xanh đen nhạt. Tay dài có măng séc, cửa tay xếp 02 ly lật về phía thép tay (mỗi bên xếp 01 ly), gấu áo hớt đuôi tôm nhẹ.

8. Giầy da

a) Màu sắc: đen

b) Chất liệu: da bò Boxcal độ dày và độ bóng đồng đều. Da lót nhẵn một mặt, mềm, độ dày đồng đều; da mặt đế loại da thuộc màu tự nhiên, da đanh, dẻo, không bị giòn gãy, đế bằng cao su nhựa tổng hợp (TPR) đúc định hình màu đen, gót làm bằng nhựa ABS.

c) Kiểu dáng: mũi giầy trơn; nẹp có 04 cặp lỗ để buộc dây trang trí, phần thân giầy đệm mút xốp tạo nên độ êm, mặt đế hoa văn chống trơn trượt. Chiều cao gót đế 5 cm.

9. Dép quai hậu

a) Màu sắc: đen

b) Chất liệu: da Nappa; độ dày 1,2 mm đến 1,4 mm

c) Kiểu dáng: quai ngang; đế cao 5cm, có chốt cài

 

Điều 18.4.TT.13.6. Các trang phục khác được trang bị chung cho nam và nữ

(Điều 6 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

1. Quần áo mưa

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải Polyester tráng nhựa; độ dày: 0.2 mm.

c) Kiểu dáng: áo mưa kiểu chùm rộng rãi, mặt trước áo có chừa lớp nilon bóng kính, có lỗ thoát nước; mặt sau có lỗ thoát khí; tay áo mặt nilon bóng kính; cài khuy cúc cổ.

2. Cà vạt

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: vải Gucci, Casimer

c) Kiểu dáng: cà vạt có độ dài rộng vừa phải, kiểu thắt sẵn, có khóa kéo, có chốt hãm tự động.

3. Bít tất

a) Màu sắc: xanh đen

b) Chất liệu: sợi cotton tổng hợp (cotton 40%, Acrylic 23%, Spandex 37%)

c) Kiểu dáng: dệt kiểu rip và single; cổ tất nam lửng, cổ tất nữ thấp trên mắt cá chân.

4. Thắt lưng da

a) Chất liệu: da nhân tạo tổng hợp; khóa được chế tạo từ thép không gỉ.

b) Kiểu dáng: khóa bề mặt có ngôi sao dập nổi, cạnh khóa có in chìm chữ viết tắt tiếp dân (TD); khóa giây kiểu con lăn tăng giảm vô cấp

5. Cặp tài liệu

a) Màu sắc: đen

b) Chất liệu: da

c) Kiểu dáng: hình chữ nhật, có quai xách và dây đeo, có khóa kéo bằng đồng răng năm.

 

Điều 18.4.TT.13.7. Thời gian sử dụng trang phục tiếp công dân

(Điều 7 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

1. Trang phục xuân - hè: sử dụng từ ngày 16/4 đến ngày 15/10 hàng năm; trang phục thu - đông: sử dụng từ ngày 16/10 của năm trước đến ngày 15/4 của năm sau.

Căn cứ vào thời tiết thực tế tại từng địa phương, Trụ sở tiếp công dân thống nhất thời gian sử dụng trang phục xuân - hè, thu - đông có thể sớm hơn hoặc muộn hơn quy định trên.

2. Trang phục thu - đông chủ yếu áp dụng thường xuyên trong mùa thu và mùa đông đối với các cơ quan, đơn vị ở các tỉnh, thành phố miền Bắc và một số tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam có khí hậu giá lạnh.

 

Điều 18.4.TT.13.8. Tiêu chuẩn, niên hạn cấp phát trang phục

(Điều 8 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

STT

Tiêu chuẩn trang phục

Số lượng

Thời hạn sử dụng

1

Quần áo xuân hè

+ Từ Thừa Thiên Huế trở ra

+ Từ Đà Nẵng trở vào

 

01 bộ

02 bộ

 

1 năm (lần đầu cấp 2 bộ)

1 năm (lần đầu cấp 2 bộ)

2

Quần áo thu đông

+ Từ Thừa Thiên Huế trở ra

+ Từ Đà Nẵng trở vào

 

01 bộ

01 bộ

 

2 năm (lần đầu cấp 2 bộ)

4 năm (lần đầu cấp 1 bộ)

3

Áo măng tô

01 chiếc

4 năm

4

Áo sơ mi dài tay

01 chiếc

01 năm (lần đầu cấp 02 chiếc)

5

Thắt lưng da

01 chiếc

2 năm

6

Giày da

01 đôi

2 năm

7

Dép quai hậu

01 đôi

1 năm

8

Bít tất

02 đôi

1 năm

9

Cà vạt

02 chiếc

4 năm

10

Áo mưa

01 chiếc

1 năm

11

Cặp tài liệu

01 chiếc

2 năm

 

Điều 18.4.TT.13.9. Nguyên tắc cấp phát và sử dụng trang phục.

(Điều 9 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

1. Việc cấp phát, sử dụng trang phục phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng niên hạn theo qui định. Các cơ quan, đơn vị mở sổ sách theo dõi quản lý, cấp phát, sử dụng đến từng cán bộ, công chức bảo đảm chính xác.

2. Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân được cấp trang phục để sử dụng khi thi hành công vụ, có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản trang phục theo qui định.

Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát do nguyên nhân khách quan thì được cấp bổ sung. Trường hợp trang phục đã được cấp bị hư hỏng hoặc mất mát không do nguyên nhân khách quan thì cá nhân phải tự may sắm, đảm bảo yêu cầu trang phục theo qui định để sử dụng khi thi hành công vụ.

3. Đối với các tỉnh, thành phố phía Nam, tùy điều kiện cụ thể và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao để may sắm trang phục, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thể xem xét quyết định chuyển đổi trang phục áo măng tô thành quần áo xuân hè cho phù hợp với điều kiện thời tiết.

4. Đối với trường hợp cán bộ, công chức nghỉ hưu, nghỉ mất sức, chuyển công tác khác mà trang phục được cấp chưa hết niên hạn sử dụng thì không phải thu hồi; nếu đã hết niên hạn sử dụng mà chưa được cấp phát thì không được cấp phát tiếp.

5. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thể xem xét quyết định may sắm trang phục cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân hoặc cấp tiền cho từng cá nhân tự may sắm theo đúng qui định về tiêu chuẩn, hình thức, mầu sắc, kiểu dáng trang phục.

 

Điều 18.4.NĐ.1.20. Phạm vi áp dụng chế độ bồi dưỡng đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 20 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

Chế độ bồi dưỡng áp dụng đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các Trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân:

1. Trụ sở tiếp công dân trung ương; địa điểm tiếp công dân của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng cục và tổ chức tương đương; Cục; các tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; địa điểm tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh; cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

3. Trụ sở tiếp công dân cấp huyện; địa điểm tiếp công dân của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện.

4. Địa điểm tiếp công dân cấp xã.

5. Địa điểm tiếp công dân tại cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp công lập.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.NĐ.1.21. Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh)

Điều 18.4.NĐ.1.21. Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

(Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 20 Nghị định này được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

3. Cán bộ, công chức; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.4.NĐ.1.20. Phạm vi áp dụng chế độ bồi dưỡng đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh)

Điều 18.4.NĐ.1.22. Nguyên tắc áp dụng, mức chi bồi dưỡng

(Điều 22 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

1. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

2. Các đối tượng khác, chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức chi bồi dưỡng cho các đối tượng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán chế độ bồi dưỡng.

 

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18.4.LQ.35. Hiệu lực thi hành

(Điều 35 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.

Những quy định về tiếp công dân tại Chương V của Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11, Chương V của Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

 

Điều 18.4.NĐ.1.23. Hiệu lực thi hành

(Điều 23 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.

Những quy định về tiếp công dân tại Chương V của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại và Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

Điều 18.4.NĐ.1.24. Trách nhiệm thi hành

(Điều 24 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2014)

 

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Điều 18.4.QĐ.1.7. Hiệu lực thi hành

(Điều 7 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2015.

 

Điều 18.4.QĐ.1.8. Trách nhiệm thi hành

(Điều 8 Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015)

 

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Điều 18.4.TT.1.6. Hiệu lực thi hành

(Điều 6 Thông tư số 41/2012/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/06/2012)

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ Thông tư số 04/2009/TT-BQP ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư trong quân đội.

3. Các quy đinh tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2012.

Riêng năm 2012 các cơ quan, đơn vị sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao và nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.1.7. Tổ chức thực hiện

(Điều 7 Thông tư số 41/2012/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/06/2012)

 

1. Cơ quan đơn vị được giao phụ trách tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung và số ngày tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân; nội dung và số ngày xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Hàng tháng lập bảng kê chi tiết số ngày thực tế trực tiếp tham gia của từng đối tượng (Phụ lục kèm theo), trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt để làm căn cứ thực hiện chi trả.

2. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính) để xem xét, giải quyết.

 

Phu luc_Bang ke thanh toan tien boi duong tiep cong dan dinh kem theo.doc

Điều 18.4.TT.4.34. Hiệu lực thi hành

(Điều 34 Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2014, thay thế Thông tư số 07/2011/TT-TTCP ngày 28 tháng 7 năm 2011 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn Quy trình tiếp công dân;

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Thanh tra Chính phủ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Điều 18.4.TT.5.31. Trách nhiệm thi hành

(Điều 31 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ quy định tại Thông tư này quy định việc xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Điều 18.4.TT.5.32. Hiệu lực thi hành

(Điều 32 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014)

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2014, thay thế Thông tư số 04/2010/TT-TTCP ngày 26 tháng 8 năm 2010 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Thanh tra Chính phủ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Điều 18.4.TT.6.16. Hiệu lực thi hành

(Điều 16 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 8 năm 2015 và thay thế Thông tư số 50/2011/TT-BCA ngày 11 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân.

 

Điều 18.4.TT.6.17. Trách nhiệm thi hành

(Điều 17 Thông tư số 30/2015/TT-BCA, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2015)

 

1. Thanh tra Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý công tác tiếp công dân trong Công an nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm giúp thủ trưởng đơn vị quản lý công tác tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này thuộc phạm vi quản lý.

3. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Thanh tra Bộ) để kịp thời hướng dẫn.

 

Điều 18.4.TT.8.7. Tổ chức thực hiện

(Điều 7 Thông tư số 151/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015)

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2015 và thay thế Thông tư số 44/2008/TT-BTC ngày 30/5/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”.

2. Mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa theo các quy định hiện hành, căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tế từng địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể mức chi của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, nhưng không được vượt quá mức chi tối đa quy định tại Thông tư này để thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng theo các văn bản mới đó.

4. Khi triển khai áp dụng Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Điều 18.4.TT.9.25. Tổ chức thực hiện

(Điều 25 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở

a) Chánh Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn; phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức tiếp công dân; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc Thông tư này.

b) Chánh Thanh tra Sở giúp Giám đốc Sở quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn; phối hợp với các đơn vị, phòng chuyên môn thuộc Sở tổ chức tiếp công dân; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị, phòng chuyên môn thuộc Sở thực hiện nghiêm túc Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Văn phòng Sở

a) Chánh Văn phòng Bộ phối hợp với Thanh tra Bộ lập kế hoạch tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo Bộ. Truyền đạt, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quyết định, chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Trung ương đối với Lãnh đạo Bộ và của Lãnh đạo Bộ về tiếp công dân, xử lý đơn.

b) Chánh Văn phòng Sở phối hợp với Thanh tra Sở lập kế hoạch tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo Sở. Truyền đạt, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, phòng chuyên môn thuộc Sở thực hiện quyết định, chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên đối với Lãnh đạo Sở và của Lãnh đạo Sở về tiếp công dân, xử lý đơn.

3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, thuộc Sở trong phạm vi trách nhiệm của mình hàng tháng thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn do bộ phận xử lý đơn chuyển đến và đơn do đơn vị trực tiếp nhận đến Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở để theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ với Lãnh đạo Bộ, Sở và cơ quan cấp trên.

 

Điều 18.4.TT.9.26. Hiệu lực thi hành

(Điều 26 Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2016)

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2016.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu các văn bản pháp luật được dẫn chiếu có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì nội dung của Thông tư cũng được thay đổi tương ứng; nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Điều 18.4.TT.10.24. Hiệu lực thi hành

(Điều 24 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 3 năm 2016, thay thế Thông tư số 03/2010/TT-BTTTT ngày 14 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Điều 18.4.TT.10.25. Trách nhiệm thi hành

(Điều 25 Thông tư số 03/2016/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016)

 

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm b, điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 3 của Thông tư này quy định cụ thể về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo tại cơ quan, đơn vị mình và tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và quy định tại Thông tư này.

 

Điều 18.4.TT.11.13. Hiệu lực thi hành

(Điều 13 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 6 năm 2016, thay thế Thông tư số 769/1998/TT-QP ngày 18 tháng 3 năm 1998 của Bộ Quốc phòng về Quy định thực hiện Quy chế tổ chức tiếp công dân của Chính phủ trong Quân đội và Chương III Tiếp công dân của Thông tư số 218/2013/TT-BQP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong Quân đội.

 

Điều 18.4.TT.11.14. Trách nhiệm thi hành

(Điều 14 Thông tư số 59/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016)

 

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức quán triệt nội dung Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân; đồng thời, triển khai thực hiện việc tiếp công dân theo nội dung quy định tại Thông tư này.

2. Chánh Thanh tra các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy cấp mình về công tác tiếp công dân; có kế hoạch cụ thể về bố trí lực lượng, xây dựng trụ sở tiếp công dân từ nguồn vốn xây dựng cơ bản của cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên, đúng pháp luật, có hiệu quả thiết thực.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc các cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản về Bộ Quốc phòng (qua Thanh tra Bộ Quốc phòng) để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

 

Điều 18.4.TT.12.8. Hiệu lực thi hành

(Điều 8 Thông tư số 320/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2017)

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017 và áp dụng cho năm ngân sách 2017.

2. Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời hướng dẫn thực hiện.

 

Điều 18.4.TT.13.10. Hiệu lực thi hành

(Điều 10 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2017.

 

Điều 18.4.TT.13.11. Trách nhiệm thi hành

(Điều 11 Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017)

 

1. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí may sắm trang phục cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân được thực hiện theo qui định hiện hành của nhà nước. Nguồn kinh phí cấp trang phục do ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện theo phân cấp ngân sách. Việc bố trí kinh phí may sắm trang phục đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm chi trả.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có các vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phản ánh kịp thời về  Thanh tra Chính phủ để nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

 

Điều 18.4.LQ.36. Quy định chi tiết

(Điều 36 Luật số 42/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014)

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?