Thứ Năm, 21/11/2024

Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác Tư pháp - Hộ tịch cấp xã

Thứ Năm, 06/07/2023 Đã xem: 3565

Trong những năm qua, ngành Tư pháp và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch ngày càng khẳng định được vai trò tham mưu, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý theo quy định pháp luật, bảo đảm ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã cũng đã thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, đáp ứng được công việc được giao với khối lượng lớn và có tính chuyên sâu, trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến người dân ở cơ sở.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay thì công tác Tư pháp - Hộ tịch cấp xã hiện nay vẫn còn những hạn chế như:

  - Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch còn mỏng, có nơi chỉ có một công chức; trình độ ứng dụng CNTT chưa đồng đều; khả năng tiếp thu cái mới còn hạn chế nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, công chức Tư pháp - Hộ tịch cơ sở còn phải tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết các vụ việc về hòa giải tranh chấp đất đai, khiếu nại - tố cáo; Phối hợp với các ngành huyện như Thanh tra; Viện Kiểm sát; Chi cục thi hành án dân sự; Tòa án… thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến địa bàn quản lý Nhà nước ở địa phương, nên chiếm khá nhiều thời gian dẫn đến việc quá tải và làm ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết các đầu công việc chuyên môn nên chưa dành được nhiều thời gian nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn; một số công chức Tư pháp - Hộ tịch có kinh nghiệm, năng lực nhưng lại được điều động, bố trí, bổ nhiệm ở những vị trí công tác cao hơn hoặc công việc khác dẫn đến quá trình triển khai thực hiện công việc tư pháp, hộ tịch có nhiều khó khăn, lúng túng.

- Công tác khai thác và sử dụng Tủ sách pháp luật ở cấp xã hiệu quả chưa cao, nhiều tài liệu pháp luật chưa được bổ sung kịp thời. Đối với các Tủ sách pháp luật cấp xã, chủ yếu là phục vụ cho cán bộ, chưa mở rộng phục vụ đối tượng là nhân dân bởi thời gian phục vụ nằm trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, nhiều Tủ sách pháp luật cấp xã chưa sắp xếp khoa học nên tốn quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm tài liệu, chưa kể những tài liệu đã hết hiệu lực vẫn chưa được phân loại rõ ràng.

- Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch và chứng thực, hệ thống văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động này khá đầy đủ, rõ ràng từ Nghị định đến Thông tư. Tuy nhiên, còn có những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn quản lý ở cơ sở nên có khó khăn nhất định trong quá trính thực hiện. Tình trạng cấp các giấy tờ hộ tịch không đúng quy định, vi phạm pháp luật trong khi thực hiện (sai sót trong quá trình đăng ký do lỗi của người đăng ký và cơ quan đăng ký; hồ sơ thiếu chặt chẽ, lưu trữ không đầy đủ và thiếu khoa học…)

- Về công tác hòa giải, do trình độ, năng lực của đội ngũ hoà giải viên chưa đồng đều; phần lớn các hòa giải viên do kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên chưa đầu tư nghiên cứu chuyên sâu để xác minh, tìm hiểu vụ việc cần hòa giải. Các hòa giải viên chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm sống và uy tín của bản thân; thành viên Tổ hòa giải ở cơ sở tham gia với tư cách tự nguyện nên có tâm lý ngại va chạm, thiếu kiên trì trong việc động viên, giáo dục, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận.

Từ thực trạng nêu trên, trong năm 2021 ngành Tư pháp huyện Tri Tôn tập trung một số công việc như sau:

- Đề xuất cơ quan có thẩm quyền:

 Tạo điều kiện về cơ sở vật chất về hộ tịch, chứng thực, văn bản quy phạm pháp luật nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

 Thường xuyên tổ chức cập nhật, tập huấn về các lĩnh vực chuyên môn của công tác tư pháp như: Công tác xây dựng, ban hành văn bản, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, hộ tịch, xử lý vi phạm hành chính, trợ giúp pháp lý…

 Bổ sung các đầu sách pháp luật vào tủ sách pháp luật ở cơ sở để công chức Tư pháp - Hộ tịch vận dụng trong giải quyết công việc.

- UBND cấp xã rà soát, phân loại trình độ chuyên môn cán bộ công chức; có kế hoạch, quy hoạch nguồn công chức tư pháp – hộ tịch để sẵn sàng bổ sung khi công chức tư pháp – hộ tịch được điều động, chuyển vị trí công tác khác.

- UBND cấp xã không giao thêm các nhiệm vụ khác cho công chức Tư pháp - Hộ tịch, đảm bảo cho những công chức này hoạt động chuyên trách, cần bố trí đủ 2 biên chế cho công chức Tư pháp – Hộ tịch.

- Quan tâm thực hiện đúng và kịp thời các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, bố trí phòng làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, hệ thống mạng internet, phần mềm chuyên dụng… cho công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã nhằm động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch hoàn thành tốt nhiệm vụ./.

 

Thư viện ảnh
Xem thêm
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?