Chuyển đổi số trong ngành du lịch đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả cho các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp du lịch hoạt động điều hành, quảng bá trực tuyến.
Mở ra các không gian phát triển mới
Chuyển đổi số trong ngành du lịch có thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu. Mô hình gồm 3 khâu: thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm; chuyển các dữ liệu này thành các hiểu biết sâu sắc và chuyển các hiểu biết đó thành các hành động cụ thể.
Chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” để du lịch kết nối với các hệ sinh thái liên quan, như vận tải, lưu trú, thương mại,... từ đó mở ra các không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức mới theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Chuyển đổi số cũng thúc đẩy phát triển du lịch nhằm hướng tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh.
Các ứng dụng công nghệ giúp các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.
Du khách sử dụng Thẻ du lịch thông minh tại Di tích Văn Miếu Quốc - Tử Giám. (Ảnh: HT) |
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai các hoạt động chuyển đổi số như Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, hệ thống vé điện tử, thuyết minh đa phương tiện... Các nền tảng số ở tầm quốc gia này chính là cơ sở hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc.
Cùng với đó là nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber...
Tại các điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng Thành Thăng Long hiện nay đã áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách giúp nâng cao năng lực quản trị của đơn vị.
Trong tháng 7 này, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chính thức triển khai bán vé trực tuyến trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”. Hệ thống vé điện tử tại Khu Di tích được vận hành nhằm phục vụ đối tượng khách là người nước ngoài đến tham quan, qua đó tạo điều kiện nâng cao chất lượng công tác tiếp đón khách quốc tế văn minh hơn, thuận tiện hơn và quản lý hoạt động khoa học hơn.
Trước đó, từ tháng 9/2022, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng là một trong những đơn vị đi tiên phong trong triển khai chuyển đổi số, áp dụng hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”.
Trong vài năm gần đây, nhiều đơn vị đã có sự nhập cuộc tích cực trong chuyển đổi số để thu hút du khách. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đều có các triển lãm trực tuyến. Đặc biệt, công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ hấp dẫn khách tham quan mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao.
Song song với đó, việc ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch cũng được nhiều địa phương khác đẩy mạnh với nhiều thành công nổi bật như Thành phố Hồ Chí Minh với việc triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử…; Thành phố Đà Nẵng với hệ thống trang web, cổng thông tin du lịch đa ngôn ngữ, ứng dụng Danang FantasticCity, Chatbot - trợ lý ảo tương tác với du khách, ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”…; Quảng Bình rất thành công với dự án đưa hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic; ứng dụng Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport giúp du khách ứng dụng công nghệ để khám phá những địa điểm du lịch Huế nổi tiếng, mang lại những trải nghiệm mới lạ, độc đáo cho du khách.
Hướng tới hệ sinh thái du lịch thông minh
Doanh nghiệp du lịch hướng dẫn du khách tìm kiếm sản phẩm và thanh toán trực tuyến. (Ảnh: HT) |
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch đã góp phần mang lại cho các cơ quan chuyên môn, du khách, doanh nghiệp nhiều tiện ích. Khách hàng có thể lên các trang thông tin điện tử, ứng dụng trực tuyến tìm hiểu, chọn điểm đến, đặt vé máy bay, phòng lưu trú, thanh toán trực tuyến và đánh giá dịch vụ sau trải nghiệm… Cũng trên môi trường số, tại điểm đến, du khách thuận lợi hơn trong tìm hiểu, trải nghiệm qua hệ thống thống thuyết minh tự động hoặc quét mã QR code để có thông tin đầy đủ về điểm đến.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong du vẫn còn mang tính cục bộ nên chưa mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao, khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp. Chưa có kết nối dữ liệu trực tuyến dùng chung nên vẫn chưa đạt được mục tiêu quan trọng của du lịch thông minh là tạo được sự kết nối đồng bộ giữa các yếu tố trong hệ sinh thái du lịch, mang lại tiện ích cho du khách.
Nói về thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc chuyển đổi số của ngành Du lịch thiếu đồng bộ do thiếu hụt nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính còn hạn chế; phần khác là do tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo một số đơn vị chưa cao. Để việc chuyển đổi số trong du lịch đạt hiệu quả hơn, thời gian tới các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại với ngành du lịch và cần định hướng xây dựng, phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc.
Về phía các doanh nghiệp, cần phải có sự hợp lực từ các bên liên quan để tạo ra sự đồng bộ và thống nhất thì công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch mới có thể được đẩy nhanh và đảm bảo tính hiệu quả.
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch phải nhanh chóng cấu trúc lại hệ thống bán hàng bằng giải pháp phát triển nhiều hơn vào bộ sản phẩm dịch vụ, trong đó, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn, thanh toán sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi./.
nguồn: H.Thanh/dangcongsan
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?