Thứ nhất: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP.
Thứ hai: Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.
Thứ ba: Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, thời gian qua, thực hiện lộ trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ Web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi, dữ liệu xây dựng nông thôn mới và đang triển khai Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025…
Chuyển đổi số là giải pháp tích cực, có thể khắc phục những tồn tại về sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đang triển khai chương trình Nông nghiệp số, Kinh tế nông nghiệp và Nông dân số.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công không chỉ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.